Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỮNG THÁCH THỨC VỚI NGƯỜI VIẾT VHO THIẾU NHI HÔM NAY

Lê Phương Liên
Thứ sáu ngày 6 tháng 8 năm 2010 5:38 AM
(Tham luận tại Đại hội VIII)
 
Kính thưa các vị khách quý,Kính thưa chủ tịch đoàn,Thưa các bạn đồng nghiệp
 Nước ta hiện nay số dân đã gần 86 triệu người. Với sự phát triển của hệ thống giáo dục khắp toàn quốc đến tận vùng sâu vùng xa,tổng số học sinh phổ thông theo con số của tổng cục thống kê là trên 15 triệu, trong đó gần 7 triệu học sinh tiểu học, trên 5, 5 triệu học sinh trung học cơ sở và gần 3 triệu học sinh trung học phổ thông.
  Trong khi đất nước đạt rất nhiều thành tích về phát triển và hội nhập thế giới , hàng năm nền kinh tế luôn luôn tăng trưởng thì số lượng các nhà văn viết cho thiếu nhi ở nước ta càng ngày càng sụp giảm. Cho đến thời điểm năm 2010 này, số lượng các nhà văn viết cho thiếu nhi còn đủ sức khỏe sáng tác và có tác phẩm mới công bố chắc chỉ còn ở hai chữ số .
  Phải chăng hiện nay người viết cho thiếu nhi đang đứng trước nhiều thách thức lớn?
Trước hết chúng ta đều thấy rõ sáng tạo của các nhà văn được công bố và phổ biến trong xã hội chủ yếu là nhờ việc xuất bản Sách.Bạn đọc thanh  thiếu nhi và cả nhi đồng và mẫu giáo đều rất ham đọc sách.   Có lẽ trong đời người thời gian tuổi thơ, tuổi đi học chính là thời gian đọc sách nhiều nhất.Ở tuổi thơ, dường như ta đọc sách cho cả quãng đời bận rộn về sau .Hồi ký , tự truyện của tất cả các nhà văn hoá lớn Việt Nam và thế giới đều nói về một tuổi thơ say mê đọc sách.
 Nhưng, từ hơn hai mười năm qua, sách đã bị các hình thức truyền thông ( còn được gọi là văn hóa nghe nhìn) từ ti vi,video đến internet và trò chơi điện tử trực tuyến (game online) càng ngày càng lấn lướt vào thời gian quý giá của tuổi thơ.
Việc dạy và học ở nhà trường với các hình thức dạy thêm , luyện thi cùng áp lực điểm số thi cử cũng đã lấy đi của tuổi thơ rất nhiều thời gian vàng bạc nữa . Thời gian đọc sách của trẻ em càng ngày càng bị co hẹp lại. Đó là thách thức đầu tiên của các nhà văn.
  Từ khi đất nước đổi mới, các nhà xuất bản đã chuyển đổi hoạt động theo sự vận hành của cơ chế thị trường , do đó  “văn  hóa đọc” của trẻ em đã đón nhận một “phát minh thời đại” đó là “truyện tranh hiện đại, khôi hài và liên hoàn” (quốc tế gọi là comic hoặc manga) được dịch và du nhập từ nước ngoài.Là thành tựu văn hóa trẻ em của thế giới nhiều bộ truyện tranh có ích đã trở thành người bạn thân thiết của trẻ em Việt Nam.Có thể nói rằng đó là một thành công lớn của ngành xuất bản nhưng lại lại một thách thức lớn với các nhà văn , đặc biệt là nhà văn viết cho thiếu nhi  Việt Nam.
  Với tinh thần trách nhiệm với thế hệ trẻ, không đặt lợi nhuận lên trên hết, các nhà xuất bản trong đó có nhà xuất bản Kim Đồng đã duy trì định hướng thẩm mỹ cho bạn đọc thanh thiếu niên với những Tủ Sách Vàng, Tủ sách thơ với tuổi thơ… Những cố gắng duy trì tình yêu văn học bằng cách tái bản liên tục các tác phẩm cổ điển cũng đã lưu giữ bạn đọc trẻ với những giá trị thẩm mỹ có ý nghĩa bồi dưỡng nhân cách.Nhưng việc ấy  lại tạo ra một sức ỳ trong sáng tạo các tác phẩm mới, đó là một thách thức không nhỏ với những nhà văn đặc biệt là với người viết trẻ lần đầu tiến cầm bút hoặc với những người viết chưa có may mắn thành công ngay từ cuốn sách đầu tay.
