Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ẤN TƯỢNG HỮU THỈNH

Phạm Quang Đẩu
Thứ tư ngày 19 tháng 5 năm 2010 5:25 PM
 
Cuối tháng ba vừa qua, tôi trong đoàn của Hội Nhà văn Việt Nam sang Lào, cũng là lần đầu tiên được đi cùng chủ tịch Hội, nhà thơ Hữu Thỉnh. Số là, cuốn tiểu thuyết sử thi Một ngày là mười năm của tôi may mắn trúng giải Văn học sông Mê Kông lần thứ ba; sang Viêng Chăn lĩnh giải lần này còn có nhà văn Thăng Sắc(Nguyễn Chiến Thắng) nguyên Đại sứ ta tại Campuchia, với cuốn tiểu thuyết viết về cộng đồng người Việt tại Campuchia Chú Tư, con là ai; đáng lẽ còn có bác Ngọc Tự(Thoong BC) nữa, với bộ ba ký sự tư liệu về Lào song do tuổi cao, sức yếu bác không cùng sang nhận giải được. Ấn tượng chuyến đi khỏi phải nói, đất nước, con người bạn thật tuyệt vời. Song tôi còn một ấn tượng khác, với chính trưởng đoàn Hữu Thỉnh.
Tôi phải trình bày vòng vo chút ít, giải thích cho câu “may mắn trúng giải”. Hồi đầu năm 2010 đã diễn ra hội nghị quốc tế về quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, tôi dự phiên khai mạc, thấy ông Chănthi chủ tịch Hội Nhà văn Lào đọc diễn văn bằng tiếng Việt rất sõi. Cuối năm trước, tôi vừa in xong cuốn Một ngày là mười năm, có nội dung khá đậm về Lào, nên muốn tặng ông ấy một cuốn. Tôi trong diện chỉ được mời dự phiên khai mạc cho đủ mặt, ngày họp tiếp theo muốn gặp chủ tịch nước bạn hẳn không dễ. Tôi nghĩ ngay đến người đứng đầu Hội nhà văn ta. Tôi vốn cùng xóm với nhà văn quân đội Dương Duy Ngữ ở Thanh Xuân Bắc, đã có lần trong buổi chiều ông dẫn tôi sang Thanh Xuân Nam thăm nhà Hữu Thỉnh, nói với nhau ba câu sáu điều rồi về chẳng để lại ấn tượng gì. Ngày thứ hai của hội nghị Mỹ Đình. Sớm tinh mơ, tôi đã mấy lần vòng ra vòng vào khu Thanh Xuân Nam, nhà ông trong ngõ ngách rất khó tìm, may mà đến nơi vẫn còn kịp. Bấm chuông, có cô bé ra nói ông cháu đang sửa soạn đi họp, tôi đưa cô bé cuốn sách với mẩu giấy viết đính ngoài bìa: “Kính nhờ bác Hữu Thỉnh gửi hộ cuốn sách này cho chủ tịch Hội nhà văn Lào Chănthi-Rất cảm ơn!”
Khoảng nửa tháng sau, tôi nghe điện của bác Dương Duy Ngữ nói là tôi cần liên hệ ngay với Hữu Thỉnh. Bác cho số điện thoại, tôi gọi mấy lần chỉ thấy “túyt, túyt”, đoán chủ tịch Hội lúc nào chẳng bận, khó gặp lắm, mà cũng chưa biết ông cần tôi có việc gì. Vài ngày sau, lại thấy bác Ngữ điện đến gắt um, sao không gọi cho Hữu Thỉnh để bác ấy lại hỏi mình?! Thì ra tôi ghi nhầm một con số di động của Hữu Thỉnh, lần này đã nghe giọng nhẹ nhàng của ông: “Phạm Quang Đẩu đấy à. Đọc thông báo trên báo Văn Nghệ về thể lệ xét giải Văn học sông Mê Kông chưa? Gửi ngay về Hội ba cuốn Một ngày là mười năm”. Tôi thực sự bất ngờ. Rồi đến khi sang Lào cùng Hữu Thỉnh, tôi mới được ông cho biết: trước khi chuyển cuốn sách cho Chănthi, ông đã tranh thủ đọc hết, có cảm tình với tác phẩm, phù hợp với tiêu chí của giải nên giục tôi gửi. Về sau tôi đã đọc bài tường thuật cuộc họp hội đồng chung khảo Giải thưởng sông Mê Kông trong website Hội Nhà văn Việt Nam ngay sau khi kết thúc xét giải ngày 13-3-2010, cuốn của tôi cũng nhận được cảm tình của khá nhiều thành viên trong hội đồng. Rõ là số may. Nếu sáng hôm đó không cất công đến tận nhà chủ tịch Hội nhờ ông chuyển giúp cho Chănthi…
