Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

XUÂN DIỆU VÀ CHIẾC XE THAN 7 TẤN

Duy Phi
Chủ nhật ngày 27 tháng 6 năm 2010 8:27 AM

Hồi ấy, vào năm 1982, còn có tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang, Bắc Ninh), giám đốc T. ở mỏ than Bố Hạ, do quen với một người tên là H- tự nhận là em nuôi của Xuân Diệu mà được gặp Xuân Diệu. T. là một giám đôc có tài, khai thác than “thắng đậm”, mải ăn chơi và cũng hay nói bốc. Muốn được Xuân Diệu về nói chuyện thơ cho sang, ông nói: Cơ quan - mỏ than Bố Hạ có hội trường đàng hoàng, nếu Xuân Diệu về, công nhân, nông dân quanh vùng, các nhà giáo, học sinh cấp II, III... có đến hàng vạn thính giả. Xuân Diệu vui vẻ nhận lời. Đúng hẹn, thứ sáu, T cử Nguyễn Chính, phó giám đốc đến 24 Cột Cờ, Hà Nội đón. Xuân Diệu mở lịch, dày đặc công việc trong tuần, ngày nào tiếp nhà văn Pháp, ngày nào tiếp nhà văn Nga, nhà văn Tiệp... Ông hẹn lại: thứ sáu tuần sau. Lại đúng hẹn, Phó Chính đánh commăngca tới. Hồi đó, commăngca là oai rồi. Thấy xe rộng, nhà thơ đùa vui: “Cả chuyến xe, chỉ đón Xuân Diệu, lãng phí quá!”.
   Lên đến Bố Hạ, Chính trao trả nhà thơ cho giám đốc T. Đón tiếp chu đáo, nhưng ngay tối hôm ấy không tổ chức nói chuyện được. Giám đốc T. không biết về văn chương thơ phú, nói chuyện ông chẳng bà chuộc.
   Sáng hôm sau, ông T. cho nhà thơ biết, vẫn chưa thể tổ chức nói chuyện. Có cả một ngày rỗi, Xuân Diệu ngỏ ý muốn sang ấp Cầu Đen (cách Bố Hạ chừng mười lăm cây số) thăm Nguyên Hồng và một người bạn tên là Quỳnh- nhạc sĩ. Hôm ấy, giám đốc T. phải dùng commăngca đi công tác, tính kiểu “vận trù học”, liền cử Chính lấy chiếc xe MiFa chở sáu tấn than, để Xuân Diệu ngồi cabin, tranh thủ đổ trả than một xã gần đấy, rồi đưa nhà thơ đến ấp Cầu Đen. Đi đến Nhã Nam, Chính cho xe dừng lại để đưa nhà thơ vào ăn sáng. Chiếc Mi Fa này hay chết máy, nên khi ăn phở, lái xe vẫn phải cho xe nổ máy phành phành. Không ngờ, để nhỏ ga, một lúc xe nằm liệt. Khi ăn phở xong, Chính và lái xe rất bối rối. Làm sao mà đẩy được chiếc xe than, kể cả vỏ xe trên bảy tấn? Có vài ba người ra xem, biết cái ông tóc xoã đẹp như ông Tây kia chính là nhà thơ Xuân Diệu, rồi người nọ bảo người kia ra đông dần. Bỗng chôc có hàng trăm người.  Đứng giữa đám đông, Xuân Diệu nói to: “Các bạn có yêu thơ Xuân Diệu Không?”. “Có ạ!”. Đồng thanh vang lên. “Các bạn có yêu nhà thơ Xuân Diệu không?”, “Có ạ!”. “Nhà thơ Xuân Diệu nhờ các bạn thanh niên đẩy giúp chiếc xe này cho nổ máy”. Lập tức, ba bốn chục thanh niên xúm vào đẩy. Mặt đường lồi lõm những ổ trâu ổ bò chứ đâu có phẳng phiu như đường bây giờ. Bị đẩy mạnh, chiếc xe lù lù đã phải chuyển bánh, lại nổ máy phành phành. Mọi người reo vang, hỉ hả.
   Chiều tối, Chính trở lại ấp Cầu Đen đón Xuân Diệu về. Đêm thứ hai vẫn chưa tổ chức nói chuyện được. Hỏi giám đốc, T. nói: “Nhà thơ đến đây, cứ yên tâm tĩnh dưỡng, mai sẽ nói chuyện”.  Thế rồi, sáng hôm sau, T. lại đi đâu đó, để cho phó Chính tiếp. Xuân Diệu hỏi Chính: “Thế này là sao?”. Chính cười:
