Đại hội nhà văn lần 8 xong đã được một tuần mà dư âm vẫn còn nồng nàn trên các báo. Đơn vị nhà văn các cơ quan T.Ư được BTC “ưu ái” cho ngồi tít trên tầng 2 nóng ơi là nóng đi lại lên xuống cách rách ơi là cách rách. Có hai toalet ở hai bên hành lang thì toàn là của nam chị em bí cứ vào đại nên nhiều lúc chạm trán các anh rõ dở cười dở khóc...mà xuống tầng 1 vào chỗ của chị em thì lại cũng “ vấp’ phải các anh loay hoay ở trong đó thật chẳng hiểu ra thế nào. “Các nhà” nhà ta lơ mơ thật. Chả trách các chị quét dọn của học viện kêu trời cũng phải.
Ngồi tầng 2 nhìn xuống thấy bạn bè quen biết ngồi ở tầng 1 mà chả xuống thăm được chỉ ra hiệu như diễn viên kịch câm mỗi khi bạn tình cờ ngẩng lên.Còn không thì toàn nhìn thấy chỏm đầu các nhà văn nhấp nha nhấp nhô như sóng. Lần đầu được vào ngồi chỗm chệ trong hội trường( giảng đường chứ) của Học viện chính trị hành chính quốc gia mà thấy oách. Mỗi tội ghế ngồi ở hội trường to và cồng kềnh quá, lưng tựa bọc nhung đỏ cao quá khiến người ngồi trước che lấp người ngồi sau chả ai nhìn thầy gì ở phía trước mặt . Sân khấu trung tâm nơi có chủ tịch đoàn ngồi điều khiển đại hội thì xa vời vợi . Nhến mỏi cả cổ mà chả biết ai vào với ai thôi thì nghe tiếng đoán người vậy.
Còn một “ thiệt thòi” nữa là các nhà văn ở khối các CQTƯ kể cả nam và nữ dù có ăn mặc lịch sự đẹp đẽ đến đâu cũng chả ai biết. Suốt hai ngày ĐH chỉ toàn họ biết với nhau, giao lưu với nhau chả khác gì hôm ở ĐH cơ sở. Đến bữa cũng vậy, chị em díu vào nhau một mâm. Chào mời thăm hỏi thì cũng chỉ ngó được sang mâm bên cạnh là kịch. Đại hội đông quá, ồn ào quá bữa ăn rào rào giống y như hồi bao cấp vậy. May ra có lúc giải lao len lỏi trong dòng người vớ được bạn cũ tay bắt mặt mừng được dăm ba câu là hết giờ.
Đến khi bỏ phiếu bầu BCH mới thấy... buồn nữa. BTC người ta cũng “ quên” luôn tầng 2. Thấy ở tầng 1 mọi người đã gạch gạch xóa xóa nhoay nhoáy mà tầng 2 chưa thấy phát phiếu gì. Trời thì sắp tối đến nơi rồi . “ Các cụ” sốt ruột kêu oai oái. Trưởng đoàn Phan Trọng Thưởng thì còn bận ngồi Chủ tịch đoàn. Phó đoàn Nguyễn Thị Mai thì bận ở ban kiểm phiểu thế là chỉ còn mỗi phó đoàn mình phải chạy bổ xuống tâng 1 vào tận hậu trường lấy phiếu để” hầu hạ các cụ” để “các cụ” được thể hiện quyền của mình. Phát cho mọi người xong còn dư đên ba chục phiếu lại chạy xuống trả BTC. Một người không quen đứng ở cánh gà xồ ra nói tôi là BTC đây đưa phiếu cho tôi. Lưỡng lự mãi định không đưa vì trông ông này gian gian thế nào ấy. Nhưng ông ta cứ bám diết bảo trong hội trường còn nhiều người chưa có phiếu. Đưa rồi mình còn nháy Trần Thị Trường đi theo xem có đúng ông này đi phát cho mọi người không thì thấy ông ta phát thật nên hai chị em mới quay ra.
Có một điều buồn nhất ở ĐH- đó là khi thấy mọi người không chịu nghe nhau. Các nhà văn già trẻ gái trai từ khắp mọi miền đất nước từ thành phố đến nông thôn, từ miền núi đến vùng sâu vùng xa. Đến được với ĐH mất bao nhiêu là đường đất, là công sức là thời gian cốt được bày tỏ lòng mình, sự quan tâm của mình trước cuộc sống còn nhiều khó khăn, trước cánh đồng văn chương mênh mông không dễ cày xới...vậy mà chả ai buồn nghe ai, chả ai buồn tôn trọng ai . Ai cũng cho rằng điều đó là “khổ lắm, biết rồi, nói mãi”! Thế thì đến ĐH làm gì? Chỉ chăm chăm để bầu bán thôi ư? Chỉ vậy mà nhà nước phải chi đến mấy tỷ đồng thì thật là xa xỉ. ĐH xong rồi, mọi sự khép lại rồi mà những đợt vỗ tay liên tuc mời người tham luận xuống vẫn còn ám ảnh mãi những người tham dự . Thống kê cho thấy đến 90% người tham luận bị mời xuống- một con số kinh hoàng báo hiệu sự vô cảm, dửng dưng đối với những người muốn được chia sẻ thật là đáng sợ. Đành rằng có người nói chưa hay, chưa trúng nhưng chả nhẽ cả 90% nhà văn đều lẩm cẩm đến mức thế sao?
