TNc: Có một tuổi già thanh thản là có một hậu vận tuyệt vời. Nhưng nhiều người già rồi vẫn ham hố quyền lực, hư danh. Thế mới biết sự Ngộ là khó lắm thay...
Người già muốn sống thanh thản cần có bốn điều kiện và cả bốn điều kiện ấy đều phải rèn luyện, tích luỹ từ khi còn trẻ. Đó là: an ninh sức khoẻ, an ninh gia đình, an ninh lương tâm và an ninh tài chính. ( an ninh là sự yên ổn, vững vàng ).
Cuộc sống có nhiều thứ, nhưng sức khoẻ chỉ có một và mọi thứ ở dời chỉ có sức khoẻ là của riêng mình, gắn bó với mình, chi phối rất lớn tới vui buồn, sướng khổ, mạnh yếu của mình rồi cùng chết theo mình. Sức khoẻ quý hơn báu vật bởi không thể mua bán, trao đổi, thế chấp hoặc đầu cơ tích trữ và khi hao mòn cạn kiệt thì rất khó lấy lại được. Bi kịch những năm cuối đời sẽ theo đó mà ập đến. Sức khoẻ cũng tồn tại hữu hạn và vận động theo luật nhân quả.Thời trai trẻ gieo gì thì lúc về già gặt nấy. Hút thuốc nhiều sẽ mang bệnh phổi, uống bia rượu nhiều sẽ tổn thương gan, sống buông thả trác táng vô độ sẽ suy thận … Bệnh tật là kết quả tất cả những gì trái tự nhiên. Sống thuận theo tự nhiên, đúng điều độ sẽ tránh được bệnh tật. Hầu hết con người khi sinh ra đều khoẻ mạnh. Quá trình sống do sinh hoạt trái tự nhiên mới sinh bệnh. Không nên quá ỷ nại vào thuốc. Thuốc chủ yếu có tác dụng cầm giữ chứ không diệt trừ được căn nguyên. Căn nguyên là ở sinh hoạt. Bởi thế người duy nhất có thể trừ bệnh tận gốc để có sức khoẻ là chính mình. Khi chưa mắc bệnh thì không phòng ngừa. Khi bệnh còn nhẹ không lo chạy chữa. Đến lúc trầm trọng trực tiếp đe dọa tính mạng mới hoảng hốt và đặt tất cả trông cậy vào thuốc thì đã muộn. Làm sao có thể sống thanh thản khi tuổi già ôm ủ trong người hai ba trọng bệnh, ăn không biết ngon, ngủ khôn yên giấc, lúc nào cũng lo lắng, cũng nhăn nhó đau đớn, một năm nằm bệnh viện đến ba bốn tháng, thậm chí sống không ra sống mà mong chết cũng không dễ. Cho nên muốn còn nhiều sức khoẻ khi tuổi già thì phải sinh hoạt điều độ hợp tự nhiên, phải rèn luyện và tích luỹ từ lúc còn trẻ là vậy.
Sinh – Lão - Bệnh - Tử là quy luật. Khi già mọi bộ phận cơ thể đều thoái hoá, suy yếu cho nên lão tất sẽ bệnh. Nhiều hay ít, nặng hay nhẹ tuỳ cơ địa từng người, nhưng không ai tránh được. Có lời khuyên khi già muốn sống thanh thản cần quên ba điều, trong đó “quên bệnh tật”. Đó là cách nói bóng bẩy để hạn chế lo lắng và bi quan về bệnh thôi, chứ quên làm sao được. Bất kỳ lúc nào nó cũng có thể hành hạ mình nên dù muốn cũng không thể quên nổi. Vả lại nếu quên sẽ rất nguy hiểm. Quên bị tiểu đường mà ăn uống xô bồ, quên bị hở hẹp van tim mà chạy dốc sức, quên bị viêm gan mà uống rượu thả phanh thì chết. Vì thế không được quên mà cần phải hiểu về nó để cùng chung sống với nó, biết giữ gìn điều chỉnh nhằm hạn chế tối đa sự tàn phá của nó. Con người sống gần nhau muốn giữ quan hệ yên ổn, tốt đẹp cũng cần phải hiểu nhau, huống chi căn bệnh mình luôn phải ủ giữ trong cơ thể. Tìm hiểu về nó qua sách báo, qua bác sĩ, qua trao đổi kinh nghiệm với những người cũng mang căn bệnh ấy để phòng ngừa và điều trị. Trước hết mình phải là bác sĩ của chính mình. Không được chủ quan coi thường nó và cũng không bi quan sợ hãi nó. Phải biết cách đối xử với nó như với người bạn đồng hành không thiện chí theo phương châm giữ hoà khí, luôn cảnh giác và chủ động đối phó.
Thành ngữ có câu: “ Khôn đâu đến trẻ, khoẻ đâu đến già”. Từ trẻ đến già hơn kém nhau cả chục tuổi. Đó là khoảng cách đáng kể về học vấn, sự từng trải và bề dầy kinh nghiệm. “Khôn” là ở đấy, trí tuệ là ở đấy. Mà trí tuệ đâu muốn mà có ngay được. Bởi những điều đọc ở sách, nghe ở rao giảng và trao đổi mới chỉ là nhận thức. Phải suy ngẫm, tổng kết, để nhận thức đồng hoá hoàn toàn thấm sâu tận óc, tận tâm rồi nhờ tích tụ, hành thiền, kiểm chứng mới là trí tuệ. Điều đó thường người già mới làm được. Cho nên có những việc khi còn trẻ ta nghĩ khác, nhìn nhận đánh giá và ứng xử khác. Khi tuổi đã già xem xét lại mới thấy sự non nớt, nông nổi, thiếu thận trọng mà lẽ ra ngày đó không nên nói, không nên làm, rất hối hận, nhưng việc đã rồi. Người già thường dám nhìn thẳng vào sự thật, biết thu gom những thất bại để phân tích rút ra bài học và biết kiềm chế không say sưa cuồng nhiệt trước thắng lợi, thậm chí còn lường trước những hiểm hoạ sau thắng lợi. Nghĩa là nhìn xa thấy rộng. Cho nên cổ nhân dạy: “Đi hỏi già…”, hoặc “Trẻ cậy cha…”, có ý khuyên trước khi đi xa làm việc lớn, hay quyết định việc gì quan trọng cần hỏi người già để được chỉ bảo và khi còn trẻ phải cậy vào cha thì khôn lớn mới trưởng thành được.
