Năm năm một lần Đại hội, vấn đề nhân sự dường như chiếm khá nhiều thời gian trong Hội nghị và trong tâm trí nhiều nhà văn. Ai sẽ là chủ tịch Hội, những bạn văn mới vào ban chấp hành trẻ hóa được bao nhiêu? Đại hội toàn thể mà vắng đến 187 nhà văn? Sao vậy ?…
Tôi cũng có vấn đề nhân sự của riêng tôi. Với tôi, không chỉ 187 người vắng mặt mà nhiều hơn thế. Dễ nhớ nhất là nhà thơ Trần Lê Văn, lễ tang của ông trùng dịp Đại hội nhà văn VII, vì vậy có nhiều bạn văn ở xa chưa quen biết ông, cũng được cúi đầu vĩnh biệt trước linh cữu con người một đời nhiều mất mát, thụ hưởng chẳng bao nhiêu, gặp bạn văn thì giấu nỗi đau riêng, hài hước để làm vui cho bạn. Ông vẫn có mặt với tôi đấy chứ cả trong Đại hội lần này, tuy ông không được tính trong con số 187 nhà văn vắng mặt! Ông có mặt cả khi tôi mở trang mạng của nhà văn Phong Điệp đã lấy hai câu thơ ông làm tiêu đề: Có ai nghe thấy một tiếng vọng/ Thì thả con thuyền sang với tôi…Thật đúng với suy nghĩ của GSTS Đình Quang “người chết vẫn còn, là còn trong cõi nhớ của mọi người” (Tản văn). Tôi đã đến cái tuổi hay ngoái lại ngày qua, những mong ước ngây thơ thuở trẻ, thì thơ Trần Lê Văn lại vẳng đến, sáp gần tâm trạng của mình: Phận mây trôi nổi đã đành / Tỉnh ra núi cũng thấy mình phù vân.
Dễ nhớ thứ hai với tôi là ông anh Ngô Quân Miện, con người nhỏ thó, bạn thơ đồng hương, đồng phố thân gần của nhà thơ Quang Dũng. Sinh thời, hai ông hay đi với nhau nhấp nhô trên đường Bà Triệu như đôi đũa lệch, nhưng tôi biết tâm hồn hai ông không so le. Cùng với Trần Lê Văn, ba ông là một bộ ba “thế giới người hiền” ngay tại cõi dương gian thời ba ông còn sống. Ngô Quân Miện 40 năm làm báo Độc Lập, chẳng cần và chẳng mong thay đổi gì. Giải thưởng ư? In ấn ư ? Chẳng có gì phải khao khát, phải vội vã, cái gì có thể đến thì nó sẽ đến, quan tâm làm gì thời điểm đến. Tôi mệnh danh ông là người “ung dung sống nhẩn nha thơ”. Bài thơ hay nhất của ông cũng là quan niệm sống bất biến cả cuộc đời: Mây vừa qua, trăng đã thu/ Tận cùng xa thẳm của hư vô/ Cánh chim vội thế không hay biết/ Trái đất sau lưng đã trở mùa! Tôi đang ngấm dần thơ ông ở quan niệm sống lúc về chiều: Chiều êm ả ngấm như men rượu/ Tôi đang già chẳng vội già đi!
Nhà văn Băng Sơn người chậm vào Hội nhất, mấp mé tuổi 80 ông mới dự một lần Đại hội, lần này không thể đến Đại hội được bởi ông vào ra bệnh viện như cơm bữa. Cuối cùng là phải nằm tại nhà với chiếc máy trợ thở bất ly thân, di họa của bệnh phổi thời trẻ. Nhà văn viết rất nhiều, nếu không nói là chỉ viết về Hà Nội, đã ở trong tình trạng này ngay khi cả nước bước sang năm kỷ niệm thứ 1.000 Thăng Long - Hà Nội.
Ông nằm đó đúng vào thời điểm những đầu sách về Hà Nội của ông tái bản liên tục, những Thú ăn chơi của người Hà Nội, Ngừơi đã khói sương, Dòng sông Hà Nội…khi tác giả chẳng ăn được gì, chơi lại càng không, ngay khi còn khoẻ. Và đặc biệt với ngữ khí, ngữ điệu ưu thế từ thời viết kịch, đóng kịch trên sân khấu Hà Nội, ông được phỏng vấn ghi hình khá nhiều, lúc này những tiểu phẩm được mang ra phát lại cho phù hợp năm kỷ niệm. Ông sẽ sống cùng với những câu chuyện về lối sống Hà Nội, con người Hà Nội ngay cả khi sẽ giã từ thế giới này! Nhưng hôm nay thì ông không đủ sức ngồi lên nhìn lại hình ảnh chính mình và những hình ảnh tường thuật về Đại hội!
Người bạn thân nữa của tôi: Từ khi nhà thơ Quang Huy nghỉ hưu, bị tai biến não nhẹ, chúng tôi hay ghé thăm anh, bởi anh là người vui tính vui chuyện, lại biết lắm thông tin chưa được công bố. Hôm nay, hơn một lần bên hành lang Đại hội, chúng tôi hỏi nhau: “Cậu có thấy Quang Huy đâu không?” “Không, tớ cũng đang muốn tìm…” “À hôm qua mình thấy anh ấy dự cuộc họp đảng viên!” Vậy là…ngay trong mấy ngày Đại hội cũng đã có bạn văn không dự nổi đến ngày cuối! Tôi tìm một chỗ vắng sau hội trường, hồi hộp gọi điện thoại đến nhà riêng vấn an, vẫn giọng Quang Huy: “Ai đấy? Vân Long hả? Mỉnh vẫn khoẻ, đầu óc vẫn khoẻ, chi một bên đầu gối…tự nhiên không đứng dậy được! Vẫn theo dõi Đại hội rất kỹ, không sót sự việc nào…qua truyền hình và… trannhuong.com.”
