Nhân vật bị kết tội thiếu ý chí chiến đấu, vô kỉ luật và đào ngũ. Gia đình bị cáo buộc bao che, dung túng. Tác giả bị qui tội viết sai sự thật, dàn dựng “hiện trường giả”, “lập hồ sơ ảo” nhằm bênh vực quyền lợi cho một kẻ đào ngũ. Tác phẩm bị kết luận có nội dung kích động quần chúng, gây mất niềm tin với các cơ quan nhà nước, vi phạm nghiêm trọng chính sách hậu phương quân đội. Từ đó, gây tác hại to lớn đến tư tưởng và ý chí chiến đấu của cán bộ, chiến sỹ. Toà báo, dù vô tình đã tiếp tay cho ý đồ của tác giả, cần phải xử lý để lấy lại niềm tin nơi độc giả… Hai mươi năm sau, đọc lại bản “luận tội” mình, mồ hôi tác giả vẫn vã ra như tắm.
Thật ra, sự việc cũng sẽ trở nên cực kỳ đơn giản nếu lúc ấy, cơ quan chính sách nhận thấy những sai sót của mình, báo cáo trung thực với cấp trên, làm thủ tục và giải quyết chế độ, chính sách cho Trần Quyết Định, Thế là xong. Việc nhầm lẫn trong chiến tranh là việc rất bình thường và khó tránh khỏi. Thế nhưng lúc ấy, các cơ quan này lại không dùng phương pháp đơn giản song tối ưu đó. Để bảo vệ quan điểm của mình, họ đã tìm mọi cách để đối phó. Bởi vậy, tiếp sau đó là những ngày cực kỳ căng thẳng đối với Minh Chuyên. Sau này, anh viết: “ Nhưng rồi niềm vui ngắn ngủi ấy đã qua đi. Thay vào đó là một chuỗi ngày căng thẳng, long đong bao người phải gánh chịu. Bắt đầu là những cuộc điều tra, xác minh bài ký. Nhiều đoàn chức năng và các cơ quan chính sách từ Trung ương, từ tỉnh, huyện về xã Minh Khai và gia đình anh Định để tìm hiểu sự việc. Anh Định và ông Ngoạn (cậu của Định) phải viết gần chục bản tự thuật để gửi cấp trên và các đoàn đến xác minh. Rồi Định cùng với bố, vợ, anh em, cậu… được mời lên huyện để khai báo sự việc xung quanh bài ký. Chị Mị (vợ Định) bị chất vấn: “Nếu chị cam đoan sự việc của chồng chị như trong bài báo thì chị ký vào biên bản này”. Chị Mị đã trả lời: “Tôi cam đoan với các bác sự việc của chồng tôi đúng như bài báo đã nêu”. Và chị đã hai lần ký cam đoan với nội dung như thế”. Đặc biệt là báo cáo số 125 ngày 9/6/1988 gửi 7 cơ quan liên quan từ Trung ương đến địa phương như một bản “luận tội” tác giả, nhân vật và toà báo.
Đối với bản thân Trần Quyết Định và gia đình, báo cáo kết luận: Khuỷết điểm của Định là ý chí giảm sút, kỷ luật kém, đào ngũ sau khi ra viện, không về đơn vị. Bốn tháng sau, gia đình đôn đốc tìm đến đơn vị thu dung nhưng lại bỏ về. Theo quy định thì Trần Quyết Định phạm tội đào ngũ.
Về gia đình, biết Định đào ngũ vẫn bao che và nghiêm trọng hơn, còn tìm cách in sao những giấy tờ có lợi cho Định để được hưởng quyền lợi chính trị, kinh tế và để xoá đi kỷ luật đào ngũ.
