Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

PHẾ ĐÔ NHÌN QUA BÁT QUÁI

Đỗ Trọng Khơi
Chủ nhật ngày 27 tháng 6 năm 2010 9:47 AM

BÀN VỀ CẤU TRÚC MỘT TUYẾN NHÂN VẬT TRUYỆN PHẾ ĐÔ
TRÊN CƠ SỞ ĐỒ HẬU THIÊN BÁT QUÁI – KINH DỊCH

ĐỖ TRỌNG KHƠI

Một tác phẩm văn học đã vận dụng đồ “Hậu thiên bát quái” để xây dựng nhân vật, lấy nguyên lý vận động của Dịch để dựng cấu trúc tư tưởng nghệ thuật truyện, quả ngoài Phế đô chưa dễ có tác phẩm nào làm được vậy.

 

Tôi đã đôi lần viết về Dịch, như bài bàn về mối quan hệ văn chương với Dịch qua quẻ Sơn Hỏa Bí. Cũng là từ một góc nhìn hẹp, gợi mở thêm về sự tương tác, liên đới giữa văn chương với triết học vốn đã nằm trong dòng chảy lớn, vòng biến hóa lâu đời. Nay được dịch giả Vũ Công Hoan tặng bộ tiểu thuyết Hoa ngữ, nguyên tác của Giả Bình Ao, do ông dịch. Có thể nói ngay đây là bộ truyện có giá trị cao, nó thừa kế bút pháp văn chương của Hồng lâu mộng, Liêu trai chí dị, Kim Bình Mai. Về cấu trúc nội hàm các tuyến truyện, xây dựng nhân vật truyện thì chắc chắn dựa trên cơ sở đồ Hậu thiên bát quái của Dịch.

Bài viết này tôi xin nêu một cách đọc Phế đô từ điểm nhìn kinh Dịch, qua đây thấy sức ảnh hưởng của kinh Dịch với văn chương thời hiện đại vẫn còn ngời sáng nhiều vẻ đẹp rất có giá trị.

***

Nhân vật trung tâm của Phế đô là Trang Chi Điệp. Trang Chi Điệp là Nhà văn nổi tiếng của thành phố Tây Kinh. Ở thành phố này ông ddược xếp vào nhóm “Tứ đại danh nhân”. (Tây Kinh có bốn đại danh nhân và bốn cậu ác lớn). Xung quanh Trang Chi Điệp có nhiều nhân vật khác cả nam, nữ với mối quan hệ đa dạng, đa thành phần trong cuộc sống. Từ giới quan chức, văn nghệ, thầy tu, người lao động phổ thông… nhưng trong các mối quan hệ đó sự dụng công lập giải số phận nhân vật trên cơ sở đồ “Hậu thiên bát quái” tác giả chỉ dành cho tám nhân vật nữ – những nhân vật có mối quan hệ tình cảm chặt chẽ chủ yếu qua tình yêu trai gái với nhân vật trung tâm Trang Chi Điệp.

Tám nhân vật nữ mỗi người được đặt ứng với một quái Dịch trong sự tương hợp hoàn cảnh, tính cách, sự phát triển tâm lý, cảnh huống truyện với những đặc tính phù hợp của quái Dịch.

            ĐỒ “HẬU THIÊN BÁT QUÁI”  ĐẶT VỊ TRÍ TÁM QUÁI NHƯ SAU:

1. Ly – vi Hỏa, vị chính Nam; 2. Khảm – vi Thủy, vị chính Bắc; 3. Chấn – vi Lôi, vị chính Đông; 4. Đoài – vi Trạch, vị chính Tây; 5. Càn – vi Thiên, vị Tây Bắc; 6. Tốn – vi Phong, vị Đông Nam; 7. Khôn – vi Địa, vị Tây Nam; 8. Cấn – vi Sơn, vị Đông Bắc.

I. Ứng với quái Ly là nhân vật Ngưu Nguyệt Thanh.

Ngưu Nguyệt Thanh là vợ của Trang Chi Điệp. Thế “đắc trung đạo dã”. Bản chất Ngưu Nguyệt Thanh là người trung lương, độ lượng, trong sáng, cô giúp sức cho chồng nhiều trong cuộc sống. Trang Chi Điệp tâm sự với người tình Đường Uyển Nhi “…Ngưu Nguyệt Thanh là vợ anh. Quả thật cô ấy là người vợ thảo hiền, với người khác mà nói, có một người vợ như vậy là niệm Phật được rồi…”(trang 250. Tập 1). Lời kinh, từ của Ly “Hoàng Ly, nguyên, cát” và “Ly lệ rã”. Với đặc tính sáng vàng, đẹp và bám vào… nhân vật Ngưu Nguyệt Thanh cũng mang phẩm chất và cảnh sống ấy. Cô sống “bám” chặt phẩm hạnh đàn bà của mình vào danh phận chồng. Cô sống “bám” một cách trong sáng, hy sinh và nhẫn nhục: “…Thầy Điệp của em đã làm tan nát lòng chị, anh ấy không cần đến tiền đồ sự nghiệp, công danh và uy tín của mình, thì chị còn phải hết sức cứu vớt anh ấy. Chị sẽ nhịn nhục không làm ầm ĩ cửa nhà, anh ấy gian khổ phấn đấu mới đạt được mức xuất chúng cũng có phải dễ đâu hả em… (Trang 325. Tập 2). Ấy là lời Ngưu Nguyệt Thanh tâm sự với Liễu Nguyệt khi đã biết chồng mình có ngoại tình.

Tuy vậy cuộc tình vợ chồng Ngưu Nguyệt Thanh, Trang Chi Điệp vẫn không thể mang lại hạnh phúc toàn vẹn cho hai người. Mang tính chất của quái ly – Ngưu Nguyệt Thanh sống rất trong sáng, chung thủy, hy sinh… nhưng do chính các đặc tính “Hoàng Ly – Hỏa ở chính ngọ” này nên tính cách cô khô cứng và quá sạch sẽ. Thời của Ly thiếu khí chất của âm tính – nữ tính, ngày vào giữa ngọ, thiếu âm – đêm. Nên vậy Ngưu Nguyệt Thanh chỉ cho người đàn ông Trang Chi Điệp hàm ơn, kính trọng, chứ cô không kích thích, quyến rũ được chồng trong việc chăn gối lẫn khát vọng sống sáng tạo đam mê. Đúng như ở trang 250 tập 1. Trang Chi Điệp đã giãi bầy với Đường Uyển Nhi.

