Nhà giáo Ngô Thủ Lễ thân mến,
Trước hết, xin xác định với bạn, đây là chuyện CON NGƯỜI – VĂN CHƯƠNG (“Văn học là nhân học”).
Chuyện có thật về lời phê vào lí lịch của cán bộ địa phương như bạn kể thì đầy rẫy ra! Nhiều lắm!
Điều mình muốn bạn lưu ý là đoạn này:
“Cơ sở nào để chứng minh rằng chủ nghĩa lí lịch 3 đời là thiếu tính biện chứng, tôi đã có nhiều dịp để trình bày trong tác phẩm của mình, đặc biệt là trong “Mùa hè bên sông” (tiểu thuyết), qua lời của nhân vật nhà văn Quyển. Nhà văn Quyển không lấy căn cứ ở đâu xa lạ, mà chính là một câu nổi tiếng của Karl Marx: “Con người là tổng hòa của các quan hệ xã hội, trong tính hiện thực của nó”. Marx không chú trọng đến quan hệ gia đình lắm, mà chủ yếu là quan hệ xã hội… Xin nhấn mạnh là “trong tính hiện thực của nó”. Một lãnh tụ cách mạng Việt Nam, quê gốc Quảng Trị, ông Lê Duẩn, cũng cho rằng con người chỉ có 3 cấp độ sống: cá nhân, vợ chồng, xã hội“ (*).
Một điều nữa, chắc bạn không thể không lưu ý:
Mình muốn nói là muốn tìm hiểu CON NGƯỜI NÀO, phải căn cứ vào quá trình từ lúc mới được sinh ra cho đến thời điểm mình đang tìm hiểu, về nhận thức, suy nghĩ, tình cảm, lối sống, hoạt động của CON NGƯỜI ẤY và CHỈ CON NGƯỜI ẤY mà thôi. Thật vậy, nếu căn cứ vào hồ sơ chứng từ, thì bộ học bạ là quan trọng hơn bản lí lịch 3 đời, vì bộ học bạ là hồ sơ chứng từ về con người ấy ở giai đoạn hình thành tính cách, bộc lộ trí thông minh, đạo đức, tác phong rõ nhất, và có nhiều người chứng nhất (cả trăm lời phê, chữ kí của thầy cô giáo, cả chục dấu ấn khuôn dấu của nhà trường) còn bản lí lịch 3 đời thì giúp hiểu thêm về ông bà, cha mẹ, nhưng về bản thân con người ấy lại chẳng có nhiều thông tin, lại chỉ có mỗi một chữ kí của công an hay chủ tịch xã (phường).
Mình cũng cho rằng lí lịch 3 đời hay tộc phả nhiều đời cũng chỉ có giá trị tham khảo mà thôi, nhất là về mặt di truyền thể chất. Và còn môi trường sống, bối cảnh lịch sử – xã hội nữa chứ! Nếu cần thêm vào bài viết, mình nghĩ cũng nên bổ sung thêm ít dẫn chứng. Các câu tục ngữ, ngạn ngữ sau đây cũng nói về lí lịch, hồ sơ học bạ:
1) Tính cách (tính nết, khí chất, năng lực, tình cảm, khuynh hướng bản thân, lối sống…) : “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”; “cha dạy học, con đốt sách”…
2) Mã di truyền thể chất (gène): “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” (lông và cánh thuộc thể chất — thể chất bao gồm cả bộ não); hổ phụ sinh hổ tử (cọp cha sinh cọp con; cọp là biểu tượng về về sức khỏe thể chất)…
3) Môi trường sống, bối cảnh lịch sử – xã hội: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”; “cây quất ở đất phương Nam vốn ngọt, nhưng đem trồng ở đất phương Bắc lại biến chất thành chua” (hay “Cây quất trồng ở đất Giang Nam thì ngọt nhưng mang trồng ở đất Giang Bắc thì chua”); “sông có khúc, người có lúc”…
Lí lịch 3 đời, tộc phả chỉ giúp cho ta thấy được yếu tố “gène” trội – lặn – phát sinh (đột biến) mà thôi. Còn nghiên cứu về tài và đức của con người cụ thể thì bộ hồ sơ học bạ có cơ sở hơn, xác thực hơn.
Chắc hẳn chủ nghĩa lí lịch 3 đời có căn nguyên là vấn đề thành phần xã hội, giai cấp, địch – ta, chứ không phải là để tìm hiểu con người cụ thể (“con người này”) với mục đích sử dụng trong công việc hay với mục đích khắc họa hình tượng văn chương.
Chủ nghĩa lí lịch chắc hẳn xuất phát từ quan điểm đấu tranh giai cấp (thậm chí là biểu hiện trả thù giai cấp), đồng thời xuất phát từ quyền lợi giai cấp, quyền lợi của bộ phận cầm quyền! Nó không phải là khoa học về con người (như Karl Marx và Lê Duẩn đã viết). Do đó, nó không có giá trị văn chương.
Nếu chủ nghĩa lí lịch quá cứng nhắc, nó trở thành rào cản chia rẽ xã hội, dân tộc, ngăn chận sự chuyển hóa giai cấp từ phía “địch” sang phía “ta”, khiến những ai xuất thân từ các giai cấp, thành phần vốn là đối tượng đánh đổ của cách mạng bị dồn vào chân tường, ngõ cụt, bờ vực, chỉ còn một con đường duy nhất là chống lại cách mạng! Về khía cạnh này, nhiều người lầm lẫn, ngỡ rằng hệ quả (hậu quả) là nguyên nhân (căn nguyên). Thật ra, họ chống lại cách mạng vì cách mạng dồn họ và cả cha ông cùng con cháu họ vào chân tường, ngõ cụt, bờ vực, không lối thoát. Do đó, họ phải chống lại, theo bản năng sinh tồn, bản năng tự vệ. Nếu cách mạng không dồn họ vào chân tường, ngõ cụt, bờ vực, mà biết trọng dụng họ, chắc hẳn họ không chống lại, mà con phục vụ cách mạng một cách tích cực.
Về chủ nghĩa lí lịch quả thật là một thứ rào cản, các thế lực thù địch với cách mạng cũng đã, đang và sẽ lợi dụng rào cản ấy để chia rẽ xã hội, dân tộc chúng ta.
Nhà giáo Ngô Thủ Lễ thân mến, vấn đề ở đây là VẤN ĐỀ NHÂN VẬT TRONG TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG. Càng hiểu sâu con người – cuộc đời thì viết văn càng sâu.
Nhà văn mà lề lối làm việc máy móc chủ nghĩa, quan liêu, bàn giấy chủ nghĩa, tư duy thiếu tính biện chứng và nhận thức thiếu kinh lịch, thiếu vốn sống thì hình tượng nhân vật rập khuôn, “giáo điều”, “công thức”, sơ lược, xơ cứng…
Thân & quý,
Trần Xuân An
16:10 – 5:33, ngày 28-6 HB10 (2010)
____________________________
(*) Xem bài đã đăng ở TranNhuongCom, ngày 26-6 HB10 (2010).