Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐI TRƯƠNG SA NGHĨ VỀ HÀNG HẢI NƯỚC VIỆT XƯA

Trần Thi
Chủ nhật ngày 27 tháng 6 năm 2010 9:43 PM

Chúng tôi đi Trường Sa trên con tàu có tự trong 200.000 tấn, mớn nước 5m nên lướt trên sóng như đi trên đất bằng, mọi sinh hoạt được đảm bảo không khác gì trên đất liền. Nhà sử học Dương Trung Quốc không ngớt lời trầm trồ: “Có đi mới biết đất nước mình dài rộng đến chừng nào và vô cùng khâm phục ông cha ta, với những phương tiện thô sơ, từ xa xưa đã chinh phục biển cả, lập một hệ thống giao thương trên biển”.
Vâng! Đã có nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước về hàng hải nước Việt xưa và đều khẳng định: từ nhiều ngàn năm trước, người Việt đã có một nền giao thương trên biển phát triển. “Thật thế, ảnh hưởng của các nền văn minh cổ thời Hoà Bình, Đông Sơn rất bao la, vết tích các nền văn minh này đi lên Đài Loan, Nhật Bản, Tây Bá Lợi Á; qua Phi Luật Tân, vùng Đa Đảo; xuống Nam Dương, Úc Châu và sang tận Mã Đảo, Phi Châu. Công việc chuyển vận hải thương đã lôi kéo theo sự truyền bá văn hoá trên các bờ biển và hải đảo xa vắng mà đôi chân con người không thể tới được bằng đường bộ”. Điều này được khẳng định trong “Bách khoa từ điển The New Encyclopaedia Britanica xuất bản những năm gần đây, về từ mục Dongson Culture ghi như sau: “Đông Sơn không những chỉ riêng là văn minh đồ đồng mà cũng có đồ sắt nữa. … Người Đông Sơn là dân đi biển, có thể đã hải hành và thương mại khắp vùng Đông Nam Á Châu”. “Nhiều lời khen ngợi dân Việt đi biển được dẫn lại trong sách của Jean Chesneaux, cuốn “Contribution à l’histoire de la nation Vietnamienne”, bản dịch Anh ngữ: “The Vietnamese Nation – Contribution to a History” Nhật ký của George Windsor Earl : Nhà hàng hải George Windsor Earl viết trong sổ nhật ký của ông trên đường dẫn lộ một chiếc thương thuyền đến Singapore vào đầu thế kỷ thứ 18 như sau: “… Bão táp thật dữ dội ngoài biển khơi, thiếu chút nữa thì thương thuyền của chúng tôi bị gẫy đổ cả cột buồm. Thời tiết đã tiếp tục xấu như thế trong nhiều ngày. Vậy mà khi đang thận trọng dẫn tàu vào eo biển, chúng tôi chợt nhận ra 6 chiếc thuyền nhỏ của người Việt Nam đang giương hết mọi cánh buồm tiến thẳng tới trước… Tôi nghĩ (lời Thuyền trưởng George Windsor Earl): Mấy người Việt đó đang lèo lái những con thuyền bé nhỏ mà cách thức vận chuyển để vượt sóng lượn gió thật là tài tình. Tài ba của họ không thua kém bất cứ một thủy thủ đoàn hạng nhất nào của toàn khu vực Âu Châu. Đoàn thuyền bé tí teo đó không có một chiếc nào vượt quá 50 tấn, vậy mà những người đi biển này có thể đè bẹp cả sóng gió Biển Đông vào giữa mùa bão tố. Đã qua 20 năm rồi, rất ít thương thuyền nào của công ty chúng tôi dám thử hải hành trong giữa mùa biển động như vậy…” Ông còn viết thêm nhiều câu rất cảm động, thí dụ như: “Thật thú vị nếu được quen biết với những người Việt Nam này. Tính tình họ năng động, ngôn từ lại hoạt bát như dân Pháp. Khi đến buôn bán ở Singapore, họ đã phải khéo léo trong sự cạnh tranh. Hoàn cảnh sinh hoạt của họ thật sự khó khăn vì chính sách bế môn tỏa cảng của triều đình Việt Nam. Họ rất can đảm khi xuất dương. Thuyền họ lại không trang bị vũ khí và như thế có thể là miếng mồi ngon cho bọn hải tặc”. Những câu khen ngợi đó có thể nói là không tiếc lời. Sự suy tôn