Tượng quái Ly. Nhân vật: Trung nữ, văn nhân, tính cách, làm việc sách vở, văn hóa, tĩnh vật, sách, văn, chữ khắc. Nhà ở hư thất (nhà ảo), nhân thân của Ngưu Nguyệt Thanh phù hợp với tượng quái này. Cô cũng làm việc văn hóa, mở cửa hàng Thái Bạch, buôn bán sách và chữ thư pháp. Và Song Nhân Phủ nhà bà mẹ ở, bà toàn nói chuyện ma quỷ…

II. Quái Khảm – Ứng với nhân vật Cảnh Tuyết Ấm.          

Khảm ở vị đối xung với Ly. Ly là chính ngày, Khảm là giữa đêm. Ly sáng đẹp rõ ràng bao nhiêu thì Khảm hiểm trở tối đen bấy nhiêu. Kinh, từ của Khảm có câu: “Tập Khảm trung hiểm dã” và “Thủy tấn chi tập Khảm, quân tử dĩ thường đức hạnh, tập giáo sự”. Quẻ Khảm kép là hai lần hiểm trở, quân tử đứng coi đó mà giữ cho đức hạnh có thường, tập cho giáo sự được quen…

Trang Chi Điệp quen biết và có tình lưu luyến với Cảnh Tuyết Ấm trước cả với Ngưu Nguyệt Thanh. Tình cảm giữa hai người chưa có gì sâu sắc (về sau Trang Chi Điệp lấy làm tiếc về điều này), song khi Trang Chi Điệp trở lên nổi tiếng thì mối “tình lưu luyến” xưa ấy đã bị Chu Mẫn thêu dệt nên chuyện. Chu Mẫn là người mới từ huyện Đồng Quan đến Tây Kinh muốn được làm quen Trang Chi Điệp đỡ đầu trong nghề văn báo, và được Mạnh Vân Phòng cung cấp tư liệu, nên đã viết bài về chuyện tình Trang Chi Điệp với Cảnh Tuyết Ấm cho tập chí văn học Tây Kinh. Khi bài báo đăng lên thì Cảnh Tuyết Ấm (và người chồng) đã phản đối kịch liệt. Sự việc căng tới mức phải kiện nhau ra tòa.

Trang Chi Điệp viết thư tỏ sự hối tiếc xin lỗi Cảnh Tuyết Ấm. Không những không tha thứ, Cảnh Tuyết Ấm còn lợi dụng lấy lá thư đó làm một chứng cứ buộc tội và đoạn văn tả việc Chu Mẫn cùng Lý Hồng Văn tới nhà Cảnh Tuyết Ấm để xin lỗi, thì chị ta tỏ thái độ Chị ta ngẩng cao đầu, chỉ dùng dầu nhuộm bôi móng tay, bôi nhuộm xong còn đưa lên năm ngón cứ xòe ra khép vào, một câu cũng không nói… (Trang 282. Tập 1). Điểm lời này nói lên sự hiểm trở, lạnh lùng của quái Khảm. Và hành động “năm ngón tay cứ xòe ra khép vào” giống cử động của loài rắn. Tượng động vật của Khảm: Con hồ li, loài thủy tộc.

Thực chất “vụ kiện” xẩy ra là một dụng công nghệ thuật, nó bộc lộ được ra bản chất của một cặp đối xung lửa – nước giữa Khảm và Ly. Trang Chi Điệp là chồng của Ngưu Nguyệt Thanh, nghĩa là đã gắn thân hợp mệnh với mệnh Ly của vợ. “Vụ kiện – Cảnh Tuyết Ấm –Thủy” nổi lên nhằm khắc diệt Ly – Hỏa – Trang Chi Điệp và vợ là một tất yếu. (Nói Trang Chi Điệp gắn hợp với mệnh Ly của vợ, một điểm số chứng minh thêm, ở trang 260. Tập 1. Thị trưởng hỏi: “Anh ở phòng bảy linh ba phải không” tượng số của Ly là 3.2.7).

“Tập Khảm trung hiểm dã (Khảm kép là hai lần hiểm trở). Sự “hai lần hiểm trở” này trong diễn biến truyện, thực cũng xẩy ra hai lần. Khi vụ án tưởng đã được Tòa Trung cấp kết luận xong thì Mạnh Vân Phòng gặp em gái của Cảnh Tuyết Ấm và được cô ta bảo : “… Dù thế nào đi chăng nữa thì chị hai không nuốt hận được đâu, anh ạ! Chị ấy đã dốc toàn bộ sức lực và trái tim vào vụ kiện này thì chị ấy sẽ theo kiện đến cùng…” (Trang 431. Tập 2) Sau đó hai chị em Cảnh Tuyết Ấm đã dùng cả mỹ nhân kế và kiện tiếp vụ án lên Tòa Cao cấp. Cuối cùng Cảnh Tuyết Ấm thắng kiện, lấy sáu trăm đồng tiền bồi thường.

Mới đầu, ở Tòa Trung cấp xử Cảnh Tuyết Ấm thua, sau lên Tòa cao cấp sự việc đã được định đoạt ngược lại. Thủy khắc Hỏa là định luật của Ngũ hành trong Dịch.

Một chi tiết nhỏ cho thấy thêm tính chặt chẽ trong việc dựa vào mô hình Dịch để xây dựng truyện. Hào Thượng Lục quẻ Khảm có câu: “Hệ dụng huy chiền, chỉ vu tầm cức” (trói dùng thừng, chạc, đặt ở bụi gai). Trong truyện chồng Cảnh Tuyết Ấm bị Chu Mẫn phục, trùm áo đi mưa kín đầu rồi đánh què chân trong đêm mưa…

Tượng quái Khảm: Nhân vật, người giang hồ, trộm cướp… Tính cách, hiểm trở, bên ngoài lấy mềm, bên trong lấy lợi… Động vật, con hồ li, loài thủy tộc, kiện tụng, có âm hiểm… Nhân thân bản chất của nhân vật Cảnh Tuyết Ấm là phù hợp như vậy với quái Khảm.

III. Quaí Chấn – Ứng với nhân vật Đường Uyển Nhi.

Quái Chấn thuộc phương Đông, phương mặt trời mọc, tượng của mùa xuân nơi muôn loài vào chu kì phát dục, sinh sôi nẩy nở. Đường Uyển Nhi mang yếu tố mệnh này.

