Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LỆ GIANG- THĂM THẲM MỘT VÙNG TRỜI!.....

Nguyễn Lê Bảo Châu
Thứ hai ngày 31 tháng 8 năm 2009 10:30 PM
 
Một ngày cuối xuân, khi đất trời Hà Nội đang chuẩn bị bước vào một mùa hè rực lửa; chúng tôi quyết định hành trình đến với Lệ Giang theo tuyến đường được xem là tiện và rẻ nhất: Hà nội- Lào Cai- Hà Khẩu- Côn Minh- Lệ Giang.
Dù đã gần hè, nhưng Lệ Giang đón chúng tôi bằng một màn sương bàng bạc và hơi may lành lạnh rất dễ chịu.
Thành cổ Lệ  Giang thuộc huyện tự trị dân tộc Na-xi (Nạp Tây), tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, được bắt đầu xây dựng vào cuối đời Tống (sau thế kỷ 13), là thành cổ duy nhất ở Trung Quốc không có tường thành bao bọc nhưng thực tế lại được bao bọc bởi bức tường thành sông núi (Núi Ngọc Long và sông Kim Sa).
Từ một hồ nhỏ  ở phía bắc; nước được một dòng suối nhỏ  dẫn vào quảng trường ở trung tâm. Và dòng suối cứ thế len lỏi qua các ngách phố; tạo nên một hệ thống cung cấp nước tự cổ xưa, chi chít, ngang dọc nhưng vô cùng tinh xảo độc đáo và hữu dụng đến tận ngày nay. (Trong hệ thống sông Ngọc của thành cổ Lệ Giang có xây 354 cây cầu, tức là trung bình cứ mỗi km2 lại có đến 93 cây cầu). Một nét độc đáo khác của Lệ Giang là những chiếc giếng ba mắt với ba phần tách biệt: phần nguồn là nơi lấy nước ăn, phần giữa là nơi lấy nước sinh hoạt và hạ nguồn là để giặt giũ.
Vượt qua quảng trường lớn; càng đi chúng tôi càng cảm thấy như mình đang lạc vào một mê cung khi những lớp nhà cổ màu xam xám với những mái ngói âm dương cong vút, giống hệt nhau; cứ nối nhau hiện ra trùng trùng, điệp điệp hêt lớp này đến lớp khác; khiến chúng tôi không còn được phân biệt rõ ràng các hướng đông, tây, nam bắc. Hơn thế, những con đường ngoằn nghoèo thì cứ hẹp dần, hẹp dần… trải dài đến bất tận dưới những nếp nhà cổ y như một mê lộ… mê hoặc, rối lòng du khách... Để rồi cô bạn tôi cứ dùng dằng bên chân cầu Toả Thuý, không nỡ rời chân đi…. Bất chợt lại gợi nhớ thế, về nàng Lâm Đại Ngọc đang muốn níu giữ những khoảnh khắc thần tiên, êm đềm của một giấc mơ hoa…!!!
Dừng lại ở  một quán nhỏ bán đồ lưu niệm ở khu trung tâm- khu vẫn được xem là nơi đông vui nhất Lệ Giang- nhưng tôi lại thấy ngột ngạt giữa sự ồn ã của phố và người. Để rồi ngần ngại tự nhủ lòng: ừ, dù không thể phủ nhận rằng phố xá Lệ Giang đang ở vào thời kỳ phồn thịnh nhất trong hơn 800 năm lịch sủ tồn tại của mình; thì cũng phải nói rằng, lượng khách du lịch khổng lồ đổ về Lệ Giang mỗi năm đã khiến thành cổ mất đi vẻ lặng lẽ, trầm lặng vốn có tự ngàn xưa…và nữa không thể không nghi ngại về sự xuống cấp và dần mất đi phong vị cổ xưa của một di sản văn hoá thế giới.
