Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỪNG DẠI MÀ MÊ GÁI THEO KIỂU “ÔNG TUYỆT VỜI”

Tô Hoàng
Thứ năm ngày 1 tháng 7 năm 2010 7:49 PM
 
TNc: Hữu Thỉnh là người của công chúng, tiếng tăm nổi như cồn nhưng cũng có tai tiếng. Thế cũng là chuyện bình thường. Nhưng ông là thi nhân đích thực. Nhà văn Tô Hoàng vừa gửi đến TNc một góc nhìn khác về Hữu Thỉnh vui vui. Xin giới thiệu cùng các bạn
 Xin đăng ký ngay với  TN.com, tác giả những dòng viết dưới đây sẽ là người đầu tiên gọi ngài đương kim Chủ tịch Hội của chúng ta là “Ông Tuyệt vời”. Còn vì sao ngài được đặt tên như vậy chắc phải đến non hay già nửa số hội viên của Hội đều rõ. Sau nữa, chẳng bao lâu sẽ tới ngày khai mạc Đại hội lần thứ 8 của Hội ta, lại xin mạo muội gợi ý TN.com hãy mở ngay một cuộc trưng cầu xem có bao nhiêu hội viên đã từng nghe ngài Chủ tịch Hội thốt lên mấy tiếng “ Tuyệt vời!”, kèm tiếng súyt xoa kéo dài, kèm động tác xoay tròn cho cọ vào nhau cùi thịt của hai bàn tay. ( chứ không phải lòng bàn tay). Và những hội viên ấy được nghe hai tiếng “Tuyệt vời” mà ngài Chủ tịch Hội thốt ra trong hòan cảnh nào? Cuộc trưng cầu này nếu được công bố chắc chắn sẽ vô cùng lý thú.
 Và tôi xin xung phong làm vật thí điểm đầu tiên…
 Thuở Hữu Thỉnh và tôi được đăng dăm ba bài thơ, dăm ba truyện ngắn ở tạp chí “ Văn nghệ quân đội” hoặc báo “ Văn nghệ” chúng tôi mang hàm chuẩn, thiếu úy gì đó, đều là thứ trợ lý “quèn”, mà trong quân đội quen gọi là thứ trợ lý” cờ đèn kèn trống, đóng đinh leo thang”(1). Thỉnh ở Ban tuyên huấn Bộ Tư lệnh Xe tăng-Thiết giáp, tôi Ban Tuyên huấn Bộ Tư lệnh Pháo mặt đất. Nhẹ nhàng, nhanh gọn như bộ binh, thông tinh, đặc công.. đã xuất quân vào các chiến trường miền Nam sớm sủa từ những năm 1966, 1967. Cồng kềnh, nặng nề, ậm ạch như xe tăng, pháo đất mãi tận sau Mậu thân 1968, mới tìm ra cách vượt qua ngầm cạn Bãi hà ( phía tây Vĩnh Linh, Quảng trị) lần mò lên được Đường Chín, nhập vào đường mòn Hồ Chí Minh.Mùa hè năm 1970, Tây nguyên mở chiến dịch tấn công hai căn cứ địch ở Dakto, Tân cảnh ( Kontum) lần đầu tiên có hợp đồng tăng-bộ-pháo. Đi theo bộ phận đài quan sát tiền phương pháo binh, thật tình cờ, thật sung sướng khi tôi biết tin Thỉnh cũng có mặt ở một đài quan sát tiền phương của xe tăng.Tôi “mua” mấy cậu bạn trực điện thọai bằng cách biếu chúng nó một sếp giấy pơluya tha hồ mà viết thư cho người tình ở quê. Lợi dụng lúc vị Tư lệnh pháo thiu thiu ngủ, tôi bảo chúng nối máy cho tôi nói chuyện với Thỉnh. Máy rọ rẹ, và đầu bên kia vọng tới tiếng “chậc.. chậc” kèm tiếng súyt xoa quen thuộc. Tôi nói nhanh, giọng ra vẻ trịnh trọng “ Giờ G. sắp đến! Bao giờ tăng bên ấy chuẩn bị xuất kích, nhớ điện ngay để mình cho pháo rập trước dọn đường!”. Im lặng một lát. Trong ống tổ hợp vang lên tiếng súyt gió, tiếng Thỉnh:” Tuyệt vời! Tuyệt vời!”. Tôi chưa kịp nghe hết lời súyt soa của Thỉnh, vị tư lệnh pháo giật ống tổ hợp trên tay tôi và ra lệnh trận địa pháo 130 ly đồng lọat phát hỏa. Sau chừng 15 phút  rập pháo, xe tăng bên Thỉnh xuất kích. Y hệt như hai thằng trợ lý “quèn” vừa phát lệnh vậy. Sau này, gặp nhau, ôn lại kỷ niệm ấy cả hai sướng đê mê.