Vốn là người ở huyện Đồng Quan, Đường Uyển Nhi theo Chu Mẫn bỏ chồng và con để tới Tây Kinh. Cuộc gặp gỡ Đường Uyển Nhi là một điểm mệnh quan trọng với Trang Chi Điệp. Với sắc đẹp mặn mà và khả năng quyến rũ của mình Đường Uyển Nhi mang đến cho Trang Chi Điệp niềm đam mê, kích thích khả năng sáng tạo, đánh thức cả phần người – bản thể đàn ông trong Trang Chi Điệp. Sự thật có thể nói, bên Đường Uyển Nhi, Trang Chi Điệp mới thực là Trang Chi Điệp. “…Hôm nay quả thực hơi kỳ lạ… thật đấy, chung đụng với Ngưu Nguyệt Thanh anh cứ bảo mình bất lực, chẳng ra hồn đàn ông… (Trang 170. Tập 1). Rồi nữa ở một cảnh truyện khác cũng lúc riêng hai người với nhau Trang Chi Điệp tâm sự: “…Có thể bầy tỏ với ai nỗi đau khổ ấy, nói ra liệu ai hiểu cho mình? Mạnh Vân Phòng là người bạn tốt nhất của anh, song anh và anh ấy nói với nhau những điều ấy không hợp… Ngưu Nguyệt Thanh là vợ anh… nhưng anh cũng không thể nói với vợ những điều ấy… Gặp được em anh không biết tại sao ngực đập thình thịch…” (Trang 250. Tập 1). Điều đau khổ không nói ra được với vợ, với bạn thân để rồi chỉ nói được với Đường Uyển Nhi, qua đó biết lòng Trang Chi Điệp dành cho người đàn bà này như thế nào. Quả thật, thời gian sống có Đường Uyển Nhi, Trang Chi Điệp tỏ ra năng động đầy hứng khởi sáng tạo, lại như là người vừa được khám phá, sáng tạo lại chính mình. Sự phát giác và bộc lộ bản thể, tâm thể con người Trang Chi Điệp là rất rõ ràng, đầy đủ.

Lời từ của quẻ Chấn có câu: “Chấn lai hinh hích, tiếu ngôn ách ách” sợ lại ngơm ngớp cười nói khanh khách). Hay câu: “Chấn toại nật” (Chấn, nhức, bèn đắm). Thời gian cuộc đời Đường Uyển Nhi là cả một chuỗi dài chìm đắm. Bỏ chồng bỏ con trai hai tuổi để đi theo Chu Mẫn người chỉ gặp nhau có vài lần trong tiệm nhẩy là một lần chìm đắm. Theo Chu Mẫn về Tây Kinh mà cứ e người chồng cũ gặp bắt về nên luôn luôn nơm nớp lo sợ (sợ lại ngơm ngớp, là thế). Và rồi lại tính bỏ Chu Mẫn đi với Trang Chi Điệp, là hai lần chìm đắm. Quan hệ với Trang Chi Điệp bị bại lộ nhưng vẫn đa mang không ngừng dẫn đến chỗ hẹn nhau đi xem phim, ở đấy bị chồng cũ phát hiện bắt đưa về Đồng Quan hành hạ. Câu mệnh “Chấn lai hinh hích… và Chấn toại nật” quả không sai với nhân thân này.

Tượng quái Chấn: Tĩnh vật, nhạc khí bằng tre gỗ… Tính cách, động, giận, hoẩng sợ vu vơ… Nhà ở, phương Đông, chỗ rừng rậm… (Những đặc điểm trên có sự ứng hợp vào chi tiết, trong truyện duy nhất có Chu Mẫn – chồng hờ của Đường Uyển Nhi – Sử dụng nhạc cụ là cái huyên. Về phương hướng, nhà ở có chi tiết ứng hợp quan trọng. Khi Đường Uyển Nhi mất tích, Mạnh Vân Phòng bói quẻ thấy bài từ: Đông giáng cõi nước có một rừng đào…” nghe xong Trang Chi Điệp bảo: “Ứng vào phương Đông”. Chu Mẫn nói: “Liệu có về Đồng Quan không? Đồng Quan ở phía Đông”. (Trang 400 – 401. Tập 2). Sự thật Đường Uyển Nhi bị chồng cũ bắt về Đồng Quan.

IV. Quái Đoài – Ứng với nhân vật Liễu Nguyệt

Đoài đối xung với Chấn. Đoài thuộc Kim. Chấn thuộc Mộc. Liễu Nguyệt đến Tây Kinh để làm người ở việc, trước ở nhà người khác sau đến ở nhà Trang Chi Điệp.

Khi Liễu Nguyệt chưa đến ở, mối quan hệ tình cảm Trang Chi Điệp với Đường Uyển Nhi đã là sâu sắc lắm. Nhưng Ngưu Nguyệt Thanh vẫn không phát hiện ra, phaỉ tới Liễu Nguyệt sự việc mới bị phát giác. Đấy cũng là cách đối xung, khắc hại của Đoài với Chấn. Và cũng phaỉ tới khi nhân vật Liễu Nguyệt xuất hiện và hành động thì sự thật hoàn cảnh, sự thật tâm hồn Trang Chi Điệp mới hiện ra, dĩ nhiên, những bi kịch cũng hình thành. Đường Uyển Nhi có thai với Trang Chi Điệp, cái thai mà qua nó có thể cởi cho Trang Chi Điệp câu: Trước không có người xưa, sau không có kẻ nối dõi”; nhưng cũng chính vì Liễu Nguyệt ngăn cản mà những bức thư do chim bồ câu đưa không tới được tay Trang Chi Điệp, Đường Uyển Nhi phaỉ đi phá thai. Có lẽ điều này là một mất mát không thể cứu vãn với Trang Chi Điệp ở kiếp này.

Một tình tiết diễn biến quan trọng của nội dung truyện, thực chất sự vận động nội tại tinh thần Trang Chi Điệp diễn ra trong nhiều hoàn cảnh tâm lý, có vui, có buồn, có khoái hoạt, có bất lực bế tắc… Nhưng người phát hiện và nói ra trạng thái tinh thần đó vẫn không ai ngoài Liễu Nguyệt – người học vấn kém xa những người bạn của Trang Chi Điệp: Có phaỉ anh đã sáng tạo cả em và Đường Uyển Nhi thành con người mới, để chúng em có lòng dũng cảm tự tin vào cuộc sống mới, nhưng cuối cùng đã hủy hoại chúng em. Anh cũng hủy hoại luôn bản thân, hủy diệt hình tượng và danh dự của anh. Đã hủy diệt cô Thanh và cái gia đình này… Trang Chi Điệp đã vô cùng kinh ngạc và phaỉ thừa nhận: “Liễu Nguyệt ơi! Em nói đúng. Anh đã sáng tạo ra tất cả và hủy diệt tất cả…” (Trang 369. Tập 2).

