Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NỖI NIỀM TRƯỜNG TƯ

Thạch Thảo
Thứ sáu ngày 4 tháng 9 năm 2009 8:47 PM
Nghe đồn Khổng Tử là người đầu tiên mở  trường tư thục dạy học trò ra làm quan. Có lẽ thời đó, ngài vừa là hiệu trưởng, vừa là giáo viên đứng lớp kiêm thủ quỹ chăng? Không biết hơn hai ngàn năm trước, Khổng Tử có gặp khó khăn gì trong việc quản lí và duy trì loại hình trường lớp này không?
Nhưng đó là chuyện thời cổ tận bên xứ Tàu.
Còn ở nước Việt, Chu Văn An trước khi làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám cũng từng mở lớp “luyện thi” tại nhà, rất đông học sinh theo học, có cả học trò thuỷ thần, về sau nhiều trò vinh hiển như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát…Theo sử sách, việc dạy học của ngài ở quê nhà khá hanh thông,  tiếng thơm vọng đến triều đình. Đầu thế kỉ XX, ở Bắc Kì, có trường tư Đông Kinh Nghĩa Thục do Lương Văn Can thành lập. Từ một trường học, ĐKNT đã trở thành một phong trào yêu nước nổi tiếng. Và Bác Hồ trước khi ra đi tìm đường cứu nước, đã từng khai tâm cho nhiều học trò ở trường tư Dục Thanh, Phan Thiết.
Như vậy, loại hình trường tư thục không phải là phát minh của ai đó trong thời Đổi Mới. Tuy nhiên, số phận của phần lớn các trường tư thục ngày nay (xin chỉ bàn ở bậc THPT) bấp bênh hơn nhiều.
Vào đầu mùa tuyển sinh, với các “ông lớn” như Lương Thế Vinh, Marie Qurie, Nguyễn Siêu…(Hà Nội), Nguyễn Khuyến (Tp Hồ Chí Minh) và những trường danh tiếng tại các thành phố, học sinh chật vật lắm mới nộp được đơn vào học, thậm chí còn phải thi đầu vào thì tại các trường tư còn lại, đặc biệt là trường ở huyện lẻ lại phải khó khăn lắm mới chiêu mộ được học sinh.
Tại sao vậy?
Vì các trường đã có danh tiếng thường tập trung ở những khu vực tuyển sinh rộng, dân số đông, thu nhập cao. Bản thân các trường đã tạo được niềm tin cho phụ huynh, học sinh về chất lượng dạy học khiến họ không ngần ngại mở hầu bao, chỉ cần con mình đỗ đạt. Theo số liệu của Bộ GDĐT, năm học 2008-2009, Nguyễn Khuyến, Lương Thế Vinh nằm trong top các trường có học sinh đỗ đại học trên 27 điểm. Nhưng các trường tư như vậy chỉ đếm trên đầu ngón tay.
 Còn phần lớn các trường tư, đặc biệt là các trường ở huyện lẻ, tỉnh nghèo thì nhiều khi không tự định đoạt được số phận của mình.
Đại đa số trường tư đều tuyển sinh sau các trường công lập, “lọt sàng xuống nia”, nói thẳng ra là học sinh ở những trường này, đầu vào thấp, thậm chí là quá thấp. Với đầu vào như vậy, cố gắng lắm thì đầu ra mới đạt mức độ trung bình mà phụ huynh thì chỉ nhìn vào bảng thành tích % đỗ tốt nghiệp và đại học để gửi gắm con em năm sau.
Nhưng cái chính là mức học phí không cạnh tranh. Trong khi các trường công có lịch sử dạy học lâu năm, học phí chỉ bằng ¼, thậm chí là 1/10 so với các trường tư có thâm niên nhất cũng chỉ là 20 năm. Dù phần lớn các trường tư có cơ sở vật chất khang trang, có đội ngũ giáo viên trẻ, nhiệt tình, chuyên môn tốt thì cũng không thu hút được học sinh vì bố mẹ các em có mức thu nhập thấp không đủ chi phí cho con cái học tập. Đối với người nghèo, nếu con họ không may phải học trường tư thì đó là một tại hoạ. Họ chỉ còn biết than ngắn thở dài, mắng nhiếc các con kiểu như: Con người ta ăn cũng cơm như mày sao vào được trường công còn mày thì sao ngu vậy hả con? Thử hỏi, học sinh còn động lực nào mà phấn đấu nữa?
Có lẽ người vô tâm nhất cũng phải đau lòng khi nghe một vị phụ huynh là thương binh hỏi thế này: Bản thân tôi đã từng đổ máu ở chiến trường để bảo vệ Tổ quốc, rời quân ngũ, tôi về bán hàng, vẫn đóng thuế đều đặn cho nhà nước. Tại sao con tôi chỉ vì kém bạn nó nửa điểm, vào học dân lập lại không được hưởng một chút ngân sách nào do chính tiền của chúng tôi đóng thuế tạo nên? Đứng trước những câu hỏi như thế, trong các cuộc họp phụ huynh, không phải giáo viên nào cũng giải thích được thoã đáng.
Có một lần, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã làm các phụ huynh có con em học trường tư mừng hụt khi trả lời chất vấn tại Quốc hội đã nói đại ý: Học sinh vào trường nào thì ngân sách nhà nước theo các em vào trường ấy. Ông nói rất quả quyết, hùng hồn nhưng hai năm qua, chưa thấy thay đổi gì.
