Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TỪ CUỘC ĐỜI NGUYỄN THI NGHĨ VỀ THÂN PHẬN VÀ CHỨC NĂNG CỦA NGƯỜI CẦM BÚT

Phùng Văn Khai
Thứ bẩy ngày 3 tháng 7 năm 2010 11:35 AM

Một lẽ thường, các tác phẩm văn chương, dù khiêm tốn hay có đóng góp nhất định với đời sống xã hội khi đến với người đọc, thì cũng dường như người đọc, ở vị trí của mình, thường là thưởng thức những giá trị nghệ thuật mà nó mang lại, mấy ai biết thấu đáo về hoàn cảnh ra đời, đời sống của người sáng tạo ra nó, hoặc những đoạn trường khuất khúc, hoặc những thăng hoa nhất thời trong quá trình tác phẩm được sinh ra. Đời sống các nhà văn, số phận mỗi tác phẩm, những tác động, những tâm tư, sự ràng buộc nhiều mặt trong xã hội biến động, tâm thế thời đại, sức mạnh dân tộc, sức mạnh nhân dân, cá tính sáng tạo, sự hy sinh, thậm chí uẩn khúc của các nhà văn, các tác phẩm văn học là một vấn đề rất đáng được quan tâm, tìm hiểu và chia sẻ.
Đời sống mỗi nhà văn luôn là một thế giới sinh động, muôn màu muôn vẻ, người thì giản dị xuề xòa, người thì kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, người thì dễ tính, dễ gần, viết đâu được đó, người thì vật lộn mưu sinh cả đời cày sâu cuốc bẫm, lại cũng không ít các nhà văn học thức đầy mình, cung cách mô phạm, lịch lãm trong khi một số không nhỏ do chiến tranh giặc giã, học ít viết nhiều, lấy đời sống chiến đấu của mình, của nhân dân đưa vào tác phẩm rưng rưng sống động. Có không ít các nhà văn vào sinh ra tử, đầu sóng ngọn gió, hòn tên mũi đạn, thậm chí hy sinh ngay ở trận tiền, lại cũng không ít người âm thầm bệnh tật, vết thương từ tâm can đến cả da thịt bề ngoài thảy đều gắng sức vượt lên mà chuyên tâm cầm bút, nhường nhịn hy sinh trong cuộc sống riêng chung.
Cùng với số phận của dân tộc, thân phận các nhà văn cũng đầy chìm nổi, vinh quang, cay đắng nhưng luôn đầy đặn niềm tin vào cuộc sống, đôi chỗ cả tin ngây thơ chăng nữa thì trái tim vẫn một mực yêu dân, yêu nước và yêu sự phát triển tiến bộ của xã hội. Có không ít những quan điểm, những nghĩ suy, về đời, về nghề đôi lúc ứa máu cần lao của lao động nghề văn.
Ở đây tôi muốn nói đôi điều về nhà văn, liệt sĩ Nguyễn Thi, một ngòi bút cá tính và đặc sắc của tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Nguyễn Thi tên thật là Nguyễn Hoàng Ca, bút danh quen thuộc gửi từ chiến trường ra là Nguyễn Ngọc Tấn. Ông sinh ngày 15 tháng 5 năm 1928 tại xã Quần Phương Thượng, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Trong cuộc tổng tấn công tết Mậu Thân, ông xung phong đi chiến đấu cùng một tiểu đoàn pháo binh, tham gia đánh chiếm Sài Gòn và hy sinh trong tư thế một chiến sĩ cảm tử ngày 9 tháng 5 năm 1968 tại đường Minh Phụng, thành phố Sài Gòn. Nơi ông hy sinh nay đã được mang tên ông - đường Nguyễn Thi.
Với khoảng hai mươi năm cầm bút, ông đã để lại một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ với nhiều giải thưởng trong đó co giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Các tập truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký tiêu biểu Trăng sáng, Đôi bạn, Chuyện xóm tôi, Mẹ vắng nhà, Những đứa con trong gia đình, Sen trong đồng, Ở xã Trung Nghĩa, Ước mơ của đất và đặc biệt là Người mẹ cầm súng đã chứng tỏ văn tài nổi trội của ông khi viết về chiến tranh.
Chất lượng, bản lĩnh, sức mạnh nghệ thuật hiện thực của Nguyễn Thi đã làm cho các tác phẩm của ông có một sức bao trùm, gợi cảm, sức sống bền lâu trong lòng độc giả. Các nhân vật như chị Út Tịch, anh Phạm Văn Cội, chị Nguyễn Thị Hạnh... sẽ mãi còn lại với thời gian. Số phận đã không cho Nguyễn Thi được nhìn thấy ngày toàn thắng. Tuổi bốn mươi, ông ngã xuống giữa những trang sách bỏ dở. Đó dường như là một mất mát lớn không chỉ của gia đình, vợ con, đồng đội thân thiết với ông, mà là cả văn chương.