Đấy là lần đầu tiên tôi lưu tâm tới mấy tiếng “ Tuyệt vời” của Hữu Thỉnh.
Năm 1978 Thỉnh về Hà nội, vào học Trường Viết văn Nguyễn Du, tôi theo lớp chuyên tu ngọai ngữ ở Thanh Xuân để sang Nga học làm phim. Tôi và Thỉnh đều đã lấy vợ, đều đã sinh con đầu lòng.Một thời kỳ cơ man thiếu thốn, tủi nhục, nhọc nhằn vì gạo tem, củi phiếu, vì xếp hàng..Một lần hai đứa gặp nhau bên bờ hồ Thuyền Quang.Như tình cờ, Thỉnh nắm bàn tay tôi, xem kỹ các đường chỉ, ngước lên đầy bí hiểm:
-Nói thật, số ông bùng nhùng, thiên la địa võng lắm!
 Tôi giật phắt bàn tay lại, sừng sộ:
-Bói với tóan như…củ cải! Bùng nhùng, thiên la địa võng đâu mình tao? Cả đất nước này, cả dân tộc này đều bùng nhùng, thiên la địa võng ráo!
 Thỉnh trợn mắt nhìn tôi, không giận dữ, bực bội. Sát sát cùi thịt hai bàn tay vào nhau, miệng súyt súyt thốt lên:
-Tuyệt vời! Tuyệt vời!
 Ngày mùa đông từ Sài gòn ra Hà nội. Trung Trung Đỉnh đưa lên phòng Thỉnh tại báo “ Văn Nghệ”. Tôi ngăn Đỉnh vì không muốn làm bạn mất giấc ngủ trưa. Đỉnh gạt phắt:” Chỉ có giới viết văn mới giành được thứ dân chủ bàu lên một thằng quan để được quyền hành nó! Anh việc gì phải nể!”.Trên chiếc giường xếp Thỉnh đang ngủ nguyên bộ với cà vạt, gilê, với tờ báo phủ trên mặt. Đỉnh giật phăng tờ báo khỏi mặt Thỉnh:
-Dậy ngay! Khách ở Sài gòn ra!
 Thỉnh ngồi bật lên, hai mắt đỏ kè. Y hệt như ngày xưa còn ở lính đang ngủ bỗng nghe còi, nghe kẻng báo động tình huống. Vừa nhận ra tôi, nhà thơ sát sát cùi thịt tay vào nhau, miệng súyt súyt:
-Tuyệt vời! Tuyệt vời!
 Tôi phủ đầu liền:
-Mình có sách vở gì mới đâu, có nhận giải thưởng giải thiếc đếch gì đâu mà ông nức nở thế? 
 Thỉnh cười:
 -Có chứ ! Tuần trước tớ vừa đọc bài ông viết trên báo “Lao động”. Khen ông nghị Huy Duy, nhân danh những cựu binh lên án việc chia chác đất đai  trong sân bay Tân Sơn nhất. Khen ông nhạc sỹ thế là rất chuẩn! Tuyệt vời !
 Tôi thật sự không dấu được nỗi ngạc nhiên vì sao ông bạn tôi dù bận một núi việc ở báo “ Văn nghệ”, ở Hội Nhà văn cùng một núi công việc đối ngọai đối nội khác mà vẫn còn để mắt tới một bài báo nhỏ của tôi, mà vẫn bật nhớ tới sau hàng năm trời không gặp nhau. Sau này tôi được biết đối với rất nhiều, rất nhiều chiến hữu, đồng nghiệp văn chương khác, Hữu Thỉnh cũng dành cho sự thăm hỏi, quan tâm kiểu điểm huyệt như thế. 
 Mới gần đây thôi, ghé cơ quan cũ chơi, quay thử số đường dài thấy nổ máy, gọi liền số mobile của Thỉnh. Im lặng tới nửa phút. Sau đó, tiếng Thỉnh cất lên “ Ai đấy?” khẽ khàng, dè đặt. Chờ hết những thăm hỏi, trò chuyện, tôi nói với Thỉnh:
-Ông thấy số máy lạ nên im lặng cảnh giác, đúng không nào?Tôi nói cho ông biết nhé, những thằng về hưu chúng tôi thấy tiếc khi trong tay còn nắm con dấu son, còn chức còn quyền thì không tham ô, lãng phí .Bây giờ sống chòi chõi trông vào đồng lương hưu, mỗi lần muốn gọi điện thọai đều thót  lo hao tiền túi. Không gọi thì mất bạn hữu, đồng đội; thằng nào bệnh, thằng nào chết đều không hay! “ Ngộ” ra cái dại của mình, lúc này chỉ còn duy nhất mỗi cách xài “tiền chùa” của Nhà nước: ghé cơ quan cũ, thấy vắng người, điện thọai rảnh là tranh thủ gọi trộm! Xin ông đừng cảnh giác với những số máy lạ mà tội nghiệp! Những thằng gọi điện thọai trộm ấy tòan là bọn đảng viên cộng sản trong sạch nhất, bọn cán bộ chân chính nhất đấy!