Đặt chân đến Viêng Chăn, mới biết chủ tịch Hội Nhà văn Lào Chănthi trước đấy vài ngày bất ngờ bị đột quỵ, đang chạy chữa ở một bệnh viện bên Thái Lan, thay ông điều khiển hội nghị văn học ba nước Đông Dương với tư cách nước chủ nhà, là bà phó chủ tịch Hội Phiulavanh Luangvanna, một phụ nữ Lào điển hình: dịu dàng, ân cần, chu đáo và sõi tiếng Việt. Dương Duy Ngữ có lần bảo tôi, Hữu Thỉnh là tay ngoại giao có hạng đấy. Trong mấy ngày hội nghị tôi thấy ông nhanh nhẹn, luôn nở nụ cười, nói năng hoạt bát, còn tỏ ra nhiều kinh nghiệm trong các mối quan hệ, như tặng Hội Nhà văn Lào, Campuchia; Thủ tướng Lào, tỉnh trưởng Luongprabăng (lúc đến thăm cố đô) loại tặng phẩm gì cho thích hợp. Nhưng đấy không phải là ấn tượng sâu đậm nhất, tôi vẫn lặng lẽ quan sát ông ở nhiều tình huống, góc độ khác nhau trong đời thường.
Đại sứ Việt Nam tại Lào Tạ Minh Châu vốn là nhà thơ, có chân trong Hội Nhà văn nước ta đón đoàn rất thịnh tình, ông tổ chức hai buổi giao lưu giữa các thành viên trong đoàn với sứ quán và bà con Việt kiều tại Viêng Chăn, trong hai buổi ấy Hữu Thỉnh nổi bật với vai người “biểu diễn thơ”. Hữu Thỉnh thuộc thế hệ nhà thơ chống Mỹ, đã nổi tiếng từ đầu thập niên bẩy mươi của thế kỷ trước, song quả thực tôi chỉ đôi lần được đọc bài thơ lẻ của ông đăng báo, chưa từng đọc trọn một tập nào của ông. Có một thực trạng là thơ của ai cũng vậy, in ra đâu bán được ngoài thị trường, chỉ để biếu, mà tôi không phải là người gần gụi thân cận để ông tặng. Lâu rồi Hữu Thỉnh có trường ca Đường tới thành phố được giải của Hội nhà văn, đến giờ tôi còn nhớ mỗi nửa câu đầy ấn tượng khi  tả về người vợ liệt sĩ, trong bữa cơm “ngồi bên nào cũng lệch”. Rồi bài Sang thu ông viết năm 1977 in trên báo Văn nghệ, ngắn thôi, có hơn chục dòng mà thật nhiều câu “thi sĩ”(Chẳng hạn: Có đám mây mùa hạ/Vắt nửa mình sang thu/Vẫn còn bao nhiêu nắng/Đã vơi dần cơn mưa/Sấm cũng bớt bất ngờ/Trên hàng cây đứng tuổi…) Có lẽ Hữu Thỉnh được biết đến rộng rãi hơn cả với công chúng dạng như tôi là hai bài thơ được nhạc chắp cánh Thơ viết ở biển và Năm anh em trên một chiếc xe tăng. Đến khi sang Lào, được thấy ông hoà mình với mọi người trong buổi giao lưu tôi mới hiểu trong ông có hai con người: con người ngoại giao đạo mạo, kỹ tính và con người thơ say đắm, hết mình. Cả hai cuộc giao lưu ông đều mở đầu bằng những câu ca dao về tình yêu lứa đôi, rồi mới dẫn dắt, bình đến những bài thơ của mình. Ông còn chuyển sang chủ đề thân phận con người trong chiến tranh, dẫn ra bài thơ Phan Thiết có anh tôi làm nhiều người nghe xúc