về nghề nghiệp, đề cao về nhân cách cùng khâm phục lòng can đảm như vậy rất hiếm hoi trong giới hành thủy. Thủy thủ Việt trong báo cáo của John Crawfurd : Bác sĩ Crawfurd đươc chính phủ Anh đề cử làm đại sứ tại hai kinh đô Bangkok và Huế năm 1822. Tuy bị thất bại trong công tác thành lập một thương cảng tại Việt Nam, ông vẫn giữ những cảm tình sâu đậm với giới hành thủy Việt Nam. Bác sĩ Crawfurd có nhận xét về khả năng hàng hải của dân ta trong mục báo cáo số 145 như sau: “… Nếu như người Việt Nam được phép tự do viễn dương thì người ta không thể tìm đâu ra được một sắc dân nào nữa ở Á Đông mà lại có đầy đủ những đức tính để trở thành các nhà hàng hải siêu đẳng như vậy… Tính họ không những cương quyết, năng hoạt động, tôn trọng hạn kỳ, mà lại luôn luôn vui vẻ chiều lòng khách hàng… Ghe tàu của họ được các nhà chuyên môn xét đoán và mô tả như là những loại thuyền tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á, kiến trúc rất chắc chắn, đủ sức hải hành ngay cả những khi thời tiết xấu nhất.” Thêm vào các nhân chứng (người Anh) này, hai người Pháp (Chaigneau và Vannier) đã làm quan trong triều đình Việt Nam và cũng đã từng làm hạm trưởng các chiến hạm loại trang bị 16 súng đại bác với thủy thủ đoàn hoàn toàn Việt Nam, bảo đảm rằng họ là những thủy thủ can đảm và thật lành nghề. Nhận xét của John White : Thuyền trưởng White là một trong những nhà hàng hải Hoa Kỳ đầu tiên đến Việt Nam vào năm 1820. Ông có dịp thăm viếng thủy xưởng sau này là Hải quân Công xưởng Sài Gòn, cho biết người Việt Nam là những nhà kiến trúc tàu bè có khả năng kỹ thuật cao nhất, hoàn tất công tác thật chính xác. John White còn xem xét các ván gỗ đóng thuyền, Ông rất ngạc nhiên là những hải xưởng Việt Nam thời đó lại có đầy đủ vật liệu cho việc kiến trúc đến cả loại tàu lớn nhất như Frigate (tức loại chiến hạm chủ lực của Hải quân Hoa kỳ sử dụng vào đầu thế kỷ 19). Ông tận mắt nhìn thấy một tấm gỗ dài rộng tới 120 ft x 4 ft . Vì khổ này lớn quá, gỗ lại rất tốt; vị Thuyền trưởng Mỹ suy ra rằng rừng Việt Nam sản xuất được những loại cây gỗ dùng đóng tàu thuyền rất tốt.”  Không những thế, trong sách “The Junks & Sampans of the Yangtze”, G. R. G. Worcester đã viết về hải lộ thông thương từ Âu Châu qua Ả Rập, Ấn Độ đến vịnh Bắc Việt, cho rằng Hà Nội đúng là trạm hải hành cuối cùng giữa Tây phương và Đông Á trong cổ thời. Worcester hình dung một “hải trình tơ lụa” như sau: “…có thể đã có những ảnh hưởng qua giao tiếp đường biển rất sớm sủa với dân Địa Trung Hải, vì người ta tin rằng những thương gia Phoenicia trên hải trình tìm kiếm “đường tơ lụa”, đã tới Đông Dương vào năm 650 TTL”. Vào thời đó, nước Văn Lang của chúng ta đang lúc thịnh thời và do các vua Hùng (2879-258.TTL) trị vì. (TTL : trước Tây lịch)
Những hải trình tơ lụa giữa Địa Trung Hải và Đông Á mà trạm chót là Cattigara. Hán sử chép rằng vua Vũ Đế tạo lập một đường biển tới Ấn Độ và vào năm 140 TTL, chuyến hàng gồm có vàng và tơ lụa được đem tới một thành phố gần Madras. Phương tiện chuyên chở cho đường hàng hải này do người Việt (mà người Trung Hoa thường gọi là Nam Man) phụ trách. Chúng ta đọc được hai ý kiến chính xác sau đây: Lin Yu, viết trong nguyệt san “T’ien Hsia Monthly”, cho ý kiến rằng lúc xưa người Man đi tàu biển. Cho đến cuối triều đại Lưu Tống (Nam