Vấn đề này, tôi trăn trở đã lâu, nay nhân có Đại hội nhà văn VN tác động nên viết ra nhằm chia sẻ. Tôi viết với tâm thế vô tư của người quí trọng văn học và nghệ thuật; vì mình không phải hội viên nhà văn và cũng chưa bao giờ có ý định vào hội.
Những niềm đau, rộng hơn là những đau buồn lớn nhỏ trong mỗi cá nhân và cộng đồng, đất nước, khu vực và thế giới là điều luôn hiện hữu. Tự cổ chí kim niềm đau khổ chưa bao giờ buông tha loài người. Cái sung sướng hạnh phúc cũng luôn có, khi thường trực khi xen kẽ song đấy lại không phải là đối tượng phản ánh cơ bản của văn học và nghệ thuật.Đúng như nhà nghiên cứu điện ảnh Mỹ R. Walter nói: sẽ không có ai đi xem bộ phim gọi là: Làng của những người hạnh phúc hoàn hảo! Đương nhiên định đề này là tương đối, bởi trong tính biện chứng của hiện thực và của sáng tác – thì những khoảnh khắc hạnh phúc là chất liệu tốt cho bức tranh chung tựa như phút sung sướng xì xoạp của anh Chí bên Thị Nở với bát cháo hành bốc khói…
Niềm đau nỗi buồn đã và sẽ là một trong đôi ba chủ điểm ở top đầu trong mối quan tâm của các nhà sáng tác – các nghệ sỹ đích thực. Trong tác phẩm của các bậc kinh điển tiền bối: Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đặng Trần Côn, Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Nguyễn Khuyến…hiện lên chủ điểm chính về nỗi đau, nỗi buồn cho số phận con người ,cho nhân tình thế thái. Thậm chí đó là những tiếng kêu xé lòng, như những câu thơ: Thương thay cũng một kiếp người…thịt da ai cũng là người…Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ…Thế thái nhân tình góm chết thay, lạt nồng trông chiếc túi vơi đầy…Xưa nay chiến địa dường bao, nội không mông quạnh xiết bao dãi dầu…Bay thẳng cánh muôn trùng tiêu hán, phá vòng vây bạn với kim ô…Năm thì mười họa hay chăng chớ, một tháng đôi lần có như không…Một đoàn thằng hỏng đứng mà trông, nó đỗ khoa này có sướng không…Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt, mắt lão không vầy cũng đỏ hoe…
Đấy là của thơ, văn xuôi kinh điển cũng rất nhiều ví dụ, song vì độ dài khó mà trích dẫn ra đây bao niềm đau của con người của thời đại như các văn hào Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan… Hay gần đây như Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư, Tô Hoài, Hoàng Minh Tường… từng mô tả
Nhìn ra thế giới, cũng vậy. Bao tác phẩm để đời đều là những sáng tác về niềm đau, nỗi khổ cộng với tư tưởng triết lý nhân sinh cao cả. Từ Dante đến Gothe hay Servantes và Sechxpia,…Từ Hugo, Banzac đến Flobe…, từ Đotxtoiepki đến Shekhop, Lep Tonxtoi… và muộn hơn là Solokhop rồi Sonzenitsijn…
Tất nhiên sứ mệnh của văn chương nói riêng, nghệ thuật nói chung là chứa đựng rộng hơn những gì nói trên; chẳng hạn nó nói về hiện thực phong phú, về cái đẹp, về triết lý cuộc sống, về thiện ác… Song không hiểu sao qua khảo nghiệm dù là sơ bộ – vẫn thấy cái lắng lại ở hạng đầu là những niềm đau như một kiếp nạn của con người và thời đại
