Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHÍNH HỮU - GIÁ TỪNG CON CHỮ

Hoài Anh
Chủ nhật ngày 6 tháng 9 năm 2009 11:42 AM
 
Thường thường có tình hình này: có những bài thơ khi mới ra đời được đông đảo độc giả thuộc mọi tầng lớp nào đó ở một thời kỳ nào đó tiếp nhận và hoan nghênh, khiến bài thơ nổi tiếng một thời. Nhưng đến thời kỳ sau, tác giả bài thơ lại không hài lòng với nó và đã đặt mục tiêu và tiêu chuẩn sáng tác khác, phù hợp với ý thức và quan niệm thẩm mỹ đã có thay đổi của mình. Điển hình là trường hợp thơ của Chính Hữu.
 
Ngày mới nổ ra cuộc kháng chiến chống Pháp, Chính Hữu có bài thơ Ngày về được độc giả yêu thích, lại được nhạc sĩ Lương Ngọc Trác phổ nhạc, nên càng nổi tiếng. Do cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu diễn ra ở thành phố, những người đầu tiên tham gia bộ đội phần lớn thuộc thành phần tiểu tư sản học sinh, nên họ nhanh chóng thích thú những câu thơ như:
 
Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng,

Hồn phất phơ mười phương cờ đỏ thắm,

Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm,

Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa.

vì phù hợp với tình cảm và tâm trạng của họ.
 
Nhưng cuộc kháng chiến chống Pháp ngày một lan rộng và lớn mạnh, thu hút được đông đảo tầng lớp nông dân tham gia. Khi đó Chính Hữu đã có sự trưởng thành về tư tưởng và quan điểm cách mạng, không hài lòng với bài Ngày về nữa, anh đã làm bài thơ Đồng chí, khi mới ra đời được đông đảo độc giả xuất thân từ nhân dân lao động hưởng ứng nhiệt liệt, lại được nhạc sĩ Minh Quốc phổ nhạc, nên càng nổi tiếng rộng rãi hơn. Tôi đã được chứng kiến ca sĩ Quốc Hương hát bài này, giữa một đoàn bộ đội vây quanh, đến những câu: Tôi với anh đôi người xa lạ. Bốn phương trời chẳng hẹn quen nhau... áo anh rách vai, quần tôi có hai miếng vá... anh đến gần từng chiến sĩ, sờ vào đầu gối họ, ôm vai họ hát như tâm sự với từng người khiến ai cũng xúc động rơm rớm nước mắt... Anh cứ thế đi suốt một lượt khắp cả đoàn bộ đội, đến câu Thương nhau tay nắm lấy bàn tay, anh nắm lấy tay họ hát tôi đứng ngoài nghe cũng thấy nổi da gà, cảm thấy sức lay động của nghệ thuật quả là ghê gớm.
 
Sau đó, khi tự thuật về hoàn cảnh sáng tác thơ, Chính Hữu đã viết: “Nghĩ về những bài thơ đã viết tôi không thích bài Đồng chí lắm. Bài thơ là một kỷ niệm, một lời tâm tình tặng bạn nhưng thiên về tình cảm và chưa sâu bằng sau này, tôi muốn tăng cường tính trí tuệ trong thơ. Tôi thích các bài Duyệt binh, Thư nhà, Lá ngụy trang. Trong thơ chống Mỹ tôi thích bài Ngọc đèn đứng gác hơn là bài Đường ra mặt trận. Tôi là lính của trung đoàn Thủ đô. Tôi vào bộ đội ngày 19-12-1946. Bước vào cuộc kháng chiến, tuổi trẻ nhiều lúc bốc men say. Bài Ngày về phản ảnh một khía cạnh của tâm trạng tôi và bài Đồng chí cũng phản ánh một mặt của tình cảm tôi. Bài thơ được làm nhanh. Tôi làm để tặng bạn. Tôi không phải là nông dân và quê hương tôi cũng không phải trong cảnh nước mặn đồng chua hoặc đất cằn cỗi sỏi đá. Cái tôi trong bài thơ có những chi tiết không phải là tôi mà là của bạn, nhưng về cơ bản là của tôi. Tất cả những hình ảnh gian khổ của đời lính thiếu ăn, thiếu mặc, sốt rét, bệnh tật... bạn và tôi đều cùng trải qua. Trong hoàn cảnh đó, chúng tôi là một, gắn bó trong tình đồng đội. Viết về bộ đội nhưng thơ tôi thiên về khai thác đời sống nội tâm, tình cảm, ít có những chuyện đùng đoàng chiến đấu. Tôi làm bài Đồng chí cũng là tình cảm chân tình tự nhiên, không có sự gò ép, gắng gượng nào và nó cũng nằm trong tư duy thơ ca quen thuộc của tôi. Bài thơ có những hình ảnh cô đúc như “đầu súng trăng treo”...
 