Với  học sinh đầu vào thấp, mức học phí và các khoản đóng góp khác cao, dần dần phần lớn các trường tư mất điểm trong cuộc cạnh tranh với trường công về tuyển sinh. Còn giáo viên thì sao?
Giáo viên được BGH và HĐQT chọn theo nhiều hình thức: xem hồ sơ, thi tuyển, thỉnh giảng. Nếu đạt, sẽ được kí hợp đồng, được trả lương theo các hình thức: trả theo tiết dạy, theo bậc lương của nhà nước…Giáo viên các trường tư có nơi cũng được đóng bảo hiểm theo thoã thuận, được tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn của sở nhưng trường tự cấp kinh phí ăn ở, đi lại, được tặng thưởng các danh hiệu thi đua…Tuy vậy, nhìn chung vẫn còn sự phân biệt công, tư.
Nhà văn Uông Triều (tên khai sinh Nguyễn Xuân Ban) là người đã hơn một lần nếm mùi sự phân biệt đối xử đó. Uông Triều là một trong những cây bút trẻ của tỉnh Quảng Ninh, ngoài công việc viết văn, viết báo, dịch thuật, anh còn là giáo viên tiếng Anh ở một trường tư thục. Anh đã đạt giải nhì (không có giải nhất) trong cuộc thi sáng tác văn học trẻ của Báo Hạ Long năm 2007, được nhận bằng khen của UBND tỉnh Quảng Ninh về thành tích báo chí năm 2006. Gần đây, anh được chú ý bởi các truyện ngắn Đôi mắt Đông Hoàng, Nước mắt sông Cầm trong cuộc thi truyện ngắn trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Năm 2007, anh vinh dự được là một trong 28 thành viên đoàn Việt Nam tham gia chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á (SSEAYP) do chính phủ Nhật Bản tổ chức. Trong khi các thành viên khác được làm hộ chiếu công vụ thì anh phải tự làm hộ chiếu phổ thông chỉ vì anh là viên chức trường tư mặc dù đã có giấy giới thiệu của TW đoàn và Tỉnh đoàn Quảng Ninh. Mà quy định của nhà nước thì “Hộ chiếu công vụ được cấp cho những trường hợp ra nước ngoài thực hiện nhiệm vụ của cơ quan nhà nước, Đảng hay tổ chức chính trị - xã hội cấp trung ương”. Là đại diện ưu tú cho thanh niên tỉnh nhà đi giao lưu với bạn bè quốc tế mà anh không nhận được sự hỗ trợ nào về phía tổ chức đoàn thanh niên, cơ quan để may quần áo đồng phục, mua quà tặng bạn bè, gia đình các nước (theo chương trình Home-stay) và sinh hoạt trong thời gian tập huấn ở Hà Nội như yêu cầu của công văn TW đoàn gửi xuống. Dù vậy, chuyến đi ấy đã cho anh nhiều vốn sống để sau đó Uông Triều viết được truyện ngắn hay Đôi mắt Đông Hoàng. Truyện được đánh giá cao và đã phát trên VOV.News (Xin nghe 
http://vovnews.vn/Home/Doi-mat-Dong-Hoang/20091/103659.vov)
Lẽ ra tháng 9 này, Uông Triều được chọn đi học ở Singapore 4 tháng theo chương trình đào tạo của Hội đồng Anh (British Council). Chuyên viên bộ môn tiếng Anh của Sở GD-ĐT đã gọi điện trao đổi nhưng cuối cùng anh lại không được đi vì quan điểm của lãnh đạo sở là ưu tiên cho giáo viên cốt cán trường công. Chẳng lẽ Uông Triều không phải là giáo viên cốt cán? Anh là tổ trưởng bộ môn tiếng Anh, là học viên xuất sắc trong các đợt tập huấn của British Council, đã xuất bản sách Chuyên đề bài tập dạng đúng tiếng Anh (năm 2004), đã có kinh nghiệm giao lưu quốc tế với gần 10 quốc gia tại SSEAYP 2007, là dịch giả các truyện ngắn nổi tiếng: Con búp bê (kì diệu), Phép lạ trong cây sáo, Kịch bản hoàn hảo, Người đàn ông có tài xoay ngược thời gian…(đăng trên báo Hạ Long, GDTD, Người đại biểu nhân dân, Tạp chí VNQĐ và in trong các tuyển tập). Với khả năng như thế, anh xứng đáng được chọn theo tiêu chuẩn của British Council.
Tuy vậy, trường hợp Uông Triều chỉ là phần nổi của tảng băng!
Chủ trương xã hội hoá giáo dục của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng một xã hội học tập là hoàn toàn đúng đắn nhưng trong quá trình triển khai, cần có sự hoạch định cụ thể hơn không nên để các trường tư tự xoay xở theo kiểu “tự sinh tự dưỡng”. Việc mở trường tư phải tuỳ thuộc vào nhu cầu học tập ở từng địa phương, không nên có quá nhiều trường trên một địa bàn hẹp, dân cư không đông, không có tiền đồ phát triển. Năm học này, chúng ta chứng kiến hàng loạt trường bán công ở các tỉnh phía nam ào ạt chuyển đổi sang loại hình công lập mà chả thấy tỉnh nào chuyển được trường bán công sang tư thục cả.
Tình hình đó, khiến các trường tư kém cạnh tranh phải giật mình tự hỏi: Tương lai nào dành cho mô hình trường tư? Còn giáo viên thì thon thót: Số phận nào dành cho mình?
  Hà Nội, mùa tựu trường 2009

Ảnh: Nhà giáo, nhà văn Uông Triều