Đối với nhà văn Minh Chuyên, bản báo cáo kết luận tác giả đã lợi dụng vào giấy báo tử, giấy chứng thương, giấy ra viện, giấy khen thưởng… để qua đó, làm nổi lên “cái cống hiến”, “cái hợp lý” trước đây mà cố tình dấu đi, lẩn tránh quãng thời gian sau này của Định. Điều đó chứng tỏ tác giả đã có chủ ý bênh vực quyền lợi cho một quân nhân đào ngũ, sa sút ý chí chiến đấu, đầu hàng khó khăn, vô kỉ luật.
Không chỉ dừng ở đó, báo cáo còn khẳng định Minh Chuyên đã dựa vào nghề làm báo quen biết các cơ quan rồi xin chứng nhận có chữ ký và đóng dấu để làm thủ tục khám thương cho Định rồi dựa vào để nói lên “sự phiền hà 16, 25 con dấu…”. Việc làm này thực chất là sắp đặt, dàn dựng một “hiện trường giả” để đưa vào bộ “hồ sơ ảo”… Từ đó kích động quần chúng, gây dư luận bất bình giữa quần chúng nhân dân với cơ quan nhà nước. Những chi tiết nói Định đến khóc dưới mồ, mượn lời người mẹ để phê phán các cơ quan làm chính sách hậu phương quân đội nhằm kích động các gia đình liệt sỹ hoài nghi về cái chết của con em mình, hoài nghi về thủ tục báo tử liệt sỹtừ trước đến nay, tác hại nghiêm trọng đến tư tưởng và ý chí chiến đấu của cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ chiến đấu ở biên giới.
Báo cáo còn nhấn mạnh: Chúng tôi nhất trí rằng cần phải đưa ra công luận những sai lầm, khuyết điểm của bất cứ cơ quan, tổ chức nào kể cả lực lượng vũ trang. Nhưng nếu tác giả xuyên tạc sự thật, viết không đúng về nội dung và chi tiết như bài ký của Minh Chuyên đã dùng trên báo Thái Bình và báo Văn nghệ thì cần phải xử lý một cáh nghiêm minh, quần chúng mới tin tưởng ở báo chí.
Đối với cơ quan báo chí, báo cáo đề nghị Ban Bí thư chỉ thị cho báo Văn nghệ công khai trước công luận những sai lầm về nội dung và hình thức của bút ký. Đồng thời đề nghị Tỉnh uỷ Thái Bình chỉ đạo Ban biên tập báo Thái Bình có hình thức kỉ luật nghiêm khắc đối với tác giả Minh Chuyên, phải rút kinh nghiêm và trả lời công khai trước công luận.
Bằng kết luận này, các cơ quan chính sách đã khẳng định Trần Quyết Định là quân nhân vô kỉ luật, phạm tội đào ngũ. Đối với gia đình ông Vọng (bố Định) là thiếu trung thực, bao che nhằm mục đích cho kẻ đào ngũ được hưởng quyền lợi chính trị, kinh tế. Đối với tác giả Minh Chuyên là vu khống, dàn dựng “hiện trường giả”, “lập hồ sơ ảo”… nhằm bao che, bênh vực quyền lợi cho một quân nhân đào ngũ. Kích động quần chúng nhân dân, vi phạm nghiêm trọng chính sách hậu phương quân đội. Và đương nhiên với toà báo, dù với lý do gì thì cũng là tiếp tay cho ý đồ của tác giả.
Có lần tôi hỏi Minh Chuyên:
- Lúc đó, bác có sợ không?
- Sợ chứ. Vẫn biết cây ngay không sợ chết đứng nhưng biết đâu được vạ thì má đã sưng. Không phải ngày ấy mà đến tận bây giờ, gần 20 năm đã trôi qua với biết bao nhiêu sự từng trải nhưng hôm vừa rồi đọc lại bản báo cáo này, tôi vẫn còn sợ, ông ạ - Minh Chuyên nói - Những “tội” nêu trong báo cáo là to lắm, toàn đáng tày đình, đáng tù mọt gông cả. Hơn cả tội phản quốc chứ chả chơi. Lúc đọc xong, mồ hôi vã ra như tắm. Bà vợ nhìn thấy mặt mình tái mét đi hoảng quá la ầm lên. Khi mình cho bà ấy xem thì đến lượt mặt bà ấy tái dại đi, miệng lắp bắp: May mà giời còn có mắt chứ không thì…!