Ferdinand Saussure cho rằng tác phẩm văn học tương đương với ngôn từ (parole) mà phong cách thời đại của văn học tương đương với ngôn ngữ (langue). Jan Brandt Corstius cho rằng quá trình sáng tác thông thường của hệ thống văn học của một thời đại là không dễ nhận thấy, nhưng chúng ta có thể tưởng tượng được một nhà văn khi sáng tác sẽ chịu ảnh hưởng của tác phẩm cùng thời đại mà ông ta đã đọc. Chính Hữu là một trong những nhà thơ đầu tiên xuất hiện trong kháng chiến chống Pháp, khi đó thơ kháng chiến chưa hình thành tiêu chuẩn và phong cách rõ rệt, anh còn chịu ảnh hưởng của những nhà thơ lãng mạn mà anh đọc trước đó và phong cách thời đại mà anh đã sống qua, nên trong bài Ngày về còn có những ngôn từ mang màu sắc lãng mạn, khoa trương. Trải qua một thời gian tham gia bộ đội, ngôn ngữ quần chúng đã ùa vào thơ anh, nên trong bài Đồng chí ngôn từ của anh giản dị, chân thật hơn.
 
Jan Muksrovsky cho rằng ngoài giá trị tiến hóa còn có giá trị mỹ cảm. Julia Kristeva nêu khái niệm liên văn bản (intertexuality) chỉ ra rằng: một “văn bản” (text) không thể thoát ly khỏi những văn bản khác. Do đó, một tác phẩm phải bao hàm phong cách của một thời đại và đặc sắc của tác phẩm cá biệt. Sau khi đáp ứng những yêu cầu của phong cách thời đại, Chính Hữu đã đi tìm giá trị mỹ cảm cho thơ mình. Do trước cách mạng anh đã làm một ít thơ, đọc nhiều thơ, thích Baudelaire, Verlaine, Rimbaud và các nhà thơ Đường, nên anh đã trở về mạch vận động quen thuộc của thơ mình, làm được “những câu thơ hàm súc, cô đọng, nói rất ít nhưng gợi rất nhiều những tưởng tượng lan xa, thơ ngắn ở câu chữ nhưng dài ở sự ngân vang” (Lời tác giả thơ tự chọn trên phụ trương Thơ của tuần báo Văn nghệ số 11, tháng 5-2004) như Mái buồn nghe sấu rụng (Đêm Hà Nội) vừa có cái thanh tĩnh của thơ Vương Duy: Nhân nhàn quế hoa lạc, Dạ tĩnh không sơn thanh (Người nhàn hoa quế rụng, Đêm lặng núi vắng trong) vừa có cái xao động trong thơ Verlaine: O bruit doux de la pluie, Par terre et sur les toits: (Ôi tiếng mưa êm đềm, Trên đất và trên mái). Câu Mười năm đi mải miết, Mang quê mình xanh biếc trên lưng (Lá ngụy trang) vừa có tính chất tượng trưng như thơ Baudelaire: Cheveux bleus, pavillon de ténebre tendue, Vous ma rendez l’azur du ciel immense et rond (Tóc xanh, điện đài phủ bóng tối, Ngươi trao ta sắc biếc của trời rộng và tròn), vừa mang tính chất ấn tượng như thơ Rimbaud: L’étoile a pleuré rose au coeur de tes oreilles, L’infini roulé blanc de ta nuque à tes reins (Sao khóc hồng giữa tai em, Vô tận chảy trắng trên triền lưng thon). Đến câu Một lá thư nhà, Hai người đoàn tụ, Hai đầu chiến trường (Thư nhà), thủ pháp tượng trưng anh vận dụng đến mức nhuần nhuyễn, nghe tự nhiên như tục ngữ, đồng dao.
 