Tuy nhiên cũng do càng về già sức khoẻ càng suy kiệt, khả năng vận động và tư duy đều giảm sút mà trí tuệ không còn được như trước, thói quen tính tình cũng thay đổi, thích được người khác coi mình là quan trọng, gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền. Ngay các bậc đế vương tuổi trẻ có chí, trung niên lập công, nhưng cuối đời thường mắc sai lầm. Tần Thuỷ Hoàng tung hoành diệt sáu nước, xác lập bản đồ rộng lớn, thống nhất văn tự, đo lường, tiền tệ, xây dựng chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương đưa quốc gia tới cường thịnh. Nhưng cuối đời độc đoán, tàn bạo, sát hại công thần, đốt sách chôn nhà nho, sa hoa trụy lạc, vơ vét tiền của xây cung A Phòng, lăng tẩm, bóc lột đàn áp dân lành. Từ minh quân trở thành bạo chúa. Hán Võ đế Lưu Triệt, mười sáu tuổi làm vua, ở ngôi năm mươi tư năm, cải cách chính trị, kinh tế sáng suốt đưa triều Tây Hán đến đỉnh điểm vinh quang. Nhưng cuối đời ăn chơi xa xỉ, hoang dâm vô độ, ngân khố cạn kiệt khiến quốc gia từ hưng thịnh xuống suy vong. Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương cũng thế. Còn trẻ vào sống ra chết tạo dựng giang sơn khiến triều Minh huy hoàng rực rỡ. Nhưng cuối đời độc đoán chuyên quyền, sát hại công thần, sa đọa trụy lạc. Khang Hy tám tuổi làm vua, giữ ngôi sáu mươi mốt năm. Khi còn trẻ lập nhiều công lớn tỏ rõ một minh quân. Cuối đời đa nghi hưởng lạc bê trễ việc việc nước đẩy quốc gia đến lụi tàn. Số người về già vẫn tỉnh táo sáng suốt như Bác Hồ hoặc Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất ít. Đa phần khi chân chậm mắt mờ, tai điếc thì trái tính, khó nết, nói trước quên sau có khi lẩn thẩn. Đó là những hạn chế mang tính quy luật mà mọi người già phải lường tới.
Trong khi người trẻ có không ít ưu thế. Sức khoẻ dồi dào, việc học, việc đọc, việc đi không hạn chế lại luôn đổi mới cách nghĩ, cách làm nên trưởng thành rất nhanh. Biết bao người tài năng xuất chúng khi tuổi còn rất trẻ. Đinh Bộ Lĩnh hai mươi tuổi dẹp loạn mười hai xứ quân lên ngôi Hoàng đế lập ra nước Đại Cồ Việt. Mạc Đĩnh Chi hai mươi bốn tuổi đỗ trạng nguyên làm thượng quan cả ba đời vua Trần. Nguyễn Trãi hai mươi tuổi đỗ tiến sĩ ( thời nhà Hồ không thi tuyển trạng nguyên ). Đỗ Nhân mười chín tuổi đỗ nhị giáp tiến sĩ. Lương Thế Vinh hai mươi ba tuổi đỗ trạng nguyên, là nhà toán học đầu tiên của Việt Nam soạn ra cuốn “ Toán pháp đại hình”. Nguyễn Hiền mười ba tuổi đỗ trạng nguyên. Lê Văn Hưu mười tám tuổi đỗ bảng nhãn. Lê Quý đôn mười bẩy tuổi đạt giải nguyên đứng đầu thi hương và năm hai mươi sáu tuổi đỗ bảng nhãn. Nguyễn Huệ hai mươi lăm tuổi đã cầm quân đánh bại Nguyễn Ánh, phá tan luôn giặc Xiêm được phong Bắc Bình Vương, ba mươi ba tuổi diệt xong tập đoàn chúa Trịnh và đánh tan hai mươi vạn quân Thanh xâm lược. Nguyễn Ái Quốc hai mươi tuổi đã là nhà hoạt động chính trị nổi tiếng thế giới. Trần Phú ba mươi tuổi làm Tổng bí thư Đảng cộng sản Đông Dương. Nguyễn Văn Cừ mười lăm tuổi tham gia cách mạng, mười tám tuổi làm bí thư đầu tiên đặc khu Hòn Gai - Uông Bí, hai mươi sáu tuổi làm Tổng bí thư Đảng cộng sản Đông Dương. Võ Nguyên Giáp ba mươi bẩy tuổi được phong đặc cách làm Đại tướng giữ chức Tổng chỉ huy quân đội kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Trường Chinh mười chín tuổi lãnh đạo cuộc tổng bãi khoá tổ chức truy điệu cụ Phan Châu Trinh, ba mươi tư tuổi làm Tổng bí thư Đảng cộng sản Đông Dương. Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Nguyễn Bính, Nguyên Hồng, Thế Lữ, Hàn Mặc Tử làm thơ viết văn từ mười ba tuổi và hai mươi tuổi đã nổi tiếng trên văn đàn.
Người già có nhiều mặt mạnh nhưng cũng không ít mặt yếu. Người trẻ có không ít mặt yếu song cũng nhiều mặt mạnh. Cái đẹp của người trẻ là sức khoẻ dồi dào, thể lực cường tráng, xông xáo, nhanh nhẹn, tháo vát. Cái đẹp của người già là sự từng trải, chín chắn, sâu sắc uyên thâm và bản lĩnh vững vàng. Bình minh có vẻ đẹp riêng và hoàng hôn cũng thế, không giống nhau. Mình đã già mà nghe người ta khen trẻ thì hãy coi chừng. Có thể đó là lời khen nịnh không thật, bởi chẳng ai cưỡng được quy luật thời gian. Có thể đó là lời châm biếm khôn khéo và sâu sắc. Rằng bác cố cưa sừng làm nghé, hoặc ở bác thiếu sự từng trải, chín chắn, sâu sắc, lịch lãm của người già. Nghĩa là phải soi lại mình ngay.