Nguyễn Thi có một cuộc đời riêng nhiều biến động, từ một thiếu niên không nghề nghiệp, lang bạt kiếm sống khắp nơi, bắt gặp và được Cách mạng thức tỉnh, đưa vào đội ngũ, trở thành người chiến sĩ cầm súng rồi thành nhà văn là cả một chặng đường có lúc như là huyền thoại.
Khi thực hiện bộ phim tài liệu về Nguyễn Thi, tôi được nhà văn Nguyên Ngọc nhiệt tình cung cấp tư liệu, trong đó có những tư liệu quý về cá tính và sáng tác của ông. Nhà văn Nguyên Ngọc kể ,đầu năm 1962, Nguyễn Thi sùng sục đòi trở lại chiến trường miền Nam bằng được. Khi chỉ có hai người, Nguyễn Thi trầm ngâm: Cuộc chiến đấu trước mặt bọn mình chắc chắn sẽ hết sức khốc liệt. Ở trong ấy lúc này chúng ta chưa có dân, chưa có đất, toàn bộ chính quyền còn trong tay kẻ thù. Gần như phải bắt đầu từ tay không mà đi tới giành lại tất cả. Tình hình như vậy mà mình về để “làm văn chương” thì vô nghĩa, vô duyên quá. Về trong ấy, có lẽ mình sẽ làm tất cả việc gì cần làm cùng với đồng chí đồng bào, làm gì cũng được, bất cứ việc gì có ích dù nhỏ nhất. Mình sẽ chỉ trở lại cầm bút khi nào việc cầm bút thật sự cần thiết và có ích như cầm súng hoặc là hơn thế.
Gần hai tháng lặn lội Trường Sơn, một ngày tháng bảy, hai nhà văn tới một khu rừng thông rất đẹp trên biên giới Việt - Lào, phía tây Thừa Thiên. Đây là điểm chia tay. Buổi sáng chia tay, Nguyễn Thi dặn Nguyên Ngọc: Một, nếu còn sống, trở lại Hà nội thì cùng nhau đi ra bằng đường quốc lộ số 1. Nghĩa là phải toàn thắng mới trở ra, nhất quyết không bỏ cuộc dở chừng. Hai, ông nói rất nhỏ với bạn, mình còn một đứa con gái ở Sài Gòn, mà chưa bao giờ thấy mặt, nếu mình không còn, sau này Ngọc về tìm hộ...
Lúc ấy, tôi thấy nhà văn Nguyên Ngọc khóc.
Điều đó đã động viên tôi rất nhiều trong thực hiện các phim chân dung văn nghệ sĩ, đặc biệt là những người đã hy sinh.
Văn chương bao giờ cũng có những vẻ đẹp và lý lẽ riêng khó giải thích bằng văn bản.
Cũng theo Nguyên Ngọc thì Nguyễn Thi có một tâm hồn nghệ sĩ, theo nghĩa đẹp nhất của từ đó. Nhưng có lẽ trước hết, Nguyễn Thi là một người chiến sĩ. Sau này vào chiến trường Nam Bộ. Nguyễn Thi đã sống, làm việc đúng như ông đã nói.
Nguyễn Thi là một cá tính văn chương hiếm gặp ở đời.
Dù khiêm nhường đến mấy, những đóng góp văn chương của các nhà văn, đặc biệt là những nhà văn liệt sĩ như Nguyễn Thi trong cuộc sống là không thể thiếu và phải được trân trọng. Không thể hình dung một dân tộc, một thời đại, một con người dù là quốc gia quốc tịch nào mà lại không cần đến văn chương. Văn chương góp phần không nhỏ trong hình thành và bồi đắp mỗi nền văn hóa.
Văn chương Nguyễn Thi bộc lộ một cảm thông sâu nặng với chiến sĩ và nhân dân, đặc biệt là những người dân vùng địch hậu. Nhiều câu văn, đoạn văn trong tiểu thuyết, ghi chép, truyện ngắn của ông đã đạt đến độ khái quát cao, có sức ám ảnh và lan tỏa đa chiều với người đọc, đặc biệt là những bạn nghề nghiệp. Nền tảng sự cảm thông ấy ở đâu ra nếu không xuất phát từ trái tim chân thành và đau đớn của người viết. Và, từ những cảm thông ấy, đã hằn lên ước muốn làm tươi lại những tâm hồn trơ lì, héo úa, bị tha hóa từ chiến tranh cũng là một bản lĩnh ngòi bút. Và dường như, đó còn là một sự độc lập, một khẳng định chủ quyền về quyền năng nhà văn trong bày tỏ và sáng tạo. Và, thật tự nhiên, từ những sáng tạo chuyên tâm, bền bỉ, từ những thân phận da diết, ám ảnh, vang sâu ấy, từ những lặn chìm loang thấm ấy, đã góp phần định hình một phong cách riêng cần thiết, cần thiết và quyết định đến sự thành công của văn nghiệp Nguyễn Thi.