Bài Giá từng thước đất, chủ đề mang tính triết lý, nên Chính Hữu đã đem lý tính biến thành hình tượng thông qua một số thủ pháp khiến người ta liên tưởng đến những kỹ pháp biểu đạt (exposure device) trong cuốn Thi học biểu đạt của Yuri Shcheflov và Alexander Zholkovsky.
Đoạn đầu, tác giả đã đem chủ đề cụ thể hóa (concretization) thông qua những chi tiết thu lượm được trong chiến dịch Điện Biên:
Năm mươi sáu ngày đêm bom gầm pháo giội,
Ta mới hiểu thế nào là đồng đội.
Đồng đội ta là hớp nước uống chung
Nắm cơm bẻ nửa;
Là chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa,
Chia khắp anh em một mẩu tin nhà;
Chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp
Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết.

Đây cũng là đề tài được đề cập đến trong bài Đồng chí, nhưng nếu những chi tiết trong bài Đồng chí còn mang tính chất tự phát, thì ở đây đã có sự khái quát cao, với động từ chia nhau được lặp lại nhiều lần, khiến cho câu thơ cô đúc từ những thành tố đối xứng.
Juri Tynianov nói: “Tính chủ thể của tác phẩm không phải ở sự tụ hợp đối xứng phong bế mà là một tập hợp năng động được khai triển”.
Đoạn hai, tác giả đã đem chủ đề biến tấu (variation) từ thực tế: trong quá trình chiến dịch Điện Biên, các đồng chí hy sinh vẫn được chôn cất dọc theo hai bên đường phát triển của chiến hào:
Bạn ta đó ngã trên dây thép ba tầng
Một bàn tay chưa rời báng súng
Chân lưng chừng nửa bước xung phong.
Ôi những con người mỗi khi nằm xuống
Vẫn nằm trong tư thế tiến công!
Bên trái: Lò Văn Sự
Bên phải: Nguyễn Đình Ba,
Những đêm tiến công, những ngày phòng ngự,
Có phải các anh vẫn còn đủ cả
Trong đội hình đại đội chúng ta?
Hai câu cuối của đoạn hai đã giải thích được ý tưởng đặt ra ở hai câu cuối đoạn một (Chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp, chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết).
 
Đến đây bài thơ đã đầy đủ chất liệu thực tế và nghệ thuật, đoạn ba tác giả đem chủ đề mở rộng và tăng mạnh (augmentation):
 
Khi bạn ta lấy thân mình đo bước,

Chiến hào đi,

Ta mới hiểu giá từng thước đất,
 
Trong câu Chiến hào đi, chữ đi hô ứng với hai chữ nằm trong đoạn hai đã nhấn mạnh ý tưởng vẫn nằm trong tư thế tiến công.
 
Đoạn cuối là sự kết hợp (combinaison) những ý tưởng trong ba đoạn trên, nhằm đạt tới yêu cầu lý tính kết hợp với hình tượng:
 
Các anh ở đây

Trận địa là đây,

Trận địa sẽ không lùi nửa thước

Không bao giờ, không bao giờ để mất

Mảnh đất

Các anh nằm.
 
Câu các anh nằm, chữ nằm lặp lại những chữ nằm ở đoạn hai, ba, tác giả dùng thủ pháp đầu đuôi chiếu ứng (enveloping) trong trùng lặp có biến hóa, câu Các anh nằm là mẫu đề (motif) của bài thơ với chủ đề (theme) Giá từng thước đất. Với những từ không bao giờ được lặp lại hai lần, câu thơ cuối cùng trở thành sự lặp lại được tăng dần lên (incremental repetition) của toàn bài thơ. Câu Không bao giờ khiến người ta liên tưởng đến câu Nevermore trong bài thơ Con quạ của Edgar Poe, nhưng ở đây được sử dụng với ý nghĩa lành mạnh, tích cực.
 
Bài thơ Vô danh, vì chủ đề mang tính chất trừu tượng, nên tác giả đã dùng đối lập nhị nguyên (binary opposition) của chủ nghĩa cấu trúc, giữa sống và chết, thiên nhiên và con người, vĩnh cửu và tạm thời; từ đó mượn cảnh nói tình, mượn thực nói hư.
 
