Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LỊCH SỬ ĐÂU CÓ LỖI?

Nguyễn Quang Thân
Thứ năm ngày 8 tháng 4 năm 2010 8:32 PM

Về cái gọi là nhạy cảm của phim lịch sử
Có lẽ đến bây giờ chúng ta không còn ngây thơ hỏi nhau: làm phim lịch sử để làm gì? Vấn đề đã thực sự nóng lên, không chỉ trong giới điện ảnh, khi hàng chục năm nay trên màn ảnh nhỏ tràn ngập phim lịch sử Trung Quốc, Hàn Quốc…Câu hỏi đặt ra thật bức thiết: một dân tộc hơn 80 triệu dân, có lịch hàng ngàn năm, một lịch sử cay đắng, vinh quang đủ điều, vậy mà cho đến nay vẫn chưa có được một bộ phim lịch sử ra hồn! Thực ra, ngay cả trong văn học, bộ máy cái đẻ ra ý tưởng và có khả năng đặt nền móng cho những bộ phim lịch sử tử tế, dài hơi bằng tiểu thuyết hay truyện ngắn, cũng không khả quan gì hơn. Lịch sử dân tộc chưa được thể hiện qua những hình tượng văn học có sức sống mãnh liệt đủ thôi thúc các nhà điện ảnh cầm máy. Mà không có phim lịch sử cho dân xem thì không lâu nữa trẻ con chỉ còn thuộc sử Tàu, sử Tây nữa mà thôi!
Không phải không có tiểu thuyết hay kịch bản, kịch bản chuyển thể từ tiểu thuyết cho các các nhà làm phim. Cũng đã bắt đầu có rồi đó, bắt đầu nhưng cũng không đến nỗi nào. Ví như đã có hàng chục kịch bản có giá trị khai thác lịch sử vẻ vang của dân tộc qua một cuộc vận động – dù mới chỉ là một cuộc duy nhất – của Ban chỉ đạo kỷ niệm ngàn năm Thăng Long chẳng hạn. Nhiều người đã bắt đầu lạc quan vì đã thật sự có kịch bản hay. Nhưng khi đặt vấn đề làm phim, ngoài những khó khăn về đạo diễn, diễn viên, kỹ thuật, kinh phí của một nền điện ảnh nửa thế kỷ nay ì ạch không gây được đột phá, các nhà làm phim còn vấp phải một rào cản khá mơ hồ nhưng hầu như không thể vượt qua: nhạy cảm!
Với cách nhìn nhận như thế thì bộ phim “Cuốn theo chiều gió” cũng khá nhạy cảm vì nó khơi lại một thời kỳ chia rẽ Nam – Bắc trầm trọng của nước Mỹ hiện đang tự hào là hình mẫu của một cường quốc hợp chủng thống nhất keo sơn. Nhiều, rất nhiều bộ phim lịch sử liên quan đến người da đỏ cũng rất “nhạy cảm” vì đụng tới một trang sử nhục nhã của một đất nước vẫn luôn đề cao những giá trị nhân văn và dân chủ. Phim nổi tiếng “Người yêu nước” chắc chắn nhạy cảm vì đụng tới “mối tình hữu nghị Mỹ - Anh”, cái trục quan trọng đến sức mạnh toàn cầu của hai nước lớn. Và những bộ phim lên án phát xít Đức, ca ngợi chiến thắng của Đồng Minh trong thế chiến II được làm một cách dai dẳng và công phu bậc nhất bởi rất nhiều nước đang là bạn chí thiết của nước Đức ngày nay, cũng không nhạy cảm sao?
Lịch sử không có lỗi gì. Vì lịch sử (nếu là tử tế, khoa học) là cái không thể viết lại, sửa lại theo ý người đời nay, làm việc đó cũng khó như bọn đầu trọc đang muốn tôn Hít Le thành Phật. Lịch sử cũng là thứ rất khó giấu giếm vì hàng trăm năm, hàng ngàn năm đã qua, Sự Thật đã có đủ điều kiện để lên ngôi vượt qua mọi ý đồ này nọ của người đời. Hưng Đạo Vương là vị Thánh trong lòng dân Việt cũng như mọi triều vua, vậy mà Đại Việt Sử Ký Toàn Thư vẫn chép: “…Quốc Tuấn muốn lấy công chúa Thiên Thành, nhưng không làm thế nào được, mới nhân ban đêm lẻn vào chỗ ở của công chúa thông dâm với nàng”. Thật là những trang sử nhạy cảm mà vẫn được chép, được lưu truyền!
Lịch sử không có lỗi gì vì “lịch sử do quần chúng ( với xương máu, mồ hôi, nước mắt) làm ra chứ không phải do ai khác dù họ có thế lực đến đâu.
Ai đã học đã đọc lịch sử dân tộc ta đều hiểu và ghi nhận được một cách dễ dàng sự nghiệp chủ đạo xuyên suốt của nó là gì. Dân ta như thế nào? Nước ta như thế nào? Đã nhờ đâu mà có “sơn hà thiên cổ điện kim âu” đến hôm nay? Nếu chỉ tính từ Bà Trưng Bà Triệu đến năm 1975 thôi, cũng đã hàng chục cuộc chống và đánh thắng ngoại xâm, trùng trùng sự kiện “nhạy cảm”. Không đề cập đến hành trình chủ đạo ấy thì không còn là lịch sử Đại Việt – Việt Nam nữa. Nếu tránh né sự nghiệp chủ đạo ấy thì các nhà làm phim sẽ đưa những gì lên màn ảnh? Cảnh Lê Chiêu Thống ngồi trên ngựa mỗi sáng đến chầu Tôn Sỹ Nghị ở cửa thành Thăng Long? Cảnh dâm ô trong cung điện thời Lê Trịnh? Hay cảnh nồi da nấu thịt thời Nam Bắc Triều? Mà không khéo những tích trò rút từ lịch sử đó cũng đầy rẫy những vấn đề nhạy cảm. Ta quá nhạy cảm chứ lịch sử đâu có lỗi?
Vậy thì không biết đến bao giờ mới hết “nhạy cảm” để có được một – một cũng là quý lắm rồi- bộ phim lịch sử mang được không những hình hài mà cái hồn Đại Việt trường tồn bất diệt? 

Bản nhà văn Nguyễn Quang Thân gửi cho TNc
(Nguồn:
http://thanngan.tk --- Báo Tuổi Trẻ ngày 07/04/2010 – có lược một đoạn)