Trần Xuân An
Xin thưa trước, đây chỉ là một ý kiến nhỏ, rất nhỏ, nhưng không nói ra, tôi cảm thấy không yên lòng chút nào về việc giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt của chúng ta.
Trước đây, hình như không ai dùng đại từ nhân xưng “anh” ở ngôi thứ ba, nếu trước đó không có một danh từ riêng chỉ tên họ hay đặc điểm, nhân thân nhân vật cụ thể, và đó là điều thường thấy trong tiểu thuyết, truyện ngắn, kí. Nói rõ hơn, đại từ nhân xưng “anh” ở trường hợp ngữ pháp và văn cảnh, văn bản như thế, thường được dùng bởi đại từ “chàng”, “anh ta”. Tôi không nói đến các đại từ tương đương về ngữ pháp như “y”, “gã”, “hắn”, “hắn ta”, vì sắc thái biểu cảm ở các đại từ nhân xưng này trong tiếng Việt phổ thông là trung tính hay không thiện cảm.
Trong trường hợp ngữ pháp và văn bản là tiểu thuyết, truyện ngắn, kí như vậy, việc thay thế đại từ “chàng” cũ kĩ, xem ra cũng hợp lí và không có vấn đề gì; việc thay thế đại từ “anh ta” bằng từ “anh” cũng hợp quy tắc, vì nó tương đương với các đại từ vừa có thể dùng ở ngôi thứ nhất (tự xưng) vừa có thể dùng ở ngôi thứ ba (người được nói về, đề cập đến), như “ông”, “bà”, “cô”, “chị”…
Để dẫn chứng minh họa cho nhận xét trên, chúng ta có thể đọc thấy trong hầu hết mọi cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn, bài kí bất kì nào, tình cờ tìm thấy.
Tôi muốn nói ở đây là trường hợp không thể thay thế như trên, mà chỉ có thể dùng đại từ “họ” (đại từ ngôi thứ ba số nhiều), “anh ta” hoặc danh từ “người ta”, hoặc cũng có thể là ngữ danh từ “vị ấy”, “người ấy” như là đại từ.
Theo tôi, đây là một lỗi phổ biến, không phải riêng những người không sành tiếng Việt, mà ngay cả các nhà cầm bút, cầm phấn tên tuổi, chuyên sâu ngôn ngữ học, sử dụng ngôn từ như phương tiện, chất liệu nghề nghiệp chủ yếu.
Mạn phép trích dẫn đoạn văn dưới đây, trong một bài văn hết sức cảm động, thể hiện lòng yêu tiếng Việt và giọng Nghệ An của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, tôi không nhằm “vạch lá tìm sâu” mà để người đọc có thể nhận ra cái lỗi phổ biến ấy, trong tiếng Việt hiện nay:
“… Tiếng Việt của tôi ơi, làm sao mỗi con dân đất Việt không nuôi đậm mối duyên với tiếng mẹ đẻ của mình? "Quê hương mỗi người chỉ một - Như là chỉ một mẹ thôi", và tiếng nói của quê hương, của mẹ cũng chỉ một - tiếng Việt. Những người con xa xứ chỉ lo sao truyền giữ được càng lâu càng tốt tiếng nói nước mình, cái cuống rốn nối mình với quê cha đất tổ. Mất tiếng nói là mất dân tộc tính, bởi tiếng nói đâu chỉ đơn thuần là ngữ ngôn, đó là cả cách ăn ở ứng xử, cách nghĩ suy cảm xúc cả truyền thống bao đời kết tụ, cả những linh cảm run rẩy trong mỗi nhịp điệu giọng điệu, mỗi ngừng nghỉ ngắt hơi. Nhà văn viết theo phương pháp kỹ thuật nào cũng được, nhưng anh dùng tiếng mẹ đẻ là văn anh đã mang tính dân tộc rồi (TXA.: nghiêng & đậm chữ). Đừng ngại tiếng Việt bị phá hỏng khi các nhà văn tìm tòi thể nghiệm những khả năng mới của tiếng nước mình, chỉ đáng ngại khi nhân danh dân tộc để cầm giữ tiếng Việt trong một sự đơn giản đến cũ mòn, khô cứng…”
(Nhan đề bài viết: “Tiếng Việt của tôi ơi!”
Tác giả: Phạm Xuân Nguyên
Nguồn: Google tìm kiếm:
http: //thuvien. maivoo. com/ Bai-viet-c3/ Tieng-Viet -cua-toi -oi- d5009
http: //vnthuquan. net/ truyen/ truyen. aspx? tid= 2qtqv3 m323 7n4n0 n2n2n 31n34 3tq83 a3q3 m32 37 nvn)
Ta thử thay thế theo cách nói, cách viết xưa nay trong tiếng Việt: “Nhà văn viết theo phương pháp kỹ thuật nào cũng được, nhưng họ (/ anh ta) dùng tiếng mẹ đẻ là văn họ (/ anh ta) đã mang tính dân tộc rồi”.
Một ví dụ khác, tôi xin giấu tên tác giả:
“Nếu nông dân làm vườn trên những mảnh đất riêng, anh cuốc, xới bằng công cụ gì cũng được vì đó là chuyện của riêng mình, nhưng ra cánh đồng hợp tác xã hay trang trại tư doanh hiện nay thì không được”.
Ta cũng thử thay thế theo cách nói, cách viết truyền thống: “Nếu nông dân làm vườn trên những mảnh đất riêng, người ta (/ anh ta) cuốc, xới bằng công cụ gì cũng được vì đó là chuyện của riêng họ (/ mình), nhưng ra cánh đồng hợp tác xã hay trang trại tư doanh hiện nay thì không được”.
Cảm giác khó chịu ấy, như đã viết ở phần trên, là có thật, vì người đọc, nhất là người nghe, cứ ngỡ người viết, người nói đang chỉ thẳng vào mặt người đối diện mà viết, mà nói. Tôi nghĩ, như vậy là không lịch sự, tế nhị. Nhà cầm bút, nhà cầm phấn không thể thiếu lịch sự, thiếu tế nhị như vậy. Tiếng Việt thể hiện văn hiến Việt Nam, không thể thiếu tinh tế như thế. Đó là do lỗi của sự phát triển ngôn ngữ một cách lệch lạc, không được phát hiện, uốn nắn, đến nỗi trở thành cái lỗi chung, rất nhiều người từ Bắc bộ đến Nam bộ đều mắc phải một cách vô tình.
Cuối bài, xin thưa dăm dòng với anh Phạm Xuân Nguyên.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên quý mến! Tôi nghĩ anh sẽ không phiền hà gì, khi tôi mạn phép làm chút việc “dọn vườn” như thường thấy trên tuần báo Văn Nghệ toàn quốc. Cũng như anh, tôi tôn vinh tiếng nói dân tộc, giọng nói quê hương Bắc Trung bộ. Và cũng không biết do “duyên nợ” nào, tôi tình cờ tìm thấy bài viết “Tiếng Việt của tôi ơi!” của anh trên mạng vi tính toàn cầu! Dẫu sao, tôi nghĩ, bài viết nhỏ này cũng có ích cho tiếng mẹ đẻ của anh, của tôi, của bao người Việt Nam khác.
Trần Xuân An
11:21 & 15:00 -- 16:15, ngày 22-7 HB10 (2010)