Một đời người có cả bình minh và hoàng hôn. Rèn giữ sao để bình minh đẹp và hoàng hôn cũng đẹp thì trước khi trở về cát bụi tâm hồn mới thanh thản.
*
Gia đình là cộng đồng nhỏ cùng chung sống, gắn kết nhau trên cơ sở huyết thống và hôn nhân. Gia đình là phạm trù lịch sử thay đổi cùng với sự phát triển xã hội.
Thời kỳ nguyên thuỷ cuộc sống quần hôn là bối cảnh ra đời của “Gia đình mẫu hệ”. Đó vừa là tế bào xã hội vừa là đơn vị kinh tế. Thường từ ba thế hệ cùng chung sống gồm bà chủ gia đình, các con trai còn nhỏ, các con gái của bà và con cái họ. Cùng lao động và cùng hưởng thụ thành quả. Điều khiển mọi công việc đều do bà chủ gia đình đảm nhiệm.
Khi lực lượng sản xuất và quan hệ xã hội phát triển cao hơn nhiều việc lớn đòi hỏi vai trò người đàn ông đảm trách, chế độ mẫu quyền chuyển sang chế độ phụ quyền thì “Gia đình mẫu hệ” dần tan rã nhường chỗ cho mô hình “Gia đình phụ hệ”. Điều hành mọi hoạt động là ông chủ gia đình gồm các thành viên là người đàn bà ông ưng ý, những con trai với người phụ nữ họ ưng ý cùng con cái họ và các con trai con gái của ông chưa đến tuổi trưởng thành. Cùng lao động và cùng hưởng thành quả.
Qua thời kỳ nguyên thuỷ, rồi nô lệ, xã hội phân hoá giầu nghèo, tư hữu hình thành thì “Gia đình phụ hệ” quy mô lớn cũng phân chia thành những “ Tiểu gia đình phụ hệ” nhỏ hơn thường chỉ gồm hai thế hệ.
Khi không còn cuộc sống quần hôn, lực lượng sản xuất và quan hệ xã hội phát triển, chế độ hôn nhân ra đời thì “Gia đình phụ hệ” cũng tan rã nhường chỗ cho mô hình “Gia đình một vợ một chồng”. Dù đa thê, người chủ có nhiều vợ thì chỉ người vợ chính thất được giữ vị trí sau chồng. Các thành viên khác là con cháu của họ. Điều hành mọi hoạt động vẫn là ông chủ với chức năng duy trì nòi giống, nuôi dưỡng, giáo dục con cháu, phát triển kinh tế và tham gia hoạt động xã hội.
Khi luật hoá gia đình hầu hết các quốc gia đều lấy mô hình “Gia điình một vợ một chồng” làm căn cứ. Tuy nhiên trong cuộc sống đôi khi người ta vẫn sinh hoạt cộng đồng theo mô hình “Đại gia đình phụ hệ”, nhất là các ngày nghỉ, ngày lễ tết hoặc tham gia tín ngưỡng.
Đó cũng là mô hình gia đình phổ biến của Việt Nam hiện nay.
Có hai nhóm trẻ sơ sinh được nuôi dưỡng với điều kiện hoàn toàn giống nhau. Chỉ khác là nhóm thứ nhất được chăm sóc bởi chính cha mẹ và những người ruột thịt, còn nhóm thứ hai do các cô y tá nuôi dưỡng. Kết quả nhóm thứ nhất phát triển mạnh mẽ, toàn diện cả thể chất và tinh thần, còn nhóm thứ hai thì ngược lại.
Theo thống kê của cơ quan công an, các cháu ở tuổi vị thành niên phạm pháp, đa phần xuất thân trong những gia đình bất hạnh. Hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ, hoặc cha chết mẹ đi bước nữa, hoặc mẹ chết bố lấy vợ kế, hoặc bố mẹ ly hôn, hoặc bố cờ bạc rượu chè, làm ăn phi pháp, hoặc mẹ đanh đá lăng loàn nanh ác, hoặc mâu thuẫn gia đình sâu sắc… Nghĩa là các cháu sống thiếu tình thương yêu chăm sóc, không được dạy dỗ, giáo dục chu đáo.
Mới biết vai trò yêu thương, nuôi dưỡng, dạy dỗ, giáo dục của gia đình trong việc phát triển thể chất và nhân cách đối với con người ngay từ tuổi ấu thơ quan trọng thế nào. Nhiều bậc cha mẹ chưa nhận thức được điều đó. Họ tưởng chỉ cung cấp cho con cháu đầy đủ tiền bạc, tiện nghi vật chất là được mà không lường hậu hại. Nhiều quốc gia kinh tế phồn thịnh, tiện nghi dư thừa, cả xã hội cuồng nhiệt say mê với công việc. Song chủ yếu đó là những công việc nhằm phục vụ cho đời sống vật chất còn con người đối với nhau bằng ích kỷ và cạnh tranh tàn bạo, nguồn tình thương yêu cạn kiệt, vai trò gia đình không được quan tâm đúng mức do đó mà phát sinh nhiều tội ác.
Đến tuổi trưởng thành, trước khi lập gia đình, phải chuẩn bị đầy đủ. Nghĩa là phải học làm chồng, làm vợ, làm bố, làm mẹ. Sự chuẩn bị ấy vô cùng quan trọng và cần thiết bởi điều đó chi phối và quyết định chất lượng cuộc sống gia đình. Không ít chàng trai đã làm chồng, làm bố mà vẫn chưa biết, chưa xứng đáng làm chồng, làm bố và cũng không ít những cô gái đã làm vợ, làm mẹ mà vẫn chưa biết, chưa xứng đáng làm vợ, làm mẹ. Hiểu được và làm được thiên chức cao quý đó đâu dễ. Phải học, phải đọc, phải nghiên cứu, phải tổng kết từ sách vở, từ sự răn dạy, từ kinh nghiệm của cha mẹ và các tiền nhân để sống sao cho đúng đạo, hợp đời. Có như thế gia đình mới hạnh phúc, mới bền vững.
Khổng Tử dạy “ Tu thân, tề gia, trị quốcbình thiên hạ”. Gia đình là cầu nối giữa bản thân và xã hội. Có tu thân tốt mới tề gia giỏi. Có tề gia giỏi mới trị quốc bình thiên hạ được. Sống ở đời đến ăn còn phải học huống hồ tu thân, tề gia, trị quốc bình thiên hạ không học thì sao làm được.