Những lời lẽ biện giải và tự thú trên thực chất cũng là sự bộc lộ ra nguyên lý căn bản của Dịch, của quy luật sinh tồn.

Liễu Nguyệt đi lấy chồng ngày 12/9. Tháng 9 là tháng Tuất, thuộc phương vị trong cung Càn (Tuất – Càn – Hợi = Tây Bắc), nghĩa là nó vừa vượt qua Đoài cung mệnh Liễu Nguyệt và cũng nghĩa là thời gian sắp bước vào giai đoạn cuối của một chu kỳ: sinh – thành – hoại và hồi phục. Luật phản phục của Dịch đang đi vào hồi hoàn tất. Và vì vậy, Liễu Nguyệt nói về tính sáng tạo và tính hủy diệt trong hành vi Trang Chi Điệp cũng là cô ta đã chạm tới quy luật vận động, nguyên lý vũ trụ và đời sống nhân sinh.

Trong lời kinh, từ quẻ Đoài cả sáu hào đều có lời giải đẹp “Đoài, hanh, lợi, trinh”. (Hanh thông lợi chính bền). Hay, “Đoài duyệt dã… duyệt dĩ lợi trinh…’ (Đoài đẹp lòng và lợi về chính bền). Và, “Lệ trạch Đoài. Quân tử dĩ bằng hữu giảng tập”. (Bám chằm là quẻ Đoài, quân tử coi đó mà bạn bè giảng tập cho). Xét trong tám nhân vật nữ thì quẻ Đoài – Liễu Nguyệt có lẽ sẽ có tương lai tốt đẹp hơn. Trong đời sống, xuất thân là con gái nhà quê đi lên thành thị ở mà vẫn được gia đình Trang Chi Điệp và bạn bè của ông xem như bạn, chăm lo như người nhà nên mới được vậy. Thực là: “Quân tử coi đó mà bạn bè giảng tập cho”.

Nói về phương Tây, vị Đoài ứng với Liễu Nguyệt còn có một danh từ ám chỉ nữa, Mạnh Vân Phòng bảo: “Liễu Nguyệt là sao bạch hổ. Bạch hổ là sao giết chồng”. (Trang 392. Tập 2). Sách Tử vi một loại sách bói sao, cũng là sách được lập ra từ kinh Dịch, có ngôi sao bạch hổ. Phú Tử vi có câu: “Hổ khiếu Tây phương”, cư vị Dậu là miếu địa. Dậu thuộc cung Đoài. Liễu Nguyệt – bạch hổ – Đoài, lấy chồng tháng 9 thì không bao lâu Trang Chi Điệp chết. Liễu Nguyệt vốn có chủ ý chiếm Trang Chi Điệp làm chồng và cô cũng đã trao thân trinh nữ cho ông. Cái chết của Trang Chi Điệp, ngoài yếu tố của nguyên lý phát triển cấu trúc truyện, cấu trúc Dịch lý, cũng còn gắn với mệnh Liễu Nguyệt.

Tượng quái Đoài: Nhân vật, thiếu nữ, diễn viên, con gái đi ở… Tính cách, vui mừng, cãi vã, nói xấu, ăn uống… thật đúng với nhân thân và tính cách của Liễu Nguyệt.

V. Quái Khôn – Ứng với nhân vật chị Lưu và con bò sữa.

Chị Lưu là một phụ nữ sống ở thôn quê, chân núi Chung Nam. Hoàn cảnh khó khăn thường ngày chị vẫn dắt con bò sữa vào thành Tây Kinh bán sữa tươi. Công việc cũng do Trang Chi Điệp bảo cách và ông là người rất hay uống sữa của con bò này. Trang Chi Điệp bú sữa con bò như cách bú của trẻ con bú mẹ. Mối quan hệ giữa chị Lưu – quái Khôn với Trang Chi Điệp là do đấy.

Lời kinh, từ của quái Khôn có câu: “Khôn, nguyên hanh, lợi tấn mã chi trinh… an trinh cát” (Khôn, đầu cả, hanh thông, lợi về nết trinh của ngựa cái… yên giữ nết trinh thì tốt). Hay câu, “Khôn hậu tải vật, đức hợp vô cương” (sự dầy dặn của Khôn, chở được các vật, đức hợp không bờ). Và nữa, “An trinh chi cát, ứng địa vô cương” (yên giữ nết trinh, tốt, ứng với đức không bờ của đất). Quái Khôn mang những đặc tính vậy, nên tính tình, mối quan hệ của nhân vật ứng với nó – chị Lưu trong cuộc sống và trong quan hệ với Trang Chi Điệp, là người phụ nữ duy nhất trong tám người không có chút tư dục ái tình gì cùng nhau. Họ sống bên nhau đúng lẽ “an trinh, cát”.

Về quái Khôn, trong quan hệ với Trang Chi Điệp chủ yếu ở đức nuôi dưỡng (Thổ, đất mẹ). “Chí tại Khôn nguyên, vạn vật tư sinh, nãi thuận thừa thiên” (cùng tột thay đức đầu của Khôn, muôn vật nhờ nó mà sinh ra, bèn thuận theo trời”. Trang Chi Điệp đã được đức của Khôn – thông qua tượng con bò sữa – hàng ngày cho bú dòng sữa, nuôi dưỡng. Trang Chi Điệp quan hệ với quái Khôn – chị Lưu chỉ qua tính biểu tượng này.

Sự phát triển cảnh truyện càng thêm phần chặt chẽ, lô gích khi diễn biến tới việc con bò ốm và chết, Trang Chi Điệp tận mắt chứng kiến sự việc tới tận phút cuối cùng. “… Sột một tiếng con dao được thọc vào dưới cổ bò, cả lưỡi và phần cán dao ngập vào trong. Miệng dao kêu ve ve, phun ra một luồng hơi tanh nóng, dòng máu nổi lên những bong bóng màu đỏ nhạt, ồng ộc chẩy xuống… đoạn văn này ứng với lời hào từ Thượng Lục của Khôn “Long chiến vu dã, kỳ huyết huyền hoàng” (rồng đánh nhau ở đồng, máu nó xanh vàng). Và từ “huyền hoàng” trong Dịch ứng cụ thể với việc anh thợ mổ lấy ra một miếng nhỏ màu vàng nói: “Ngưu hoàng của nó to thế này cơ mà” (Trang 421 – 422. Tập 1).

Tượng của Khôn: Địa lý, Tây Nam, ban mai ở nông thôn… Nhân vật, người mẹ già, nông phu… Tính cách, nhu thuận, tiểu nhân, nhà ở thôn điếm… Động vật, trâu bò… quả là ứng với nhân vật chị Lưu.