 Im lặng lần này lâu hơn. Rồi từ đầu máy bên kia phát ra tiếng súyt súyt rời rạc, nghèn nghẹn :
-Một phát hiện! Tuyệt..tuyệt vời! Tuyệt… tuyệt vời!
 Tôi đã lan man mất rồi, cám ơn TN.com luôn luôn cho phép người viết nói cho dến cùng, đến thỏa thích thì thôi. Cho tôi xin được kể một chuyện cuối …
 Năm 1981 hay năm 1982, tôi không nhớ chính xác, nhà thơ Hữu Thỉnh đi trong Đòan nhà văn Việt nam sang Nga. Trong đòan còn có hai thành viên quan trọng khác là hai nhà văn cao niên Vũ Tú Nam và Chính Hữu. Vào thời điểm đó Hữu Thỉnh là Tổng Biên tập báo “ Văn nghệ” hay đã là Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn VN? Chịu, cũng không nhớ nổi! Giống như các đòan nhà văn VN qua đây, bạn bố trí cho đòan của Hữu Thỉnh ở tại khách sạn Ucraina, nằm trên bờ sông đào Matscơva. Lúc đó, mới bước vào hè được vài ngày, điều này thì tôi nhớ đinh ninh. Mùa hè Nga có thể ví như mùa xuân ấm áp, cây lá đâm chồi nẩy lộc, muôn vật giao phối để giữ lấy bày đàn, dòng giống như ở xứ mình. Sau cả một mùa đông giá buốt, phải khóac lên mình hàng chục ký lô len dạ, bước vào hè người xứ lạnh tung hê, cởi bỏ hết để hưởng thụ cái thơ thới, nhẹ nhàng; để gió mát và nắng nỏ thấm được vào tận làn da, thớ thịt.Mùa hè cũng là dịp duy nhất trong một năm các cô gái Nga được phô phang làn da mịn màng như trái lê, trái táo; những đường cong mềm mại, khêu gợi như đang chơi trò ú tim dưới làn vải mỏng trên cơ thể. Tranh thủ những lúc đòan nhà văn Việt nam không phải họp hành, gặp gỡ hoặc đi tham quan nơi này, nơi khác, tôi liền phóng tacxi tới đưa Thỉnh thung thăng dạo chơi dọc theo sông đào Matscơva , lên đồi Lê nin, hoặc ghé vào những khu công viên gần khách sạn nơi Thỉnh ở. Đi bên Thỉnh, tôi tủm tỉm cười nhận ra nhà thơ lại cọ cọ múi thịt trên hai bàn tay vào nhau, miệng chúm lại súyt soa mấy tiếng quen thuộc: “Tuyệt vời!Tuyệt vời”. Súyt soa, tuyệt vời với cây cỏ, trời đất; súyt soa, tuyệt vời càng mau mắn hơn, nồng nàn hơn trước các kiều nữ Nga 16, 17 tuổi, đang còn là nữ sinh năm cuối phổ thông, đang ở tuổi bung nở hết vẻ đẹp chín tới của mình. Không biết chuyến ấy có phải là lần đầu tiên Thỉnh sang trời Tây không? Bỗng thấy thương một anh lính như mình. Bỏ hết tuổi thanh xuân tại những cánh rừng thừa mứa tiếng ùng òang, hơi thuốc bom, thuốc đạn mà thiếu hẳn tiếng cười, ánh mắt của những người con gái, đất nước vừa hòa bình, mang di chứng sốt rét rừng, bệnh gan, bệnh mật, vẫn vội vã phải lấy vợ, vội vã phải sinh con mà nối dõi tông đường. Tiếp sau đó là chen chúc trên những chiếc giường mét hai, tối mắt tối mũi vì chậu tã lót của con, mớ tem gạo, tem đậu phụ vợ ấn vào tay mỗi sớm để khi chiều rời cơ quan, xếp vào những hàng rồng rắn, nồng nặc mồ hôi, san sẻ bớt gánh nặng gia đình. Thuở ấy, trong ngôn từ của người Việt -cả ở trong nước lẫn ở nước ngòai-chưa xuất hiện hai từ “đặc sản”.Trong một buổi chiều đi dạo với Thỉnh như thế, bỗng nẩy sinh câu hỏi: Mà sao không kéo ông bạn vàng về ký túc xá của mình cho hưởng thứ “đặc sản” tóc vàng, mắt xanh?Các em nữ sinh viên Trường Đại học Điện ảnh Liên xô nổi tiếng kiêu kỳ, đài các nhất Matscơva, nhưng đấy chỉ là các “ bà cụ “ở khoa diễn viên thôi. Các em này có tài thật nhưng đâu có đẹp? Những “ bà cụ” ở khoa Kinh tế, khoa Lý luận phê bình mới thật sự sắc nước hương trời. Con cái các quan chức, quá đẹp nên học dốt, tìm tới hai ngành kinh tế và lý luận thi vào vừa dễ, vừa vẫn mang danh thơm là dân trường điện ảnh. Sau hai năm học, tôi có cả một tá “ bà cụ” thân hữu ở hai khoa ấy. Một buổi tối quây quần, ăn uống, nhẩy nhót, phải duyên thì ngả di văng ra, thả rèm xuống; không phải duyên thì làm vài vòng ôm eo, gửi  vài cái thơm trên má, trên mái tóc và chia tay nhau, anh ả ra về. Không ép buộc, không cưỡng bức-cái quan hệ khác giới kiểu ấy người Tây vốn xem là lẽ thường tình . Nhưng sao tôi vẫn đinh ninh tin, nếu anh bạn xe tăng của tôi  lao vào cuộc tất sẽ lướt tới,  sẽ ào ạt xông lên và cắm cờ được !