- Trước khi viết, bác có lường đến đoạn trường sau này không?
- Không. Mình chỉ nghĩ cái sự việc nó diễn ra thế nào thì viết trung thực thế ấy để các cơ quan chức năng biết rồi sửa thôi. Là nhà văn lại từng mười năm trời sống trong quân ngũ, mình thương Định và cũng bất bình cho thân phận một người lính lạc đơn vị, bị báo tử nhầm, trở về đi gặp từ ông thiếu tá đến ông thiếu tướng chỉ để nói một diều rằng tất cả đã nhầm, xin sửa để được làm thủ tục của một người còn sống. Thế mà hàng chục năm vẫn không được. Sau này, nghe nói phu nhân một đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng lúc bấy giờ đọc xong bài ký đã bật khóc, nói với chồng rằng ông là lãnh đạo đất nước mà để xảy ra chuyện này à? Rồi chính vị lãnh đạo đó sau này chỉ thị cho các cơ quan chức năng yêu cầu xác minh, làm rõ và xử lý phía sai phạm. Cũng chẳng ngờ tác phẩm của mính lại có tiếng vang lớn đến thế.
- Cái đoạn Trần Quyết Định khấn mộ mình ở nghĩa trang, bác viết: Người bạn vô danh dưới mộ ơi! Nấm mồ này lẽ ra người ta đã chôn cất tôi. Nhưng ở đời còn có sự rủi may, nhầm lẫn. Sự nhầm lẫn rủi ro đã làm bao nhiêu người phải vất vả, oan ức, khổ đau. Bố mẹ gia đình bạn biết ở đâu mà tìm, dù chỉ là tìm đúng nắm xương của con mình đem về an táng nơi quê cha đất tổ… Còn tôi, may mà cũng chẳng may. Hẳn như phải nằm yên dưới nơi lạnh lẽo bạn nằm, chắc bố mẹ, anh em và cả tôi nữa chẳng phải long đong, lặn lội hết nơi này đến nơi khác… Hỡi người bạn vô danh, bạn sống khôn, chết thiêng hãy phù hộ cho tôi tránh được mọi rủi ro, phiền toái trong việc làm thủ tục để được nhận là một người còn sống… thấy nó toàn ngôn ngữ của các bố nhà văn. Đó là bác khấn chứ Định nào khấn thế?
- Đúng là mình khấn. Định nó chỉ khấn nôm na thôi. Nhưng đây là bút ký văn chương chứ không chỉ đơn thuần là một bài báo. Cũng vì chi tiết ấy mà sau này mình bị “quay” lên bờ xuống ruộng. Ông có tin rằng đã có lúc mình định rạch bụng ngay tại cuộc họp để chứng minh chân lý không? Minh Chuyên chợt hỏi tôi.
BOX: Nếu ở “Cái đêm hôm ấy đêm gì?” của nhà văn Phùng Gia Lộc là lời cảnh báo về sự xuất hiện một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hoá biến chất, có nguy cơ trở thành “cường hào” mới ở nông thôn thì ở “Thủ tục để làm người còn sống” của nhà văn Minh Chuyên là lời dự báo về tệ quan liêu, nhũng nhiễu, xa dân rời dân của một bộ phận công chức nhà nước. Nếu như những dự báo của nhà văn được lắng nghe hơn thì có lẽ nghị quyết về dân chủ cơ sở sẽ được ban hành trước năm 1996 (trước khi có sự kiện mất ổn định ở Thái Bình). Và công cuộc cải cách hành chính cũng sớm hơn và hiệu quả hơn.