Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THƯ GỬI GIÁO SƯ NGUYỄN THIỆN NHÂN

Giáo sư Vũ Cao Đàm
Thứ sáu ngày 9 tháng 4 năm 2010 8:39 PM


Kính gửi: Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân,
Phó Thủ tướng phụ trách công tác khoa học và giáo dục.
Năm 2007, nhân đọc bài báo của tác giả Lưu Trang trên báo Tuổi trẻ, tôi đã dành thời gian nghiên cứu sách giáo khoa lịch sử, nhận thấy các tác giả sách giáo khoa đều xếp trí thức vào giai cấp tiểu tư sản. Điều này có lẽ không phù hợp quan điểm của Mác về tầng lớp trí thức.
Vì vậy, tôi viết thư này, kèm theo bài phân tích, với hy vọng Phó thủ tướng, với cương vị là người hiện có trọng trách lãnh đạo công tác khoa học và giáo dục xem xét để đưa những quan điểm đúng đắn về trí thức trong sách giáo khoa.
Trân trọng
Vũ Cao Đàm
 
*  *   *

Trong bài “Điểm thi lịch sử kém, vì sao?”, đăng trên Tuổi trẻ ngày 26/7/2007, tác giả Lưu Trang cho biết, kết quả thi môn lịch sử cả nước có tới 40-60% điểm kém, riêng tại Đại học Đà Nẵng có tới 98,7% bài thi dưới trung bình. Bạn Lưu Trang nhận xét “Rất nhiều thí sinh không biết tầng lớp tiểu tư sản trí thức là ai”.
Khi đọc xong bài này, tôi chợt nhớ lại một ngày đầu thập niên 1970, khi tôi đến Liên Xô làm nghiên cứu sinh, công việc đầu tiên trong ngày nhập trường là tới trình diện tại Khoa Quản lý sinh viên ngoại quốc (sau đây gọi tắt là Khoa Ngoại quốc). Tôi được bà Thư ký Khoa Ngoại quốc hướng dẫn làm các hồ sơ nhập trường, trong đó cần điền vào một tờ khai lý lịch. Tôi đã khai vào mục “Thành phần xã hội” là “Tiểu tư sản trí thức”, đúng như cách hiểu của tôi và các bạn sinh viên vẫn khai lý lịch thời đó. Khi đọc bản lý lịch của tôi, Ông Giáo sư Chủ nhiệm Khoa Ngoại quốc tròn xoe mắt: “Cậu là chủ nhà máy gì vậy?”. Tôi trả lời “Không, Thưa Giáo sư”. Ông lại hỏi tiếp: “Vậy nhà cậu có cửa hàng bán cái gì đó à?”. Tôi lại trả lời “Cũng không, thưa Giáo sư”. Ông lại hỏi: “Vậy vì sao cậu khai là giai cấp tiểu tư sản?”… “Mà lại giai cấp tiểu tư sản… trí thức …”, giọng ông xen chút hài hước “đã tiểu tư sản lại còn trí thức… như thế nghĩa là… là cái quái gì?”. Rồi ông cười châm biếm: “Trí thức như cậu thì có tư sản gì đâu mà tiểu?”. Tôi nghệt mặt, chẳng biết trả lời ra sao. Rồi không đợi tôi trả lời, ông tiếp luôn một tràng dứt dóng … “Cậu đã làm giảng viên trong một trường đại học của Nhà nước… Vậy cậu là nhân viên nhà nước… Bây giờ cậu làm việc ở Liên Xô thì khai như chúng tôi, … là … sludzashyi, nghĩa là viên chức làm công ăn lương, chứ sao lại tiểu tư sản? Tôi vẫn còn ngây ra không chịu hiểu. Ông cười hóm hỉnh nhìn xoáy vào mắt tôi: “Này, cậu đừng ngây người ra… nghi ngờ tôi như thế, xin cậu đừng quên, tôi là Giáo sư triết học, mà lại chuyên giảng về Duy vật lịch sử đấy nhá!”