VI. Quái Cấn – Ứng với nhân vật vợ Uông Hy Miên.

Cấn đối xung với Khôn. Tượng ngũ hành Cấn, Khôn đều thuộc Thổ, tương hòa. Trong diễn biến truyện, vì thế chăng mà hai nhân vật chị Lưu và vợ Uông Hy Miên không khắc mệnh nhau.

Nhân vật là vợ của một trong bốn đại danh nhân, Họa sĩ Uông Hy Miên.

Lời kinh, từ của quẻ Cấn có câu: “Cấn kỳ bối, bất hoạch kỳ thân…” (dậu thửa lưng, chẳng được thửa mình). Chẳng được thửa mình nghĩa là chẳng thấy mình, quên mình đi. Ý này thật ứng với cảnh sống của nhân vật, đến cái tên riêng cũng không có. Nhân vật này phaỉ gọi theo tên của chồng là “vợ Uông Hy Miên”.

Mối quan hệ giữa vợ chồng Uông Hy Miên với Trang Chi Điệp vốn có từ trước khi nhân vật làm vợ Họa sĩ. Điểm này được chính nhân vật thổ lộ: “… Được biết anh không thành với Cảnh Tuyết Ấm mà thành với Ngưu Nguyệt Thanh em đã khóc một trận. Khóc xong còn đến thăm nhà anh một lần, thấy Ngưu Nguyệt Thanh xinh đẹp, nết na thì trái tim em hoàn toàn tuyệt vọng, mới lấy Uông Hy Miên…” (Trang 383. Tập 1). Tuy tình cảm tha thiết, chân thực là vậy mà trong đêm mưa gió chỉ có hai người trong phòng riêng, khi thân thể đã gần như trần truồng và hai người đã ôm hôn nhau, khi Trang Chi Điệp “vẫn đòi bằng được” nhưng người đàn bà này vẫn dứt khoát dừng lại. Bảo: “Chúng mình đừng làm thế, làm thế đều không có lợi gì đối với anh và em…”. Thế rồi lại hẹn nếu Ngưu Nguyệt Thanh và Uông Hy Miên chết trước thì hai người sẽ làm vợ chồng. Sau đó vợ Uông Hy Miên trao cho Trang Chi Điệp “đồng tiền bằng đồng” mà chị ta đã treo ở ngực “mười mấy năm nay” làm kỷ niệm. (Trang 388. Tập 1). Thực là cách nghĩ, cư xử của đức Cấn. Dù từng trải “kỳ tâm bất khoái” (thửa lòng chẳng sướng) vẫn giữ vẹn đức “Cấn chỉ dã” (Cấn là đậu) và “Đôn Cấn, cát” (dầy đậu, tốt).

Đức và thời của Cấn đã vậy thì hy vọng vào tình vợ chồng một nhà của hai nhân vật này là khó thực hiện. Nó được nêu ra làm một giả tưởng của thời vị Cấn trong cuộc vận động của “Hậu thiên bát quái” với tinh thần đời sống nhân vật trung tâm mà thôi. Và chính mang đức dầy dặn của quái Cấn mà tới phút cuối cùng cuộc đời Trang Chi Điệp ở ga tầu, người đàn bà duy nhất có mặt là “…Có một người đàn bà xương xương áp sát vào tấm kính có máu, cặp môi mỏng đâng mấp máy. Chu Mẫn đã nhận ra chị ấy là vợ Uông Hy Miên (Trang 474. Kết truyện).

Tượng quái Cấn: Nhân vật, người rỗi việc… Tính cách, thủ lĩnh, cách trở, ngưng lại… Tĩnh vật, vật màu vàng. Động vật, hổ, chó. Nhà ở, gần núi đá. Bệnh tật, bệnh tỳ vị… (tượng quái vậy với nhân thân nhân vật là tương hợp. Như đoạn Trang Chi Điệp tìm đến nhà vợ Uông Hy Miên thấy “Trên thềm đá to rộng đã mọc đầy rêu xanh” (Trang 62. Tập 2). Và khi nói về nhân vật này, truyện tả rất tỉ mỉ về “con mèo”. Mèo là con vật được coi là hổ đồng bằng. Tượng tĩnh vật của Cấn, có vật “màu vàng” ứng với đồng tiền bằng đồng…)

VII. Quái Càn – Ứng với nhân vật Axán (chị gái Alan).

Axán người tỉnh An Huy. Vốn là con nhà dòng dõi do thời vận xấu mới phaỉ lấy chồng là Mục Gia Nhân và theo chồng đến Tây Kinh. (trong Dịch có quẻ Gia nhân)

Cơ duyên cho Trang Chi Điệp và Axán gặp nhau là do Alan. Alan học kiến trúc, đang muốn được giao việc thiết kế khu nhà xí công cộng ở phía Tây Bắc thành phố.

Đạo Dịch có bốn đức lớn nhất là “Nguyên, hanh, lợi, trinh” (đầu cả, hanh thông, lợi, tốt, chính bền) thì quẻ Càn có đủ. Tượng Càn khi giải về việc người thì “Lợi kiến đại nhân” (gặp người lớn), về sự việc thì “Tiềm long vật dụng” (rồng ẩn khó dùng) với hoàn cảnh Axán thì câu “Lợi kiến tại nhân” là chỉ về gặp Trang Chi Điệp: “…Chao ơi, hôm nay là ngày gì mà nhân vật to lớn thế này đến thăm nhà?…” (Trang 464. Tập 1). Đó là lời đầu Axán thốt lên khi gặp Trang Chi Điệp.

Quá trình diễn biến tình cảm giữa Axán và Trang Chi Điệp là rất mau lẹ, gần như ngay lập tức họ đã gần nhau, thuộc về nhau. Tính cách, hành động ấy là của Càn: Quả quyết, mạnh mẽ, dụng võ… Mạnh Vân Phòng nhận xét về Axán có sắc đẹp trời cho và Axán là người phụ nữ duy nhất trong truyện có mùi hương thơm tự nhiên tỏa ra từ cơ thể. “… Người em có mùi thơm đấy, Mục Gia Nhân từng bảo thế, thằng nhóc con em cũng bảo vậy. Anh ngửi ở dưới thì biết, chỗ ấy thơm lắm…. (Trang 474. Tập 1). Trang Chi Điệp thì nhận xét về Axán: “Đàn bà không có mùi son phấn đáng quí như kẻ sĩ không có mùi binh khí, như nhà sư không có mùi hương lửa…”. (Trang 470. Tập 1). Đấy là những lời cao quí trân trọng dành cho Axán. Đó cũng là cách của quái Càn. “Càn vi thiên” mà không thể có quái nào đạt được.