Phải chăng đó là do cuộc sống loài người còn quá xa đích hạnh phúc sung sướng; mà một thời say lý tường chúng ta ngỡ đã tới gần, thậm chí tin thế giới đại đồng tới nơi. Mà đúng vậy, dù ở các nước văn minh hàng đầu thì con người nói riêng vẫn còn phải đối mặt với bao vấn đề nan giải, từ làm ăn sinh sống tới yêu đương hôn nhân, từ sức khỏe đến an ninh đời thường…từ việc làm, công danh sự nghiệp tới trăn trở nội tâm nhằm tu dưỡng và phòng tránh thua thiệt…Sự hạnh phúc chỉ là tương đối, quá trình vật lộn hướng ngoại và cả hướng nội là thường trực. Ngay cả ở Mỹ, Pháp, Ca Na Đa, Đức, Úc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy… cũng thấy tối thiểu người dân đều lắp máy hoặc camera cảnh giới cho nhà, xe, cửa hàng…Như vậy âu lo đau khổ buồn vui luôn song hành ở những ai có lương năng, ở những nơi tưởng như đỉnh cao hạnh phúc
Ngoài ra sinh lão bệnh tử, chiến tranh, thiên tai hiểm họa…sự đè nặng của những cấu trúc lạc hậu cũng là những yếu tố thường trực áp chế và gây nên đau khổ cho con người nói chung và các nhà văn nhà nghệ sỹ vốn có nhạy cảm cao nói riêng. Mặt khác , hầu hết văn nghệ sỹ nước ta trưởng thành từ quá nhiều đau khổ như mọi người cộng thêm cái lao tâm khổ tứ., cái gò bó tư tưởng một thời…Vì vậy ,tất yếu, cảm xúc về niềm đau cũng là điều thường trực cho các nhà sáng tác.
Song vì nhiều lý do, có cả lý do cố quên đi mà vui sống mà hưởng thụ …nên biết bao niềm đau khổ đã không được các trang văn, thơ, phim, nhạc, họa…nói tới. Có thể thấy , mấy chục năm qua,cảm hứng chính của sáng tác văn học nói chung chỉ là phản ánh hiện thực theo 2 khuynh hướng: ca ngợi cổ vũ hoặc phê phán đả phá. Mà 2 khuynh hướng đó cũng mới dừng ở mức là nói sao cho phai phải vầy vậy ( như GS Hoàng Ngọc Hiến bảo là: hiện thực phải đạo! Các nhà văn:Nguyễn Minh Châu nói là minh họa, Nguyễn Khải viết là đánh mất cái tôi, Nguyễn Khoa Điềm nêu là xả rác kha khá…) hoặc cuồng phóng quá mức chứ thiếu độ đằm sâu tinh tế. Cho nên khi ca ngợi thì cũng quá hào sảng, khi phê đả thì cũng quá cường điệu biếm họa, yêu nên tốt ghét nên xấu… Điều đó khiến cảm thụ nghe xem lạc xa vời bản chất thực tại…
Viết về niềm đau tự bản thân việc này không gắn với tính đả phá hay tố cáo. Nó chỉ là sự thể hiện nhằm gây cảm thông chia sẻ, và nếu có chất lượng cao thì dẫn tới thanh lọc tâm hồn, gạn đục khơi trong cho bạn đọc. Niềm đau nỗi khổ, nỗi buồn tự nó không mang tính giai cấp, thể chế, phe nó, phe ta…. Vì vậy cái chết, cái bị thương của người lính nào trong chiến tranh thì cũng đau đớn như nhau cho bản thân anh ta cũng như cho người thân. Khác chăng chỉ là hoàn cảnh và mức độ. Vì vậy đã là sự khổ thì người giầu/ hay nghèo đều khóc; và chiến tranh là nỗi khổ không của riêng ai ( K. Simonop) Nó cũng tương đồng ở mọi quốc gia và khu vực trong tính người – nhân bản phổ quát. Có khác chăng chỉ là bản sắc như người dân tộc này khu vực này thì biểu hiện hành vi bề ngoài khác với người dân tộc hay khu vực khác. Viết đến đây, tôi càng thấy cái lớn lao của văn hào Nam Cao khi ông nêu rất tinh tế cái đau khổ của Chí Phèo thì cũng tương đương của Bá kiến. Một đằng khổ vì cùng đường quẫn bách và thất học lưu manh hóa, đằng kia lại khổ vì phải đối phó thủ đoạn với tứ bề nhằm giữ được địa vị và giầu sang. Rồi cả hai cái đau khổ đó đều dẫn tới cái bi như nhau: cái chết lãng nhách! Vì cả hai đều nằm trong cái bi khổ lớn của thời đại nô lệ mất nước cho nên quẫy đạp thế nào cũng không thoát ra; cả hai đều là tội nhân và nạn nhân!
