Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THƠ ANH CHẲNG GÓI ĐƯỢC TRỜI XANH CAO

Lâm Xuân Vi
Thứ tư ngày 19 tháng 5 năm 2010 1:37 PM
 TNc: Tôi nhận được bài bình thơ của mình do nhà thơ Lâm Xuân Vi dưới Ninh Bình gửi lên. Cảm động vì bạn vẫn nhớ đến mình mặc dù rất ít khi bù khú. Phải nhận rằng thơ tôi ít chất keo con voi trong lòng bạn đọc, thế mà lọt mắt Lâm tiên sinh và anh nắn nót có khi hay hơn thơ mình...Xin cám ơn ông bạn đất Hoa Lư

  
   (Cảm nhận bài thơ Thế là đã mất em rồi của nhà thơ Trần Nhương)
 
Thế là đã mất em rồi
 

Thế là đã mất em rồi
Thơ anh chẳng gói được trời xanh cao
Sông đầy chốc đã gày hao
Tháng ngày bỗng cũng xanh xao tháng ngày
 Se lòng chút gió heo may
Cúc vàng gọi với chân mây khản lời
Anh đi về một phương trời
Một phương trời - có một người không em...
       Trần Nhương

Lời bình của Lâm Xuân Vi

       Trần Nhương là thi sỹ, họa sỹ đa tài, một nhà thơ thành danh từ rất sớm, anh cũng đã ghi được những dấu ấn đậm nét trên giá vẽ. Chẳng những thế, Anh còn là một nhà báo rất có cá tính, một ông chủ báo mạng tài ba. Trang website trannhuong.com của anh rất có uy tín, ảnh hưởng rất sâu rộng với những cư dân mạng
       Quen biết anh từ năm 1997, trong buổi kết nạp hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam. Mặc dù ít có dịp lui tới, nhưng mỗi lần anh em gặp nhau là tay bắt mặt mừng, chân tình, tin cậy.
       Thiết tưởng, người nhân hậu đằm thắm đa tình như thi sỹ Trần Nhương sẽ được trời cho nhiều thứ, nhất là trong tình yêu, chắc cũng tròn đầy viên mãn lắm. Vậy mà lướt qua mục thi viện lục bát của trang web lucbat.com đọc chùm thơ của anh, tôi ngờ ngợ khi gặp bài: Thế là đã mất em rồi, tôi chặc lưỡi khen hay và nghĩ, chả lẽ Trần Nhương cũng đã có lần thất tình. Đành rằng thơ và người tuy một mà hai, biết thế, nhưng lòng yêu quý anh cứ thôi thúc sự tò mò của tôi:
       Ngay cái tên bài thơ Thế là đã mất em rồi, đã là một lời tự thán, sự nuối tiếc đến bất ngờ, có phần chua xót. Chính cái cách vào để “gây hấn” này đã tạo sự chú ý, kích thích cảm hứng, cảm giác lạ cho người đọc, khiến họ muốn được mau chóng tiếp cận với nội dung.
       Tựa đề bài thơ, cũng đồng thời là câu sáu của cặp câu mở. Đúng là nhịp sống thời đại đã đảy thơ phải thích nghi, đi nhanh hơn. Lục bát cũng không vì vần điệu mà ê a nha nhẩn được. Câu sáu như lời tự thán vừa dứt, đã tiếp ngay câu tám tự trách mình. “ Anh chỉ có thơ, ngoài thơ, không quyền lực, không tiền tài... Tất cả trông cậy vào thơ, thì thơ cũng bất lực. Thơ không đảo được mệnh trời, không có phép màu để hô mây hoán vũ, gói xanh cao níu giữ được em”.
       Mất em, nhưng anh không mảy may oán hận giận hờn, không một lời  trách móc em, và cũng không phàn nàn với bất cứ ai. Như vậy hẳn mất em, không phải lỗi do em, cũng không tại ai khác, mà chắc vì một hoàn cảnh éo le đặc biệt nào đó mà thôi. Ví như, bất ngờ gặp lại tình xưa nghĩa cũ vốn vẫn còn rất nặng lòng thương yêu nhau, nên tình yêu giữa họ lại bùng nổ. Họ đều muốn cùng nhau nối lại duyên xưa, thì thuắt lại phải xa nhau vĩnh viễn. Hoặc giả, buộc phải chấm dứt một mối duyên đương độ nồng nàn, vì một trong hai, hay cả hai người đều buộc phải tuân theo cái nghĩa vụ tập tục dàng buộc đã được an bài…Và nếu  như thế, là họ mất nhau, chứ đâu chỉ là anh mất em. Nếu đã phải chịu nỗi đau mất nhau, thì sự đổ vỡ nuối tiếc ấy mới thật bi kịch, mới chao đảo khủng hoảng như đất đang sụt dưới chân mình. Sông đầy chốc đã gầy hao/ Tháng ngày bỗng cũng xanh xao tháng ngày. Se lòng chút gió heo may/ Cúc vàng gọi với chân mây khản lời. Đó là anh, là em xót nhau, nhớ thương nhau mà tưởng tượng ra cảnh “ dâu bể” vậy thôi, chứ thời gian, nước mây, sông núi v.v, sao có thể biến dạng tàng hình như vậy được?
       Chính những câu thơ tài hoa, hình tượng lạ và sự liên tưởng độc đáo tinh tế, giàu tâm trạng, đã khắc họa được hết tính chất sâu sắc, mức độ nghiêm trọng đối với một mối tình lý tưởng, khi bị đổ vỡ, khi họ đã mất nhau.
Anh đi về một phương trời 
Một phương trời – có một người không em
       Tìm em, gọi em trong vô vọng, và thế là mất em. Mất em, anh như kẻ mộng du, bơ vơ, lang thang trong cô đơn trên hoang mạc một phương trời khác, cõi khác. Đó mới là tình yêu đích thực, thất tình đích thực, mới là sự mê đắm  đến điên dại vì yêu
       Cũng do vậy, mà luận thuyết về tình yêu muôn đời vẫn mở, không thể lý giải, không có lời kết cuối cùng về quyền năng linh diệu của nó.
       Nhà thơ Trần Nhương thật tài hoa và cao tay. Cho đến câu kết, làm nên sự trọn vẹn của một bài thơ tình hay, mà “ Anh” chủ thể, vẫn chỉ được hiểu như một nhân vật trữ tình trong văn học vậy thôi./.
                                                                 
Thịnh Long, ngày  9 - 5 - 2010
  Lâm Xuân Vi
ĐC: Hôi VHNT Ninh Bình
Email :
xuanlamvi@yahoo.com