Bất kỳ lúc nào, hoàn cảnh nào gia đình luôn là nơi che chở tốt nhất, chắc chắn nhất, là pháo đài được xây bằng tình thương yêu chân thành sâu sắc nhất. Mỗi khi gặp hoạn nạn, thương ta nhất, muốn cứu giúp ta nhất, sẵn sàng sả thân vì ta nhất là những người trong gia đình. Mỗi khi phạm sai lầm cảm thông chia sẻ với ta nhất, bao dung độ lượng nhất, mong ta hoàn thiện nhất cũng chính là những người trong gia đình. Khi ta đau ốm, hoặc qua đời cần báo tin đầu tiên cũng là những người trong gia đình. Cho nên về với gia đình không bao giờ muộn.
Trong ba mối quan hệ chính của con người: với thiên nhiên, với cộng đồng xã hội và với gia đình thì quan hệ gia đình đa dạng và rất phức tạp. Tuy nhiên dù đa dạng, phức tạp thế nào cũng trong sự ảnh hưởng và chi phối của hai loại quan hệ chính là bất biến và khả biến. Ứng với cơ sở huyết thống trong gia đình là bất biến. Ứng với cơ sở hôn nhân trong gia đình là khả biến. Trong cuộc sống hai loại quan hệ đó nếu thống nhất thì gia đình hạnh phúc, nếu xung đột thì bất hạnh, thậm chí dẫn đến gia đình tan nát. Nhiệm vụ của người chủ và mọi thành viên trong gia đình là phải điều chỉnh sao cho hai mối quan hệ bất biến và khả biến thống nhất, bổ sung hỗ trợ nhau. Nếu xảy ra xung đột và xung đột không thể dung hoà thì phải “dĩ bất biến ứng khả biến”.
Đã làm người thì sống phải có đạo, nếu không chỉ là vật thể tồn tại. Đó là “Đạo làm người”. “Đạo làm người” là đại đạo gồm nhiều tiếu đạo. Trong gia đình những tiểu đạo thường xuyên vận dụng là: Đạo hiếu, Đạo đễ, Đạo từ, Đạo nghĩa, Đạo nhân.
Đạo hiếu dạy con cháu đối với cha mẹ, ông bà, chú bác, cô rì, cậu mợ… và các bậc tổ phụ. Nghĩa là những người thuộc thế hệ trên mình kể cả còn sống và đã quá cố. Phải tôn kính, phụng dưỡng, thờ cúng, chăm sóc phần mộ để đền đáp công ơn sinh thành dạy dỗ. Ca dao có câu: “ Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ, kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Đạo đễ dạy anh chị em liên quan huyết thống phải nhường nhịn, chia sẻ, giúp đỡ đùm bọc nhau theo châm ngôn“một giọt máu đào hơn ao nước lã”, “khôn ngoan đối đáp người ngoài. Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. Không nên khi còn bé thì thìa cháo bát cơm nhường nhịn chia sẻ nhưng khi lập gia đình riêng rồi thì đánh chửi, kiện cáo nhau chỉ vì mấy mét vuông nhà, vài thứ đồ thừa kế mà cạn tình cạn nghĩa.
Đạo từ dạy người trên đối với các thế hệ con cháu phải thương xót, chăm sóc, dạy bảo, bao dung độ lượng theo lời tiền nhân dạy “nước mắt chảy xuôi”. Tuy nhiên cha mẹ nên ý thức rằng lo cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, là hạnh phúc không nên đặt mục đích để con báo đáp làm chính. Cổ nhân đã dạy “ một mẹ nuôi được mười con, nhưng mười con không nuôi được một mẹ”. Cha mẹ thương con vô hạn, nhưng con thương cha mẹ thì hữu hạn. Con ở nhà cha mẹ như ở nhà của mình, nhưng cha mẹ ở nhà con như ở nhờ. Con tiêu tiền cha mẹ như tiêu tiền của mình, nhưng cha mẹ tiêu tiền của con như mang nợ. Cho nên phải biết lo xa để đến khi già ít phải lệ thuộc vào con. Có như thế sống mới thanh thản được.
Đạo nghĩa dạy vợ chồng cư xử với nhau phải thương, yêu gắn bó trọn đời. “Yêu nhau bất luận giầu nghèo. Dù cho lên ải xuống đèo cũng cam”.
Trong các đạo ấy thì Đạo hiếu, Đạo đễ, Đạo từ thuộc phạm trù bất biến bởi thế sự ổn định và bền vững dường như đã được bảo đảm. Đạo nghĩa thuộc phạm trù khả biến ứng với quan hệ hôn nhân nhưng lại có vai trò rất quan trọng chi phối hạnh phúc gia đình. Bởi thế đòi hỏi phải được hiểu sâu sắc và vận dụng khôn khéo. Vợ chồng đối với nhau coi tình là trọng, nhưng phải lấy nghĩa làm gốc. Một cuộc hôn nhân thường được xác lập bằng nhiều loại tình: tình yêu, tình thương, tình bạn, tình đồng chí, đồng môn, đồng hương, đồng cảnh ngộ… Tổng hợp tất cả các yếu tố ấy lại tạo nên nghĩa. Vợ chồng đối với nhau bằng Đạo nghĩa tức là phải lấy tất cả những tình cảm đã tạo nên cuộc hôn nhân của mình làm căn cứ.
