Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỂ NHÀ VĂN CÓ ĐƯỢC TÁC PHẨM ĐỂ ĐỜI

Nguyễn Lâm Cẩn
Chủ nhật ngày 8 tháng 8 năm 2010 5:21 PM
 
 
  Lâu nay Đảng luôn đặt ra yêu cầu thúc bách : Nhà văn cần phải có tác phẩm ngang tầm với thời đại, xứng đáng với một dân tộc anh hùng đã từng đánh bại những đế quốc sừng sỏ nhất thế giới, dành lại quyền độc lập, tự do cho dân tộc.Đại hội nhà văn nào cũng được khích lệ, nhắc nhở và hy vọng.Thế nhưng cho đến kỳ Đại hội Hội nhà văn lần này, những tác phẩm để đời ấy vẫn nằm trong tưởng tượng mà thôi !
  Sách các nhà xuất bản ngày một nhiều lên về số lượng, nhưng chúng ta vẫn không moi ra được một chút hy vọng gì.Sách báo ca ngợi hết nhà văn này tài năng, nhà văn kia thông minh, mẫm tiệp, nhưng những trang viết của họ vẫn cứ mỏng tang tang.
  Giải thưỏng Hội nhà văn trung ương, địa phương năm nào cũng trao, có tác phẩm xôn xao có “vấn đề”, nhưng sau giải là sự im lặng của công chúng.Giải thưởng chỉ còn lại tính động viên phong trào chứ chưa phải là tác phẩm nghệ thuật có giá trị trường tồn, bất tử.
  Bệnh tình nan y rồi, nhưng bác sĩ chưa bắt mạch, tìm ra phác đồ điều trị và kê đơn được chăng ? Thế là lãnh đạo vẫn cứ chỉ thị, đại hội cứ ra nghị quyết và bệnh nhân vẫn nằm chờ trong cơn thoi thóp tại căn lều văn “chật hẹp” của mình.
  Đại hội lần này, trên báo viết, báo mạng nhiều nhà văn đã lên tiếng với nhiều góp ý, kiến nghị, đề xuất.Phê phán có.Xây dựng có.Đại hội đã thành công tốt đẹp, bầu ra được ban chấp hành đủ tài, đủ đức, nhưng rồi liệu nhà văn có được những tác phẩm ngang tầm thời đại hay không? Lại một thách thức cũ mèm và cũng rất mới, đầy tính thời sự và cũng đầy kịch tính.
  Thiết nghĩ nếu chỉ chờ ở đại hội để rồi sau đó ta hy vọng có những chuyển động đột biến trong sáng tạo của nền văn học nước nhà thì một năm nên tổ chức lấy năm bảy lần đại hội như thế.
 Có tác phẩm tốt, để lại niềm tự hào cho dân tộc trước hết phải chờ đợi sự lao động sáng tạo của từng nhà văn cụ thể.Nhìn ra thế giới, những nhà văn lớn, có tên tuổi,  ngoài tài năng thực sự, họ còn là nhà văn hoá, nhà tư tưởng và cao hơn, họ thật sự tự do trong môi trường dân chủ lành mạnh để cảm hứng và thăng hoa trong nghệ thuật.Ngồi trước trang viết, họ không hề bị một áp lực nào chi phối ngoài áp lực tự thân là sáng tạo cái đẹp vì nhân văn, vì nhân loại.
  Tự do và tự do trong sáng tạo là cốt lõi của mọi sáng tạo, trong đó có sáng tạo ra văn học, nghệ thuật.
  Tự do là một khái niệm rất trừu tượng và cũng rất cụ thể.Đó là miếng cơm và vào miệng, là ngòi bút trên tang viết, là con trâu đi cày, là người yêu mình ôm ấp…
Nhưng tự do lại là đối tượng của tríêt học để các nhà tư tưởng, chính trị, văn hoá đặt lên bàn cân tìm ra định nghĩa:Tự do là gì ?
 Bác Hồ có câu nói bất hủ: “Không có gì quý hơn độc lập và tự do”.Tự do là khát vọng của con người và cao hơn là của cả một dân tộc.Chúng ta đã từng đánh đổi biết bao nhiêu xương máu trong một thời kỳ dài để dành cho được độc lập và tự do.Để có được hai tiếng “Tự Do” thiêng liêng ấy, cả dân tộc ta phải trả giá cho đến muôn đời mai sau, chứ đâu chỉ có hiện tại mà ta đang sống.
 Giờ đọc lại tác phẩm của nhà văn lớp trước, ta không khỏi giật mình.Những tài năng xuất chúng làm nên thời đại Thơ Mới đi theo kháng chiến họ để lại được những gì ? Điều ấy ai cũng tự đánh giá được.So với chính họ thôi, liệu những tác phẩm sau này mấy người vượt được tầm Thơ Mới.Nói như thế không có nghĩa ta phủ nhận thành tựu to lớn của văn nghệ kháng chiến.Đọc di cảo, hồi ký của các vị, ta không khỏi bâng khuâng.