Sau một ngày thăm thú; cứ ngỡ đã khám phá được mọi vẻ đẹp của phố cổ Lệ Giang; nhưng rồi khi màn đêm về; chúng tôi mới biết mình đã nhầm. Đêm đến, mới chính là lúc Lệ Giang đẹp, huyền dịệu và cũng gợi về phong vị cổ xưa nhất. Khi ngàn ngàn những mái ngói rêu phong xưa cũ, những ngôi nhà gỗ bình thường bỗng chốc trở thành những lầu hoa huyền ảo; những lầu son gác tía…lung linh, rực rỡ giữa những ánh đèn lồng, nến và đuốc hoa... Và để tô điểm thêm cho cảnh sắc tiên bồng ấy; bên những cây cầu đá trắng; bạn sẽ gặp những đôi uyên ương tay trong tay cùng nhau thả những chiếc đèn nến- những chiếc đèn nhỏ bé nhưng ẩn chứa những nguyện ước trăm năm… cứ theo dòng nước chảy thành những dòng sáng lung linh trên sóng nước mênh mang. Những lời cầu nguyện ấy có thành hiện thực hay không; hẳn không phải là điều quan trọng. Quan trọng là những lời nguyện ước ấy đã khiến Lệ Giang trở thành mảnh đất lành- mảnh đất của những lời chúc phúc; mảnh đất đưa những lứa đôi lại gần nhau hơn.
Có rất nhiều người cho rằng: " nước là linh hồn của Lệ Giang"; nhưng với tôi; linh hồn của Lệ Giang lại chính là những người con của dân tộc Naxi. Có xuất thân từ Tây Tạng, người Naxi là những người rất hiền hoà, hiếu khách và đặc biệt rất yêu ca hát. Chẳng cần phải đến nhà hát của thành phố; bạn mới được nghe những điệu ca vũ truyền thống mà mỗi gánh hát rong bên đường đều có thể xem như một giàn nhạc giao hưởng dân tộc Naxi thu nhỏ. Cũng như ở mỗi nhà hàng; ban đều thấy một sân khấu nhỏ để các cô gái Naxi… má ửng hồng, xúng xính trong những bộ quần áo rực rỡ; đắm mình trong những điệu múa truyền thống rộn ràng; váy quay tròn, quay tròn; xoè phất phơ trong gió…
Và hơn thế; trong một đêm may mắn nào đó; bạn hoàn toàn có thể bất chợt được xem một ban nhạc cổ của người Naxi với các nhạc công đều là những cụ ông râu tóc đã bạc phơ; sử dụng những dụng cụ âm nhạc cổ; chơi những điệu nhạc cổ...bạn không thể không có cảm giác như bánh xe thời gian đang quay ngược dòng về quá khứ. Không thể không tưởng như cả một thế giới xa, xa tự ngàn năm chợt sống lại giữa thành cổ Lệ Giang...Những khái niệm khoa học về không gian, thời gian tưởng như bất biến bỗng trở thành điều gì đó quá đỗi mong manh; nếu không nói là không còn tồn tại!!!...
Những phút giây sống cùng Lệ Giang cứ vậy; trôi đi trong ngọt ngào mê đắm; nhưng rồi cũng đến lúc chúng tôi phải rời Lệ Giang. Tạm biệt Lệ Giang, tạm biệt Vân Nam, không khỏi dậy lên một niềm lưu luyến; tự hỏi lòng… chẳng biết đến bao giờ mới có dịp trở lại với Lệ Giang; với Vân Nam ngọt ngào, đằm thắm.
Những đám mây trắng thì vẫn trùng điệp nhởn nhơ bay trên những đỉnh núi tuyết vĩnh củu Mê Ly, Ngọc Long...(và cả bao đỉnh núi khác mà chúng tôi chưa kịp biết tên); như đất trời ngàn năm vẫn vậy; lúc nào cũng vô tình (dù lòng người vương đầy hữu ý).
Nhưng cũng chính trong khoảnh khắc bồi hồi ấy; chợt hiểu tại sao mảnh đất này lại có tên gọi Vân Nam; giản đơn bởi nó là…  phía nam của những tầng mây… hôm nay và tự nghìn năm trước !!!....