Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nghệ sĩ thị giác Lê Anh Hoài: Chỗ đứng của tôi do công chúng sắp đặt…

Thủy Anna (thực hiện)
Thứ bẩy ngày 26 tháng 6 năm 2010 5:16 PM

Lê Anh Hoài một vài năm trở lại đây “bất chợt” nổi lên như một hiện tượng với những loại hình nghệ thuật khác nhau: tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, nghệ thuật trình diễn, sắp đặt, trình diễn kết hợp với body art và múa đương đại, sắp đặt kết hợp với thơ vv… Lĩnh vực nào Lê Anh Hoài động đến cũng làm công chúng “ngã ngửa” rồi “trầm trồ” vì sự độc đáo và lạ lùng trong cách thể hiện…
 PLXH có cuộc trò chuyện với nhà văn - nghệ sĩ Lê Anh Hoài về những sáng tác của anh.
 Sau “Tôi là cột điện” (trình diễn), “Tiến lên” (sắp đặt),  “Đồng Cu” (trình diễn + body art + múa đương đại) và “Nhu cầu (sắp đặt + thơ), “Thời đại công nghệ” (trình diễn + body art) rồi Loanh quanh (trình diễn thơ + video art) tôi thấy mọi người gọi anh là nghệ sĩ đương đại nhiều hơn vai trò một nhà văn, nhà thơ, nhà báo. Phải chăng sự sáng tạo trong nghệ thuật thị giác đương đại đã cho Lê Anh Hoài một “chỗ đứng” rất riêng?
Tôi nghĩ sáng tạo trong bất cứ lĩnh vực gì đều có bản chất như nhau: làm ra cái mới, dĩ nhiên cái mới này phải thuộc phạm trù cái đẹp, nhưng như thế nào là đẹp thì cũng có nhiều cách nghĩ lắm. TÔi vẫn viết, viết báo là nghề, viết văn là sáng tạo. Cái gì viết không chuyển tải được cái thích, cái sướng của mình thì tôi chọn hình thức khác, đó là nghệ thuật thị giác.
Còn vấn đề “chỗ đứng”? Tôi không biết nó là thế nào! Mình cứ làm thôi, sự đánh giá thuộc về công chúng.
Những tác phẩm nghệ thuật mới của anh đều “kể” về một câu chuyện hầm hập hơi thở nhịp sống đương đại. Và còn có một chất “giễu” khá đặc trưng. Với tác phẩm “Tôi là cột điện”, một tác phẩm trình diễn sống động, anh gửi gắm gì vào hình ảnh sống khi Lê Anh Hoài đứng “làm mẫu” cột điện và cho trẻ con mặc sức “tiểu tiện”?
Tác phẩm này tôi làm lâu rồi, cách đây 2 năm. Qua việc làm cột điện, tôi muốn thử “vật hoá” chính mình, và công chúng có thể cũng sẽ giật mình khi nghĩ: nếu cái cột điện nó cũng biết cảm, biết nghĩ thì sao nhỉ? Thông qua hình ảnh cột điện - một thứ rất quen thuộc, quen thuộc đến mức người ta có thể quên nó, dù nó có đến hàng triệu trên đất nước này, dù nó ghi lại bao nhiêu dấu ấn của đời sống lên mình nó – tôi muốn người xem nghĩ về các tầng văn hoá khác nhau trong đời sống hôm nay.
Nghệ thuật trình diễn ở Việt Nam vẫn còn “mới” và chưa có nhiều gương mặt nổi bật. Anh xuất hiện cùng một lúc với: “Chầu văn, lên đồng, trình diễn, sắp đặt vv…và mỗi lần xuất hiện đều “độc đáo” và gây chú ý. Là một nhà báo, một nhà văn, đó có phải là “ưu thế” của Lê Anh Hoài khi nắm bắt tâm lý của công chúng?
Nghệ thuật trình diễn nói riêng và nghệ thuật đương đại nói chung ở Việt Nam không mới xuất hiện, nó bắt đầu có mặt khoảng 20 năm nay rồi, nhưng chỉ gần đây công chúng mới bắt đầu quen với nó. Có thể tôi gặp may chăng khi xuất hiện vào lúc này? Thực sự khi chuẩn bị làm tác phẩm, tôi không biết gì về “tâm lý của công chúng” cả.
Nhưng khi tôi làm xong thì nó thường gây tranh cãi, như hồi tôi làm cái “cột điện” thì có một người đạo mạo nhảy ra bảo tôi bị thần kinh, và “là nhà văn sao không ngồi nhà mà viết, lại đi ra đường làm mấy chuyện vớ vẩn”, hồi tôi làm cái “Đồng CU” cùng mấy nghệ sĩ khác thì bị bảo là “phá đồng”, “báng bổ”... đại loại thế. Cứ tranh cãi um lên thế là công chúng chú ý. (cười)
Với “Nhu Cầu”, một câu chuyện được kể bằng hình tượng xe máy chắp cánh và thơ đã thu hút một lượng lớn khán giả hiếu kì đến sân chơi của Văn Miếu nhân ngày hội thơ Nguyên tiêu vừa qua. Là một người yêu nghệ thuật sắp đặt như vậy, anh có dự định sẽ “mở rộng” mô hình này?
