Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VẤN ĐỀ NHÂN VẬT: TẠM KẾT VỀ CHỦ NGHĨA LÍ LỊCH TRONG TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG (1)

Trần Xuân An
Thứ bẩy ngày 3 tháng 7 năm 2010 7:49 AM
 
Chủ nghĩa lí lịch là sự đánh giá một con người cụ thể qua các mối liên hệ về nhân tộc, tôn giáo, huyết thống (3 đời: ông bà nội ngoại, cha mẹ, chú bác, cậu dì, anh chị em và có thể cả đời thứ tư là các con), về hôn nhân (3 đời của người phối ngẫu), về bạn bè, và qua quá trình học tập, công tác (hay hành nghề) của bản thân, chứ không chỉ đánh giá một con người cụ thể bằng chính quá trình học tập, công tác (hay hành nghề) của con người ấy.
Chủ nghĩa lí lịch thể hiện sự tính toán nhằm loại trừ những con người xuất thân từ các thành phần, giai cấp vốn là đối tượng đánh đổ của cách mạng hoặc có liên hệ với các thành phần, giai cấp ấy. Một mục đích khác là nhằm đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt những con người có mối liên hệ với cách mạng, liên hệ càng mật thiết, càng nhiều, càng được hưởng sự ưu đãi. Có thể vắn tắt: xác định mức độ liên lụy hay mức độ thừa hưởng. Nó còn có tính chất răn đe (không được phản cách mạng) hay tính chất khuyến khích (phải ủng hộ và trung thành với cách mạng).
Chủ nghĩa lí lịch có nguồn gốc từ chế độ phong kiến độc tài, chuyên chế, thể hiện bằng các hình án mà nặng nhất là tru di tam tộc, bằng sự khen thưởng cho những người có liên hệ với đương sự, như phong hàm tước (danh dự), phong sắc cho vợ, cho cha mẹ, ông bà, và định lệ hưởng tập ấm cho con cháu. Chủ nghĩa lí lịch hiện hành còn là sự kết hợp với quan điểm đấu tranh giai cấp.
Vì không thừa nhận mỗi con người là một chủ thể độc lập, tự do, tự chủ trong nhận thức, tư tưởng, hành động, với tài và đức của bản thân mà đánh giá qua các mối liên hệ có tính chất thành phần, giai cấp với mục đích chính trị có tác động thực tế nhất thời, nên nó chỉ là một biện pháp chính trị thiếu tính nhân văn, chứ không phải là khoa học nghiên cứu về con người cụ thể nói chung.
Do đó, những tác phẩm văn chương, đặc biệt là tiểu thuyết, nhất là các tiểu thuyết miêu tả cặn kẽ, chi tiết về những con người trong các mối liên hệ ấy, để minh họa (có ý thức hay vô ý thức) cho chủ nghĩa lí lịch theo cách như trên, là phi khoa học và không có giá trị văn chương. Đó chỉ là những tác phẩm thuộc loại tuyên truyền cho một biện pháp chính trị thiếu tính nhân văn, gây chia rẽ xã hội, chia rẽ dân tộc (2).
TXA.
01-7 HB10 (2010)
______________________
(1) Các bài đã đăng ở TranNhuongCom (tháng 6-2010):
I. Bài chính:
Văn chương về các “vết thương” chiến tranh, hậu chiến…
II. Hai bài phát sinh:
1) Vấn đề nhân vật: Bản lí lịch 3 đời hay bộ hồ sơ học bạ?
2) Vấn đề nhân vật: Chủ nghĩa lí lịch không khoa học nên không có giá trị văn chương
(2) Xem thêm: Võ Văn Kiệt (nguyên Thủ tướng Chính phủ), “Đại đoàn kết dân tộc - cội nguồn sức mạnh của chúng ta”, VietnamNet, cập nhật lúc 16:03, Chủ Nhật, 28/08/2005 (GMT+7)
http://vietnamnet.vn/60nam/ctdod/2005/08/483852/