Qua câu chuyện với ông, tôi hiểu ra, ở Liên Xô người ta không xếp trí thức vào giai cấp tiểu tư sản. Vậy từ đâu mà Việt Nam xếp trí thức vào giai cấp tiểu tư sản? Với cách xếp trí thức vào giai cấp tiểu tư sản, thì người ta luận cho trí thức đủ thứ tội của tiểu tư sản, nào là “bấp bênh dao động”, nào là có xu hướng “ngoi” lên để thành giai cấp tư sản bóc lột, và cũng dễ bị “tụt” xuống thành giai cấp vô sản bị bóc lột…
Đọc Nhật ký Đặng Thùy Trâm chúng ta thấy, Thùy Trâm day dứt triền miên với cái thành phần giai cấp tiểu tư sản của mình. Thùy Trâm còn thuộc thế hệ sau chúng tôi. Chúng tôi còn bị day dứt hơn nhiều. Lớp đàn anh và cha chú của chúng tôi còn mang những nỗi đau hơn thế nữa với cái thân phận tạch tạch sè, nghĩa là tiểu tư sản, theo cách nói từ thời kháng chiến chống Pháp. Câu hỏi ấy cứ ám ảnh trong đầu tôi mãi… Và tôi quyết định thử tìm hiểu xem sự thật là do đâu?
Trước hết, trong các sách lý luận kinh điển của Marx, trí thức được xem là một giai tầng xã hội. Trí thức phục vụ giai cấp nào thì là người của giai cấp đó. Những nhà xã hội học marxist trên thế giới phân chia trí thức thành trí thức vô sản, trí thức phong kiến, trí thức tư sản, trí thức tiểu tư sản, v.v. (tiểu tư sản là adjective), chứ không có cái khái niệm ngược… là tiểu tư sản trí thức (trí thức là adjective). Tôi đã tra cứu kỹ trong cuốn Từ điển triết học Liên Xô do M. M. Rozental chủ biên, kể cả bản tiếng Việt (Nxb. Tiến bộ, Moskva, 1986) và bản tiếng Nga (Nxb. Chính trị Moskva, 1949), không thấy ở đâu xếp trí thức vào giai cấp tiểu tư sản). Nếu tôi có sơ sót thì xin các vị thức giả chỉ giáo cho.
Riêng ông Mao Trạch Đông thì không quan niệm như vậy. Quan niệm của ông về trí thức hoàn toàn khác với Marx. Trong bài “Phân tích các giai cấp trong xã hội Trung Quốc” viết vào tháng 3 năm 1926 (Trung Quốc xã hội giai cấp đích phân tích (中國社会阶级的分析), Mao Trạch Đông tuyển tập, Nhân dân xuất bản xã, nguyên bản tiếng Hoa, 1966, trang 3), ông đã phân định trí thức thuộc giai cấp tiểu tư sản. Ông chỉ ra rất rõ:
“Giai cấp tiểu tư sản gồm nông dân tự canh tác (tức trung nông), tiểu thương, tiểu chủ, tiểu luật sư, tiểu viên chức, tiểu trí thức, giáo viên và học sinh trung tiểu học…”. Chính từ đây xuất hiện một hệ khái niệm xã hội học maoist hoàn toàn khác lạ với hệ khái niệm xã hội học marxist: tiểu tư sản trí thức, tiểu tư sản học sinh, tiểu tư sản viên chức, tiểu tư sản tiểu chủ, v.v. Trong bản khảo cứu này, ông Mao nói rõ, tiêu chí để phân định các giai cấp là mức sống và lối sống. Điều này cũng hoàn toàn khác lạ với Marx: Marx phân định giai cấp không theo mức sống và lối sống, mà theo quan hệ sở hữu với tư tiệu sản xuất.
