Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MÙA VU LAN NHỚ MẸ

Dương Đức Quảng
Thứ năm ngày 3 tháng 9 năm 2009 2:22 PM

Hôm nay, Rằm Tháng Bảy âm lịch, ngày Lễ Vu Lan, ngày báo hiếu cha mẹ. Không chỉ trong ngày Rằm này ta mới dành để báo hiếu cha mẹ, bởi vì làm sao có thể kể hết được Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa  mẹ như nước trong nguồn chảy ra; có dành cả cuộc đời để báo hiếu bậc sinh thành ra ta thì vẫn là chưa đủ. Nhưng ngày Rằm Tháng Bảy mang một ý nghĩa đặc biệt, đó là  Ngày Lễ và không chỉ là một Ngày lễ mà là cả một Mùa Lễ , Mùa Lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ.
Mỗi lần nghe bài hát Mừng tuổi Mẹ của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, tôi lại bùi ngùi nhớ Mẹ và tủi thân cho mình vì đã hơn 60 năm nay tôi mồ côi Mẹ, mỗi Mùa Lễ Vu Lan hàng năm tôi không có được niềm vui Mừng tuổi Mẹ. Giá mà tôi còn Mẹ để dù Mỗi mùa xuân sang Mẹ tôi già thêm một tuổi/Mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa Mẹ càng gần, thì tôi vẫn có được niềm vui là còn Mẹ, còn được báo hiếu Mẹ khi Mẹ còn sống.
Mẹ tôi mất khi tôi chưa đầy 5 tháng tuổi . Năm ấy Mẹ tôi mới 32 tuổi, tuy đã có 7 con nhưng vẫn đang còn trong tuổi xuân của đời một người phụ nữ. Mặc dù tôi lớn lên trong sự thương yêu, đùm bọc và dạy dỗ của bác gái, chị ruột của cha tôi - ở vậy không lấy chồng để nuôi 7 người con của em trai, cho em trai đi kháng chiến chống Pháp, nhưng tôi vẫn luôn có mặc cảm của một đứa trẻ mồ côi, luôn tủi thân vì không còn Mẹ. Năm 7-8 tuổi nghe bác tôi, các chị tôi kể chuyện cổ tích, tôi cứ ước ao Mẹ tôi giống như những cô tiên trên trời, không bao giờ chết, đến một ngày nào đó Mẹ tôi sẽ về hạ giới, về với tôi. Lớn thêm chút nữa, đọc truyện Tìm Mẹ của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, tôi lại ước ao giống như cậu bé trong chuyện cứ đi tìm Mẹ mãi thì nhất định có ngày gặp được Mẹ, được Mẹ ôm vào lòng, bõ cho bao tháng ngày tủi hờn xa Mẹ. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn chưa phải mồ côi Mẹ, nhưng đã nghĩ đến ngày Mẹ già như chuối chín cây/Gió lay Mẹ rụng, con phải mồ côi. Ở vào tuổi xấp xỉ tuổi tôi, có Mẹ bên mình từ trẻ đến khi đã về già, nghĩa là chưa phải là người mồ côi Mẹ như tôi mà ông nhạc sĩ này đã viết ra những dòng nhạc và lời ca cứ như khứa vào nỗi đau của đứa con mồ côi Mẹ, làm thổn thức lòng người: Mồ côi tội lắm ai ơi/ Đói cơm, khát nước biết người nào lo.... Mỗi lần nghe bài hát này tôi lại nhớ tới Mẹ mình, lại thổn thức với lòng mình, lại cảm ơn người nhạc sĩ tài hoa đã cất lên lời ca hộ mình để Mừng tuổi Mẹ, người Mẹ suốt đời 32 tuổi của tôi.
Hôm nay, đúng ngày Lễ Vu Lan vợ chồng tôi và các cháu lại về Xã Phù Đồng, Gia Lâm, Hà Nội, quê của anh bạn học cùng cấp 2 với tôi cách đây trên 50 năm, để giỗ mẹ  anh. Anh bạn tôi mồ côi cha, nhận cha tôi là cha nuôi, còn tôi, tôi coi Mẹ anh như Mẹ của mình.
Thắp hương trên bàn thờ Cụ, tôi càng nhớ tới Mẹ tôi, nhớ đến bài thơ tôi làm trong ngày giỗ Mẹ lần thứ 60:
Sao Mẹ mãi không về
Mẹ ra đi chỉ để lại một tấm ảnh mờ
Ngày ấy con chưa đầy 5 tháng tuổi
Biết bao lần con buồn tủi
Nhìn Mẹ bạn nựng con, con lại mủi lòng.
 
Con cứ ước ao như trong truyện thần tiên
Có một ngày Mẹ trở về với con bé bỏng
Nức nở oà vui sà vào lòng Mẹ
Mẹ lại ôm con  khi con khóc chào đời.
 
Tuổi con bây giờ gấp đôi tuổi Mẹ khi Mẹ mất Mẹ ơi
Con vẫn thấy mình còn thơ dại
Nén hương thắp trên bàn thờ sắp lụi
Mẹ của con, sao Mẹ mãi không về?
 
 Viết đến đây, tôi mở đĩa CD nghe lại bài hát Bông hồng cài áo của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, ước ao được như mọi người có Một bông hồng cho những ai còn Mẹ, được hát lên tự đáy lòng mình lời biết ơn Mẹ: Mẹ, Mẹ là lọn mía ngọt ngào/Mẹ, Mẹ là nải chuối buồng cau/Là tiếng dế đêm thâu/Là nắng ấm nương dâu/Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời...
Phương Mai, đêm Rằm Tháng Bảy.
Nguồn Blog Đầu Gối