Sau khi đã “dụng võ” cắn đứt lưỡi nhân vật Chủ nhiệm Vương, trả thù cho Alan và rồi li hôn với chồng, Axán đã tiến đến việc trao thân cho Trang Chi Điệp. Hành động trước lúc trao thân của Axán diễn ra rất đàng hoàng, có nghi thức. Axán đã trang điểm đẹp đẽ và múa cho Trang Chi Điệp xem “…Để em múa cho anh xem… Nói rồi chị vung tay, nhấc chân bắt đầu nhảy múa hết sức phô diễn từng bộ phận cơ thể. Sau đó đột nhiên sà tới như một con bướm…” (Trang 75. Tập 2). Và khi đã trao tình cho nhau ở nhà Cầu Khuyết, chia tay Axán đã làm một hành động “rất võ” quyết liệt, đầy khí chất cao cả là rạch mặt và lấy mực bôi vào bảo: Em từng xinh đẹp, em phaỉ xấu đi thôi… (Trang 78. tập 2). Cuộc trao thân với ý nguyện “Anh có thể để em đẻ cho anh một đứa con không, lúc rời nhau Axán còn nói: Em đem con của anh đi đây. Đây là một mong ước lớn và nó phù hợp với lời từ “Tiềm long vật dụng”. Nhưng tượng về sinh đẻ, thì Càn là quái duy nhất không mang tượng này. Rồng ẩn khó dùng là vì thế. Và điểm tượng này cũng phù hợp với câu có tính định mệnh của Trang Chi Điệp trước không có người xưa, sau không kẻ nối dõi”.

Tượng quái Càn: Nhân vật, cán bộ, danh nhân. Tính cách, mậnh mẽ, quả quyết, dụng võ. Nhà cửa, nhà xí công cộng. Động vật, ngựa, thiên nga. Tĩnh vật, vật tròn, quả cây… (xét diễn biến hoàn cảnh truyện là ứng hợp với tượng quái. Như Alan, thiết kế nhà xí công cộng, Axán múa như chim thiên nga. Và khi Trang Chi Điệp lần đầu tới nhà chơi Axán đã sang hàng xóm vay một gói hạt dưa để cắn…)

VIII. Quái Tốn – Ứng với nhân vật ni cô Tuệ Minh.

Tốn đối xung với Càn. Tốn vi Phong, là gió, thuộc Mộc. Càn thuộc Kim. Kim, Mộc tương khắc nhau. Nhưng gió thì ở trên trời, Càn vi thiên là trời nên thuận vị. Sự khắc hại vì thế đã không xảy ra.

Tuệ Minh là người xuất gia tu hành nhưng hành động tu hành của nhân vật này lại rất đàn bà và thế tục. Chính Tuệ Minh đã có lần thành thực: “… Người ta đi tu ai cũng cạo đầu thành sư, nhưng tôi ngày xưa không có tóc để cạo nên mới đi tu đấy (Trang 411. Tập 2). Cũng trong lần trò chuyện ấy, Tuệ Minh còn giảng dạy cho Ngưu Nguyệt Thanh cách nhìn nhận và chinh phục đàn ông: Tôi rất hiểu trái tim đàn ông. Có mới nới cũ, yêu của lạ… Thế giới này là thế giới của đàn ông. Đàn bà giống như trẻ con của người lớn… Trong các cửa hàng bán nhan nhản quần áo của đàn bà, nào đồ mĩ phẩm của đàn bà, nhưng tất cả những cái đó đều vì cái gì mới được chứ? Chẳng phaỉ để đàn bà trưng diện cho thaatj đẹp cung phụng cánh đàn ông thưởng thức, tiêu dùng đó sao?… Đàn bà phaỉ hiểu đây là thế giới của đàn ông lại phaỉ sống cho tốt. Khi chưa cưới thì phaỉ để người khác thích, khi cưới rồi thì phaỉ để chồng cưng chiều. Đàn bà luôn phaỉ điều chỉnh bản thân, làm phong phú bản thân, sáng tạo ra bản thân mới có thể dành quyền chủ động, mới có thể đứng vững ở vị trí không bị loại bỏ…”. (Trang 413. Tập 2). Và cuối cùng Tuệ Minh thừa nhận: “Tôi đã nạo thai được hai ngày…”.

Tu hành vậy không phaỉ là cách tu chính pháp. Tuệ Minh xuất gia mà vẫn mong có tóc để cạo, vẫn học cách sống và chinh phục đàn ông, vẫn nạo thai… Vị Tốn nằm ở giữa Ly và Chấn. Bởi vậy Tốn vừa có đức trong sáng, tốt đẹp của Ly vừa mang tính phát dục, động, đam quyến vào đời sống của Chấn. Không phaỉ ngẫu nhiên, về địa lý nơi am ni cô lại ở vị trí từ nhà Ngưu Nguyệt Thanh đi qua thì tới nhà Đường Uyển Nhi.

Lời kinh, từ của Tốn có câu: “Trùng Tốn dĩ thân mệnh…” (hai lần nhún để nhắc lại mệnh). Khi tốt nghiệp Viện Phật học được điều về am ni cô thì Tuệ Minh không nhận, xin sang chùa Dựng Hoàng. Tới chùa này thấy chưa có nhiều vị chân đạo thì lại tìm cách về am ni cô, nhưng về am này được giao cho chủ trì thì lại “nhún” mình không nhận để cho vị ni cô già giữ chức. Tuy vậy ở am ni cô Tuệ Minh rất biết mở mang mối quan hệ, đặc biệt với giới quan chức thành phố nên sớm góp sức vào việc tu tạo, xây dựng mới thêm am ni cô, điện Thánh mẫu. Cuối cùng Tuệ Minh được phong chức Giám viện. Ngày nhậm chức Giám viện Tuệ Minh cho tổ chức cúng bái to tát: “… Một nhà sư mặc áo cà sa đỏ thẫm tay cầm tấm ngọc, vừa vái vừa chào liên tục đi ở phía trước. Theo sau là một ni cô bê tượng Phật, một ni cô gõ mõ, rồi bốn ni cô trẻ đi thành hai hàng tay xách đèn lồng hoa sen. Tuệ Minh đi sau họ mặc áo cà sa óng ánh… Sau cùng là tấm nhà sư tấu nhạc và bốn ni cô tùy tùng, tất cả thành hàng dọc tưng bừng rực rỡ đi tới điện Thánh mẫu…” (Trang 423. Tập 1). Đoạn văn tả cảnh này ứng hợp với lời từ quẻ Tốn: “… Dụng sử vu phân nhược, cát, vô cữu” (dùng thầy bói, thầy cúng bời bời vậy, tốt, không lỗi). Câu “dùng thầy bói” thì ứng vào việc trước lúc vào chùa dự lễ, ở cửa chùa Trang Chi Điệp, Đường Uyển Nhi có gặp ông hàng bán bánh gương, bán bánh để xem bói.