- Anh thông cảm cho anh chị em công nhân, mấy ngày nay phải bám mỏ hoàn thành chỉ tiêu. “Sếp” em bảo đêm nay, nhất định là đêm nay...
   Chuyện trò với nhà thơ lớn thật khó, hết khôn dồn dại. Thật thà, Chính nói:   
- Em đọc trên một số báo gần đây họ phê phán bài thơ Ngói mới của anh, ghê lắm. Em nhớ lỗm bỗm: Trên những đường tôi lại tôi qua/ Tôi đã nghe nhiều những khúc ca/ Ngói mới/ Dù đi nhanh dù đứng lại nhìn/ Trong lòng tôi sắc vẫn còn in/ Ngói mới... Họ bảo anh chỉ là người đứng ngoài cuộc, cưỡi ngựa xem hoa, ca ngợi chung chung hời hợt...    
   Nói rồi mới biết xảy miệng khôn đoái. Song cũng may, nhà thơ không nổi nóng, chỉ hơi thoáng buồn, bảo: 
- Thơ Xuân Diệu các em thuộc là được rồi, còn người viết cứ viết, kẻ chê cứ chê, kệ họ.  
   Chiều tối, giám đốc T. đã về, nói: “Tối nay, công nhân sẽ đến. Hội trường ngay trước mặt”. Giám đốc giục phó Chính: “Đi huy động tất cả lên hội trường”.
   Trời tối đã lâu mà Xuân Diệu thấy bốn bề im ắng, mái mới thấy vài đốm sáng lom đom đi tới. Nhà thơ hỏi Chính: “Họ cầm cái gì sang sáng kia?”. “Đó là cái đèn hoa kỳ, đây không có điện, đường đồi mấp mô, chị em phải cầm đèn... “. “Được bao nhiêu người rồi?”. “Trên hai chục người rồi”. “Sao thế?”. “Chị em công nhân, đi làm về còn phải lợn gà, con cái... ”. 
   Chờ một lát nữa, thấy vẫn vắng, phó Chính đành đi huy động lẫn nữa. Gọi là hội trường, chỉ bằng một phòng học nhưng tuềnh toàng lắm. Đã được chừng dăm chục. Công nhân làm than vất vả, tối muốn nghỉ, cố đến là để xem mặt nhà thơ, hoặc “bị” các “sếp” thúc phải lên, có chị mang theo con, tay bồng tay dắt. Hầu hết là thính giả bất đắc dĩ. Giao cho Chính tất cả, giám đốc T. không lên dự. Nhớ đến câu giám đốc T. nói “Hội trường đàng hoàng”, “thính giả hàng vạn”, có lẽ lúc ấy Xuân Diệu mới nhớ ra, ông đang giữa vùng đất có mười bốn làng cười, trong đó có những làng nói khoác. Buồn như muốn khóc, Xuân Diệu bảo: “Một người cũng nói”. Và nhà thơ đã say sưa nói suốt hai tiềng. Giọng nói Quy Nhơn trầm ấm đáng yêu, điệu bộ, tài bình thơ, diễn thuyết của Xuân Diệu đã thu hút được thính giả,  không ai về nửa chừng... 
   Chừng ba tháng sau, anh em ở Hội Văn học Nghệ thuật Hà Bắc mới biết đến chuyện này, để sửa lỗi, đã tổ chức một buổi “hoành tráng”, mời nhà thơ Xuân Diệu về nói chuyện thơ tại thị xã Bắc Giang. Hôm đó mới có hội trường đàng hoàng, mới chu đáo, mới có lãnh đạo tỉnh, hàng nghìn khán giả là cán bộ các ngành, thầy giáo, học sinh... Xuân Diệu mới có buổi “đăng đàn” đầy hào hứng. Nhà thơ nói về thơ Hồ Chủ Tịch, thơ Tố Hữu và dành phần lớn thời gian cho thơ Xuân Diệu, thơ về cuộc sống mới, thơ tình, mới đọc “Tương tư ăn phải miếng mồi/ Đứng đi trên lửa nằm ngồi trong sương”... Đến nay, nhiều thính giả Kinh Bắc còn vui mừng bởi từng được gặp, nghe Xuân Diệu- “một ông hoàng thơ tình” nói chuyện thơ; chính trong buổi nói chuyện tại hội trường tỉnh, Xuân Diệu đã tự giới thiệu bài thơ, câu thơ mà ông tâm đắc, tự cho là hay nhất của mình. Bài: Biển. Hai câu:  Nước chảy lơ thơ, bờ líu ríu/ Mây chừng thế đó, gió bao nhiêu.