Còn ở Việt Nam? Chúng ta có thể tìm được dễ dàng trong các kho tư liệu của Đảng CSVN một văn kiện nổi tiếng: vào tháng 10 năm 1930, Tổng Bí thư Trần Phú đã công bố Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong phần phân tích giai cấp tiểu tư sản, ông viết:
“…. b) Tiểu tư sản có nhiều hạng, địa vị mỗi hạng lại mỗi khác và trong mỗi thời kỳ cách mạng thì địa vị ấy lại đổi khác nữa”.
Sau đó, Tổng bí thư Trần Phú phân tích đặc điểm từng “hạng” trong giai cấp tiểu tư sản:
“- Bọn thủ công nghiệp, vì bị hàng hóa của đế quốc chở tới rất nhiều, cạnh tranh không nổi, cho nên có ác cảm với đế quốc. Đối với phong trào cách mạng vô sản, bọn này cũng có ác cảm, vì chúng nó muốn giữ lấy cách bóc lột những thợ học nghề với chúng nó. Vì sự mâu thuẫn ấy mà thái độ chúng nó đối với cách mạng rất do dự”.
“- Bọn tiểu thương gia có quan hệ với cách bóc lột như là buôn bán và cho vay nặng lời, bởi vậy chúng nó muốn giữ lấy chế độ ấy, vì thế mà chúng nó không tán thành cách mạng”.
“- Bọn trí thức, học sanh, v.v. là bọn có xu hướng quốc gia chủ nghĩa, chúng nó đại biểu quyền lợi cho tất cả giai cấp tư bổn bổn xứ, chớ không phải chỉ bênh vực quyền lợi riêng cho bọn tiểu tư sản mà thôi. Trong thời kỳ chống đế quốc chủ nghĩa thì bọn ấy cũng hǎng hái tham gia, nhưng chỉ lúc đầu mà thôi; chúng nó không thể binh vực quyền lợi cho dân cày được, vì chúng nó phần nhiều có dây dướng với bọn địa chủ”.
“- Các phần tử lao khổ ở thành phố như là bọn bán rao ngoài đường, bọn thủ công nghiệp nhỏ không mướn thợ, bọn trí thức thất nghiệp, v.v. vì sanh hoạt cực khổ cho nên đều theo cách mạng cả”.
Trí thức là “hạng” như thế. Trí thức, cùng với “bọn” tiểu thương tiểu chủ và “bọn” bán rao ngoài đường được xếp cùng một nhóm xã hội, với đặc điểm chung được mô tả trong bản Luận cương là, không có lập trường kiên định, là hạng bấp bênh, dao động, thấy phong trào lên thì theo, thấy thoái trào khó khăn thì nản… Hơn nữa, “bọn chúng” chỉ đi “theo cách mạng” khi bị “thất nghiệp” và “sanh hoạt cực khổ”… Vậy thì làm sao giải thích được có những bậc trí thức đã từ bỏ cuộc sống ở đỉnh cao của xã hội để lên chiến khu, như Đào Duy Anh, Tạ Quang Bửu, Bùi Bằng Đoàn, Võ Nguyên Giáp, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Đại Nghĩa, Trần Đức Thảo, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Mạnh Tường,… và vô vàn trí thức đã xả thân vì đại nghĩa trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc?