Lời từ quẻ Tốn còn có câu: “Tốn tại sàng hạ” (nhún ở dưới giường), trong quẻ Tốn hai lần lời từ này được nhắc lại ứng hợp vào cách thức thường gặp ở Tuệ Minh như cảnh Mạnh Vân Phòng vào chùa tìm gặp tuệ Minh thì thấy Người ngồi trên giường là Tuệ minh, cổ áo chưa cài, sắc mặt ửng hồng, tự thấy xinh đẹp hơn ngày thường...”. (Trang 52. Tập 1). Và một lần khác Ngưu Nguyệt Thanh vào cũng lại gặp “Chị không cảm thấy hôm nay tôi ngồi trên giường nói chuyện với chị là bất lịch sự sao?”. (Trang 415. tập 2). Đặc biệt câu “Tốn tại sàng hạ” này còn liên quan trực tiếp tới Trang Chi Điệp, liên quan một cách “giới tính”, Mạnh Vân Phòng lấy trộm ở dưới gầm giường Tuiệ Minh một mẩu giấy máu kinh nguyệt và đưa cho Trang Chi Điệp dùng làm vật tránh ma tà, và “Trang Chi Điệp đã thuận tay bỏ mẩu giấy vào túi áo” (Trang 151. tập 2).

Trong quan hệ với Tuệ Minh, Trang Chi Điệp có tình lưu luyến với nhan sắc của vị ni cô này. Tuy nhiên thực chất quan hệ giữa hai người cũng chưa dẫn đến sự sâu sắc. Với vợ Uông Hy Miên cũng thế. Với hai người đàn bà này điểm ảnh gây liên quan tình cảm, sắc tình với nhau mới dừng ở dạng đồ vật. Với vợ Uông Hy Miên là “đồng tiền bằng đồng”, còn với Tuệ Minh là “tờ giấy máu”.

Tượng quái tốn: Nhân vật, tu sĩ, tăng sĩ, tiên đạo. Tính cách, nhu hòa, tiến thoái lưỡng lự. Nhà ở, lâu đài, gác chuông trong chùa. Địa lý, chỗ ở có cây rậm rạp, có vườn rau… rất ứng hợp với nhân thân cảnh sống của nhân vật Tuệ Minh.

KẾT LUẬN

Trong vòng vận động của bát quái với mối tương quan và quá trình diễn biến của tám nhân vật nữ thì Trang Chi Điệp ở vào vị trí trung tâm. Vị trí của Thái cực.

Mô hình Dịch lý: Thái cực ở vị nguyên, nhất. Thái cực sinh lưỡng nghi, sinh tứ tượng, sinh bát quái. Trong Thái cực có âm dương, thiên địa, ngũ hành. Là nơi sinh và hóa của tất cả.

Đặc tính Thái cực ứng với hình tượng nhân vật Trang Chi Điệp như lời – mang tính nguyên lý của Liễu Nguyệt: “Anh đã sáng tạo ra tất cả và hủy diệt tất cả… Trong quá trình hủy diệt chúng em, anh đã hủy diệt luôn cả bản thân…”. Chỉ có Thái cực mới có được tư cách ấy.

Nguyên lý căn bản của Dịch là phản phục. Nguyên lý này trong xây dựng Phế đô đã được Giả Bình Ao lựa chọn và vận dụng chặt chẽ. Như, truyện khởi từ việc Chu Mẫn tới Tây Kinh rồi khơi ra vụ kiện với Cảnh Tuyết Ấm, diễn biến đến kết truyện thì Cảnh Tuyết Ấm thắng kiện. Chu Mẫn từ Đồng Quan – phía Đông đến, là từ phía mùa xuân cung Dần, Mão. Cảnh Tuyết Ấm thắng kiện là gặp điểm vượng của cung Khảm, thời gian mùa đông. Cũng như hoàn cảnh truyện còn đi qua ngày 12 tháng 9 ngày Liễu Nguyệt lấy chồng (tượng số quẻ Đoài là 2.4.9). Tháng 9 tính theo địa chi là tháng Tuất. Vị của Tuất nằm ở cung Càn, thuộc phương Tây Bắc. Và cũng tới điểm thời gian này Trang Chi Điệp ngộ ra lẽ Trong thành phố này những việc cần làm ta đã làm xong” và ông bỏ thành phố ra đi. Ở ga tầu, bên hang Cửa Bắc, Trang Chi Điệp có làm một việc bật diêm hút thuốc “Bật ba que diêm đều bị gió thổi tắt ngấm”. Gió ở vị Càn là gió Tây Bắc, ở vị Khảm là gió Bắc. Tượng ba que diêm bật lửa là tượng của quẻ Ly. Ly vi Hỏa, hình ảnh lửa bị dập tắt mang ngụ ý: Ly – Hỏa gặp điểm Khảm – Thủy. Vị Khảm tính theo vị trí của địa chi thuộc vào vị Tí. Tháng Tí là tháng 11 âm lịch, đúng vào vị trí của quẻ Địa lôi phục – cũng tính theo sự vận hành của thời gian một năm. Nội dung truyện tới đây xuất hiện một hình ảnh – hiện tượng văn hóa: “Trang Chi Điệp ngẩng đầu lên, trên hang Cửa Bắc có treo một khẩu hiệu, Nhiệt liệt chúc mừng ngày Tết văn hóa thành cổ…” Rõ là cái mốc báo về một chu kỳ văn hóa cũ tàn phai, cho chu kỳ văn hóa mới xuất hiện.

Truyện Phế đô với cái tên “Phế đô” dĩ nhiên còn ẩn mang ý tưởng thể hiện đa tầng khác. Ví như:

A. Thành Tây Kinh có “tứ đại danh nhân” và “bốn cậu ác lớn”. Hai lần bốn bằng tám. Con số 8 ít nhiều gợi lên bóng dáng một dạng bát quái. Số vận của “tứ đại danh nhân” tới kết truyện thì, Cung Tịnh Nguyên nhà Thư họa chết tự vẫn vì hận con hư hỏng, phá sản. Họa sĩ Uông Hy Miên đi vẽ và buôn tranh giả bị truy nã. Trưởng đoàn kịch hát Nguyễn Tri Phi bị bọn cướp cướp tiền và đánh hỏng mắt, phaỉ thay bằng mắt chó. Còn Nhà văn Trang Chi Điệp thì chết ở ga tầu. Cuộc sống của bốn danh nhân này xem ra cũng đầy rẫy sự bất toàn nhốn nháo.

