Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

"THỂ NÀO EM CŨNG KHÓC"

Trương Thiếu Huyền
Thứ năm ngày 3 tháng 9 năm 2009 11:00 AM

(Nhân giỗ đầu Trần Hòa Bình 16-7 Kỷ Sửu
 
Nhiều người nhớ bài thơ Thêm một của Trần Hòa Bình. Nhưng cũng nhiều người đọc và viết chưa chuẩn một chữ trong bài thơ này. Đó là chữ thể, bị nhầm thành thế trong câu thơ: Nhưng thêm chút lầm lì/ Thể nào em cũng khóc.
Thơ và đời Trần Hòa Bình là thế, gần gũi bình dị mà rất tinh tế.
Tôi là học trò, là người em của Trần Hòa Bình. Bút danh tôi là do Trần Hòa Bình đặt vào một buổi chiều ở Xuân Hòa. Chiều buồn, thầy trò ngồi buồn, khi nói đến Tuấn Thừa Sắc (một bút danh khác của Nguyễn Tuân), thầy chiết tự tên Trường của trò thành Trương Thiếu Huyền.
Thầy trò thân nhau vì thơ, nhưng tôi lại học được nhiều ở Trần Hòa Bình về viết báo. Đầu những năm 80 đời sống khó khăn, nhuận bút báo tuy còm nhưng vẫn là nguồn vui của thầy trò tôi. Phải chăng đây cũng là cái duyên để sau khi dạy học được 3 năm tôi chuyển hẳn sang làm báo.
Sau một thời gian cùng nhau ở Xuân Hòa, thầy trò tôi lại cùng nhau ở Cầu Giấy, thầy làm thầy, trò làm trò của trường báo chí. Tình thầy trò -nghĩa anh em - thơ tri kỷ đã thắt chặt chúng tôi trong cuộc sống và công việc.
Thú vị nhất của thầy trò tôi là mùa thu chầm chậm ngược về Sơn Tây để ngắm cảnh sắc ngoại thành.
Trần Hòa Bình làm thơ, viết truyện, vẽ tranh, làm sách, viết báo... thật đa tài, nhưng có lần nói với tôi là từng muốn làm diễn viên điện ảnh và nếu cho làm lại thì sẽ chọn làm nhạc sĩ. Trần Hòa Bình mê quan họ, nhạc của Văn Cao, Phạm Duy và Trịnh Công Sơn. Lần đầu tiên tôi được biết nhạc phẩm Ngày xưa Hoàng Thị của Phạm Duy là được cùng nghe hát bên Trần Hòa Bình.
Tôi được nghe Trần Hòa Bình kể, khi Nguyễn Bính vào đận rong chơi đã từng lên Sơn Tây chơi với cụ thân sinh của anh và có viết tặng một bài thơ.
Trần Hòa Bình nhiều lần nhắc chuyện đã từng trúng tuyển phi công. Tôi khó hình dung ra điều này. Nhưng tôi tin sức khỏe của Trần Hòa Bình rất tốt. Mà sự thật từ năm 1983, khi mà tôi biết Trần Hòa Bình, thì chưa thấy anh ốm đau gì. Vậy mà...
Tôi biết Trần Hòa Bình có viết đầu sách, cuối sách cho tập thơ nào đó (do tác giả của tập thơ yêu cầu) nhưng anh nói với tôi rằng, nếu làm tập thơ riêng thì anh sẽ cho cháu Hà Trang, con gái duy nhất của anh...viết lời nói đầu!
Cho đến bây giờ, mặc dù đã có Tuyển tập Trần Hòa Bình nhân giỗ đầu, tôi vẫn thích có một tập thơ riêng của Trần Hòa Bình. Có lẽ những người yêu thơ Trần Hòa Bình đều thích điều này. Thơ tình của Trần Hòa Bình nếu tập hợp lại sẽ là kinh tình yêu của giới trẻ, nhất là sinh viên.