động. Nhà văn Hà Đình Cẩn cũng rất thành công trong hai cuộc giao lưu ấy (ông viết văn là chính, song thơ có nhiều bài hay, lại được thể hiện bằng giọng trầm trầm cuốn hút), ngồi bên ghé tai tôi bảo: “Chịu bác Hữu Thỉnh! Nhiều kịch bản lắm”. Nhưng tôi còn thấy cũng có lúc vì quá say sưa mà thi sĩ bị …hở sườn. Chẳng hạn, trong chủ đề tình yêu đoạn trước ông vừa nói: “Ôi, em đến đẹp tựa toà tháp, tôi như chết đứng”, thì đoạn sau, về một em khác cũng đến, nhà thơ thảng thốt: “Ôi, một đoá hoa rừng, tôi có thể chết vì em!” Cử toạ ồ lên: “Chết nhiều quá(!)”Nhân đây kể thêm chuyện này. Đoàn nhà văn Campuchia đến hội nghị có một cô gái Lào tên là Panta đi phiên dịch, cô còn trẻ, duyên dáng, thông minh. Năm 2009 hội nghị nhà văn ba nước diễn ra ở Phnômpênh, đoàn ta có nhà thơ Anh Ngọc được giải với trường ca Sông Mê Kông bốn mặt. Nhà thơ giao tiếp với Panta bằng vốn tiếng Anh cũng không đến nỗi nào của mình và có cảm tình với cô. Khi về nước ông đã viết tuỳ bút đăng trên tạp chí Văn nghệ quân đội, tưạ là Sông Mê Kông bé nhỏ của tôi lấy cảm hứng từ “cô bé” đó. Trước khi tôi đi Viêng Chăn, Anh Ngọc cười bảo: “Hữu Thỉnh cũng mến cô bé đấy…” Hôm đến khu du lịch hồ Nậm Ngừm, vô tình Panta ngồi chếch một chút với chỗ chúng tôi, nhà thơ Hữu Thỉnh bỗng ghé tai tôi nói nhỏ: “Cô bé thích đôi mắt Anh Ngọc, còn thích mình cái mũi!” Tôi chợt nhìn vào cái mũi nhà thơ, quả nó có cao, nhưng có đẹp lắm đâu nhỉ (!)
Thực ra hàng hoá ở Viêng Chăn thua xa Hà Nội cả về số chủng loại và chất lượng, song du khách mỗi khi đến vùng đất lạ này thường mắc “hội chứng mua sắm”, ai cũng ra sức tìm kiếm vét hàng  đến đồng Kíp cuối cùng. Đoàn 12 người, có 3 nữ sĩ là Nguyễn Thị Hồng Ngát, Trần Thị Thắng và Phạm Hồ Thu đều là những người sành mua bán,  đã săng sái mang về nhiều món “rẻ bất ngờ”, vậy mà các chị vẫn phải thán phục tài mua của Hội trưởng Hữu Thỉnh. Họp hai ngày ở Viêng Chăn, rồi đi cố đô Luôngprabăng bằng ô tô, trên suốt đoạn đường gần 1000 km đi về, nhiều lần dừng dọc đường để các thành viên nghỉ giải lao và tranh thủ tiếp cận thị trường còn nhiều nét hoang sơ của bạn. Đến một bìa rừng, hai văn sĩ Hà Đình Cẩn và Nguyễn Bảo hí hửng “chụp giật” được hai cái mật gấu khô ép dẹp to bằng bàn tay, bảo tính ra tiền Việt có khoảng 600 ngàn đồng, rẻ thối, mà dân địa phương thật thà như đếm, nói gấu là gấu không thể thành con khác được. Thế nhưng đến đoạn nghỉ tiếp theo, gặp một Việt kiều, hai bác đem khoe báu vật vừa được “trời” cho thì ông ấy điềm nhiên bảo: “Tôi lạ gì thứ này. Toàn mật trâu rừng!” Về đến nhà, Hà Đình Cẩn mặt còn ỉu xìu, râu quặp xuống, vớt vát nói với anh em: “Con gì ở rừng mật chẳng quý!” Trong lúc hai ông bạn sồn sồn đi mua sản vật lạ như vậy thì nhà thơ trưởng đoàn “án binh bất động”, ông chỉ thực sự xuất trận khi xe dừng ở khu vực gần vùng hồ Nậm Ngừm. Cơ man là cá khô treo, những con cá giống như trôi, chép, mè của