Sau kỳ họp Quốc Hội vừa qua, nhân dân cả nước mới biết Tập đoàn đóng tầu thủy Vinashin đứng bên bờ vực phá sản; bởi số nợ khổng lồ không có khả năng trả, bên cạnh đó nhiều hợp đồng đóng tầu có giá trị lớn không đúng hạn hợp đồng, thậm chí có những hợp đồng chậm một, hai năm vẫn chưa bàn giao sản phẩm cho chủ Đầu tư, bên cạnh đó còn nợ lương hàng ngàn người lao động… Ngay sau đó Chính phủ đã cách cức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn kinh tế Vinashin; Tổng giám đốc điều hành Vinashin có thanh minh giản dị và đưa ra lời xin lỗi nhân dân (?)! Tuy vậy nhân dân ta cần phải suy nghĩ sâu sắc về “ông lớn” Vinashin.
Ông Trịnh Xương, nguyên Viện trưởng đầu tiên Viện Khoa học tầu thủy Vinashin đã tâm sự với Báo GTVT, đã cho chúng ta những thông tin đáng trân trọng. Khởi đầu sự nghiệp của ngành đóng tầu Việt Nam là vào cuối năm 1959, nhà máy đóng tầu Bạch Đằng nằm trên đất Hải Phòng được khởi công xây dựng. Cơ cấu của nhà máy chỉ có vài xưởng đóng tầu nhỏ với nhiệm vụ phục vụ đi lại của nhân dân và chuyên chở phục vụ các nhà máy đường, giấy, phân bón, vận chuyển than,… Trong chiến tranh còn đóng ca nô không người lái để dà phá thủy lôi, tầu chuyên chở vũ khí… Tóm lại, ngành đóng tầu nước ta đã phục vụ có hiệu quả trong chiến tranh cũng như trong xây dựng khôi phục nền kinh tế sau chiến tranh. Với một đất nước có tới gần 3000 km đất tiếp giáp với biển như nước ta, ước mơ có có một ngành đóng tầu tiên tiến và một đội tầu đủ mạnh trên biển và hệ thống cảng biển liên hoàn đủ năng lực, không phải là xa vời, bởi Đảng và Nhà nước đã nhìn thấu suốt vấn đề đó.
Năm 1996, Tổng công ty công nghiệp tầu thủy ra đời và ngày 15 tháng 5 năm 2006 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số: 103/QĐ – TTg thành lập thí điểm Tập đoàn kinh tế Vinashin (VINASHIN BUSINESS GROUP). Ngược về quảng thời gian chưa lên “ông lớn” Tập đoàn Tổng công ty công nghiệp tầu thủy đã đóng thành công nhiều tầu từ 6 500 tấn đến 11 500 tấn, “những tầu mang hàm lượng khoa học cao như tầu Lash, tầu chở ô tô, tầu chở hóa chất, tầu dầu,… mà Vinashin đã làm chủ được công nghệ không phải nước nào cũng làm được. Ba Lan là cường quốc đóng tầu lâu đời mà phải mất rất nhiều thời gian để thành công” (trích trả lời báo GTVT của ông Trịnh Xương).
Chưa đầy hai năm, Tập đoàn kinh tế Vinashin đã ngục ngã với một mạng lưới 200 công ty con, cán bộ công nhân viên chức lên đến gần 6000 người cùng số nợ 80 000 tỷ đồng. Trong lúc đợi chờ các cơ quan chức năng mổ xẻ vấn đề đã xẩy ra với Tập đoàn kinh tế Vinashin, chúng ta thẩy đau đớn về một chủ trương lớn, quan trọng của Đảng và Nhà nước về phát triển ngành hàng hải ở nước ta đã bị chậm lại sau nhiều thập kỷ do chiến tranh, nay lại bị suy sụp, mất uy tín quốc tế do một vài cá nhân có tư duy kinh tế thị trường nông cạn của tư tưởng tiểu nông… Phá hỏng. Trong khi đó, cái “lưỡi bò” của nước có số dân đông nhất thế giới cứ bành trướng dần và đòi liếm xuống cả vùng eo biển Alasca. Có nhiều người cả nghĩ về sự sụp đổ của “ông lớn” Vinashin liệu có yếu tố nước ngoài với ý đồ làm băng hoại nền công nghiệp đóng tầu của nước ta và luôn tìm cách ngăn cản không cho nước ta có đội tầu biển đủ mạnh để buôn bán với quốc tế và bảo vệ chủ quyền biển, khai thác tài nguyên biển của chúng ta…
Tất cả đều cần suy nghĩ thấu đáo và hành động kiên quyết đúng Pháp luật. Song, bất di bất dịch phải khôi phục lại nền công nghiệp đóng tầu của nước ta, mà việc đầu tiên là giao tiền, của của nhân dân vào tay những cán bộ có đức, có tài, luôn đặt lợi ích Quốc gia lên trên lợi ích cá nhân để dăm năm nữa nền công nghiệp đóng tầu của nước ta đứng vững trên thị trường nội địa và vươn tầm vóc ra quốc tế, có một đội tầu hiện đại để phục vụ nền kinh tế quốc dân và bảo vệ chủ quyền mặt nước gắn liền với thềm lục địa của Việt Nam.
Tháng 7 năm 2010
Nguyễn Đăng Minh