Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ BÁO HOÀNG TÙNG QUA ĐỜI ĐEM THEO MỘT BÍ MẬT

Nguyễn Xuân Diện
Thứ sáu ngày 2 tháng 7 năm 2010 3:41 PM

hspace=0

 Nhà báo Hoàng Tùng - tuổi 86 (tháng 5/2006).
.
TTX Việt Nam - Nhà báo Hoàng Tùng, một trong số ít ỏi nhà báo cuối cùng còn lại được Bác Hồ trực tiếp dạy bảo và cố Tổng Bí thư Trường Chinh dìu dắt vào con đường báo chí cách mạng Việt Nam đã từ trần ngày 29/6/2010 do tuổi cao sức yếu.
.
Hoàng Tùng tên thật là Trần Khánh Thọ, sinh ngày 14/01/1920, tại xã Nhân Hòa, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
.
Ông đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước: Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Ủy viên Xứ ủy Bắc kỳ, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, phó Trưởng Ban Thi đua Trung ương, Tổng biên tập báo Sự Thật, Tổng biên tập báo Nhân Dân, phụ trách Văn phòng Tổng bí thư, Chánh Văn phòng Trung ương, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, Bí thư Trung ương Đảng.
.
Năm nay nhà báo Hoàng Tùng tròn tuổi 90. Cuộc đời làm báo cách mạng của ông chiếm tới 70 năm, với khối lượng các tác phẩm báo chí đồ sộ có chất lượng cao. Làm Tổng biên tập báo Nhân Dân từ năm 1954 cho đến năm 1982, ông đã góp phần đào tạo, bồi dưỡng một đội ngũ báo chí có chất lượng cao cho báo Nhân Dân – Cơ quan Trung ương của Đảng - và nêu gương sáng về lòng thủy chung, tâm huyết với nghề trước đội ngũ báo chí nước nhà. (Theo TTXVN).
---------------
.
N.X.D: - Trước hết, chúng tôi xin gửi đến TS. Trần Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ VH - TT & DL , trưởng nam của Nhà báo Hoàng Tùng và gia đình lời chia buồn về sự ra đi của Cụ.

Để tưởng nhớ nhà báo Hoàng Tùng, chúng tôi xin kể hai câu chuyện có liên quan đến Cụ mà chúng tôi có quan tâm:
.
1. Cụ Hoàng Tùng rất mê ca trù. Tôi bắt đầu đi nghe hát cô đầu (ca trù) từ năm 1992. Khi ấy, sau khi tốt nghiệp ĐH, tôi về dạy học tại Trường Sĩ Quan Lục Quân 1 ở Sơn Tây. Đọc báo Hà Nội Mới, biết có CLB Ca trù Hà Nội ở Bích Câu Đạo quán sinh hoạt đều đặn mỗi tháng một lần. Cứ đến hẹn lại lên, mỗi lần đến kỳ sinh hoạt, tôi lại đi xe khách xuống Bích Câu đạo quán để nghe ca trù. Lần nào cũng gặp Cụ Hoàng Tùng. Cụ nghe hát rất say mê và có nhiều khích lệ đối với CLB Ca trù Hà Nội.
.
2. Cụ là một trong hai người (người kia là nhà thơ Tố Hữu) được nghe Bác Hồ nói về một định nghĩa Dân chủ của Người - định nghĩa mà nhiều người hôm nay đang nhắc đến nhưng không tìm thấy trong các tuyển tập, toàn tập Hồ Chí Minh. Định nghĩa đó là: Dân chủ là để người dân được mở cái miệng ra.
 
hspace=0

TS. Tạ Đình Thính và tôi. Ảnh chụp ngày 15.1.2010.

Tôi biết chuyện này là qua TS Tạ Đình Thính (ảnh), nguyên Chánh văn phòng TW Đảng. Vào khoảng nửa cuối năm ngoái TS Tạ Đình Thính thường đến Thư viện Hán Nôm để nhờ tôi tìm kiếm các tư liệu chữ Hán Nôm của làng ông - làng Đại Định, huyện Thanh Oai, Hà Tây (cũ) - để ông viết một cuốn địa chí về làng mình. Ông Thính là bà con trong họ với Ông Tạ Đình Đề. Cũng có khi ông ghé thăm chốc lát, chỉ để nhờ cắt nghĩa một bức hoành phi, hoặc 1 đôi câu đối chữ Hán ở đình hoặc miếu trong làng.
.
Hôm ấy, có cô PV bên Đài Tiếng nói VN đến phỏng vấn tôi về Ca trù. TS Tạ Đình Thính khi ấy cũng ghé thăm (bức ảnh trên do nữ nhà báo chụp). Chúng tôi có trò chuyện về các bài Ca trù Cách mạng, do các chiến sĩ cộng sản sáng tác và biểu diễn ngay tại nhà tù. Nhắc đến cụ Hoàng Tùng mê ca trù, TS Tạ Đình Thính vui chuyện có kể cho chúng tôi nghe rằng, hồi trước Cụ Hồ hỏi ông Tố Hữu và ông Hoàng Tùng thế nào là dân chủ. Trong khi ông Hoàng Tùng chưa nói gì, còn ông Tố Hữu đang nghĩ ngợi, thì Cụ Hồ nói luôn rằng: Dân chủ là để cho người dân được mở cái miệng ra.
.
TS Tạ Đình Thính cho biết, ông nhiều năm công tác tại Văn phòng TW Đảng, từng nhiều lần đọc các tuyển tập, toàn tập Hồ Chí Minh, song chưa tìm thấy câu nói này trong đó.
.
Vĩnh biệt Cụ Hoàng Tùng, chúng tôi xin ghi lại đây câu chuyện này, trước là để tưởng nhớ Cụ, sau là để ghi lại một tư liệu để những ai quan tâm có thêm thông tin xung quanh chuyện này.
 
Nguồn:http://nguyenxuandien.blogspot.com/2010/06/nha-bao-hoang-tung-qua-oi.html