TẠP CHÍ THƠ MỸ LATINH PROMETEO ĐÃ DÀNH SỐ KÉP 81-82 NĂM 2008 GIỚI THIỆU THƠ VN ĐƯƠNG ĐẠI. SAU ĐÂY LÀ BÀI VIẾT CỦA HARRY AVELING TRÊN TẠP CHÍ.\
Việt Nam có một truyền thống thơ lâu dài và giàu có. Phần lớn đó là thơ truyền miệng. John Balaban, nhà thơ và người biên tập tuyển song ngữ quan trọng Ca Dao , miêu tả đó là những bài thơ trữ tình ngắn, được người bình dân truyền miệng và hát lên mà không cần nhạc đệm – những bài thơ có mục đích giản dị, như Khổng tử đã nhận xét về những bài dân ca cổ Trung Hoa tập họp trong Kinh Thi, “làm hưng phấn trí óc, luyện óc quan sát, khuyến khích quan hệ xã hội và cho người ta được thở than”. Balaban nói là truyền thống truyền miệng ấy đã có ít ra một ngàn tuổi. Chắc chắn bài thơ đầu tiên được ghi lại có niên đại từ năm 987 CN. Chuyện kể rằng ngay 50 năm sau khi ách đô hộ nghìn năm của Trung Hoa chấm dứt, viên sứ thần Lý Chuẩn sang Việt Nam để thiết lập quan hệ ngoại giao. Khi đi qua một con sông, muốn gây ấn tượng với cái xứ nhỏ bé bằng tài trí Trung Hoa, ông ta bèn ngẫu hứng đọc hai câu thơ: “Nga nga lưỡng nga nga/ Ngưỡng diện hướng thiên nha” (Trông kìa một đôi ngỗng/ Ngửa mặt nhìn lên trời). Người lái đò là nhà sư Pháp Thuận, được chọn để tháp tùng Lý Chuẩn vì tài trí của ông. Người lái đò có vẻ giản dị kia đã ứng tiếp vị sứ thần bằng hai câu: “Bạch mao phô lục thuỷ/ Hồng trạo bãi thanh ba” (Lông trắng khoe nước biếc/ Chèo hồng quậy sóng xanh).
Qua ngàn năm ấy thơ VN đã hoà trộn các ảnh hưởng bản địa với các ảnh hưởng Trung Hoa và từ giữa TK 19 là các ảnh hưởng Pháp rồi châu Âu và Mỹ, tạo thành một truyền thống thơ đặc sắc dân tộc đầy nhạc tính và có cấu trúc chặt chẽ, có lúc mang tính riêng tư sâu xa, có lúc mang tính chính trị sắc bén.
Tháng 8 năm 1945, VN tuyên bố độc lập khỏi sự cai trị của thực dân Pháp. Việc tái thống nhất đất nước mãi đến 1 tháng 5 năm 1975 mới được hoàn thành sau cuộc đấu tranh tiếp tục không chỉ chống Pháp mà cả chống Mỹ. Từ 1975 đến giữa những năm 1980, là giai đoạn củng cố gắt gao về chính trị kinh tế, tất nhiên có ảnh hưởng đến văn học.
Đây là một tuyển độc đáo và hấp dẫn của thơ VN hiện nay, được viết sau khi công cuộc “Đổi mới” đã trở thành hiện thực một cách suôn sẻ hơn. Người biên tập là một nhà thơ nữ có sự tiếp xúc chặt chẽ với các đồng nghiệp của mình . Tuyển bao gồm diện rộng các nhà thơ thành danh nổi bật, cả nam lẫn nữ. Như Lady Borton đã nhận xét ở một chỗ khác, các đề tài thơ trong thời này mang tính riêng tư, “tình yêu, tình bạn, sự day dứt, nỗi cô đơn, giận dữ, thù ghét và sự tha thứ” .
Tuyển thơ mở đầu bằng tác phẩm của Ý Nhi, một nhà thơ hàng đầu. Nguyễn Đỗ và Paul Hoover đã viết: “Mặc dù rất hiện đại về giọng điệu và hình thức, thơ Ý Nhi cũng thể hiện sự trìu mến, lặng lẽ và nỗi buồn của một người phụ nữ đã trải qua nhiều đau buồn trong cuộc sống.” Bài thơ Ước nguyện đi từ những hình ảnh thiên nhiên truyền thống, kết thúc bằng nỗi tuyệt vọng đột ngột của tình yêu bị bỏ quên.
Nỗi tuyệt vọng của Ý Nhi cũng hiện diện trong tác phẩm của Lâm Thị Mỹ Dạ, bà cũng là một nhà thơ của miền Trung VN và hết sức đặc sắc. Tuy nhiên ở đây, sự không đáp ứng, có thể, dù không chắc chắn lắm, lại là từ chính mình: “Tôi đã gieo tôi cằn kiệt đến không ngờ”. Sự thất tình cũng là nội dung tác phẩm của Phan Huyền Thư, Trần Quốc Thực và Trần Anh Thái. Đó là nỗi day dứt, lời than trách và sự đi tìm an ủi, vốn là phẩm cách lâu bền của thơ VN trong cả hai hình thức truyền miệng và viết.