ta, khô cong,  bổ đôi banh ra bằng cái quạt nom khá hấp dẫn. Trong khi anh em đều yên vị trên xe, chê của này mà nhét vào va ly mùi tanh lắm thì trưởng đoàn có quan điểm riêng, cứ dề dà đi ngó nghiêng từng nhà hàng, cuối cùng mua được một cặp cá to. Ngày cuối trước khi rời thủ đô bạn mới là ngày thả phanh mua sắm. Đoàn chia làm mấy tốp đổ bộ vào siêu thị chợ Sáng ba tầng. Tôi vẫn bám theo “mục tiêu” của mình, tất nhiên không để lộ thân phận. Không hiểu sao khách Việt sang Lào lại chủ yếu tìm mua đồ bạc trang sức, mà thứ này bên ta đâu có hiếm. Ban đầu nhà thơ còn nhờ Phiulavanh phiên dịch mua được vài thứ, sau ông chủ động tách ra. Đến hàng nào cũng thấy ông hỏi dây chuyền, vòng, lắc thứ trang sức của chị em. Ông cầm hàng đưa sát mắt quan sát tỉ mỉ, đặt xuống, lại đưa lên, rồi mới hỏi giá. Cô gái bán hàng có khuôn mặt nhẹ nhõm, bấm giá bán vào máy tính giơ cho khách coi. Hữu Thỉnh lắc đầu, giành lấy cái máy, bấm lại với con số nhỏ hơn. Đến lượt cô lắc. Ông quay đi hàng khác. Được một lúc trở lại cửa hàng của cô gái ấy. Lần này ông chủ động cầm ngay cái máy tính, bấm con số khác, có cao hơn chút ít con số mình đã trả ban nãy. Lần này ông còn bật ra theo cái giá mới vừa trả câu: “Xamakhi!”(Tiếng Lào, Campuchia đều nghĩa là đoàn kết). Cô gái vẫn lắc. Tôi đứng bên ông, thầm thán phục tính kiên định của cô chủ, khách đã dùng đến chiêu “xamakhi” mà vẫn không xoay chuyển được tình thế(!)
Bữa cơm trưa ngay tại siêu thị, trưởng đoàn ăn xong vừa với cái tăm, tôi đến đưa ông xem một thứ “chiến lợi phẩm” để trong túi nilông và bảo: “Củ này tiếng Lào dịch ra là xuyên đá, ngâm rượu uống bổ dương. Cực kỳ!” Bà Phiulavanh cũng ngồi đấy cười hóm bảo: “Các anh mua thứ này về là làm khổ chị ở nhà đấy” Trưởng đoàn bật dậy bảo tôi: “Anh đưa tôi đi mua củ xuyên đá ngay!” Cuối cùng sau nửa giờ, ông mang về bọc “xuyên đá” to gấp mấy lần của tôi. Không biết giờ được hai tháng ông đã ngâm rượu và dùng thử chưa?
Sau ngày đoàn về nước được ít lâu, tôi đến trụ sở Hội tại số 6 Nguyễn Đình Chiểu, gặp nhiều chị em trong văn phòng khoe, người thì cái vòng bạc, người sợi dây chuyền đều bảo quà Lào của chủ tịch. Có một chị khá thân còn gọi điện nói chuyện với tôi, bảo cái dây chuyền đeo cổ được chủ tịch Hội tặng lúc đầu ánh bạc thật đẹp, mà đeo được có vài ngày dính mồ hôi đã chuyển màu đen xì. Tôi chột dạ: mình cũng học tập bác Hữu Thỉnh, mua một sợi giống hệt, đem về quê tặng bà chị ruột, chắc giờ này cũng “chuyển màu” rồi, mà giá còn đắt hơn cả dây chuyền bạc cũng giống vậy mua tại Hà Nội. Chuyến đi, trưởng đoàn là người sắm nhiều quà cáp nhất vì thấy mang ra sân bay bọc to bọc nhỏ, ông có biết bao mối quan hệ, phải “mưa cho khắp”. Hậu quả của “hội chứng sắm đồ” chắc ai trong đoàn rồi cũng phải gánh thôi, song có lẽ trưởng đoàn là người gánh nhiều nhất, bởi ông thơm thảo, chu đáo, say sưa mua sắm thế kia mà!
 Hà Nội 1-5-2010
P.Q. Đ