 Tôi nói ngay ý định ấy với Thỉnh. Đang đi, ông bạn nhà thơ đứng phắt, hai mắt tròn xoe, hai bàn tay đã đặt vào nhau, thảng thốt:
-Có thật thế không?
- Chả lẽ mình lừa ông à ? Tính ngay lịch đi xem tối nào rảnh ?
Thỉnh rối rít:
-Có đẹp không? Tóc vàng, da trắng, mắt biếc xanh chứ?
- Đương nhiên rồi! Ông còn nhớ bài thơ “ Con cá chột nưa” của cụ Tố Hữu không? Lần này thì tớ sẽ giúp cậu biết thế nào là “ lão nằm mơ nước Nga” !
 Đến đây, hai cùi thịt trên bàn tay bắt đầu xoa vào nhau và tiếng “ Tuyệt vời!” bật lên đến ba, bốn lần.
 Thỉnh, tiếp:
-Có an tòan không? Công an Nga không để mắt tới chứ ?
- Tay công an Nga phụ trách ký túc xá đã là “đệ tử lưu ly” của rượu “ Lúa mới “ rồi!
-Tuyệt vời!
-Có mất tiền không?
-Bạn hữu sinh viên tầng trên tầng dưới mà..Tiền nong gì?
-Tuyệt vời!
-Có sợ lây bệnh không?
-Đã bảo các “ bà cụ” ấy đều là dân sinh viên. Mỗi năm khám sức khỏe tới hai lần. Sao có bệnh được!
-Tuyệt vời !
-Liệu Sứ quán có biết không?
- Bọn ấy còn máu “các bà cụ Nga” hơn cánh tớ !
- Tuyệt vời !
 Để hấp dẫn, cuốn hút nhà thơ hơn, tôi phác vẽ cho Thỉnh hình dung ra khung cảnh linh thiêng, ấm áp đầy chất Á đông sẽ xẩy ra trong buổi tối gặp gỡ “ các bà cụ Nga”. Tôi sẽ đi chợ nông trường ( chứ không phải đến các quầy hàng bán thực phẩm của nhà nước) để mua thịt tươi còn ròng máu, cá, tôm tươi còn vẫy đuôi trong bể, hành lá, su hào, càrốt . bắp cải tươi.. Tôi sẽ tự tay làm các món ăn Việt mà tôi biết rõ “ các bà cụ Nga” rất khóai khẩu. Rượu thì có cả “ Lúa mới”, rượu làng Vân, lẫn “ Mao đài”. Sẽ trải thảm, kê chiếc bàn chân thấp giữa phòng. Trước nơi ngồi ăn sẽ lập một bàn thờ, hương Việt tỏa khói nghi ngút. Trên tường treo một bức giấy điều viết một chữ nho bằng mực tàu.Nhạc dứt khóat phải là Kitaro. “ Các bà cụ Nga” phải ăn bằng bát, đũa; lọai bỏ thìa, nĩa; phải ngồi sệp trên thảm, chân quặt ra phía sau...
- Ông biết viết chữ nho à?
-Thiếu gì nhãn mác có chữ tượng hình. Cứ phóng đại lên. Trong hương khói, trong tiếng nhạc Kitaro u ẩn, trầm buồn tất cả đậm đặc chất phương Đông ngay!
-Tuyệt vời! Tuyệt vời! Thỉnh nắm lấy bàn tay tôi siết chặt- Đúng là dân học đạo diễn có khác.Hình ảnh, âm thanh, sắc màu…đâu ra đấy!
 - “ Các bà cụ Nga” ngồi sệp là phải cởi bỏ sạch jeal, bò. Phải biến thành “ Rồng lộn” hết!
 Gương mặt Thỉnh thóang vẻ ngơ ngác hiếm thấy:  
-“ Rồng lộn” là làm sao?