  Bước sang thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, cùng với sự phát triển hội nhập sâu của đất nước với thế giới, hàng loạt các công ty sách mới ra đời cùng với sự xuất hiện của các dịch giả trẻ tuổi, sách thiếu nhi thế giới đủ các phong cách khác nhau được dịch và tuyên tuyền quảnh bá rầm rộ ở nước ta.Chưa bao giờ trẻ em nước ta,( và cả bạn đọc lớn tuổi trong đó có tôi) được thụ hưởng những cuốn sách  như những món đồ chơi, những loại bánh kẹo cao cấp , mầu sắc rực rỡ… trước đây chưa bao giờ được nếm thử, thế mà nay được mời chào tràn ngập và ê hề khắp nơi .Vâng,thực tế đó chính là thách thức lớn nhất hiện nay với các nhà văn Việt Nam.
  Lòng khao khát viết cho thiếu nhi vẫn là lòng khao khát muốn hướng con trẻ đến vẻ đẹp của cái tâm hướng thiện .Nhưng ngay cả với trẻ em bây giờ các em cũng đã phải đổi mặt với  thói “Đạo đức giả” và thói “vô trách nhiệm”( hai đề văn thi đại học vừa qua). Hành xử bạo lực đã nhiễm cả vào trò chơi con trẻ. Và hơn nữa con trẻ phải đối mặt với bạo lực và sự xâm hại.Tất cả những điều mắt thấy, tai nghe ấy là những nỗi đau nhức nhối  tâm can khiến người viết cho thiếu nhi phải lựa chọn khuynh hướng thẩm mỹ khi cầm bút.Nhà văn Trần Hoài Dương trong dịp Hội sách thiếu nhi Hè 2009 tại TP Hồ Chí Minh vừa qua đã từng phát biểu “Bảo tôi viết về chơi game chắc là tôi chịu chết!”
  Trình bày những thách thức trên không có nghĩa là các nhà văn viết cho thiếu nhi Việt Nam đã hoàn toàn “chịu chết!”. Sách của anh Trần Hoài Dương vẫn được trẻ em đón nhận hàng nghìn bản. Anh Nguyễn Nhật Ánh vẫn làm sôi động các Hội chợ sách TP Hồ Chí Minh.Các anh Trần Quốc Toàn, Cao Xuân Sơn và nhiều anh chị em trẻ như Nguyễn Ngọc Thuần,Phan Hồn Nhiên… rồi cả những người “không có tuổi” như cụ Tô Hoài, anh Trần Đức Tiến, anh Bùi Chí Vinh,chị Quế Hương, chị Nguyễn Thị Bích Nga…( trong đó có cả tôi) liên tục trong các năm 2008, 2009, 2010 đều có sách mới .
Mỗi người một cách đều đã nuôi dưỡng trong mình một tâm hồn trẻ thơ để đến với trẻ thơ. Nhà văn Erich Kaestner ,một nhà văn Đức viết theo tư tưởng hòa bình , ông nổi tiếng viết cho thiếu nhi và từng đạt giải thưởng Hans Christian Andersen đã nói : “ Chỉ những người trưởng thành mà vẫn giữ được tâm hồn trẻ thơ, kẻ đó mới thật là một con người.”Tôi thiết nghĩ đấy là cách nói của nhà văn muốn cảnh báo sự vẩn đục của tâm hồn , sự tha hóa của nhân cách, thói gian trá trong hành xử…Những điều ấy đối lập với tư duy trong sáng và tình cảm chân thành nguyên vẹn của tuổi thơ.
 Những cuốn sách văn  học ( cả tác phẩm cổ điển và tác phẩm mới sáng tác)những mong đem đến cho trẻ em những cảm xúc tươi đẹp  hiện nay đang đứng trước con số phát hành , phổ biến là: một, hai nghìn bản. Thật là “muối bỏ biển” so với số lượng trên 15 triệu học sinh cả nước.
 Ở đây chúng tôi muốn bàn đến vai trò điều tiết của nhà nước và pháp luật,gia đình , nhà trường và các tổ chức xã hội.
  Thời gian qua cứ sắp đến ngày Tết thiếu nhi (1/6) hay Tết Trung thu, với tư cách là một nhà văn viết cho thiếu nhi tôi thường bị các nhà báo “bao vây” , chất vấn về Văn học thiếu nhi :Tại sao sách thiếu nhi Việt Nam lại thiếu,  lại yếu thế? Tại sao sách ngoại át sách nội …v..v
Trong một cuộc họp Văn học thiếu nhi năm 2008, nhà văn Tô Hoài đã nói :
“ Nếu giải thưởng văn học thiếu nhi là 1 tỷ, thì tôi cho rằng tình hình văn học thiếu nhi sẽ khác” ( Câu nói này đã được nhiều phong viên báo chí nhắc lại trên các phương tiện truyền thông)
Nhà văn Võ Quảng trong một bài viết để lại cho thế hệ sau có nói đại ý : “ Phải có một cơ quan lo cho thiếu nhi (đặc biệt là về văn học ) phải to ngang với một Bộ!”