Anh là tháp Bayon bốn mặt
Giấu đi ba còn lại đấy là anh
Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc
Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình
              (Tháp Bayon-Di cảo Chế Lan Viên)
  Chính vì thế mà Đảng ta đã tuyên bố “Cởi trói” cho văn nghệ chăng? Có “trói”, đã “trói” thì Đảng mới cởi trói.Cởi trói lâu rồi mà văn nghệ vẫn tự trói mình ư?Các bạn vẫn khuyên tôi và tôi vẫn khuyên bạn viết:“Viết gì thì viết, hãy tính đến hệ số an toàn…” Thế là mình tự kiểm duyệt.Nhà xuất bản kiểm duyệt.Ban tư tưởng kiểm duyệt lần cuối cùng rồi mới cho phát hành.Đã có những tác phẩm bị đình bản và tổng biên tập bị “rút phép thông công”.Có cái sự sợ hãi mơ hồ nào đó ngụ thường trực trong mỗi nhà văn, trong mỗi ông biên tập viên và ông Tổng biên tập nhà xuất bản.Trước ngòi bút, nhà văn không đủ bản lĩnh để chịu trách nhiệm về trang viết của mình.Nhà xuất bản không bảo vệ được xuất bản phẩm của mình.Thế là tự mình tước bỏ quyền tự do sáng tạo.
  Tự do là quyền tự nhiên của con người.Tự do là tài sản vốn có, vô giá của mỗi cá thể mà Chúa sinh ra.Tự do là năng lượng có sức mạnh tuyệt đối để cho cái tôi sáng tạo, sản sinh ra cái đẹp vô giá.Nhà văn không tìm thấy tự do trong cảm hứng nghệ thuật thì đừng đòi hỏi có tác phẩm đích thực với giá trị văn hoá cao siêu.
 Hình như trong mỗi nhà văn chúng ta coi tự do là cái được ban phát từ đâu trên xuống, như một ân huệ của đấng tối cao chứ không phải tự thân.Tự do là sự “phải phép”, vâng lời và ngoan ngoãn thực thi lời chỉ bảo.Ai không làm thế tự mình băn khoăn, bề trên “phê phán”…Ai trái lời liền được dạy bảo, nhắc nhở và  lại quay về cái vòng viết cho tròn khuôn mẫu.
 Nhà văn chân chính là nhà văn đứng trên lập đân tộc, quyền lợi của nhân dân mà phát ngôn.Nhà văn có bản lĩnh là nhà văn chủ động nắm lấy tự do, bám riết lấy nó vì đó là quyền lợi đích thực, có sức mạnh vô biên trong sáng tạo.Tự mình tước bỏ quyền tự do trong sáng tạo là tự sát.Một đất nước chưa nhìn nhận tự do là tài sản vô giá của mỗi công dân thì tất yếu nhà văn sẽ rơi vào thế bị động trong cảm hứng nghệ thuật.
  Lâu nay ta vẫn hiểu tự do là được đi lại, được cầm bút, được viết và được nói, được in ấn, được phát hành…Nhưng lại định ra những nguyên tắc cho những cái được ấy.Đằng sau những nguyên tắc ấy lại phát sinh những nguyên tắc không văn bản khác nữa.Nhưng có một nguyên tắc rất cơ bản mà nhà văn nào cũng phải tuân thủ: Yêu tổ quốc và nhân dân là quyền tự do cao nhất, tối thượng của nhà văn.Chỉ cần một nguyên lý ấy là đã đủ.Nhà văn nào đi ngược lại quyền lợi đân tộc, phản bội lại tổ quốc, anh ta tự tước bỏ quyền tự do của mình.
  Tự do là sức mạnh của cảm hứng sáng tạo.Có tự do con người sẽ tạo ra được những thành quả có khi vượt ra khỏi giới hạn của chính mình và thời đại.Bởi vì suy cho cùng, sáng tạo văn học nghệ thuật chính là sự lao động thăng hoa của tâm hồn. Tâm hồn phong phú, đa dạng cao đẹp thì sẽ sản sinh ra những tác phẩm lành mạnh.Tâm hồn oèo oặt, bệnh hoạn chỉ đẻ ra quái thai văn học.Muốn thế nhà văn cần phải sống trong trạng thái tự do về tinh thần thì mới có tâm trạng thoải mái khi tiếp cận và phản ánh cái đẹp.Anh ta phải được thao túng, tung hoành ngang dọc trên trang viết bằng tư tưởng, nhận thức của chính mình.Anh ta không bị chi phối bởi một sức mạnh vô hình nào đó trên mình ngoài sức mạnh của Tổ Quốc và Nhân Dân.
  Mội nhà văn ý thức được tự do trong sáng tạo, nhiều nhà văn ý thức được tự do trong sáng tạo thì Hội nhà văn là hội của sức mạnh sáng tạo.Tác phẩm của nhà văn
khi đã trở thành sản phẩm văn hoá đích thực, đạt đỉnh cao của nền văn học dân tộc sẽ có sức lan toả bền vững trong cộng đồng và ra thế giới.
 Tự mình huỷ diệt tự do trong sản sinh nghệ thuật là thủ tiêu cái đẹp, tiêu diệt cái đẹp.Một xã hội mà trong đó cảm hứng sáng tạo bị dồn nén, o ép theo một khuôn mẫu nào đi chăng nữa đều đồng nghĩa với thủ tiêu cái đẹp.Nhà văn ấy, xã hội ấy chỉ kỳ vọng có những tác phẩm mang tính phong trào nhằm mục đích “tuyên truyền”, “quảng cáo” mà thôi.
 Tôi hy vọng sau Đại hội Nhà văn Việt Nam lần này mỗi nhà văn tìm thấy tự do trong cảm hứng nghệ thuật để viết về Tổ Quốc và Nhân Dân mình bằng trái tim thúc bách cháy bỏng.Kỳ vọng !
 Hà Nội ngày 8-8-2010
NLC- Nhà thơ