- Là vận áo kimono Khâm Thiên vào. Áo sa tanh thêu hai con rồng uốn lượn ở hai tà áo phía trước. Mặt hàng Việt nam đang bán chạy ở bên này đấy! Áo sa tanh xanh thì thêu rồng vàng. Áo sa tanh trắng thì thêu rồng đỏ. Áo sa tanh đỏ thì thêu rồng trắng. Kimono, kimoniec, tiếng Anh, tiếng Pháp gọi cho mỏi mồm. Anh chị em  xuất khẩu lao động Việt nam ở bên này nói thế và  gọi vắn tắt là “ Rồng lộn”. Chắc ông chưa từng một lần mục kích “các bà cụ Nga” mặc “Rồng lộn” Việt nam nhỉ? Tiên nga dáng thế cũng phải gọi “ Rồng lộn” bằng cụ. Ông hãy chuẩn bị tinh thần, kẻo gặp mấy em là ngất sỉu liền !
 - Sợ đếch gì đám “Rồng lộn” của ông! –Nhà thơ hăng hái hẳn lên. 
 Chúng tôi chia tay. Hôm ấy là chiều thứ 5. Chiều thứ 6, Thỉnh sẽ tháp tùng hai cụ Vũ Tú Nam. Chính Hữu tới thăm Aimatov hay Gamzatov tôi không tường. Tôi hẹn sẽ đón Thỉnh tới Ký túc xá Trường Điện ảnh vào tối thứ bẩy.
 22 giờ tối thứ sáu, đi với cụ Vũ Tú Nam, cụ Chính Hữu về Thỉnh còn gọi điện cho tôi than phiền mấy bộ đồ anh mang từ việt nam sang  không có bộ nào xứng để ra mắt “ các bà cụ Nga”. Anh bảo mang mấy bộ đồ của tôi tới để anh lựa. Chả là thời đó vóc dạc của anh và của tôi cũng từa tựa nhau. Tôi mang mấy bộ đồ đã ủi, bắt xe tắcxi đến chỗ anh liền.  
 Buổi sáng và buổi trưa thứ 7 tôi túi bụi, sấp ngửa với một núi công việc. Đi mời “mấy bà cụ Nga”, đi chợ nông trường, ướp thịt ướp cá, xào nấu. Tiếp tới là dọn dẹp và bày biện lại gian phòng như ý muốn. 6giờ 30 theo đúng hẹn “ các bà cụ Nga” đã tới, ríu rít tung tăng tranh nhau mấy bộ đồ “ Rồng lộn”. Tôi gọi điện cho Thỉnh.
-Chuẩn bị xong cả chưa ?
-Xong hết rồi!
-Tuyệt vời!
-Ông bắt tácxi xuống ngay đi !
-“ Các bà cụ Nga”  xuất hiện chưa ?
-Đến hết cả rồi!
-Tuyệt vời!
-Xuống nhanh lên, đừng để bọn nó chờ.
 Im lặng.
- Hóa ra là chuyện thật à ? Thỉnh bất ngờ hỏi.
- Ông nghĩ tôi lừa ông sao?
-An tòan chứ? Không tai tiếng gì chứ ?
Tôi như gắt lên trong máy:
-Thì cứ xuống đi. Trước là uống rượu, ăn uống với nhau. Sau là nhẩy múa ..Làm đếch gì mà sợ tai tiếng mới không an tòan ?
 Tiếng súyt gió:
-Tuyệt vời! Tuyệt vời !
 Lại im lặng. Lần này lâu hơn, đến một phút, tiếng Thỉnh ngập ngừng ở đầu giây bên kia:
-Tối nay Hội nhà văn Nga mời đến Nhà hát Lớn xem Hồ Thiên Nga..
 Tôi vẫn giữ nguyên giọng cáu kỉnh:
-Thì ông để hai cụ Vũ Tú Nam, Chính Hữu đi. Ông cáo ốm nằm ở nhà, ra phố bắt tắc xi xuống đây. Sáng mai tôi đưa về sớm khi hai cụ ấy còn đang tít mít ngủ . 
 Tôi chờ tiếng súyt gió và hai tiếng “ Tuyệt vời” quen thuộc. Im lặng 30 giây nữa. Và sau đó, Thỉnh hạ thấp giọng, nhưng cương quyết:
-Không được rồi! Ông thông cảm cho tôi. Để hai ông ấy đi xem một mình không tiện tý nào!