Ba vị đại danh nhân, người chết bất đắc kì tử, kẻ thì thân bại danh liệt. Xét thấy đó đều là tai họa do lối sống, môi trường sống đem lại là những loại tai họa nằm trong đời sống thông thường, thế tục. Riêng cái chết của danh nhân Trang Chi Điệp là cái chết được lựa chọn: “Những việc cần làm ta đều đã làm xong”.

Nửa còn lại của dạng “bát quái” này là “bốn cậu ác lớn” thì vẫn ẩn khuất tồn tại trong đời sống thành Tây Kinh. Ý nghĩa của Phế đô – thành phố hoang tàn là vậy chăng?

B. Trong không gian sống của Phế đô thiếu vắng bóng trẻ con. Trẻ con, hài nhi chỉ xuất hiện một cách ít ỏi và bị từ bỏ, loại trừ. Như hai đứa trẻ (chỉ được gợi lên, chúng không xuất hiện là một nhân vật truyện). Con Axán và con Đường Uyển Nhi thì bị mẹ chúng từ bỏ. Hai cái thai của Đường Uyển Nhi và Tuệ Minh cũng đã bị loại trừ. Đứa trẻ duy nhất xuất hiện với tư cách nhân vật là Mạnh Tần thì kết cục lại đi theo con đường tu đạo, nghĩa là xuất thế, từ bỏ không gian thế tục “…Thấy con trai tuy nhỏ nhưng cho học kinh Kim Cương, có sáu tháp thì thằng bé đọc thuộc lầu lầu như cháo chảy… (Trang 467. Tập 2). Mạnh Vân Phòng cuối cùng cũng bỏ thành Tây Kinh dẫn con trai nhỏ đến Tân Cương tu luyện.

C. Lớp quan chức, thương gia. Tầng lớp này được thể hiện trong Phế đô với cảnh sống xảo tâm, giả dối. Như việc Thị trưởng thành phố và Thư ký riêng Hoàng Đức Phúc đã nhờ Trang Chi Điệp lo việc in bài trên báo, trước ngày bầu cử: “Anh đọc bài trên báo Cuối tuần hôm nay rồi chứ, đó là có kẻ âm mưu chính trị… Bài này có ảnh hưởng xấu. Qua điều tra thì do tay chân của vị Chủ nhiệm Hội đồng nhân dân kia viết. Sáng nay chúng mình kịp thời đưa ra bản thảo này, quyết định hai tờ báo Đảng của tỉnh và của thành phố đăng một lúc… Anh quen biết nhiều người trên tỉnh, việc này anh phaỉ đứng ra, nhất định đòi họ phaỉ đảm bảo ngày mai đăng báo, mà lại đăng ở cột đầu, trang đầu… Anh cảm thấy giao thiệp với ai, do anh quyết định. Anh khỏi phaỉ lo chuyện chi tiền, cho dù bỏ ra mấy vạn đồng mua trang báo của họ cũng được…” (Trang 261. Tập 1). Lớp quan chức xuất hiện trong truyện không nhiều và phần đông loại nhân vật này được thể hiện với cuộc sống đầy sự bất ổn, thiếu chân chính. Thị trưởng thì phaỉ sử dụng báo chí để hại người và làm lợi phiếu bầu cho mình. Thư ký Hoàng Đức Phúc thì qưuan hệ bất chính với ni cô tuệ Minh, khiến ni cô này phaỉ đi nạo thai. Chủ nhiệm Vương thì lợi quyền để cưỡng dâm Alan, khiến cho cô phaỉ bị bệnh điên… v. v

Còn lớp thương gia một thành phần lớn của đời sống xã hội Tây Kinh thì sao? Nhân vật đại diện cho lớp người này là Giám đốc Hoàng. Nhà máy sản xuất thuốc sâu 101 của ông ta thì chuyên làm thuốc sâu giả, nhưng lại được quảng cáo tốt đẹp. Sự thật chỉ được phơi bày qua bi kịch, bà vợ Phó Giám đốc nọ uống thuốc sâu tự vẫn, uống cả ca mà không chết. Khi cơ quan chức năng lấy mẫu thuốc sâu đi xét nghiệm mới hay đó là thuốc sâu giả. Trang Chi Điệp – người đã viết lời quảng cáo cho thuốc sâu 101 biết chuyện ông đã chửi Giám đốc Hoàng: “Anh làm giả cái gì không giả lại đi làm giả thuốc sâu… Nông dân mua thuốc để trừ sâu phá hoại cơ mà, thì ra anh mới là con sâu phá hoại, một con sâu phá hoại to sụ!” (Trang 138. Tập 2).

Trong một cõi sống, danh nhân thì không chết khổ cũng bị tha hóa, bị xúc phạm, trẻ con không bị bỏ rơi, bị loại trừ thì cũng bỏ đi tu đạo, nhà sư thì dạy người cách chinh phục đàn ông và nạo thai, những người mẹ thì không tìm được hạnh phúc gia đình êm ấm, giới quan chức, thương gia thì sống bằng xảo thuật cơ tâm, hủ hóa, giả dối… Cõi sống này, có thể nói hoàn toàn trống rỗng và thiếu tương lai.

Việc đứa trẻ duy nhất đi tu đạo, đấy phaỉ chăng là một cách phủ nhận thực tại hay bất lực trước thực tại? Và phaỉ chăng Mạnh Tần đi tu đạo mang một dự cảm về một tương lai tâm linh hay hướng tới tâm linh là một giải pháp trong sạch hóa và tìm vào với chân thân nguyên thủy kiếp nhân sinh, của nguyên lý đời sống, vũ trụ – mang tên Dịch?

Ý nghĩa của Phế đô còn là vậy chăng?

***

Thật khó kể hết những tác giả, tác phẩm văn học Trung Quốc, Việt Nam và toàn thế giới có ảnh hưởng kinh Dịch, chỉ biết sức ảnh hưởng của cuốn kỳ thư này với văn học là rất lớn.

Một tác phẩm văn học đã vận dụng đồ “Hậu thiên bát quái” để xây dựng nhân vật, lấy nguyên lý vận động của Dịch để dựng cấu trúc tư tưởng nghệ thuật truyện, quả ngoài Phế đô chưa dễ có tác phẩm nào làm được vậy.

Cuối thu 2003.

         ĐTK