Đại hội toàn thể Hội Nhà văn Việt Nam mới kết thúc được mấy ngày, còn chưa kip phai dấu, nhưng dư âm rất nhiều. Bạn đọc tức nhân dân, bạn văn tức là những cây bút, nghĩ gì về nó? Không ai hiểu hơn những người nằm trong nó, những người là thành viên của nó luôn, và cả những người phục vụ nó cơm bưng nước rót. Không chỉ riêng đại hội này, lần trước ngay tại hội trường Quốc Hội, các phục vụ viên đã nói: Chưa hề có thứ đại hội nào lộn xộn, vô văn hóa, ngang tàng, chầy cối hơn Đại Hội của các nhà văn diễn ra tại nhà Quốc Hội. Vì sao? Các ông kễnh coi trời bằng vung, uống bét nhè còn tè ra ngay tại hội trường. Đây có thể coi như sự xúc xiểm khó tin ư? Những ai phản đối xin chỉ cần nêu tên có đại hội nào vô văn hóa hơn Đại hội nhà văn?
Còn Đại hội nhà văn lần thứ VIII, diễn ra ở Học viện chính trị hành chính Quốc gia. Theo các báo cáo nóng của Trần Nhương.com, hay các mạng khác, thấy rằng hơn 90% các báo cáo bị vỗ tay đuổi xuống, các nhà văn, nhà thơ, ào ào như xôi, cướp micro, nhảy lên diễn đàn, cướp cả phiếu trắng để bầu, có người cầm đến cả tệp phiếu, như vậy ắt có tỉ lệ phiếu bầu gian lận… Nhìn cảnh hỗn độn, tranh giành, chửi bới nhau, lẫn cảnh đi đêm tranh giành phiếu, chúng ta buộc phải nói: Đại hội nhà văn là một đại hội tầm văn hóa quá thấp. Đây không phải là câu nhận xét mà là bằng cớ đàng hoàng. Người Trung Quốc gọi những kẻ thích gì làm nấy là tùy tiện, cũng là bọn hạ tiện, trong khi đó người quân tử phải biết kiểm soát bản thân mình, không thể thích gì làm nấy. Triết gia Hegel cũng quan niệm vậy, ông cho rằng: ngươì lớn khác trẻ con ở chỗ, người lớn buộc phải hành động theo bổn phận. Như vậy rõ ràng Đại hội Nhà văn, với những con người ở độ tuổi U60, U70, U80 , lại ồn ào hành xử như một cái chợ, không hề làm chủ và tiết chế bản thân, thì rõ ràng là một đám hạ tiện chưa thể trưởng thành. Đó mới là về hình thức. Còn nội dung? Hơn 90% bị vỗ tay mời xuống, đó toàn là những người ưu tú của hội, vậy mà trí tuệ của họ thiểu năng có vấn đề, không bao giờ có thể trình bày ra tấm ra món, có quan điểm, mà dây cà ra dây muống, nói bao vây trúng đâu thì trúng, rõ ràng đã phản ánh trí tuệ xuống cấp của họ. Tại sao lại có tình trạng bát nháo kẻ nói không có người nghe? Lý do là, sau rất nhiều đại hội, chỉ có một số kẻ được mời viết tham luận, “được ăn , được nói, được gói mang về”, ông lên kề dề kể chuyện quá khứ, khoe công, khoe văn, trình bày hoàn cảnh đòi xin xỏ, còn kẻ khác thì chỉ được quyền lắng nghe và vỗ tay, vì thế nên mới xảy ra tình trạng phản kháng “biết rồi , khổ lắm, nói mãi”, con người, trí tuệ ngươi chỉ có từng ấy, lên phát biểu chuyên nghiệp nào có gì mới, mà đã lên y rằng câu giờ, nói để không cho ai được nói nữa, “ông cóc cần”, thế thì “ông cũng cóc nghe”.