Hôn nhân là quan hệ vợ chồng được xác lập bởi hai người khác nhau về giới tính và được pháp luật công nhận. Trong đó tình dục là cơ sở, ngoại hình, nhan sắc cùng đạo đức và các giá trị tinh thần khác là điều kiện để duy trì, củng cố cho sự gắn kết bền vững của hôn nhân. Ở đời yêu nhau mà lấy được nhau đã khó, nhưng lấy nhau rồi càng yêu nhau nhất là khi đã già còn khó hơn. Bởi tình yêu và hôn nhân là hai phạm trù khác nhau, thống nhất chứ không đồng nhất.Trong hôn nhân không chỉ có tình yêu mà còn nhiều yếu tố khác chi phối. Lúc còn trẻ tình yêu, tình dục, ngoại hình, nhan sắc giữ vị trí rất quan trọng, nhưng khi già không còn như thế. Khi trẻ vợ chồng có thể nặng lời với nhau, thậm chí vợ xúc phạm chồng, chồng bạt tai vợ. Không sao. Chồng chỉ hùng hổ mươi lăm phút, vợ chỉ bù lu bù loa chốc lát, lâu thì giận dỗi mấy ngày lại lành nhau. Chỉ cần một ánh mắt, vài cử chỉ thân ái có chiều biết lỗi là mọi việc qua hết, tối đến lại gần gũi âu yếm. Do nhu cầu của tuổi trẻ mà người ta dễ bỏ qua cho nhau, dễ tha thứ cho nhau, những rạn nứt tình cảm cũng dễ hàn gắn. Nhưng khi đã lớn tuổi, đã về già thì không như thế. Bởi vậy phải học, phải tập, phải thay đổi cho hợp cách sống của người già bằng sự chín chắn, tự chủ. Phải tìm, phải chọn cách đối nhân xử thế hợp Đạo hiếu với bố mẹ, ông bà, tổ tiên mình, hợp Đạo nghĩa với người vợ già của mình, hợp Đạo đễ với anh chị em quan hệ huyết thống với mình, hợp Đạo từ với con cháu mình, hợp Đạo hữu với những bầu bạn bao năm gắn bó thân thiết với mình, hợp Đạo nhân với bà con cùng phố, cùng xóm, cùng quê hương với mình… Nghĩa là phải sống bằng sự cân nhắc, bằng đạo đức và văn hoá sao cho đúng đạo, hợp đời chứ không thể bằng thói quen bản năng được. Tuổi già nhìn cuộc đời khách quan hơn mới nhận ra rằng khi chết chẳng ai đem theo được tiền của. Tiền của thuộc về các con. Nếu phân chia không công bằng sẽ sinh họa. Địa vị, chức trọng quyền cao chỉ nhất thời. Vinh quang mấy rồi cũng bị chôn vùi vào quá khứ. Chỉ có lương tâm, nhân cách, đạo đức là còn lưu lại. Mà muốn lưu lại những điều tốt đẹp thì ngay từ khi còn trẻ đã phải chọn cho mình cách sống đúng. Dù cách sống của mỗi thời đều có tiêu chí riêng. Nhưng suy cho cùng vẫn phải giữ được bản chất và nhân cách của mình với người ngoài thế, trong gia đình thế, với vợ hoặc chồng càng phải thế. Bất kỳ ai dù có giầu lòng hy sinh đến đâu cũng có cái riêng. Cái riêng tất yếu, rất hợp lý, rất phải đạo. Dù có là Chúa, là Phật cả đời vì chiên ngoan, vì chúng sinh mà vẫn có cái riêng huống hồ chúng ta. Cho nên phải thừa nhận điều ấy, phải tôn trọng cái riêng kể cả những bí mật của người khác trong gia đình. Đó là sống có văn hoá. Điều quan trọng là cái riêng ấy nếu không giúp ích thì cũng không được làm tổn thương, tổn hại đến hạnh phúc gia đình. Chẳng hạn như tôi, lương hưu vợ quản, nhưng nhờ viết sách, viết báo có tiền nhuận bút, đôi khi cũng ém nhẹm dấu đi tích cóp được một chút “quỹ riêng”. Quản lý cẩn thận lắm. Cà phê, bia bọt, không. Xông hơi, mát-sa càng không, gửi tiết kiệm để phòng thân. Rồi một hôm chú em đến hỏi vay mười triệu để thêm tiền mua xe máy. Tôi bảo: “ Tối nay vợ chồng chú đến, có mặt cả anh chị, cứ hỏi vay đàng hoàng, hẹn đúng một tháng trả. Thời gian chỉ một tháng chắc chị dâu sẽ chẳng băn khoăn, cho vay thôi. Nếu đến hạn chú chưa có, anh sẽ giúp”. Đến hạn, tất nhiên tôi phải rút “quỹ riêng” đưa cho nó. Khi nào có, nó trả, mà không thì thôi, anh em lọt sàng xuống nia, mất đâu mà thiệt. Vậy là nhờ sử dụng “quỹ riêng” đúng mục đích, hợp đạo lý nên vừa được việc, vừa củng cố tình cảm anh chị em trong gia đình thêm gắn bó.
Ở đời mỗi người một cá tính, lại nhân bất thập toàn, cho nên dù cùng một gia đình cũng không tránh khỏi va chạm. Nếu có, phải gỡ cởi ngay. Không để va chạm thành bất hoà, bất hoà thành mâu thuẫn, mâu thuẫn thành xung đột. Nước có quốc pháp, nhà có gia pháp. Gia pháp được xác lập trên cơ sở mối quan hệ bất biến, khả biến và Đạo làm người trong đó vai trò quản lý, điều hành của người chủ gia đình và ý thức của mọi thành viên là vô cùng quan trọng. Có như thế gia đình mới đầm ấm hạnh phúc. Một gia đình mà mọi người không hiểu, không ý thức gia phong; một dòng họ mà mọi người không hiểu không ý thức gia tộc; một quốc gia mà mọi người không hiểu không ý thức pháp luật thì không còn gia đinh, gia tộc và quốc gia nữa. Người Nga có câu: “Hãy bỏ lại mọi ưu phiền, mọi bực tức ngoài cửa trước khi bước vào nhà”. Mỗi cuộc đời nỗi buồn thường nhiều hơn niềm vui. Giáo lý Phật pháp dạy “Đời là bể khổ”. Mở mắt chào đời là tiếng khóc chứ đâu phải tiếng cười. Bởi thế cần tạo thêm niềm vui, thải bớt nỗi buồn và không đẩy nỗi buồn thành đau khổ, trái lại cần góp nhặt niềm vui để tạo ra hạnh phúc. Trong gia đình hãy lắng nghe nhau nhiều hơn, động viên nhau nhiều hơn. Thử đặt máy ghi âm trong một ngày rồi mở ra nghe, xem tỷ lệ tiếng cười, lời động viên nhau lớn hay những lời đay nghiến, rỉa rói, trách móc, quát mắng nhau lớn sẽ biết chất lượng cuộc sống gia đình mình thế nào. Cổ nhân dạy: “ Lời nói không mất tiền mua, liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau”, nhất là khi đã già, thời gian làm lành với nhau còn không đủ thì giận giữ nhau làm gì để cùng phải khổ. Có cặp vợ chồng tuổi đã cao, con cháu đề huề mà còn đem nhau ra toà đòi ly hôn. Trời ơi, đã sống với nhau từ sớm đến nửa đêm rồi, chỉ còn từ nửa đêm đến sáng hãy nhường nhịn nhau mà sống nốt cho trọn vẹn có hơn không.
