Đây chẳng phải là lời khuyên răn khiếm nhã gì cả. Người viết dùng chữ “cũng” tức là người viết thật tình muốn chia sẻ với giới viết văn chút hiểu biết khiêm tốn về một số lĩnh vực khác trong xã hội.
Chẳng hạn, người nông dân giờ đây đã biết cách thoát ra khỏi cánh đồng canh tác của mình. Họ không còn phụ thuộc vào con trâu đi trước, cái cày theo sau. Họ đã biết quan sát cánh đồng của họ như một cái gì khách quan (đối tượng khách quan, độc lập với họ), có thể thay đổi, điều chỉnh. Cần thiết họ có thể cho người khác thuê cánh đồng để họ làm việc khác đem lại lợi nhuận cao hơn. Tạm gác sự nghèo đói, lạc hậu (xét một cách tương đối, tương quan) vẫn còn tồn tại ở chỗ này chỗ khác, song vẫn hoàn toàn đúng nếu nói rằng người nông dân giờ đây đã trưởng thành lên nhiều, chí ít là hiểu trên phương diện triết học. Người công nhân đã làm quen với những với những quy trình, công nghệ, kỷ luật lao động của nền sản xuất hiện đại. Lĩnh vực ngân hàng, tài chính, viễn thông đang nhập cảng những khái niệm kinh doanh mới nhất, công nghệ mới nhất, thiết bị tối tân, và họ liên tục đổi mới, liên tục cập nhật để cố gắng không thua kém gì các nước phát triển khác.
Sự trưởng thành của các lĩnh vực này dễ nhận thấy nhất ở điều là người dân trong cuộc sống giờ đây có thể cần gì có nấy, muốn bao nhiêu có bấy nhiêu. Hầu hết mọi nhu cầu đều được đáp ứng. Nhưng nhìn quanh nhìn quẩn thì vẫn thấy thiêu thiếu cái gì đó. Thật khó khăn biết mấy để có thể lên một danh sách những cuốn tiểu thuyết, tập thơ của tác giả Việt Nam hiện nay cần đọc trong một dịp nghỉ dài ngày, trong một chuyến đi chơi hoặc công tác dài ngày hoặc để giới thiệu cho người khác, chẳng hạn. Đọc gì? Đọc để làm gì? Bởi vì trên những cái kệ ở các cửa hàng sách chúng ta chỉ nhìn thấy chủ yếu là những tác phẩm văn học dịch đang chiếm chỗ hoặc chen lấn xô đẩy để lấy nốt cái góc bé tí dành cho các tác phẩm văn học được viết hiện nay. Người kỹ tính hơn thì thậm chí còn không buồn bước chân vào hiệu sách. Họ có thể tìm thấy gì trong đó? Hầu hết chỉ là những cuốn sách được viết giống như những Balzac hay Hugo viết văn cách đây hàng trăm năm!
Nhân dân muốn được đọc những gì khiến họ xúc động, rung động, kinh ngạc, sửng sốt thực sự. Giống như họ đứng trước những sản phẩm của các lĩnh vực khác. Danh xưng “nhà văn” được cột vào sản phẩm (tác phẩm) của anh ta hay chị ta. Danh xưng “nhà văn” không nên được cột vào bất cứ cái gì khác, bất cứ điều gì khác ngoài tác phẩm văn chương. Độ cột chặt hay cột lỏng tỉ lệ thuận với lòng yêu nghề và tài năng. Tôi không tin một nhà văn tài năng lại không biết là mình có tài năng. Nhưng tôi tin một nhà văn bất tài có khi mãi mãi không biết là mình bất tài. Thế cho nên trong tất cả các nghề nghiệp thì làm nghề viết văn là khó “nghỉ hưu” nhất ...
Nhà văn Mỹ Larry Heinmann, một cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, đã nói rằng ông không tham gia cuộc chiến tranh để trở thành nhà văn. Ông trở thành nhà văn bởi vì ông ĐÃ tham gia cuộc chiến tranh này. Sau khi viết ba tác phẩm, trong đó có cuốn tiểu thuyết Paco’s Story được giải thưởng sách quốc gia dành cho sách văn học năm 1987, Larry Heinmann không viết tiểu thuyết nữa, ông chuyển hẳn sang viết sách khảo cứu. Hiện nay ông đang viết một cuốn sách về những vụ hỏa hoạn lớn nổi tiếng đã xảy ra trong quá khứ tại các thành phố lớn trên thế giới, bắt đầu từ thành phố Chicago của Mỹ.
Nhà văn nên tự mình trưởng thành còn có nghĩa là nhà văn nên cố gắng liên tục làm thay đổi mình. Sự thay đổi có khi còn dẫn đến chỗ nhà văn không còn … muốn viết văn nữa, như trường hợp của nhà văn Larry Heinemann, chẳng hạn. Chứ còn không thì nhà văn cứ mãi mãi ở trong tình trạng “vị thành niên” về tinh thần. Trẻ đi mẫu giáo buổi trưa ăn no rồi cởi áo ngoài mặc độc may-ô nằm ngủ ngay trên ghế ngáy khò khò thì còn coi được. Nhưng nhà văn mà làm thế thì, tội cho cụ Freud, lúc ấy nhà văn dẫu có ý tưởng văn chương thiên tài đến mấy lóe ra từ cõi vô thức thì người ngoài không phải nhà văn như lũ chúng tôi nhìn vào cũng thấy chướng lắm!
Hà Nội, nhân Đại hội Nhà văn lần VIII
Phạm Anh Tuấn