Tôi đã mất nhiều thời gian, đã huy động cả một núi từ hội Nga để  làm  cho “ các bà cụ Nga” háo hức, nóng lòng chờ đợi nhà thơ- lính cựu của tôi. Lúc này, tôi phải mất từng ấy thời gian và vốn từ hội Nga như thế nữa để làm sao cho “ các bà cụ Nga” tin được rằng anh bạn tuyệt vời lãng tử, tuyệt với ga-lăng, vào sống ra chết coi như cái phủi tay ấy ( như tôi đã véo von với vớichị em) lại có thể khước từ rượu ngon gái đẹp, nhạc Kitaro mà đi theo hai ông già tới nhà hát xem vũ kịch. Chưa hết, tôi còn phải tiếp rượu ngần ấy “bà cụ” và khi tất cả đã chếnh chóang say rồi còn bị ngần ấy “ bà cụ” đầu độc giữa ngào ngạt mùi nước hoa, mùi son phấn trộn lộn mùi mồ hôi đàn bà tây để chuyền tay nhau cái thằng tôi trong những điệu nhẩy giật giã. Toi công. Phờ phạc. Và nỗi bực tức anh bạn nhà thơ-lính cựu trong tôi dâng lên đến nghẹt thở.Cứ như mình lính láp nhăng nhố, lá số tử vi đã chỉ ra rằng con đường họan lộ hanh thông nhất cũng chỉ tới chức phó phòng hành chính, vì thế có món ngon, món tươi sống nào sài tắp lự,chả cần phải phòng ngừa, nghiêng ngó trước sau. Đằng này bị cung quan lộc nó ám rồi …
 Hết cơn giận thấy thương ghê! Chả lẽ đành chịu để anh bạn vàng bỏ mất cơ hội ngàn năm sao đây? Đòan Nhà văn Việt nam trưa thứ hai sẽ bay về nước. Vẫn còn một ngày Chủ nhật lịch trống. Không ngủ được, mới hai giờ 30 phút sáng, tôi bật dạy quay chuông cho Thỉnh:
-Chuẩn bị tinh thần đấy! Đúng 8 giờ sáng mai mình sẽ đưa đi chơi..
 Tiếng Thỉnh:
-Tuyệt vời! Nhưng đi ban ngày à ?
-Ban ngày!
- Có “ các bà cụ Nga” đi cùng không?
-Không bà cụ bà kiếc gì! Bảo đảm an tòan, lành mạnh tuyệt đối. Ra vùng Zagor ở ngọai ô Matscơva . Thăm một viện bảo tàng lịch sử và những trang trại của các văn hào Nga xưa kia, nay đã biến thành các nhà lưu niệm.
-Cũng hay đấy nhỉ!
Rút kinh nghiệm lần trước, lần này tôi kín kẽ hơn, không để “lộ bem” tuốt tuột được. Vốn thính tai, tôi nhận ra một tiếng thở dài thất vọng từ đầu máy bên kia vọng lại.
 Đúng 8 giờ tôi có mặt tại tiền sảnh khách sạn Ucraina, Thỉnh đã chỉnh tề đứng đợi. 8giờ 15 tacxi chở chúng tôi tới ga Comxomon. Chúng tôi đáp elechtritsca ( lọai tầu hỏa bánh hơi, chạy bằng điện) phóng về phía thị trấn Zagor. Matscova thời đó đã là một trong những thành phố lớn nhất, nhì thế giới.Tầu chạy qua những khu nhà cao tầng, những công viên, trạm biến thế điện, nhà máy, cầu cạn vượt những khu phố đông dân. Bỏ qua những ngổn ngang bê tông, sắt thép ấy, khỏang 9giờ con tầu bắt đầu lướt đi êm ái, nhẹ nhàng như vào xứ mộng mơ. Những thân bạch dương lươn luớt chạy qua. Những đầm hồ xanh ngăn ngắt, loang lóang vầng mặt trời buổi sáng lươn lướt chạy qua. Tiếp nối là những vườn táo, vườn lê, thấp thóang tít phía trong là những ngôi nhà gỗ trắng lóa-nhà nghỉ mùa hè xưa kia của các nhà văn, họa sỹ Nga-nay biến thành những nhà lưu niệm. Đường tầu ngăn cách với những mảnh vườn kia bởi những bãi cỏ rộng, chiều ngang ước tính tới cả trăm mét. Tôi chưa kịp báo trước điều gì với Thỉnh, đã thấy Thỉnh đứng bật dạy khỏi ghế, hai tay giang rộng, mắt phóng ra phía ngòai khung cửa sổ toa tầu, gương mặt đầy hân hoan trong căng thẳng như một thi nhân vừa tìm ra thi tứ mới. Mà quả là thi tứ mới, lạ thật đâu phải là chuyện đùa! Lại lươn lướt ngòai khung cửa toa tầu là những thiếu nữ Nga, đám thì đang phát cỏ bằng những chiếc phảng cán dài; đám thì nằm trên cỏ sưởi nắng. Vâng, mới đầu mùa hè thôi nên ánh nắng nơi đây quý giá như vàng. Để tận dụng cho hết thứ nắng sáng ấy, các thiếu nữ Nga chỉ che đậy những chỗ cần che đậy bằng những giải vải mầu kích cỡ bề rộng chỉ bằng hai đốt ngón tay. Trên thảm cỏ xanh, dưới ánh nắng sớm là cuộc phô bầy sự mịn màng, láng mướt; những nhấp nhô, uốn lượn; những căng nở, hồng hào của xuân thì vừa độ.