Các anh chị thuộc lớp đàn anh của tôi kể lại một câu chuyện vui, như đùa mà thật. Tôi kể lại để nhắc lại một thời ấu trĩ trong quan niệm của chúng ta về một lớp người gọi là “tiểu tư sản”. Đó là vào năm 1950, sau Chiến thắng Biên giới (tức biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc), Nhà nước dân chủ cộng hòa bắt đầu gửi học sinh du học ở các nước xã hội chủ nghĩa. Đoàn học sinh kháng chiến đầu tiên lặn lội đường bộ, băng núi rừng Việt Bắc, qua biên giới, dừng chân ở Bằng Tường để chờ xe lửa đến Quế Lâm, nơi được Chính phủ Trung Quốc giúp xây dựng Khu học xá của Việt Nam, một cơ sở đào tạo của Nhà nước kháng chiến. Các cô cậu học sinh từ núi rừng bị choáng ngợp bởi hàng hóa ở trạm dừng chân sau khi vừa qua biên giới, trông thấy vật dụng nào cũng thích, kể từ cái bút máy đến cái bấm móng tay; trông thấy lê, táo thì háo hức muốn ăn. Thế rồi, cái gì phải đến tất sẽ đến: Các cô cậu được phát tiền tiêu vặt. Vậy là phải làm “bùng nổ” ra cái ước muốn bị kiềm chế nén mãi từ trong tâm can, bất kể là các cô cậu đã được học tập “chỉnh huấn” trước khi lên đường, nào là sang nước bạn sung sướng phải nhớ đến gian khổ nước nhà, nào là không được buông thả cầu an hưởng lạc, v.v. Các cậu con trai thì mua lê, mua táo, ăn đã đời thì thôi; còn hai cô con gái trong đoàn, thì chắt chiu mua sắm, mà mua được nhiều nhặn gì cho cam, mỗi cô mua được một cái cắt móng tay, một cái gương và… cái mà các cô đặc biệt thích thú là, nói các bạn thứ lỗi, vài cái xu-chiêng (nay gọi là nội y) để thay thế mấy cái may chắp vá trong rừng kháng chiến.
Câu chuyện tưởng như thế là xong. Nhưng lại không xong. Đến tối, khi họp đoàn kiểm điểm, các sự việc trên được mang ra mổ xẻ, phân tích, rà đi xét lại trên quan điểm lập trường giai cấp. Cuối cùng các khuyết điểm trên cũng phải được nhận những lời kết tội, cũng tìm được tội danh. Tội danh đó là: “Tư tưởng cầu an hưởng lạc tiểu tư sản”. Đó là cái tội danh rất phổ biến được sử dụng để quy chụp cho lớp người gọi là “trí thức”, như chúng tôi một thời.  Hai cô con gái tạch tạch sè bị kiểm điểm về lập trường giai cấp ngày đó, sau này đều là những những bậc khả kính: một chị trở thành Giáo sư Viện trưởng một Viện lớn về nhi khoa, còn một chị trở thành một Tiến sỹ rất nổi tiếng về sản khoa.
Và cái bệnh tạch tạch sè đó cũng là cái mà Đặng Thùy Trâm vật vã trong suốt những trang nhật ký của mình… Qua đó chúng ta nhìn thấy một điều rằng, ngay cả những trí thức đã ngụp lặn trong cuộc chiến đấu vô cùng nghiệt ngã, cũng vẫn bị kỳ thị trong đối xử, chỉ vì họ là cái “hạng” tiểu tư sản.
Tôi những tưởng việc đó đã qua lâu rồi, nhưng sự thực lại không phải vậy. Ngay trong những ngày này, khi tôi giảng phần cộng đồng trí thức khoa học trong môn học Xã hội học khoa học (Sociology of Science), tất cả các sinh viên khi được hỏi “Cộng đồng trí thức khoa học thuộc nhóm nào trong xã hội?”, thì, câu trả lời duy nhất mà tôi nhận được luôn là “Trí thức thuộc giai cấp tiểu tư sản”. Tôi hỏi sinh viên “Các bạn đang nói theo sách nào vậy?”, thì câu trả lời rất khẳng định luôn là “Theo sách Lịch sử lớp 11”.