Một sườn núi xanh,

Một nấm mồ nằm trong bát ngát

Tôi muốn biết tên anh

Người chiến sĩ vô danh

Đã làm nên Tổ quốc
 
Chủ đề bài thơ được khai triển qua những chi tiết thực tế:
 
Muốn tìm tên anh thì hỏi

Đỉnh núi Khâu Luông đêm đêm gió thổi,

Hỏi con đường truy kích năm xưa

Hun hút rừng Lào đi giữa nắng mưa;

Hỏi con sông, con sông sẽ biết

Tên những người bôn tập qua đây;

Hỏi từng viên đá gốc cây

Đã trông thấy quân thù tan tác;

Hỏi mảnh đất này, khi anh dừng bước

Trên sườn núi khuất vô danh

Xanh như Tổ quốc
 
Chữ hỏi được lặp lại năm lần đã xâu chuỗi những chi tiết đơn lẻ thành một tổng thể. Câu đầu tác giả đã tiền cảnh hóa (foregrounding) khi tả: một sườn núi xanh, một nấm mồ nằm trong bát ngát, nên đến đoạn này, anh lặp lại Trên sườn núi khuất vô danh, sườn núi vô danh mà người cũng vô danh, người đọc càng thấm thía thêm sự đối tỉ: xanh như Tổ quốc, câu thơ tưởng chừng đột ngột mà vẫn thuận tình hợp lý.
 
Do đã có sự dự thiết (presupposed) từ chữ vô danh (không có tên), nên tác giả đã nêu lên nghịch lý (paradox): tên anh không bao giờ mất, mà vẫn chấp nhận được và đầy thuyết phục:
 
Ôi tên anh không bao giờ mất!

Tôi thấy tên anh

Trong màu cỏ mùa xuân đã mọc,

Một ngôi sao xa long lanh nước mắt.

Một nụ cười em nhỏ mới sinh;

Trong hạnh phúc

Người con người anh không biết mặt;

Trong tên làng tên xóm mông mênh.

Tôi thấy tên anh trong tên đất nước,

Cuộc sống bây giờ chính là khúc hát.

Tên anh.
 
Đến đây các ý đã được khai thác trọn vẹn, tác giả lại lấy cảnh kết tình, thông qua tưởng tượng sáng tạo nên một hình ảnh kỳ vĩ để kết thúc bài thơ:
 
Anh đứng dậy, như ngày xưa đứng gác,

Hùng vĩ, tự hào, nghe gọi điểm danh.
 
Hình ảnh (image) này không đơn thuần mà đã trở thành ý tượng (Imagery) của cả bài thơ xuất phát từ một chủ đề trừu tượng, khiến cho bài thơ trong tĩnh có động, để giải quyết vấn đề mượn thực nói hư.Bài Duyệt binh, tác giả lại áp dụng thủ pháp montage của điện ảnh.
 
Đầu tiên tác giả đã dùng nguyên tắc đối đẳng (principe of equivalence) tả đồng chí thương binh cụt chân chống nạng đi xem duyệt binh kỷ niệm 15 năm thành lập ngày Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đoạn đầu là cận cảnh đồng chí thương binh xem cuộc duyệt binh:
 
Đồng chí thương binh,

Trên đôi nạng gỗ,

xem mười lăm năm lịch sử

đang xếp thành đội ngũ

đi đều.
 
Ống kính quay cảnh duyệt binh từ nhỏ đến lớn rồi lại đặc tả những bàn chân đang bước tiếp chuyển sang trung cảnh những con đường mà bộ đội hành quân:
 
Đồng chí thương binh

tưởng nghe bước chân mình

tiếng bước của bàn chân đã mất
Bàn chân

mười năm

hành quân!

Thăm thẳm Chiềng Lề, Khâu Vác, Pha Đin...

Đâu quê hương là bàn chân bước đến.
 
Ống kính lại chuyển sang quay toàn cảnh cuộc duyệt binh với tiếng trống, những lá cờ bay theo nhịp bước:
 
Có gặp những con người

đã để lại một phần thân thể

gửi làm hoa lá cỏ cây

trên mảnh đất này,

mới hiểu được tâm hồn tiếng trống hôm nay,

mới hiểu được

vì sao những lá cờ bay

theo nhịp bước,

vì sao những chân đi làm rơi nước mắt
 
Ống kính lại chuyển sang đặc tả những bàn chân đất, so sánh với xe đại bác: Với những anh hùng hôm qua chân đất, Cả nước hành quân theo xe đại bác.
 