 Thỉnh ngắm nhìn qua những khung cửa sổ toa tầu phía bên phải; ngóai sang bên trái, nhà thơ tròn miệng như phát hiện ra cũng vẫn là thế giới bồng lai tiên cảnh ấy. Từ lúc đó trở đi với điệp khúc “ Tuyệt vời” quen thuộc, với cung cách xát xát hai cùi thịt bàn tay vào nhau, nhà thơ hồn nhiên, phấn kích cứ thế chạy từ phía cửa sổ toa tầu bên này qua cửa sổ toa tầu bên kia; chạy về hướng đầu máy, rồi chạy ngược về cuối toa, rồi vòng lộn lại như trong một trò chơi trốn tìm thuở ấu thơ.  Nhìn ông bạn vàng thơ thới, vô tư như vậy hẳn các bạn cũng đóan được vào thời điểm ấy tôi sung sướng, mãn nguyện như thế nào. Tầu elechtristca như chiều vị khách lạ cứ chạy dềnh dàng, đủng đỉnh, để cuộc duyệt binh ngọan mục của nhà thơ xứ mình kéo dài đến trên 30 kilomet! Chặng đường chừng ấy, chẳng cần đếm, tổng số “ bà cụ Nga” xuất hiện trước mắt nhà thơ cũng lên tới cả ngàn! Mà cũng lạ. toa tầu tôi và Thỉnh ngồi sáng ấy, đôi khi có dừng ở một vài ga xép, nhưng không có hành khách nào bước lên. Ở cuối toa tầu chỉ có mỗi một bà lão Nga, kính lão tụt xuống tận sống mũi, vừa đan mảnh áo len màu xanh dương, vừa ngủ gật.
 Tầu kéo phanh vào tới ga, Thỉnh hỏi tôi như vừa bước ra khỏi giấc ngủ say:
-Tới rồi sao?
-Ừ, tới rồi!
 Theo sau tôi, Thỉnh bước xuống tầu với vẻ chậm chạp, uể ỏai. Linh tính mách bảo tôi cuộc chơi chưa thể kết thúc, tôi bảo Thỉnh đứng chờ và ghé vào một cửa hàng mua hai xuất bánh mì kẹp giò, mấy chai Coca Cola làm xuất ăn trưa. Quay về chỗ Thỉnh đứng, tôi làm bộ tỉnh bơ, nói với anh:
-Quay về ngay Matscova ngay thôi! Muộn hơn, chiều nay không còn chuyến tầu nào đưa ta về nữa!
-Không đi thăm Viện bảo tàng và các khu nhà lưu niệm của các nhà văn Nga à?
-Thôi, thể nào chẳng có dịp ông sang Nga đôi ba lần nữa. Mình còn ở  bên  này mà!
 Tôi mua 2vé khứ hồi và không hiểu vì sao, hai chúng tôi bước lên vẫn đúng toa tầu có bà lão Nga ngồi đan.Mới 12giờ trưa. Gió vẫn hây hẩy thổi, nắng vẫn trong vắt trong veo, không hề bức bối, oi nồng- đó là cái nắng muôn ngàn lần đáng yêu của những mùa hè Nga. Tôi tủm tỉm cười vì tôi biết mười mươi, vào thời khắc ấy, các cô gái Nga vẫn đang mải mê phát cỏ và phơi nắng. Ông bạn nhà thơ- cựu binh của tôi sẽ sung sướng một lần nữa được đóng tiếp vai trò thống sóai đi duyệt qua hai hàng cả ngàn những “ bà cụ Nga”…
 Thỉnh về nước, tôi bỗng bị một mối lo ám ảnh kéo dài đến mấy tháng liền. Tôi cứ băn khoăn, tự làm khổ mình với câu hỏi: Tại sao, trên cả hai toa tầu lúc đi và lúc về chỉ có tôi, Thỉnh và một bà lão Nga vừa đan len vừa ngủ gật? Hay bà lão Nga kia chính là tai mắt của KGB( cơ quan mật vụ Nga) theo dõi hành vi, cử chỉ, tìm cách ngáng đường sự thăng tiến một lãnh đạo trẻ lớp kế cận của Hội nhà văn Việt nam? Mừng sao, thư từ Việt nam gửi qua, các đòan nhà văn Việt nam tiếp tục qua cho hay ông bạn vàng của tôi ngày càng được anh em Hội ta tin yêu, uy tín ngày càng được củng cố và tăng trường.