Vì thế, cả ĐH có mấy người từ chối tham luận ( trong đó có Phan Hồng Giang và N.T.Hồng Ngát đã được bạn bè người khen là “ thông minh” người chê là coi thường ĐH! Phải cảm ơn nhà văn Lê Quang Trang điều hành hôm đó đã “ sáng tác” hộ lý do là khan giọng!) Thật ra lý do chính là vì cả 2 đều ngồi ở tầng 2 khó chạy xuống chạy lên đã đành, 2 bài này cũng đã được VNnet post lên mạng đúng hôm ĐH rồi nên không muốn làm rườm tai người nghe nữa. Lý do đơn giản vậy chứ cũng không dám “coi thường” ĐH. Hơn nữa thấy mọi người bị ...“vỗ tay” nhiều quá nên cũng ...hãi!
Điều buồn nữa khi thấy mọi người cũng thiếu tôn trọng nhà thơ Bùi Minh Quốc quá. Tuy đã gần hết giờ làm việc buổi sáng nhưng sao moi người không nán lại một chút thôi nghe xem nhà thơ đọc gì trong bản tham luận của mình? Nếu ông đọc có chói tai gai óc một chút thì cũng có sao. Một mình Bùi Minh Quốc thì làm gì được nào?. Có gì phải ngại, phải sợ khi mà ai cũng có nhận thức đúng đắn của mình. Có thật là ta đã mệt đã đói và đã chán đến thế không? Lúc BMQuốc nói vo rất hay, rất xúc động nhưng khi bắt đầu xin đọc tham luận thì mọi người ồ lên sợ dài, sốt ruột. Tâm lý trưa rồi nghỉ thôi, đói rồi đi ăn thôi, mệt rồi đi thôi...đã làm nhà thơ cụt hứng.Thêm nữa thấy nhà văn mặc quân phục quân đội ngồi chủ tịch đoàn (sau mới biết là Khuất Quang Thụy) điều khiển mấy lần rung chuông ngắt lời và nói vào micro tuyên bố hết giờ khiến nhà thơ BMQ đứng như trời trồng ở trên bục. Thật ái ngại và thương ông thay!
Điều buồn thêm nữa là ta cần nhìn nhận công bằng hơn với trung tướng- nhà văn Hữu Ước . Ông đúng là bị ‘tai bay vạ gió”. Hữu Ước đến ĐH như bao nhà văn khác, vì là trưởng đoàn nhà văn công an nên đương nhiên phải ngồi chủ tịch đoàn như các trưởng đoàn nhà văn cơ sở khác (thông minh ra thì cũng chả thèm (chả nên) ngồi, nhường cho phó đoàn là nhà thơ Hồng Thanh Quang hoặc Đinh Quang Tốn ngồi thì tốt hơn, tránh được hòn tên mũi đạn hơn) nhưng vì nghĩ mình là nhà văn nên ông đã ngồi và rất nhiệt tình tham gia điều hành theo sự phân công của chủ tịch đoàn. Ngày ĐH nội bộ Hữu Ước cũng mặc thường phục như mọi người. Chỉ hôm khai mạc chính thức mới mặc lễ phục cho trang trọng (các nhà văn quân đội ngồi chủ tịch đoàn cũng mặc lễ phục thế)- thế là ông bị nhà thơ tài ba nhưng “đanh đá” Trần Mạnh Hảo “nóng mắt”. Các nhà văn vốn dĩ là những người nhạy cảm lại chỉ thích sự êm dịu ngọt ngào mềm mại , rất dị ứng với những sự nguyên tắc ắc ê cũng là điều dễ hiểu ( mặc dù thông thường hễ bị trấn lột hay cướp giật là réo gọi, là nhờ vả đến công an ngay còn khi bình thường thì tránh.). Đúng lúc đó chẳng hiểu sao micro lại hỏng ( nghi là có người nào đó đứng sau điều khiển)thế là dù Hữu Ước có ngồi im không làm gì thì cũng bị tức lây, bị hứng chịu lây. Còn chuyện văn chương là chuyện cả đời- chả ai năm tay từ sáng đến tối. Hôm nay viết chưa hay thì ngày mai sẽ hay, như của trời cho- ai dám chắc trời cho mình mãi mà không cho kẻ khác?
Tóm lại, chỉ 15 đồng chí trúng BCH là sướng. Hơn 700 người ( sự thực ở lại chỉ còn đọ 600) bầu một nhát trúng luôn. Nhiều bác cũng gặp may khi ĐH tự phủ quyết mình không đôn 12 người tiếp theo lên vì...mệt quá và đói quá. Trưa rồi đi ăn thôi. Chao ôi điệp khúc “ mệt quá, muộn quá, đói quá “này đã góp phần không nhỏ làm kết quả ĐH nhẽ ra còn thành công hơn nữa. Thật tiếc!
Đại Lải 12-8-2010