Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÁI NGẢ THƯƠNG ĐAU

Văn Đình Hùng
Thứ năm ngày 22 tháng 7 năm 2010 6:44 AM
Gửi

Phạm Hồ Thu
 
Tình yêu tôi tặng cho người
Ngọt ngào, cay đắng cùng lời thủy chung
Người ta ra ngõ mà trông
Tôi ra trông ngõ mà không thấy người
Khúc buồn Người gửi cho tôi
Khúc vui dâng hiến
cái người dửng dưng
Thương con đò dọc giữa dòng
Tưởng neo được bến mà không thấy bờ
Nỗi niềm gửi lại cho thơ
Thơ đau - đến khúc ơ hờ cũng đau
Tình yêu biết trốn vào đâu
Đành đem ra Ngả Thương Đau
mà chờ

Lời bình của Vân Đình Hùng:  Cái ngả thương đau

Cái ngả ấy thành địa danh cuộc đời nữ sỹ. Đem nỗi đau riêng để san sẻ cùng bạn đọc, Phạm Hồ Thu trải lòng mình phẳng lỳ với tâm trạng ngay ngắn. Tâm trạng ấy đương nhiên là gửi cho người dửng dưng ấy rồi. Và cả bạn và tôi nữa, khi đọc nó với sự đồng cảm, xẻ chia.
Trót trao lời thủy chung, trao cả ngọt cả cay để rồi trông. Ra trông ngõ. Bặt tăm. Chỉ có đám lá khô xào xạc, chạy như điên như dại theo cơn gió chướng xoáy tít thành cái vòi rồng, cuộn cả ngọt cả cay cả lá khô cả nỗi nhấp nhô về trời.
Rồi cái hờ chợt đến. Cái hờ con trẻ khóc chờ mẹ về chợ. Cái hờ thiếu nữ tiếc lắm thay một khúc tình khờ dại. Chỉ có lòng mẹ mới hiểu con gái vào yêu như thuở xưa mẹ cũng vậy. Mẹ thì đặt đâu ngồi đấy thật như lúa như khoai. Con thì tân thời, bạo liệt. Trao rồi tiếc. Ngồi hờ. Hờ mẹ. Hờ trời. Rồi nhịp cuối phải nương vào thơ mà gượng dậy. Hờ thơ!
Và nữ sỹ tự thương cho nỗi đau bơ vơ của mình
Thương con đò dọc giữa dòng
Tưởng neo được bến mà không thấy bờ
Bến và bờ mù xa, tít tắp. Mênh mông buồn, loang loáng đau. Cái đau miết cứa chảy thành dòng bạch huyết. Cái dòng nguyên sơ của cái sự chót, chảy chầm chậm muộn mằn. Xa kia thì mịt mờ, khói sương thì không, cái gì chợt đến thì không có hình có ảnh. Đành quờ tay với mảnh ngâu đắp tạm cho qua cơn se lạnh.
Đọc cái sự Gửi này thấy nằng nặng. Ai chìa mảnh vai trần chia xẻ với nữ sỹ nhỉ? Rồi cũng có lúc tìm thấy. Nhưng lại nhầm. Cái lần tìm thấy ấy thật ngắn ngủi. Chóng tan. Thế là lại đi tìm như đi tìm chân giá trị vậy. Tìm cả đời người. Ai chẳng vậy. Đấy là cái nghiệp mà thơ ban tặng cho những người nhạy cảm, nó đeo bám suốt đời như cái bóng chập chờn, giảo hoạt. Chưa nhà thơ nào một lần nắm được bóng mình!
Sáu câu lục bát là sự gửi gắm và xẻ chia đạm bạc với những người có tập thơ Quà tặng của Phạm Hồ Thu trên tay. Nhận quà thế này thì thấy khó. Mang về thì tặng lại ai? Không nhận thì không đành lòng. Cái sự Gửi này xem ra phải có người thật đồng cảm. Không biết tôi có phải là một trong số đó. Điều này chỉ có trời biết, đất biết và ai nữa biết.

Có những ngày
Phạm Hồ Thu
Có những ngày tôi lặng im như lá
Sợ tiếng gió bay, sợ tiếng con người
Ngại cả tiếng chuông reo điện thoại
Sau tiếng chuông kia sợ gặp kẻ vô hồn…
Có những ngày tôi buồn như gái góa
Vừa tiễn đưa xong người yêu dấu cuối cùng
Quần áo màu tang, phấn son trễ nải
Tôi là người vô cảm của đông vui…
Có những ngày tôi tự tôi tù ngục
Tự giam tôi trong trái tim mình
Và sợ hãi trong khát khao chờ đợi
Tiếng gõ cửa bất ngờ
dìu tôi khỏi Nỗi - Tôi…
12/10/2002
Lời bình của Vân Đình Hùng:
Tôi nhận ra cái tứ của bài thơ đã ám vào người nữ sỹ. Câu hai của khổ hai như một dự báo sẽ có cuộc chia ly như thế. Vừa đọc hết câu cuối, gai người. Thơ như thế chăng, nó thêm cả chức năng dự báo? Hay chỉ đúng với các nhà thơ quá mẫn cảm. Có lẽ Phạm Hồ Thu là một trong số đó.
Có những ngày tôi lặng im như lá/ Có những ngày tôi buồn như gái goá/ Có những ngày tôi tự tôi tù ngục. Trăn trở nào để nhà thơ phải rút ruột gan mình ra như vậy nhỉ. Nỗi buồn nhân thế, vô vàn. Nỗi buồn nhân văn, ai cũng vậy khi khoác nghiệp. Nỗi buồn nhân bản, ồ cái này thì chắc chỉ có riêng nữ sỹ.
Kết cho hai khổ thơ đầu là một cái gì khá cụ thể: sợ gặp kẻ vô hồn…/ là người vô cảm của đông vui. Chỉ là sợ thôi! Nhưng câu cuối của khổ ba cũng là câu kết toàn bài đã gây sự với người đọc bởi một tiếng gõ cửa không có chữ định mệnh đi kèm. Tiếng gõ cửa bất ngờ dìu tôi khỏi Nỗi -Tôi . Tìm ra cách giải thoát là phút thăng hoa hiếm có trong một đời thơ. Cái tìm thấy không cùng với reo vui thì đấy là đốn ngộ.
Bài thơ Có những ngày của Phạm Hồ Thu đã khẳng định cái nhìn thật riêng về tâm thức kẻ sỹ, chất riêng của sỹ phu Bắc hà qua các thời. Sự khao khát trong đợi chờ đã bao lâu, nay được dìu khỏi cái nỗi – tôi  kia xem ra đã thoả lòng. Không biết tác giả có cho là vậy không nhỉ. Tôi thì cho là chưa, có lẽ thế.
Hành trình đi tìm cái đẹp vẫn luôn ở phía trước, ngay gần phía trước, nhiều lúc tưởng đã nắm bắt được nó rồi mà vẫn như một cái bóng rất rõ, rất lộng lẫy đang vẫy gọi. Ai dám công bố mình đã tìm thấy. Chưa ai. Có phải không thưa các bạn!
21/7/2010 - VĐH