Ống kính quay về cận cảnh đồng chí thương binh xem cuộc duyệt binh, rồi đến toàn cảnh cuộc duyệt binh từ gần đến xa, mờ chồng trên những cảnh hành quân ở đoạn trên:
 
Đồng chí thương binh

tưởng nghe tiếng bước chân mình

Tiếng bước của bàn chân đã mất

Trong tiếng nhạc,

Này nghe: Mười lăm năm hùng vĩ tiến trên đường,

Gió núi mưa ngàn những đêm hành quân.
 
Đoạn kết tác giả đã dùng thủ pháp lạ hóa (defamiliarization) khi tả tiếng bước của bàn chân đã mất của đồng chí thương binh trong tiếng nhạc duyệt binh, đó là cảnh làm nền cho toàn bộ bài thơ.
 
Bài thơ Phố và cây, gửi hai con, nên có thể coi như thông tin (message) gửi cho người nhận. Roman Jakobson từng đề ra mô thức truyền ý (communication model). Bất kỳ sự truyền ý nào đều do thông tin của người gửi cấu thành, mà người nhận là điểm cuối cùng. Thông tin cần sự tiếp xúc (contact) giữa đôi bên gửi và nhận, mà sự tiếp xúc này bao gồm sự tiếp xúc bằng hình thức lời nói miệng, thị giác, điện tử, lại cần thông qua mã ngôn ngữ (code) của môi giới như ngôn ngữ, số học, chữ viết, âm nhạc v.v... mới sản sinh hiệu quả. Mà đôi bên gửi và nhận lại phải có ngữ cảnh (context) chung có thể hiểu nhau được.
 
Từ góc độ công năng, người gửi cần biểu đạt tư tưởng tình cảm của mình, cho nên anh ta đại biểu cho công năng trữ tình (emotive), người nhận sau khi nhận được thông tin sản sinh phản ứng, cho nên đại biểu cho công năng cảm nhiễm (conative). Hai bên gửi, nhận trước tiên phải lập con đường tiếp xúc, để tiện cho việc truyền đạt thông tin, cái đó gọi là công năng đường tuyến (phatie). Đôi bên gửi, nhận phải có ngữ cảnh chung mới có thể hiểu được thông tin, đó tức là công năng chỉ định (referential). Để trừ bỏ sự hiểu lầm có thể xảy ra giữa hai bên, có khi chúng ta có sự giải thích thêm đối với một số mã ngôn ngữ, đó tức là công năng lời đặt sau (metalingual). Trong tác phẩm văn học, thông tin không nhất định phải truyền đạt cho người khác, nó có thể là một chỉnh thể tự túc. Thứ tình huống tự chỉ định lẫn nhau ấy gọi là công năng thi ca (poetic).
 
Bài thơ Phố và cây tác giả không chỉ gửi riêng cho hai con mà gửi cho mọi độc giả, nên bao gồm đủ các công năng trên:
 
Công năng chỉ định:

Khi hai con bắt đầu yêu nhau

thường lang thang trên các đường phố.
Cũng như bố mẹ ngày nào,

Muốn phố thật dài, để đi thật lâu.

Công năng trữ tình:

Cũng dưới bóng cây thầm vụng

Cũng hai con chim đang gù

Những câu tỏ tình ấp úng

Công năng cảm nhiễm:

Bố mẹ, cũng như hai con, bấy giờ mới hay

Thế nào là phố

Thế nào là cây

Phố là nơi không gặp thì nhớ

Gốc cây ngồi, càng giận càng say

Công năng đường tuyến:

Mai sau, cho hai con, gọi là một chút gia tài,

Bố mẹ chỉ có những kỷ niệm

Để lại sau lưng, như một suối hương dài

Công năng lời đặt sau:

Ngơ ngẩn

Còn bay

Trên phố

Trên cây.
 
Lời đặt sau này giải thích thêm nhan đề bài thơ Phố và cây, nên cũng có thể gọi là thơ đặt sau (metapoetry).
 