triều, năm 420-479), có thể người Trung Hoa mới bắt đầu đóng tàu thuyền cho việc hải thương. Friedrich Hirth và W. W. Rockhill, tác giả của nhiều sách và bài khảo cứu về hàng hải Á Châu, quả quyết rằng vào đầu công nguyên, không thể có một tàu thuyền nào của Trung Hoa hoạt động trong Ấn Độ Dương, mặc dù người Trung Hoa thường quá giang theo tàu thuyền của dân Nam Man”. “Các nhà khảo cứu Âu Á Mỹ ngày nay nghiên cứu các sách sử Trung Hoa, Ấn Độ, La Mã để tìm hiểu về thương mại ở Ấn Độ Dương trong những thiên kỷ trước Tây lịch. Nhiều người tin tưởng rằng dân Việt cổ là những nhà thương buôn gan dạ, đã vượt biển tới các đảo ngoài Ấn Độ Dương và đi xa tới tận Ethiopia thuộc Phi Châu. Sách sử đầu tiên ghi chép đến những chuyến đi Á Phi này là pho Tiền Hán Thư của Ban Cố và Ban Chiêu. Những đoạn có ghi nơi khởi hành và bến quay về của Sứ Tàu quá giang như sau: “Từ Nhật Nam, Giao Chỉ đi bằng thuyền buôn người Man Nam năm tháng sau tới xứ Tu Yuan… Nếu không bị cướp hay gặp bão, nhiều chuyến đi dài tới nhiều năm… Người ta nói phía Nam xứ Huang Chih là xứ Ssu Chhêng Pu. Đến chỗ này thì Sứ Hán quay về”.  Còn học giả Pedro Bosch Gimpera cho rằng nền văn minh Đông Sơn đã mang lại những hiểu biết về kỹ thuật luyện kim cho vùng Chavin ở Peru”…
Tóm lại từ cách đây mấy ngàn năm, nước Việt ta đã có một nền giao thương trên biển phát triển không chỉ giới hạn ở vùng đông nam Á, Ấn Độ Dương, mà còn vươn tới Địa Trung Hải và châu Phi, châu Mỹ xa xôi. Những thành tích hiển hách của tổ tiên ta được giới nghiên cứu trên khắp thế giới thừa nhận.
Khi tôi hỏi đại tá Đỗ Văn Thành, cục trưởng cục hậu cần của quân chủng hải quân:
- Đi trên biển dài ngày, trong điều kiện khoa học chưa phát triển, điều gì là khó khăn nhất?
Vị đại tá dày dạn trên biển không ngần ngại trả lời:
- Một trong những khó khăn nhất sẽ là vấn đề bảo quản lương thực, thực phẩm sao cho không bị ẩm mốc và mục trước tác động khắc nghiệt của biển.
Và khi tôi trình bày giả thiết của các nhà khoa học về hình người giã gạo trên thuyền, trên trống đồng Đông Sơn, phải chăng tổ tiên ta đã đem thóc cho các chuyến đi biển dài ngày và giã ngay trên thuyền. Vị đại tá không giấu được sự khâm phục:
- Thật tuyệt vời. Thật sáng tạo. Bây giờ với trình độ khoa học phát triển mà cũng khó khăn lắm chúng tôi mới tìm ra cách bảo quản lương thực cho bộ đội trên các đảo. Vậy mà tổ tiên ta từ mấy ngàn năm trước đã có cách đảm bảo lương thực cho các chuyến đi dài ngày trên biển!
Ảnh hưởng to lớn của nền văn minh Đông Sơn được khẳng định thêm qua công trình nghiên cứu về chữ Việt cổ của các học giả trong và ngoài nước. Nói về vấn đề này giáo sư Lê Trọng Khánh từng khẳng định:
 - “Văn minh Đông Sơn đã tỏa ảnh hưởng ra ngoài và chữ viết của người Việt cổ làm cơ sở cho nhiều hệ chữ viết còn lại sau này”.
  Dân tộc ta đã có một nền văn minh rực rỡ, có sức lan tỏa và ảnh hưởng đến nhiều nền văn minh khác. Chuyến đi Trường Sa của chúng tôi hôm nay theo hải trình tổ tiên ta đã lập. Tiếng trống đồng oai linh trầm hùng trên sóng nước, như nối liền quá khứ, hiện tại và tương lai, rộn rã trong nhịp tim mỗi người dân nước Việt anh hùng. Chúng ta mãi tin tưởng rằng không thế lực đen tối nào có thể chiếm được vùng đất thiêng liêng từ ngàn đời của Tổ quốc.

 Trường Sa 06.06.2010 – Hà Nội 24.6.2010
     Trần Thi