 Tôi về nước ít lâu thì tới đợt Hội ta cử các nhà văn trẻ sang tập huấn nghiệp vụ văn chương đợt 1, đợt 2 tại Viện Văn học Gorki ở Moskva. Người đi được chọn lựa xứng đáng. Nhiều người rớt bực bội, tức tối và cũng rất xứng đáng. Xin nhắc lại để các bạn viết trẻ bây giờ hiểu cho, những năm tháng ấy được sang Nga, sang tới 3 tháng ròng, đối với anh em tôi, tựa như một phép màu hiếm hoi, một ân sủng khó đạt. Sắp tới đợt 3, Hữu Thỉnh bỗng nhắn tôi tới gặp:
-Ông chuẩn bị đi đợt 3 nhé! Thu xếp công việc cơ quan được không?
 Tôi sửng sốt , không tin vào đôi tai mình:
-Ông không nhầm lẫn đấy chứ? Tớ đếch có tác phẩm dày dặn nào. Lại cũng chưa phải là hội viên Hội nhà văn.
- Ông đi với tư cách khác..
 Tôi vội ngắt lời Thỉnh:
-Làm phiên dịch tớ càng không làm nổi! Tớ học điện ảnh đâu có rành thuật ngữ văn chương. Với lại tớ không quen với kiểu dịch đuổi đâu…
 Thỉnh khóat tay:
-Công việc dịch dọc bọn mình đã chọn Vũ Việt, thầy dạy tiếng Nga số 1 ở Trường Đại học ngọai ngữ Thanh xuân rồi. Chúng tôi nhờ ông đi cùng anh em là ở một phương diện khác…
 Ngưng nghỉ một lát, suy nghĩ một lát. Vẻ buồn bã, âu lo bỗng hằn trên mặt anh:
-Ông về nước ông hiểu đấy! Đồng tiền thì mất giá. Đồ ăn thức uống thì cứ leo thang vù vù. Đời sống nhà văn xứ mình bi thảm, cơ cực quá. Đến hai bữa cơm còn lo đến méo mặt, hỏi làm sao có thể bình tâm ngồi vào bàn mà ra thơ, ra văn được? Tớ đã nhờ Đỗ Chu sang nói với tay Hiển-Tổng Gíám đốc sân bay Nội bài, khi anh em nhà văn ta qua cửa hải quan sân bay thì nhè nhẹ tay, đừng có bới móc, săm soi gì. Mỗi thằng nhà văn von vét của chìm của nổi, vay mượn thêm nhiều lắm cũng tới 3 chỉ vàng. Đủ tiền mua một cặp quần Jeal, chục cái áo Cá Sấu, vài chục lố son môi, chì kẻ mắt là hết tiền. Buôn gian bán lận cái đếch gì. Ông ở bên Nga nhiều năm, ông giúp anh em tìm nơi bán tin cậy để không bị lừa. Rồi chỉ anh em nơi nào bán nồi áp xuất, bàn là, áo bay…nghĩa là những mặt hàng mang về Việt nam lời nhiều, trợ giúp vợ con cứu đói. Rảnh rỗi, thư thả thì đưa anh em đi chơi. Cho khuây khỏa và biết thêm vẻ đẹp của thiên nhiên nước Nga, để hiểu thêm văn chương Nga …
- Đi elechtristca tới vùng Zagor nhé?
 Chắc nhớ tới một kỷ niệm không thể nào quên, Thỉnh hơi ngả người ra phía sau, hai tay giang rộng, ánh mắt nhìn đắm đuối. Và bất ngờ ôm chòang lấy tôi, thì thào bên tai tôi:
-Tuyệt vời ! Tuyệt vời!
  Chia tay Thỉnh, nhẩm tính tôi mới chợt nhớ ra, khi đòan nhà văn khóa 3 sang tới Moskva, đã là cuối thu. Tiết trời trở lạnh được vài tuần rồi. Mưa ướt dầm dề đâu còn khô ráo, nắng nỏ. Tại những mảnh vườn ở vùng Zagor hẳn cây lá đã đổ vàng, hai vạt cỏ bên đường elechtristca hẳn đã héo trụi. Không còn thứ nắng ấm và những ngọn gió mát đâu. Và chắc chắn “ các bà cụ Nga” đang giúp cha mẹ lấy bột mát tít chét lại khe hở các khung cửa sổ, khuân củi từ ngòai vườn vào nhà, xếp cạnh lò sưởi…
     
T.P Hồ Chí Minh đầu tháng bẩy, 2010
-----------------
(1)Trợ lý bậc cuối cơ quan tuyên huấn quân đội, chuyên lo việc leo thang, đóng đinh trang trí sân khấu, treo khẩu hiệu hoặc băng rôn…
 
GHI CHÚ ẢNH:
Nhà thơ Hữu Thỉnh và các nữ sinh viên Nga học tiếng Việt tại Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, tham dự Hội nghị Quảng bá văn học Việt nam ra nước ngòai. Hà nội tháng 1 năm 2010.