Tôi chuẩn bị lên máy bay để vào TPHCM thì có điện thoại: “Gia Dũng đây. Ông đang ở đâu đấy. Ngàn năm thơ Việt xong rồi, tặng ông một bộ. Làm sao gửi đây?”. Nhận ra giọng nhà thơ mà tôi hằng quý trọng, tôi nói: “Bác gửi vào cho em đi. Em đã lên máy bay rồi”. Và, giờ đây bộ sách “Ngàn năm thơ Việt” gồm 2 cuốn, mỗi cuốn trên dưới 1.500 trang (khổ 16 x 24) đồ sộ đang đặt trước mặt tôi.
Lần đầu gặp nhà thơ Gia Dũng cách nay đã hơn 20 năm, nhưng thực ra tôi đã biết ông từ cái ngày tôi còn là chàng trai vừa bước sang tuổi 18 vượt Trường Sơn vào Nam đánh giặc. Thuở ấy, thế hệ chúng tôi, hình như chẳng ai là không thuộc bài hát phổ thơ ông - bài: Bài ca Trường Sơn: “Trường Sơn ơi, trên đường ta qua không một dấu chân người, có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác. Dừng ở lưng đèo mà nghe suối hát. Ngắt một đóa hoa rừng cài lên mũ, ta đi...”.
Gặp ông tại cơ quan đại diện phía Nam Báo Quân đội Nhân dân vào khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ trước, chúng tôi đã trở nên thân tình ngay. Một người lính đã trải qua chiến tranh, đã từng có những câu thơ lửa cháy, thôi thúc lòng người hiện ra trước mắt tôi với dáng vẻ bình dị, nếu chưa nói là chân chất như một người lính trận. Ông say mê kể cho tôi nghe công việc sưu tầm thơ. “Đó là công việc đãi cát tìm vàng, mình không làm thì còn chờ ai làm nữa. Khó mấy cũng phải làm!”. Thú thực lúc ấy, tôi nghĩ ông quá nghệ sĩ mà nghệ sĩ như người ta hay đùa phải gàn gàn, dở dở một tí. Và cái con người “gàn gàn, dở dở” ấy đã làm nên chuyện. Ông đi vào cõi thơ với tất cả niềm đam mê và không hề vụ lợi.
Chỉ trong vòng hai chục năm nay, với hai bàn tay trắng và trái tim yêu thơ, yêu vốn quý của dân tộc đến cuồng mê, bên cạnh 12 tập thơ do chính ông sáng tác, Gia Dũng đã lần lượt cho xuất bản hơn 20 tập thơ do ông biên soạn. Những đứa con tinh thần ấy của ông, qua thăng trầm của thế sự và lưới bụi của thời gian vẫn cứ tồn tại và sáng dần lên. Duyên thơ, Thơ tình Đà Lạt, Chúng tôi đánh giặc và làm thơ, Thơ Việt Nam 1945 - 2000, Hồ Chí Minh - hợp tuyển thơ, 100 bài thơ chọn lọc thế kỷ XX, Ngàn năm thương nhớ... và gần đây nhất, bộ sưu tập thơ Ngàn năm thơ Việt (Việt Thi Thiên Tải 1010 - 2010) gồm hai quyển: quyển thượng và quyển hạ, dày trên 3.000 trang, với sự góp mặt của hàng trăm nhà thơ các thế hệ từ thời Lý Công Uẩn viết Chiếu dời đô đến thời đại Hồ Chí Minh, với bài thơ Nguyên tiêu (tiết rằm tháng giêng) nổi tiếng...
Con người vượt lên sự bình thường để làm được câu chuyện phi thường ấy, sống thật giản dị và khổ hạnh. Sau chiến tranh, ông lên công tác văn nghệ ở Hà Tuyên (cũ). Đang yên ổn, nặng nợ với thi ca, ông bỏ về Hà Nội và lang thang suốt mấy chục năm trời hết nơi này đến nơi khác làm công việc đãi cát tìm vàng. Để cho ra đời những đứa con tinh thần ấy, ông tự nguyện dấn thân và trở thành con nợ. Nợ với thi ca và nợ cả tài chính để làm bà đỡ cho thi ca. Ấy vậy mà, với tiêu chí thơ phải hay và đẹp, thơ phải là thứ hàng hóa đặc biệt không thể bán bằng tiền, dù khó khăn nợ nần chồng chất, Gia Dũng cũng không vì thế làm thi ca “hạ giá”. Nhà thơ Gia Dũng kể: Hôm nọ có một ông tỷ phú đến gạ tài trợ hai trăm triệu và còn mua vài chục bộ để được in một tập thơ. Nhưng khi đọc thơ, Gia Dũng nhận ra đây không phải là thơ, nên ông nằng nặc từ chối làm bà đỡ. Lại có một người đẹp chân dài muốn nổi tiếng thêm, nhờ ông tình cảm chọn vài bài vào một tuyển tập thơ. Nhận thấy đây chưa phải là thơ, ông cũng kiên quyết… lắc đầu. Có lẽ thế mà hầu hết các tác phẩm thơ biên soạn của ông có thể còn có những ý kiến khác nhau, nhưng nhìn chung được các nhà chuyên môn và dư luận đánh giá cao.
Nhìn bộ sách bề thế, đồ sộ “Ngàn năm thơ Việt” với hai quyển: quyển thượng, quyển hạ như một tòa lâu đài đặt trước mặt mình, tôi bỗng liên tưởng nhà thơ Gia Dũng như một người đãi cát để xây nên ngôi đền thơ. Đền thượng và đền hạ để dẫn đến ngôi đền chính thi ca – vốn quý của dân tộc suốt mấy ngàn năm lịch sử.
Xây đền thơ là một công việc lớn lao của nhiều người, nhiều thế hệ, nhưng trộm nghĩ nhà thơ Gia Dũng như là một trong những người lính thợ cần mẫn đãi cát tìm vàng, góp phần xây nên ngôi đền thiêng liêng ấy. Chúng tôi đánh giặc và làm thơ, tôi nhớ đến một trong những tập thơ mà Gia Dũng đã biên soạn. Đó phải chăng là điểm đến, là niềm đam mê như một sứ mệnh cả đời ông tôn thờ, ngưỡng vọng để góp phần nhỏ bé của mình xây ngôi đền thi ca, món quà dâng lên tổ tiên nhân kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Nguồn: Báo SGGP