Tôi thiết nghĩ rằng trước hết  đây là cách nói hóm hỉnh của các nhà văn.
Các ông đã dùng cách nói ấy để thể hiện tâm huyết của các nhà văn lớn lo lắng cho tương lai văn họcViệt Nam.Và, hơn nữa đấy cũng là nhu cầu hội nhập quốc tế của văn học thiếu nhi Việt Nam.
Nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, nhà văn chúng ta có thể tự tìm hiểu tình hình văn học thiếu nhi trên thế giới.Chúng ta được biết có tổ chức Ủy ban quốc tế sách cho thanh thiếu nhi ( International Board on book for young people-IBBY) được thành lập từ năm 1953.Tổ chức này cứ hai năm một lần, trao giải thưởng văn học thiếu nhi Hans Christian Andersen cho tác giả thiếu nhi xuất sắc nhất. Giải thưởng này được coi như giải Nobel của văn học thiếu nhi.Một trong những người sáng lập ra tổ chức quốc tế về văn học thiếu nhi này chính là nữ văn sĩ Thụy Điển Astrid Lindgren. Sau khi bà mất năm 2002 một giải thưởng văn học thiếu nhi mang tên bà cũng đã ra đời (được thành lập bởi IBBY- Thụy Điển).Tổ chức này cũng sáng lập ra giải thưởng Peter Pan, bắt đầu từ năm 2000, hàng năm trao giải cho tác phẩm văn học thiếu nhi xuất sắc nước ngoài dịch sang tiếng Thụy Điển. Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần của chúng ta đã vinh dự đạt giải thưởng này ( năm 2008)…
Nêu những thông tin trên, tôi mong muốn chúng ta thấy rằng ở các nước càng phát triển, Văn học thiếu nhi càng được chú ý thông qua việc tôn vinh các nhà văn viết cho thiếu nhi bằng các giải thưởng thích đáng.
Đối với các nhà văn viết cho thiếu nhi sự khích lệ bằng giải thưởng là cần thiết nhưng không có hạnh phúc nào bằng việc nhìn thấy trẻ em say mê cuốn sách của mình.Trong tình hình hiện nay, tôi xin đề nghị trong chưong trình nhà trường có thêm môn học “Tự đọc sách”,hướng dẫn trẻ em đọc sách từ lớp một để hy vọng hưóng  các em học sinh tìm chọn sách hay để đọc.Tôi được biết hiện nay ngành giáo dục đang rất quan tâm và đang có hướng giải quyết vấn đề văn hóa đọc với thanh thiếu nhi.
Trong thời gian qua, các nhà văn viết cho thiếu nhi cũng đã nhận được sự quan tâm của Hội Nhà văn Việt Nam với nhiều hoạt động, nổi bật hơn cả là Trại sáng tác dành cho các tác giả chuyên viết cho thiếu nhi được tổ chức tại Quảng Bá ( Hà Nội ) tháng5/2008 tạo điều kiện cho 22 nhà văn từ mọi miền đất nước đến gặp gỡ, trao đổi và sáng tác . Từ năm 2009, Trung ưong Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã khởi động chưong trình phối hợp với Hội Nhà văn  để tổ chức Trại sáng tác dành cho lứa tuổi thiếu nhi và tổ chức biểu dương các nhà văn viết cho thiếu nhi hàng năm. Dự án Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam – Đan Mạch do Nhà xuất bản Kim Đồng, Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Đan Mạch thực hiện với sự giúp đỡ của Đại sứ quán Đan Mạch đã được tiến hành từ 2006-2010 . Thông qua các cuộc thi, các cuộc tập huấn, các “Chuyến tầu kể chuyện”  phong trào sáng tác cho thiếu nhi đã được khích lệ. Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Trẻ đã đỡ đầu nhiều tập sách có giá trị gây sôi động phong trào đọc sách trong thanh thiếu nhi và đạt các giải thưởng cao trong nước và quốc tế. Hội xuất bản Việt Nam cũng dành giải thưỏng Sách Hay, Sách Đẹp cho sách thiếu nhi hàng năm
Tôi tin rằng  Đại hội Nhà văn Việt nam lần thứ VIII  sẽ tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức với sự phát triển văn học nước nhà . Sau Đại hội ,Văn học dành cho thiếu nhi sẽ được nhà nước và toàn xã hội quan tâm  hơn nữa . Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá tới sẽ có những biện pháp cụ thể , hiệu quả để Văn học thiếu nhi  có một bước ngoặt mới đày triển vọng trong tương lai.
Xin kính chúc sức khỏe và xin chân thành cám ơn.