Tôi vẫn dự định làm thêm tác phẩm sắp đặt, còn thì mỗi tác phẩm nó lại khác nhau, tôi cũng chẳng hiểu mở rộng hay thu hẹp nữa!
Nghệ thuật đương đại được hiểu theo nghĩa đơn giản là cái đang sống, cái hiện thời. Nhưng là một nhà văn chuyên viết về: “sex, sốc, chuối”, khi chuyển sang vai trò nghệ sĩ của bộ môn nghệ thuật này, anh có bị “ảnh hưởng” gì ko?
Ấy, tôi không chuyên viết về những cái đó đâu. Nếu có cũng chỉ là thủ pháp giễu nhại (parody) những cái đáng buồn cười trong đời sống đương đại mà thôi. Khi làm các tác phẩm nghệ thuật đương đại khác, tôi cũng đem tinh thần đó vào. Nhưng mỗi loại hình có ngôn ngữ riêng của nó, không nên lẫn lộn.
Tôi thích bài thơ: “Nhu cầu” bởi bài thơ của anh đã lấy được tinh thần của cuộc sống hiện tại rất chân thực và không quên “phết” vào tinh thần ấy một nụ cười giễu nhại. Chẳng lẽ cuộc sống hiện đại lại phức tạp đến thế sao?
Cảm ơn chị. Cuộc sống thì chẳng bao giờ là đơn giản cả, cuộc sống đương đại của chúng ta hiện nay càng phức tạp với những nhu cầu và những quan hệ ngày càng phì đại như những khối ung thư. Đó là cảm giác của tôi.
Được biết anh có ý tưởng bán đấu giá tác phẩm là chiếc xe máy có gắn đôi cánh màu trắng. Và anh được nhiều người nhận xét anh cũng có khả năng “chơi trội” ngang ngửa với Mr Đàm. Anh cũng từng thổ lộ là muốn cùng Đàm Vĩnh Hưng bán đấu giá tác phẩm: “Nhu Cầu” để làm từ thiện cho trẻ em nghèo hiếu học.  ước muốn này của anh đã thực hiện được chưa? Việc ca sĩ nổi tiếng thị trường “kết duyên” với nghệ sĩ sắp đặt là rất hiếm, anh có kì vọng về lương duyên này?
Việc bắt đầu từ cuộc nói chuyện trà dư tửu hậu, rồi thì một người bạn cũng làm báo đưa lên mạng. Vui thôi. Nhưng đúng là tôi cũng mong muốn giới ca sĩ nổi tiếng, thay cho tạo hình ảnh bằng nhà to, xe oách thì họ nên mua tác phẩm của nghệ sĩ tạo hình. Mua là một cách tôn vinh nghệ thuật. Và làm từ thiện thì tốt quá chứ sao. Ấy thế nhưng dự định mà chị gọi là mối “lương duyên” này đã đứt từ khi sinh ra. Đơn giản là anh Đàm Vĩnh Hưng (và rất nhiều ca sĩ nổi tiếng) chả buồn quan tâm đến dự định này.
Tôi cũng chỉ buồn mất 15 phút. Vì ở ta nó là như thế, người ta xác định đẳng cấp trong xã hội không phải bằng hoạt động văn hoá mà là bằng tài sản xa hoa, lắm khi kệch cỡm.
Dự định sắp tới của anh về nghệ thuật đương đại?
Tôi sẽ làm tiếp, nhưng giờ thì tôi xin phép không nói ra làm gì.
 Cảm ơn Lê Anh Hoài về cuộc trò chuyện này.
Box:
Tác phẩm nghệ thuật thị giác:
- “Tôi là cột điện”, trình diễn (performance art), Hà Nội, 6/2008
- “Tiến lên”, sắp đặt (installation art), 25 Studio, Hà Nội, tháng 7-2009.
- “Đồng Cu”: thực hiện với hai nghệ sỹ khác. Đây là một tác phẩm tổng hợp giữa trình diễn (performance art), sắp đặt (installation art), vẽ trên cơ thể (body painting), trên nền chủ đạo là âm nhạc pha trộn giữa hát văn, nhạc vũ trường (dance DJ), nhạc bán cổ điển (semi classic)... (Hà nội, tháng 9/2009).
- Nhu cầu (installation art), Văn Miếu, Hà Nội (ngày Rằm Nguyên tiêu năm Canh Dần, tháng 2/2010).
- Thời đại công nghệ (trình diễn, body painting): Nhà triển lãm Hội Mỹ thuật VN, 3/2010. Cùng thực hiện: Lê Nguyên Mạnh, Nguyễn Hồng Phương.
- Loanh quanh (trình diễn thơ + video art): Festival Huế, 6/2010