Khi còn học trung học, chúng tôi không được học những điều này. Thời chúng tôi học đại học cũng chưa học môn Lịch sử Đảng, nên cũng không biết điều này. Khi học triết học Marx ở bậc đại học thì chúng tôi hiểu Marx đã xếp trí thức vào một giai tầng xã hội như đã nêu ở trên. Sau này đi làm việc, tôi rất ít có thời gian đọc sách giáo khoa bậc trung học, nên tôi chưa bao giờ biết đến sự kiện này. Nhưng đến khi nghe sinh viên nói lại, và nhất là khi đọc bài báo của Lưu Trang vừa nêu trên đây, tôi mới đi tìm mua các sách giáo khoa lịch sử, thì mới giật mình, thấy đúng như thế thật. Tôi xin trích dẫn một số đoạn:
Trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 11 do GS Phan Ngọc Liên chủ biên (Nxb. Giáo dục, 2007, trang 139) có đoạn viết: “Cũng trong thời kỳ này đã xuất hiện tầng lớp tiểu tư sản thành thị. Thành phần của họ khá phức tạp, gồm những tiểu thương, tiểu chủ sản xuất và buôn bán hàng thủ công. Số viên chức làm việc trong các công sở hoặc cơ sở tư nhân như nhà báo, nhà giáo, học sinh, sinh viên… cũng là một lực lượng quan trọng của tầng lớp này”.
Trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 11 nâng cao cũng do GS Phan Ngọc Liên tổng chủ biên (Nxb. Giáo dục, 2007, trang 264) có đoạn viết: “Tầng lớp tiểu tư sản như: những người buôn bán nhỏ, viên chức trong các công sở, trí thức, học sinh, sinh viên… cũng ngày một đông cùng với sự mở rộng khai thác của thực dân Pháp”.
Trong sách Tiến trình lịch sử Việt Nam do GS Nguyễn Quang Ngọc chủ biên (Nxb. Giáo dục, 2009, trang 251) cũng nói về giai cấp tiểu tư sản như sau: “… giai cấp tiểu tư sản ngày càng trở nên đông đảo. Nó được kết hợp một cách lỏng lẻo bởi ba bộ phận: trí thức, tiểu thương, thợ thủ công. Điểm chung của họ là thị dân, sở hữu một chút tư liệu sản xuất (vốn, chất xám)”.
Trong ba cuốn sách giáo khoa được trích dẫn trên đây có hai điểm cần xem xét lại: Một là, “Tiểu tư sản” là một giai cấp chứ! Đâu phải là một tầng lớp như viết trong hai cuốn sách do GS Phan Ngọc Liên chủ biên? Hai là, Trí thức, cùng với viên chức, học sinh, sinh viên và những người buôn bán nhỏ được xếp trong cùng một nhóm với cái tên là giai cấp tiểu tư sản. Điều này thể hiện trong cả ba cuốn sách.
Tôi vào thư viện lướt nhanh hàng loạt sách về sử học, đều thấy mô tả giai cấp tiểu tư sản gồm một mớ bòng bong, từ những người buôn bán nhỏ đến các “hạng” trí thức, học sinh, sinh viên, hoàn toàn là một bản sao trung thực của cách mô tả theo quan điểm của Mao Trạch Đông về giai cấp tiểu tư sản đã công bố trong bài viết “Phân tích các giai cấp trong xã hội Trung Quốc”. Ông Mao đã đồng nhất về bản chất xã hội giữa các “hạng” buôn bán ngoài chợ với các “hạng” bán chữ trên giảng đường, hơn nữa xếp chúng vào cùng một nhóm, và gọi là giai cấp tiểu tư sản. Đọc xong bài viết của Mao Trạch Đông, tôi thật sự phân vân: Không biết giữa anh trung nông họ Mao ở Hồ Nam, ông thủ thư Mao trong thư viện của Trường Bắc Đại, nhà chính khách Mao trên chính trường Trung Hoa và ông chủ cửa hàng thịt chó ở chợ Sơn Đông có đặc điểm chung nào về mức sống và lối sống để được xếp chung vào một rọ của giai cấp tiểu tư sản?
Lịch sử đã sang trang. Tôi thiết tha đề nghị các cơ quan chủ trì việc biên soạn sách giáo khoa nên rà soát và điều chỉnh lại. Nếu định viết sách theo quan điểm của Marx, thì phải đúng quan điểm của Marx, khắc phục quan điểm của Mao về trí thức trong sách giáo khoa lịch sử hiện đang tiếp tục tiêm nhiễm vào trí óc non trẻ của học sinh, sinh viên Việt Nam.