Roland Barthes nêu lên năm mã ngôn ngữ để phân tích văn bản gồm: mã ngôn ngữ giải thích (hermeneutic code), mã ngôn ngữ chỉ định (code of referential), mã ngôn ngữ tượng trưng (symbolic code), mã ngôn ngữ hành động (proairetic code), mã ngôn ngữ văn hóa (cultural code).
 
Vì thi ca là một chỉnh thể tự túc, nên bài thơ Lá rụng về cội của Chính Hữu:
 
Ngày tôi còn nhỏ, mẹ tôi hay nói

“Lá rụng về cội”

Những chiều cuối năm

Một vùng ngoại ô, ấm mùi hương trầm

Mẹ dắt tôi về thăm bà ngoại

Đi vào cái ngõ tre một thời con gái.

Bà ngoại tôi, bây giờ

Một con đường nhỏ ngoại ô

Quạnh quẽ

Dẫn đến một nghĩa trang đơn sơ

Một mảnh của tuổi thơ tôi ra đi lặng lẽ.

Mẹ tôi, chị tôi và em gái tôi, tiếp theo nhau đã thành bà ngoại...

Tôi yêu một cách đau đớn cái vùng ngoại ô cuối năm

Cái mùi hương trầm

Ở quê tôi, ngàn đời, mãi mãi

Có tiếng thì thầm

Của những chiếc lá, tiếp theo nhau, đang rụng về cội

trong văn bản đã chứa đựng những mã ngôn ngữ nói trên:
 
Mã ngôn ngữ giải thích: Ngày tôi còn nhỏ, mẹ tôi hay nói, “Lá rụng về cội”, đặt vấn đề và treo lửng, dần dần có sự giải đáp.
 
Mã ngôn ngữ chỉ định: Bà ngoại tôi chết, mẹ tôi, chị tôi và em gái tôi tiếp theo nhau đã thành bà ngoại, thể hiện sự ám thị và nội hàm của từ “Lá rụng về cội”.
 
Mã ngôn ngữ hành động: Mẹ dắt tôi về thăm bà ngoại, tôi đến thăm mộ bà ngoại, hành động để chứng minh con người không bao giờ quên gốc.
 
Mã ngôn ngữ tượng trưng: Tiếng thì thầm của những chiếc lá, tiếp theo nhau, đang rụng về cội, thủ pháp tượng trưng cho tư tưởng “Lá rụng về cội”.
 
Mã ngôn ngữ văn hóa: Cái mùi hương trầm, ở quê tôi, ngàn đời, mãi mãi, xác định nếp văn hóa đã hình thành từ lâu đời và còn mãi mãi của dân tộc: con người Việt Nam cuối cùng cũng trở về với gốc.
 
Những mã ngôn ngữ này kết hợp với nhau đã khai triển và phát huy chủ đề “Lá rụng về cội”.
 
Đến bài thơ Hai người bộ hành, viết cho cháu nội, tác giả đã dùng thủ pháp đối tỉ để nêu bật sự khác nhau giữa các thế hệ, nhưng lại có sự di truyền qua các thế hệ đó là tình yêu thiên nhiên và cuộc đời:
 
Cháu dắt ông đi

Hai ông cháu mình vừa đi vừa học

Ông dạy cháu biết tất cả những gì

Có ở trên trời dưới đất

Còn cháu thì dạy ông biết

Cuộc đời này ngắn, nhưng ông đừng buồn

Vì nó – vĩnh hằng – tiếp tục

Đường vào thế kỷ hai mốt,

Hai người bộ hành một cháu một ông

Những bước đầu tiên đi song song

Bên những bước cuối cùng

Như một di truyền thế hệ

Cháu sẽ yêu, như ông bà, như cha mẹ

Dưới gió, dưới mây,

Những phố, những cây

Dù ở nơi này

Nay mai vắng vẻ

Dáng hình ông.
 
Bài này chứng tỏ sự “phản phác quy chân” (Lão Tử) trong thơ Chính Hữu, và sự “cải lão hoàn đồng” trong tâm hồn nhà thơ dạn dày trận mạc, người chiến sĩ kiên cường trên trận địa thơ không lùi nửa bước, vì đã hiểu giá từng con chữ.
 
Hoài Anh

Nhóm Văn chương Hồn Việt

Nguồnwww.trieuxuan.info