Tuổi già nếu có việc để say mê, có niềm tin để hy vọng, có người để yêu thương và được người khác yêu thương thì sẽ có động lực để sống khoẻ, sống vui. Sống vui sẽ khoẻ và sống khoẻ sẽ vui.
Ở đời ai cũng mong có hạnh phúc. Nhưng thế nào là hạnh phúc thì mỗi người hiểu một cách. Đã có không ít định nghĩa, song hạnh phúc như Khổng Tử dạy rất đúng và sâu sắc. Theo ngài hạnh phúc có bốn tiêu chí: còn ông bà, cha mẹ để phụng dưỡng đáp dền ơn nghĩa; có vợ có chồng để thương yêu; có con có cháu để chăm bẵm, dạy bảo và nhờ cậy; có anh chị em và bầu bạn để tri âm tri kỷ. Cả bốn tiêu chí ấy đều thuộc phạm trù gia đình. Điều đó có nghĩa gia đình là nền tảng hạnh phúc của mỗi người. Nếu để mất gia đình sẽ chẳng còn hạnh phúc. Làm được việc gì chân chính, có ích được vợ con vui, được anh chị em trong gia đình và họ hàng bầu bạn quý trọng, được ánh mắt thân ái và nụ cười rạng rỡ họ dành cho mình. Chả có phần thưởng cao quý nào bằng.
Càng thấy gia đình là quan trọng.
*
Ở đời có một đơn vị đo lường chung để khẳng định và so sánh giá trị con người bất luận thuộc đẳng cấp nào. Đó là lương tâm.
Lương tâm là năng lực tự giám sát bản thân, tự đề ra cho mình trách nhiệm đạo đức phải làm, tự đánh giá ý nghĩ và hành vi của mình. Nó không chỉ được biểu hiện bằng lý tính ( nhận thức và ý nghĩa đạo đức của hành vi ) mà còn biểu hiện bằng cảm xúc ( sự thanh thản hay nỗi day dứt ). Lương tâm không phải bằng năng lực bẩm sinh mà được hình thành phát triển dưới sự tác động của điều kiện sống cả tự nhiên và xã hội ảnh hưởng đến nhận thức, tư tưởng, hành vi mỗi người. Đặc biệt khi xuất hiện mâu thuẫn giữa ý thức hệ và quyền lợi của các giai cấp khác nhau, giữa nhận thức và lợi ích xã hội với cá nhân, giữa cá nhân với cá nhân đòi hỏi mỗi người phải đặt ra cho mình cách hành xử cụ thể. Lương tâm có vai trò rất quan trọng trong mọi hoạt động cuộc sống góp phần xác lập nhân cách và bản chất mỗi người. Lương tâm có hai loại: “thiện tâm” và “ác tâm”. Cả hai đều trong một con người và luôn đấu tranh với nhau. Chỉ khác ở chỗ người nào nhận thức đúng về trách nhiệm đạo đức chủ động kiểm soát điều khiển được ý nghĩ và hành vi của mình, làm theo luật, sống theo đạo thì “thiện tâm” thắng và ngược lại. Giá trị con người hơn kém nhau là đấy chứ không phải ở giầu sang chức cao quyền lớn hoặc nghèo khó tiểu tốt vô danh. Một bác nông phu “thiện tâm” đáng kính trọng hơn một hoàng đế bạo chúa. Cuộc chiến giữa “thiện tâm” và “ác tâm” trong một con người diễn ra liên tục, gay go, quyết liệt. Có khi “thiện tâm” thắng, song cũng có lúc “ác tâm” thắng. Tuy nhiên với những người sống có đạo, chủ động vững vàng bản lĩnh trong tu dưỡng rèn luyện với mục tiêu hướng thiện thì “thiện tâm” sẽ chiếm ưu thế và ngược lại. Đồng thời nhân quả cũng khác nhau. Người “thiện tâm” sẽ nhận được phúc, đạo dức nhân cách trong sáng, cao thượng được tin yêu kính trọng. Kẻ “ác tâm” phải gánh họa, sống bất nhân phi nghĩa bị oán trách khinh miệt. Bởi thế “thiện tâm” luôn là đích của người sống có đạo đưc, là cốt lõi của lương tâm. Cổ nhân dạy: “ Không có mây không là trời. Không có nước không là biển. Không có đạo đức không là người”
Theo Khổng Tử lương tâm cũng là đạo đức. Ngài viết: “ Lập đạo của trời là âm dương, lập đạo của đất là cương nhu, lập đạo của người là nhân nghĩa. Tất cả các tính khác của người đều do nhân nghĩa mà nên. Con người bất nhân là ác, bất nghĩa là bạc. Muốn được coi là nhân thì phải có lương tâm”.