Bệnh chung của thế hệ chúng tôi bắt đầu bằng bệnh…già. Khớp gối đã lỏng ra, xương đã loãng, nhớ đấy rồi quên! Người tôi thầm ghen về sức đi, sức viết lời bình hàng trăm bộ phim tài liệu năm nào là nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, người đồng tuế, nay phải nhờ vợ dìu đến Đại hội, vừa thoát khỏi cơn tai biến, đầu óc vẫn ngơ ngơ…Có một nhân sự Đại hội ở vùng ven như vậy cũng theo dõi chúng ta!
Hội viên ở Hà Nội được mời đến trụ sở Hội từ mùng 2/8 để lấy tài liệu, tài liệu chủ yếu là cuốn kỷ yếu Nhà văn hiện đại mới in, nặng 3 ký, đủ chân dung, nhân thân hơn 900 nhà văn. Lại lấy hộ một anh bạn cùng cơ quan, nên xách đến trĩu tay! Ôi! Chỉ riêng tên các nhà văn mà đã nặng thế này, vậy mà...
Vẫn chưa có tác phẩm xứng tầm thời đại. Điều này cả nhà văn và các nhà lãnh đạo đều nhất trí. Khiêm tốn chăng, hay một cách để khích tướng. Nhà văn thì tìm cách lý giải: Chưa có tác phẩm xứng tầm thời đại có thể còn do nhiều cách đo khác nhau, nên loạn chuẩn! Nhưng chớ tưởng cái thước mét đã cũ mà bỏ được nó. Cả loài người đã phải chấp nhận tính khoa học của nó so với kinh tuyến trái đất. Như tính chân thiện mỹ của một tác phẩm không bao giờ là cũ…
Điều nhà văn Trần Thanh Giao tham luận chắc không chỉ nói về văn, ở trong thơ dường như cũng vậy! Có những thước đo về hình thức bất kể đến giá trị nội dung!
Tôi ghi nhận được cái mới trong lời phát biểu của vị thường trực Ban bí thư Trương Tấn Sang: Các nhà văn không chỉ phản ánh hiện thực, mà còn góp phần tạo nên hiện thực, bằng lao động sáng tạo của mình xây dựng lên những hình tượng văn học tiêu biểu của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam....
Câu nói đã xác định tư thế bình đẳng của nhà văn trong xã hội với nhân dân mình. Như nhà nông làm ra hạt gạo, người thợ làm ra cỗ máy, nhà văn làm ra trang văn. Nhà văn không đứng trên mà dạy dỗ, không khiêm tốn giả tạo làm nô bộc phục vụ nhân dân.
“Tôi cùng đau khổ với nhân dân tôi “ Cách nói này lại nghe như ít nhiều ngạo mạn, như người thuộc đẳng cấp đứng ngoài, đứng trên nhân dân mà ngó xuống!..
Có một chủ tịch đoàn “tự phát” là hơn 700 nhà văn, hơn 700 trăm nhà biên tập sành sỏi đã tham gia điều khiển hội nghị. Diễn giả không có ý mới, lan man một chút, lạc đề một chút là tiếng vỗ tay nổi lên mời xuống, đến nỗi có diễn giả đang say sưa diễn đạt, nghe tiếng vỗ tay mà hoang mang, không rõ bạn bè hoan nghênh mình hay mời xuống?
Cũng có lúc do tâm lý đám đông, diễn giả bị “đòn oan” như GS Phong Lê, ông đang nói những lời gan ruột về sứ mệnh nhà văn trước thử thách mới của đất nước đã bị tiếng vỗ tay cắt ngang bài nói, khiến nhà văn Hoàng Minh Tường, người nhạy bén của một nhóm “tự phát”, đã phải kêu lên:
” Ô kìa, điều ta đang cần nghe, sao lại…vỗ tay?”
Thực ra, hiện tượng này cũng hay xẩy ra với đám thính giả đặc biệt tinh tế ấy (ở các đại hội nhà văn trước cũng vậy). Nhiều khi không do nội dung bài nói, mà chỉ do thái độ, cách diễn đạt hơi lên gân một chút, “tỏ vẻ” một chút là diễn giả bị “phạt góc” ngay. (Nhà văn Phong Lê không nằm trong trường hợp này).
Cũng vậy, nhà thơ Bùi Minh Quốc không quan tâm liều lượng điều mình nói về lòng yêu nước. Để từ mối cảm tình ban đầu (khi anh nhắc đến Chu Cẩm Phong, nhà văn liệt sĩ được phong anh hùng, cùng một số biểu hiện trước đây của anh có tác động đến những người còn vô cảm trước hiện tình đất nước…) người nghe dần chuyển sang khó chịu như anh đang dạy dỗ họ: thế nào là lòng yêu nước. Mà họ là những ai, nhiều người từng là bạn đồng ngũ của anh, có thể mất mát nhiều hơn anh trong chiến tranh, có thể đóng góp nhiều hơn anh cho đất nước. Họ học được những điều đó sâu sắc hơn với từng bước tiến lui trước kẻ địch mạnh… Giá như anh chỉ dừng lại ở văn bản tham luận! Đừng tự mình bị kích động!
Ban chấp hành lần này có một đội hình khá đẹp về thành phần.
Có được hai nhà lý luận phê bình, có những nhà văn nhà thơ tuổi trung niên đang sung sức trên văn đàn, có những cây bút tiêu biểu cho vùng miền…Nhưng việc xếp sắp tổ chức họ thành một khối đoàn kết trong công việc vẫn là sự mong mỏi chờ đợi của toàn thể các nhà văn.