Vừa qua rộ lên, chúng ta bàn làm sao để có tác phẩm lớn xứng tầm thời đại? Nhân Đại hội HNV, là cơ hội đỉnh cao của một cao trào quần tụ lực lượng và tinh hoa, tôi xin bàn vào việc này. Chúng ta thử nghĩ chúng ta làm sao có tác phẩm lớn nếu chỉ dựa trên căn tính cố hữu nhỏ bé của mình. Nhà văn không thể thoát thai khỏi dân tộc. Như vậy nhà văn cũng không thể không kế thừa những căn tính của dân tộc. Dân tộc ta có những căn tính gì:
1-Miếng ăn to bằng cái đình: Người Trung Quốc có câu “dĩ thực vi thiên”, tức gạo là trời, nhân dân coi gạo là trời. Người Trung Quốc còn hiến con trai bị thiến cho nhà giầu và vua chúa, con gái thì bó chân để làm tì thiếp hay phi tần, vậy mà vẫn dập đầu lạy: Tạ ơn chủ nhân, con cháu nhà tôi được vào đây mặc áo ấm, cơm ăn no, thật biết ơn bội phần. Người Việt thì bảo “miếng ăn to bằng cái đình”. Cái đình của người Việt còn biểu tượng cho cả thần thánh nữa, như vậy miếng ăn to lắm, to hơn cả thần thánh, vì người cũng như “mẻ” , “mẻ không ăn thì chết”, cho nên học gì, làm gì, đều lấy miếng ăn làm trọng. Thử hỏi các nhà văn Việt có bao nhiêu người nghĩ đến lý tưởng , hay như nhân dân nói họ là hòa thượng “thích đủ thứ”, nào quyền, nào chức, nào danh, nào tiền? Tóm lại đa số chỉ viết để thỏa mãn giá áo túi cơm. Nào mời bạn nếu muốn phản bác, thì hãy nêu ra cây bút nào đó đã vượt qua giá áo túi cơm, nghĩ đến lý tưởng?
2- Học giỏi để làm quan: Người Trung Quốc có câu “Học nhi ưu tắc sĩ” tức học giỏi để làm quan. Cái chữ của con người là để tìm kiếm nhận thức và trí tuệ, nhưng với người Trung Quốc và người Việt, thì học mục đích để làm quan chứ không đặt trí tuệ nhân cách lên hàng đầu. Đó là cách học vỡ mật, học sôi kinh nấu sử, nhưng mấy ông nhà thơ Việt, công nông binh, đi chiến trường về làm được mấy vần thơ, liền được chế độ ưu tiên cho vào trại cấp cứu văn hóa trường viết văn Nguyễn Du, tráng men qua một tẹo, để mang tiếng không phải kẻ sáng tác bằng bản năng vô học. Nói chung còn lâu các ông mới đạt đến đẳng cấp “học để làm quan” , vậy mà nhờ vài bài thơ lèo tèo, bỗng trở thành quan văn, xe đưa xe đón, thì còn gì bằng nữa, thật là nhất cử lưỡng tiện. Vừa rồi, thấy nhà văn Thu Huệ khuyên nhà thơ Trần Đăng Khoa, tham cái ghế Ban chấp hành làm gì vì tác phẩm còn để đời lâu hơn, nhưng mà người ta vẫn thấy một Thu Huệ lù lù tiến vào ban chấp hành. Đúng là kẻ tiểu nhân nói được mà không làm được. Khuyên người ta một đằng nhưng không vượt qua được lòng tham, nên cứ sấn tới. Điều này còn nói lên thị không cần biết xấu hổ, cũng chẳng coi dư luận là gì, nên có thể cứ trình bày một thứ đạo lý ngược đời.
3- Lười nhác: Theo các nghiên cứu nhân chủng học, thì hầu hết người xứ nóng lười biếng vì ngại ra mồ hôi. Hầu hết người Việt thích làm thơ là bằng chứng của sự lười biếng. Thường mỗi bài thơ chỉ đọc trong 1 phút, còn làm ra nó không quá mười phút. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mới đây đã từng thú nhận trên tờ An ninh Thế giới, dường như người Việt chỉ thích hợp với những gì bé nhỏ, như chùa Một Cột chẳng hạn. Và ông đã từng nói về HNV Việt Nam, nói chung là một bọn vô học, dốt nát , “đám giặc già thơ phú lăng nhăng”.
4- Đặc sản của người Việt là chiếc bánh chưng, nhưng đặc tính của người Việt là “bánh chưng lại gạo”. Bánh chưng, chín lắm, nẫu lắm, nhưng chỉ vài ngày sau là lại gạo. Người Việt cũng vậy, cho dù đi học tây tầu, sôi kinh nấu sử, rút cục lại gạo vẫn thò ra cái đuôi tiểu nông, nhỏ bé, cố chấp, đố kỵ, tham quyền cố vị , sống bản năng, không rèn luyện lý trí. Việc đại hội nhà văn ào ào như xôi, không có khả năng kiềm chế, sống bản năng, đủ thấy các tiểu nông lại gạo đến nhường nào???
Với những căn tính bé như vậy , chúng ta có thể hy vọng vào việc sản sinh ra tác phẩm lớn được không? Muốn có tác phẩm lớn, nhà văn phải hướng đến Tự do, bình đẳng, bác ái thử hỏi có mấy nhà văn Việt đã nhắm đến điều đó ?