Lương tâm không ở ngoài mà là tiếng nói thầm thì ở trong ta, mách bảo cho ta thế nào là đúng, thế nào là sai. Tiếng thầm thì ấy không tự nhiên mà có, không thể muốn mà được. Đó là kết quả sự suy nghĩ tu rèn thường xuyên không mệt mỏi, đầy thử thách với quyết tâm cao, bản lĩnh vững để chống lại bản năng, chống lại cám dỗ, chống lại mọi áp lực kể cả sự đe doạ tính mạng. Chỉ là tiếng nói thầm thì nhưng sức mạnh phi thường, có thể bất chấp cường quyền, coi thường cái chết. Lương tâm có quy luật hoạt động riêng bằng nội tại và thực hiện mệnh lệnh của chính mình. Một người giữ trọn lời hứa tới mức anh ta có thể bởi sự nhận thức về trách nhiệm đạo đức chứ không vì áp lực bên ngoài. Lương tâm có vai trò điều khiển cuộc sống chúng ta, ngăn ngừa sự lừa dối hoặc làm tổn thương, tổn hại chính ta và người khác. Ngăn ngừa sự thèm khát, thói dâm ô, thái độ đạo đức giả, tính tham lam và những lỗi lầm thầm kín khác mà chỉ ta mới biết. Cổ nhân có câu: “ Bất kể nghĩ điều gì, làm việc gì đếu có Trời biết, Đất biết và lương tâm mình biết”. Ở đời có một thứ luật lệ áp dụng riêng cho từng người đó là lương tâm. Kinh Thánh có đoạn: “Giá như dân ngoại không có luật, nhưng theo lương tâm mình mà làm những điều luật dạy, thì lương tâm họ đã là luật cho chính họ”. Lương tâm cũng là toà án rất nghiêm khắc và công minh phán quyết mọi ý nghĩ và hành vi của ta. Không ai có thể lừa dối được lương tâm. Giấy không gói được lửa. Làm điều ác nhất định bị lương tâm xét hỏi. Nỗi đau khôn tả là lương tâm cắn dứt. Có kẻ không chịu nổi mà phát điên hoặc nhảy lầu tự tử. Lương tâm giống như vị “Thần hộ mệnh” giúp ta khỏi lầm lạc, hướng dẫn ta làm điều thiện, tránh điều ác. Chính vì thế trước khi quyết việc gì phải tự hỏi lương tâm. Không ai ngăn cấm ta hành động theo lương tâm. Đạo đức truyền thống dân tộc cũng luôn răn dạy: “ Thương người như thể thương thân”, “ Lá lành đùm lá rách”, “Một con ngựa đau cả tầu không ăn cỏ”, “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, “ Bám anh em xa, mua láng giềng gần”, “Lương y như từ mẫu”… Trong Truyện Kiều thi hào Nguyễn Du viết : “Thiện căn ở tại lòng ta. Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” và Bác Hồ cũng dạy: “Đạo đức là cái gốc của người cách mạng”. Mà cơ sở của đạo đức là trung thực, trước hết trung thực với chính mình. Lời nói thật của gã lái trâu còn quý hơn lời nói dối của ngài thủ tướng. Nghĩ một đằng, nói một nẻo, nói một đằng làm một nẻo. Đó không phải lương tâm người lãnh đạo. Không thể ôm trái tim vô cảm của mình đăng đàn rao giảng về đạo đức.
Tại sao thời chống Mỹ nhân dân tiến bộ trên thế giới tôn vinh “ Việt Nam là lương tâm của thời đại” ? Vì chúng ta có Bác Hồ, vị cha già dân tộc, hết lòng thương dân, vì dân, đức độ như bậc thánh nhân có sức cảm hoá muôn người. Cộng sự của Bác hầu hết là những nhân cách lớn, lương tâm trong sáng, tận lực vì nước vì dân, lời nói đi đôi với việc làm, không giả dối, không tham nhũng, không xúc phạm tự do dân chủ, gần gũi cảm thông, cùng vui buồn, sung sướng, đau khổ với dân và trách nhiệm với dân. Uy tín đức độ của họ phù hợp với đạo lý truyền thống, nhờ thế quy tụ được nhân tâm toàn xã hội tạo thành sức mạnh vô địch chiến thắng kẻ thù, xây dựng cuộc sống chan hoà tình thân ái mà ít quốc gia có.
Rất tiếc ngày nay chúng ta không còn được vinh hạnh ấy. Vì sao ?
Luật nhân quả luôn bám sát ta. Bất cứ hành vi trái đạo đức nào đều phải trả giá. Không chỉ bằng quả báo mà còn hành hạ lương tâm đến lúc chết.
Khi tuổi già hãy bình tĩnh soi xét lục vấn mình: đã khi nào mình nói câu gì, làm điều gì bất hiếu xúc phạm tới ông bà, cha mẹ để các cụ phải đau lòng. Đến bây giờ các cụ đã qua đời mới ăn năn hối hận, muốn chuộc lại lỗi lầm nhưng không được. Đã khi nào ta hành xử quá đáng với cả anh chị em ruột thịt của mình chỉ vì tranh chấp mấy mét vuông nhà, vài ba thứ đồ thừa kế mà cạn tình cạn nghĩa đưa nhau ra toà? Hoặc người thân của mình gặp nạn, trong tuyệt vọng cầu mong sự giúp đỡ nhưng mình làm ngơ mặc dù dư thừa điều kiện ? Đã bao giờ lừa dối, phản bội, ác khẩu lăng loàn hoặc cư xử bất nghĩa với người bạn đời của mình để đến khi già phải luôn day dứt ân hận ? Đã bao giờ mình vô trách nhiệm sống không gương mẫu, thiếu tình thương yêu chăm sóc dạy dỗ con cái khiến chúng hư hỏng cờ bạc, trộm cắp, nghiện hút đến nỗi gia đình tan nát, khi tỉnh ngộ ra muốn làm lại cũng không được ? Đã bao giờ mình tự đánh mất niềm tin hoặc làm tổn thương đến bầu bạn, những người đã gắn bó bao năm tri kỷ, thậm chí là ân nhân đã từng cứu giúp mình qua hoạn nạn để rồi đến lúc sa cơ chẳng còn ai chia sẻ ? Đã bao giờ thấy cháu bé mồ côi tàn tật, hoặc cụ lão mù loà rách rưới hành khất van xin bố thí mà mình cố ý lẩn tránh không giúp, thậm chí còn tỏ ra khinh mạn. Rồi đến một hôm nào đó mình bị tai nạn nằm bất tỉnh trên đường lại được chính mấy người hành khất đáng thương và giầu lương tâm ấy đưa đi cấp cứu ? Đã bao giờ vì vô