Có những lúc viết văn, là viết cho những gì rất thiêng liêng. Văn chương không chỉ dành riêng cho những cực lạc, viên mãn, đang háo hức với những vị trí tốt đẹp của mình, mà còn là sự cảm thông với bơ vơ, lạc lõng, bần hàn, oan khuất, sỏi đá, cát bụi... nên văn chương lúc này không phải là thứ vỗ tay reo mừng chiến thắng, hân hoan đắc chí, no cơm ấm cật mà khi ấy phải là thứ văn chương lầm than cùng với thân phận hẩm hiu của con người. Cái thứ văn của người viết bấy giờ phải nổi chìm như đời sống thực, có khi còn phải đào sâu hơn, đớn đau hơn. Khi ấy, có thể sẽ xảy đến nhiều khả năng cho người cầm bút, thậm chí nhiều phần là khả năng xấu. Nhưng còn biết làm sao, còn biết làm sao trong cuộc tự tìm mình, vì văn chương, vì nhân cách của chính mình.
Đến đây, tôi nhớ đến cái truyện ngắn rất hay của nhà văn liệt sĩ Nguyễn Thi. Truyện Im lặng. Truyện nhà văn viết về chiến tranh, khi in ra nhiều người bảo nó có vấn đề, nó bi quan. Truyện về một chiến sĩ trước sức ép tàn khốc của chiến tranh giáng xuống thể chất và tinh thần anh quá khốc liệt, quá sức tưởng tượng, đã mắc bệnh tâm thần. Và một cô gái, người nữ y sĩ chăm sóc anh cũng có một đời sống riêng éo le khôn xiết. Đến khi câu chuyện của người lính tâm thần kia sắp cởi ra cũng là lúc câu chuyện đời tư về cô y sĩ cần phải được khép lại, vĩnh viễn đóng lại. Câu chuyện nặng nề từ đầu đến cuối, từ bối cảnh, câu chữ, tuyến nhân vật và giọng kể. Đã có một thời người ta định lấp nỗi đau bằng mọi giá. Và đương nhiên, truyện ngắn Im lặng của nhà văn Nguyễn Thi, một câu chuyện rất hay, cách viết chín, sâu và cốt truyện rất đa nghĩa ấy thời ấy làm nhiều người không thích. Nguyễn Thi là một nhà văn rất cá tính. Ông luôn có cách bảo vệ đứa con tinh thần của mình cho dù cách ấy đôi khi không có lợi cho ông. Ngay sau khi in truyện ngắn ấy, ông đi B chiến đấu và hy sinh tại chân cầu chữ Y tết Mậu Thân. Sau này, khi tìm những tư liệu để làm phim chân dung về ông, tìm gặp bạn bè ông, những văn nghệ sĩ tài năng và tâm huyết, tôi mới vỡ lẽ thêm nhiều tình tiết xung quanh Im lặng. Thì ra, những nhà văn chân chính, luôn luôn bày tỏ và lựa chọn một thái độ sống, sống đến bất chấp hiểm nguy, sống không tính đến lợi ích cá nhân, kể cả đến tình yêu của mình, tính mạng của mình.
Tôi luôn nghĩ bao giờ các nhà văn tài năng cũng đã làm rất tốt những công việc của mình, đặc biệt là trong những lúc cam go, ác liệt nhất, lúc đòi hỏi đức hy sinh và lòng quả cảm của người cầm bút với lẽ sống còn. Từ Nguyễn Thi, tôi luôn suy nghĩ về thân phận và chức năng của người cầm bút. Người cầm bút hôm nay đang ở đâu, đã ở đúng vị trí hay chưa, đã làm tròn bổn phận hay chưa là một tự vấn luôn được đặt ra. Bầu trời văn chương mênh mông hay hạn định, cánh rừng văn chương thăm thẳm hay khuôn chừng trói buộc, trong hành trình ấy, có ga dừng, trạm nghỉ không, hay là như sóng biển không bao giờ cho bờ tĩnh lặng dù là ve vuốt mơn man hay phá phách hủy diệt vẫn miên man, trùng trùng những con sóng dội.