Hiện nhà nước đang tiến hành cổ phần hóa, lẽ ra nhà văn phải đi tiên phong trong lĩnh vực này, anh thích họp hội nhà văn để vui là chính ư?, Hãy góp cổ phần để có trách nhiệm với hoạt động của mình, làm cho nhà nước nhẹ gánh để còn lo việc xóa hộ nghèo hay xây nhà tình nghĩa, điều đó chứng tỏ các cán bộ văn chương vẫn ỉ lại đòi nấp yếm bảo mẫu bao cấp của nhà nước. Nhà nước muốn nói “hạt giống hãy bứt khỏi lòng mẹ để còn lớn, sao các con cứ loay hoay quanh yếm mẹ?”. Liền nghe: “Ứ ừ, chúng con không thích lớn, chúng con thích ở gần nơi có ví và bao tượng đựng tiền, cũng là nơi vốn tự có là cái rất thích hợp với chúng con là những kẻ sáng tạo bằng bản năng – cũng là vốn tự có, như vậy chúng con mới được sống trong rộn rã vinh hoa của mùi thế tục”
Để hiểu tầm vóc của nhà văn Việt hãy trà lời câu hỏi thế này: Có bao nhiêu người coi viết văn là sứ mệnh cầm bút không đừng được ? (Hay đa số chỉ viết cho giá áo túi cơm, làm mấy bài thơ , viết mấy truyện ngắn để cải thiện địa vị văn hóa của mình? ). Và rốt ráo hơn hãy đặt câu hỏi: có bao nhiêu người coi viết văn là nghề chuyên nghiệp ? (Hay chỉ là tay trái, một chiếc cần câu cơm, thêm được danh thì càng tốt?)
Nhân dân là cha, nhà nước là mẹ. Một lần nhân dân hỏi:
- Này bà, sao bà đi lại lúng túng khó khăn vậy, trông như bà đang táo bón ?
- Thực ra tôi còn hơn táo bón.
- Vì sao?
- Vì mấy thằng con vòi vĩnh văn chương. Tôi đã đẻ rồi, mà chưa một lần được cắt nhau, vì chúng cứ đòi bấu lấy tôi, ăn phiếu ưu tiên.
- Thật khổ! Chúng mãi không lớn được vì cứ đòi ăn bánh ngọt bao cấp. Nhìn sang các nước thấy nhà văn họ là bạn của lãnh tụ, là tham mưu chiến lược, là bậc thầy văn hóa. Còn đây đám nhà văn lúc nào cũng giống bọn con sen thằng ở đang xếp hàng, trình tem phiếu. Chúng yếu đuối đến mức, mới đây chỉ bị người ta khen chê mấy lời về thơ của mình đã nổi đóa lên , làm mình làm mẩy, xin xỏ, rồi gỡ bài xuống. Thật xấu hổ!
- Con dại cái mang mà ông!
- Bà có nghĩ là chúng sẽ trung thành không?
- Giời ạ, ai còn lạ gì lối trung quân kiểu Tầu, Hoàng Trung, Khương Duy nổi tiếng tiết nghĩa là thế, nhưng chỉ chiêu hàng mấy ngày là theo ngay. Ai nuôi họ, ai cho họ ăn thì họ theo liền. Họ đâu có lý tưởng gì mà trung thành. Đám nhà văn tiểu nông ăn xó mó niêu này làm gì có lý tưởng mà trung thành hả ông. Vả lại, chúng cũng chưa đủ trình độ để hiểu về lý tưởng. Toàn bọn giá áo túi cơm, ông ạ. Bây giờ thử có một lần báo động thử mà xem, bọn này chính là đám trở cờ trước tiên.
- Cần gì phải báo động thử, mới được đi Mỹ mấy ngày , chúng nó đã đua nhau khoe, hồi đánh nhau, tôi toàn bắn chỉ thiên lên trời. Nào nhặt được đồ hộp của lính Mỹ chúng tôi coi như tiệc. Lại còn đem cơm nắm muối vừng, rồi bún chả , bún nem, sang khoe ẩm thực Việt Nam. Thật buồn, nhà văn lẽ ra đi xứ người thì phải trở thành xứ thần mỹ học, hay chân-thiện-mỹ, đằng này chúng lại đem hết cách để khoe mình là đầu bếp nghiệp dư.
- Thôi mà ông, cái đại hội toàn thể lần này của chúng nó chính là nhiệt kế biểu cho cái tầm nô tài hạ tiện của chúng cả về nhân cách lẫn tài năng văn chương!
-Đúng là con dại thì cái phải mang thôi! Nhân dân ta bao giờ mới được mát mặt về những đứa nghịch tử, dốt nát này ?
- Ừ mà đã dốt như nhân gian nói “ngu lâu dốt bền” lại còn bày đặt làm thơ viết văn làm gì ?
-Rõ khổ !
Viết tối ngày 10/8/2010
Nguồn: Lethieunhon.com