cảm thiếu trách nhiệm mà để người bệnh không đáng chết bị chết, hoặc vì tiền mà đạp lên y đức bóp họng cả những bệnh nhân nghèo khổ ? Đã khi nào mình thất lễ xúc phạm thày cô giáo, những người đã tận tâm truyền dạy kiến thức và đạo lý để mình được vinh hiển như bây giờ? Đã khi nào cũng chỉ vì tiền mà bất chấp luật pháp cướp của giết người, hoặc buôn bán tàng trữ, tiêu thụ chất ma tuý huỷ hoại cuộc sống và làm tan nát biết bao gia đình ? Đã bao giờ vì mối lợi trước mắt mà táng tận lương tâm, sảo quyệt chốn thương trường buôn bán hàng giả, thuốc giả, thực phẩm nhiễm khuẩn, sả chất thải độc ra sông gieo rắc tai hoạ cho người khác ? Đã bao giờ đường đường là nhà báo, thư ký của thời đại, được xã hội coi là “quyền lực thứ tư” chỉ vì tiền hoặc do động cơ thấp hèn mà cam tâm làm bồi bút, đưa tin không trung thực, bình luận đầy ác ý nhằm hạ nhục người khác, hoặc làm tổn thương tổn hại đến những đơn vị, những địa phương làm ăn chân chính ? Đã bao giờ ghen ghét kèn cựa với người khác chỉ vì tài đức họ hơn mình ? Đã bao giờ ỷ thế, cậy quyền thành kiến trù dập cấp dưới chỉ vì họ không khom lưng cúi đầu xu nịnh, không quà cáp biếu xén hoặc phản đối lại mình mặc dầu ý kiến họ không sai ? Đã bao giờ chỉ để tỏ ra mình nhiều quyền lực mà bất chấp đạo lý dám ngạo mạn coi thường cả những bậc lão thành tiền bối có công khai quốc ? Đã bao giờ vì tiền, hoặc vì áp lực nào đó mà sẵn sàng kết luận điều tra sai sự thật, tắc trách nhắm mắt phê chuẩn cáo trạng hoặc vô luật, vô đạo, vô cảm khi xét xử khiến người lương thiện phải chịu oan sai bị giam cầm tù ngục khuynh gia bại sản, tan nát gia đình ? Đã bao giờ nhân danh công chức, quan chức “ chính quyền của dân, do dân, vì dân” mà luôn nghĩ cách hành dân, gợi ý, đòi hỏi tiền đút lót của dân ? Đã bao giờ lợi dụng quyền hạn gây khó khăn thúc ép, mặc cả với các doanh nhân, doanh nghiệp để có tiền hối lộ làm giầu bất chính ? Đã bao giờ vì những lý do thiếu chính đáng, không đứng trên lợi ích dân tộc, nhân danh chức vụ quyền hạn cá nhân ký kết những văn bản làm tổn hại đến thể diện, chủ quyền, tài nguyên và lãnh thổ quốc gia ? Đã bao giờ ? Đã bao giờ ?... Hãy lục vấn bằng rất nhiều câu hỏi và tự trả lời một cách trung thực rồi suy ngẫm xem lương tâm mình có thanh thản không ? Có ân hận day dứt và hổ thẹn không ? Có sợ quả báo với chính mình và cả những người thân của mình không chỉ kiếp này mà cả các kiếp sau không ? Có biết lịch sử và hậu thế sẽ lên án và kết tội mình không ?
Chỉ đến khi hết chức, hết quyền và tuổi đã già sự phán xét của lương tâm mới khách quan.
Lương tâm là thế. Rất nhân từ nhưng vô cùng nghiệt ngã.
Muốn có an ninh lương tâm khi tuổi già thì phải tu rèn từ khi còn trẻ. Có thế trước khi trở về cát bụi mới thanh thản được.
*`
Tài chính theo nghĩa hẹp là tài sản dưới dạng tiền được trao đổi, phân phối, cho vay tuỳ thuộc vào người sở hữu hay quyền quản lý. An ninh tài chính là đảm bảo sự yên ổn, bền vững của số tiền ấy.
Tiền rất quan trọng đối với cuộc sống. Tuy nhiên nó chỉ được coi là phuơng tiện sống chứ không thể là mục đích. Coi tiền là phương tiện có nghĩa coi việc kiếm tiền, sử dụng tiền cốt nhằm bảo đảm duy trì cuộc sống tối ưu có thể phù hợp với hoàn cảnh mỗi người để thực hiện những mục đích cao cả của cuộc đời. Còn coi tiền là mục đích sống có nghĩa đặt toàn bộ giá trị cuộc đời là tiền. Nhiều tiền mới là sống, muốn sống phải nhiều tiền. Sẵn sàng kiếm tiền bằng bất cứ cách nào kể cả giết người. Bản thân đồng tiền không có đạo, nhưng người kiếm tiền, sử dụng tiền phải có đạo. Phải theo chính đạo loại tà đạo.
Dù lúc còn trẻ hay khi đã già ai cũng cần có nguồn thu nhập chính đáng, ổn định, bền vững thì mới làm chủ được trong tính toán cho cuộc sống cả hiện tại và tương lai, mới đối phó được với những bất hạnh khôn lường ập đến. Cổ nhân dạy nên có “của ăn, của để ”. Muốn thế việc chi tiêu phải có kế hoạch, không được “vung tay quá trán”,“bóc ngắn cắn dài”. Phải “liệu cơm rót mắm”,“liệu bò đo chuồng”. Nghĩa là chi cho việc ăn, việc ở phải cân xứng thích hợp với nguồn thu của mình. Muốn có “của để” thì phải “kiếm mười tiêu bảy dành ba”, “tiết kiệm một đồng đỡ khổ một ngày”, “lo xa để tránh khổ gần”. Đấy là những câu thành ngữ được bao đời ông cha đúc kết để răn dạy chúng ta. Không nghe, không theo thì đã có “Luật nhân quả”. Nhiều người lúc còn trẻ thì giầu sang phú quý tiêu tiền như đốt rác, nhưng đến khi già chỉ còn hai bàn tay trắng, đói rách thảm hại, thậm chí phải lang thang xin của bố thí.
Bởi thế phải rèn luyện lối sống tiết kiệm ngay từ khi còn trẻ. Đó là lối sống đạo đức và văn hoá ở bất kỳ thời đại nào, với bất kỳ ai. Cuối đời muốn được sống thanh thản không phải lao tâm khổ trí lo việc cơm áo thì phải theo lối sống ấy. Cổ nhân dạy: “ Chỉ có tiết kiệm mới khiến người ta liêm khiết. Chỉ có khoan dung mới khiến người ta đạo đức”.
ĐỊA CHỈ: ĐẮC TRUNG
Số nhà 10 Ngõ 73 Gang Văn Minh – Hà Nội
ĐT: 0913236372 - 0437220868