Văn học và nghệ thuật nói chung không lấy niềm đau khổ của con người làm chủ điểm chính thể hiện là đã tự rời bỏ một nét bản chất cao quí của mình. Nếu nó chỉ vè vè hào sảng ngợi ca hay đi vào những tỉ mẩn thẩm mỹ hình thức…nó sẽ sa vào sự tầm thường tẻ nhạt của anh cung nô hay nhà trưởng giả.
Con người Việt Nam do đặc thù lịch sử đất nước tác động nên đã thuộc số những người chịu nhiều đau khổ nhất trên trái đất. Đau khổ bởi chiến tranh đã đành, còn hàng chục năm hậu chiến và tới tận bây giờ …Chiến tranh làm khoảng năm đến sáu triệu người Việt cả hai phía chết và bị thương, ba trăm nghìn người mất tích không tìm thấy mộ phần ( gia đình tôi góp 2), sau chiến tranh khoảng nửa triệu người vượt biên vùi thây trên biển cả…Đau khổ bởi vật chất thiếu thốn thời chiến và bao cấp; đau khổ bởi những lùng nhùng cơ chế ý hệ đường tới tương lai; bởi nội xâm ngoại tặc…Văn học và nghệ thuật Việt nam nhất định phải phản ánh khía cạnh này nhằm chia sẻ, lưu giữ ký ức, cảm xúc… rộng hơn nhằm thế giới hiểu Việt nam. Mong sao có một trường phái sáng tác như thế bộc phát cởi mở! Xét về lịch sử thì quá muộn để nói ra, song để có sáng tác chất lượng thì không bao giờ muộn! Và muộn còn hơn không bao giờ!
Nếu văn học vết thương mang tính phản biện nhìn lại và thậm chí tố cáo, thì văn học về niềm đau chủ yếu là mô tả những đau buồn ở mọi cấp độ và hoàn cảnh với mục đích chia sẻ cảm thông kết nối và gột rửa tâm hồn – sau nỗi đau, con người bạn đọc bạn xem nghe – như thấy cần phải sống khác, làm khác không tồi tẻ ươn đớn …như trước. Và có cả ý nghĩa thực tế cụ thể khi mà trường hợp nhật ký của các liệt sỹ gần đây được công bố hay làm phim thì thân nhân của họ đã được dịu nhẹ ạn ủi rất nhiều; cũng vậy, khi các nhà văn Mỹ như W. Karlyn sang Việt nam gặp lại nhân chứng trong tác phẩm của họ…Tục ngữ Việt nam có câu: niềm vui nhân đôi, nỗi đau sẻ nửa…
Những nhà văn nghệ sỹ có tâm huyết tài năng với niềm đau của con người và thời đại đã và sẽ làm nên những sáng tác có giá trị lớn!
Đây là vấn đề vừa là suy nghĩ riêng vừa là học thuật; hôm nay ý tứ chợt thôi thúc tôi viết ra. Cũng nhân đại hội nhà văn nước ta mà gửi gắm tới văn giới và bạn đọc mạng. Nếu có điều gì bất cập mong được chỉ giáo và bổ sung. Chân thành cảm ơn!
Đặng Minh Liên ngày 2 – 8 – 2010