Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

DỰ THẢO ĐIỀU HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM CHƯA PHÙ HỢP VỚI QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT

Trần Đình Thu (luật gia, nghiên cứu văn học)
Thứ hai ngày 9 tháng 8 năm 2010 5:01 AM
  TNc: Bản Điều lệ sửa đổi của Hội Nhà văn tôi thấy còn nhiều điều phải bàn nhưng trong đại hội không có thời gian để bàn. TNc đưa lên đây ý kiến của người ngoài hội là luật gia để chúng ta suy ngẫm. Xin thưa với quý vị muốn có dân chủ hãy biết lắng nghe ý kiến khác mình .
 
Hiện thời khi chưa có luật mới về hội, các tổ chức hội thành lập và hoạt động theo “Luật quy định quyền lập hội” ban hành theo Sắc lệnh số 102/SL/L004 ngày 20/5/1957 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Về văn bản dưới luật, ngày 30 tháng 7 năm 2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2003/NĐ-CP “Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội”. Theo Nghị định 88, ngoại trừ các cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các tổ chức giáo hội, thì các tổ chức còn lại, trong đó có Hội nhà văn Việt Nam, đều được điều chỉnh theo Nghị định này.
Hội nhà văn Việt Nam được thành lập vào năm 1957, hoạt động liên tục cho đến nay. Ngày 14 tháng 07 năm 2005, Bộ nội vụ phê duyệt “Điều lệ sửa đổi Hội nhà văn Việt Nam”. Tại kỳ đại hội lần này, Điều lệ cũng được sửa đổi một lần nữa.
Điều 2 của Điều lệ 2005 và Điều lệ (dự thảo) 2010 đều quy định: “Hội Nhà văn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp tự nguyện của các nhà văn Việt Nam (bao gồm những người sáng tác: thơ, văn xuôi, kịch bản, lý luận phê bình, dịch thuật văn học) lấy hoạt động văn học là nghề nghiệp của mình”.
Tiêu chí này chỉ đúng với thời kỳ đầu, khoảng từ 1957 – 1975. Lúc đó các hội viên phần lớn đều hoạt động văn học chuyên nghiệp. Họ là những người chuyên sáng tác trong quân đội, trong các cơ quan ban ngành trung ương hoặc địa phương. Qua thời kỳ đổi mới, có thêm một lực lượng sáng tác “không lấy hoạt động văn học làm nghề nghiệp của mình”. Họ sinh sống bằng các nghề khác nhưng vẫn tham gia hoạt động văn học. Như vậy, Dự thảo điều lệ quy định như trên là không phù hợp với thực tiễn.
Do chịu sự điều tiết của Nghị định 88, nên Hội nhà văn Việt Nam phải tuân thủ theo quy định tại điều 2 của Nghị định này. Theo đó, đây là “tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới...”. 
Như vậy, Nghị định 88 chỉ quy định 3 trường hợp: cùng nghề, cùng sở thích, cùng giới. Chiếu theo quy định này, kết hợp với thực tiễn, thì có thể thấy rằng, HVNVN không thể là tổ chức của những người “cùng nghề hoạt động văn học”, chỉ còn lại là “có cùng sở thích sáng tác văn học” mà thôi.
Như vậy, quy định ở Điều 2: “Hội Nhà văn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp tự nguyện của các nhà văn Việt Nam (bao gồm những người sáng tác: thơ, văn xuôi, kịch bản, lý luận phê bình, dịch thuật văn học) lấy hoạt động văn học là nghề nghiệp của mình” cần phải bỏ đi cụm từ “lấy hoạt động văn học là nghề nghiệp của mình”.
Về khoản 3 Điều 2, Dự thảo ghi: 
“Hội Nhà văn Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; Hội hoạt động theo đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng; chịu sự quản lý của Nhà nước và tuân thủ theo quy định của pháp luật Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Về điều này, Hội nhà văn Việt Nam cần tham khảo Điều lệ Hội luật gia Việt Nam sau đây:
“Điều 1. Tôn chỉ, mục đích của Hội luật gia Việt Nam
Hội luật gia Việt Nam đoàn kết, tập hợp rộng rãi các luật gia Việt Nam đã hoặc đang làm công tác pháp luật trong cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức văn hoá, tổ chức giáo dục, đơn vị vũ trang nhân dân, tự nguyện hoạt động vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quyền tự do, dân chủ của nhân dân, góp phần xây dựng nền khoa học pháp lý, xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng cũng luôn thay đổi cho phù hợp tình hình thực tiễn. Một trong những nguồn tham khảo chủ yếu để thay đổi là chính từ những đề xuất của Hội nhà văn Việt Nam. Nếu nay Hội nhà văn Việt Nam cứ đi phía sau, không chịu đề xuất các ý kiến thì bản thân hội không có đóng góp gì cho Đảng. Trong khi đó, Hội luật gia Việt Nam khẳng định sẽ “góp phần xây dựng nền khoa học pháp lý, xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. 
Điều 2  Nghị định 88 viết về mục đích của tổ chức hội: “nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan”.
Cụm từ “Hội hoạt động theo đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng” cần được sửa lại cho đúng tinh thần của Nghị định 88 là “góp phần vào việc phát triển kinh tế- xã hội của đất nước” chứ không phải thụ động như dự thảo viết.
Trần Đình Thu (luật gia, nghiên cứu văn học)