Chết từng ngày một của Giáng Vân chiếu một ánh sáng khác lên nỗi buồn kia. Nhiều bài thơ của chị đã được phổ nhạc, trở thành những bài hát được ưa chuộng. Chết từng ngày một có sức khơi gợi âm nhạc, nhưng cũng có một chỉ dấu cho thấy nỗi buồn man mác mà sự thất tình và nỗi thất vọng sâu xa mà ta cảm nhận trong chính mình còn hơn là những sự cố thoảng qua; đó là những cái chết nho nhỏ báo trước sự huỷ diệt chung cuộc của cái tôi.
Ký ức có vai trò phức tạp trong cái chết từng ngày ấy. Ly Hoàng Ly vừa là nhà thơ vừa là hoạ sĩ, chị đã có nhiều triển lãm thành công ở VN và Hoa Kỳ. Bài thơ Người đàn bà và căn nhà cổ của chị đúng là có tính tạo hình khi miêu tả người đàn bà “mặc áo dài trắng” quay về khám phá “căn nhà cổ” đang mục nát. Trong bài thơ cũng có một người đàn bà khác, một hài nhi đang khóc và một cô gái trẻ. Cô bé có phải là đứa hài nhi của người đàn bà đã lớn lên? Hay người đàn bà là cô bé? Chúng ta không biết, người đọc phải tự tạo nên những gì họ muốn từ những ký ức được vẽ ra trên tấm vải bố.
Cảm giác “có đây mà chẳng có”, đã đi mất nhưng vẫn còn được nhớ đến, là đặc điểm của bài Buổi sáng thức dậy của Hữu Thỉnh cũng như Bài thơ ngọn nến của Hữu Việt. Cả hai đều là sự nhớ lại man mác buồn, sự nhận biết thời gian trôi qua, tình yêu đã mất, nhưng cách nào đấy ta vẫn phải cam chịu. Với Hữu Thỉnh, tình yêu và cái chết (“tình thương đi đưa đám hận thù”) liên quan chặt chẽ với nhau. Bóng tối mà ông ngồi trong đó là “bóng mát một chùm gai”.
Nhưng những bài thơ khác của các nhà thơ nam thì gân guốc và dục tình hơn. Trong lời tựa tập thơ dịch của Nguyễn Quang Thiều, Martha Collins miêu tả thơ anh là “sự kết hợp hiếm hoi giữa quan sát chính xác với những chuyển đổi cảm nhận hơi siêu thực nhưng luôn có nghĩa” . Mối liên lạc này có thể phản ánh ảnh hưởng của Pablo Neruda và những nhà thơ Mỹ Latinh mà anh đã đọc trong thời gian theo học tại Cuba (1984-1989). Chắc chắn đó là sự mô tả thích đáng Hồi ức tháng Bảy trong đó đôi tình nhân trên chiếc giường gỗ biến thành hai xúc gỗ toả sáng, với những cuộc đời “sáng rực qua ngọn lửa”. Cuối cùng, qua thơ, ký ức có thể sống sót vượt qua sự huỷ diệt. Như bài thơ Những ý nghĩ của Nguyễn Chi Hoan nhấn mạnh, những tiếng vọng sẽ quay về, luôn luôn “xa mà gần”.
Hoàng Hưng đã được miêu tả “có lẽ là gương mặt phá cách nhất trong thơ VN đương đại” (Nguyễn và Hoover). Thơ ông ngay từ đầu đã gây ra sự phê phán mạnh mẽ của truyền thông nhà nước vì “sự tối tăm, cô độc, và nói đến tính dục” (Nguyễn và Hoover). Trong bài Mùi mưa, sự hiện diện của hai thân thể người tình sát bên nhau dưới cơn mưa không dứt, được so sánh thật sốc với “con bò cái nhớ mùi phân rác”. Sự hưng phấn mê đắm của tình yêu xác thịt cũng hiện diện trong tác phẩm Ớt xanh vui nhộn của Nguyễn Thuỵ Kha.
Nhưng, cuối cùng, không phải mọi người đàn ông đều mạnh mẽ. Thơ cho một người ngã ngựa của Phạm Hồ Thu là một lời cổ vũ mang tính ẩn dụ đối với một người đàn ông bạc nhược có một “gót chân Achille”. Bài thơ động viên anh đứng lên lại và tiếp tục chiến đấu, cho dù “chú ngựa chiến ngày nào đã chạy rất xa...”
Trương Quế Chi, nhà thơ trẻ nhất có mặt ở đây, thì lạc quan hơn các đàn chị của cô. Người tình có thể đã quên,
“Kí ức anh lãng quên và bỏ sót
Tình yêu lớn từng ngày theo vườn cây sống của riêng em”.
Và cô kết luận:
“Và tới lúc
Anh yêu em đến độ
Sau mỗi bước đi, một hạt nảy mầm xanh.”
Bất kể tình yêu thường hay thất bại, cuối cùng sự huỷ diệt không phải là kết thúc. Ký ức có thể là giấc mơ tiên tri cho sự hồi phục và hợp nhất trong tương lai. Quá khứ nuôi dưỡng hiện tại và vẫn nằm như một phần trong đó. Sự tha thứ là tiên khởi của một sự sống mới, sự phục sinh.
Huỳnh Sanh Thông nhận xét: “Dịch thơ luôn có vị trí danh dự trong văn học VN… Trong quá khứ, ba tiêu chí được các dịch giả thành công tuân thủ là: tín, đạt, nhã” .
Tôi kính chào dịch giả tiếng Tây Ban Nha đã làm nên tuyển thơ nhỏ này.
Thuận Thiên dịch theo bản tiếng Anh