Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÓ BẢO HIỂM NÀO CHO NHÀ VĂN ?

Nguyễn Trọng Tạo
Thứ năm ngày 3 tháng 9 năm 2009 10:22 PM
 
Có rất nhiều công ty bảo hiểm với hàng nghìn danh mục được bảo hiểm. Có những cuốn sách hay và những cuốn sách dở chất chồng lên nhau mà đôi khi, những cuốn sách dở lại được quảng cáo rầm rộ, những cuốn sách hay lại bị "đình chỉ", "thu hồi". Có những Nhà Văn “phất” lên nhờ viết báo thuê, lại có Nhà Văn "sống mòn" vì tận mình cho văn học... Vậy thì Nhà Văn đích thực có được bảo hiểm hay không, và phải bảo hiểm như thế nào? 

1.  Sau khi luật Quyền tác giả (trong bộ Luật Dân sự) được nhà nước ta công bố ngày 9/11/1995 và có hiệu lực từ ngày 1/7/1996, giới văn nghệ sĩ nói chung và giới nhà văn nói riêng hết sức phấn khởi trước sự bảo hộ của Nhà nước đối với quyền lợi sáng tạo của mình trên những tác phẩm cống hiến cho nhân dân, đất nước. Nhưng nhiều năm đã trôi qua mà chế độ thù lao, nhuận bút vẫn chưa đưa ra được những chuẩn mực thoả đáng. Hiện nay chúng ta vẫn áp dụng khung nhuận bút ban hành từ năm 1991, nghĩa là một tác phẩm văn học 100 trang, in 1000 bản chỉ được hưởng nhuận bút 700 - 900 ngàn đồng (cách tính nhuận bút khi tôi viết bài này, năm 2000). Sự xâm hại đến quyền tác giả vẫn diễn ra hàng ngày mà chưa có biện pháp hữu hiệu. Có một sự thật mà ai cũng thấy là nhà văn hiện nay không sống nổi bằng nhuận bút. Nhà văn ta hiện nay, người ăn lương nghề khác, hoặc buôn bán kinh doanh, chạy quảng cáo để nuôi văn, người thì viết báo để nuôi văn, "lấy ngoài nuôi trong, lấy nhi đồng nuôi người lớn". Chính vì vậy nhiều nhà văn đã trở thành nhà báo, thậm chí có người trở thành nhà báo vĩnh viễn. Còn văn học của ta ngày càng có nguy cơ bị báo chí xâm thực, văn học bị biến dạng thành văn học tân văn - văn học báo chí. Đấy không phải là một thành tích, mà là một sự trừng phạt nặng nề đối với văn chương. Đảng và Nhà nước có cấp một ít tiền đầu tư cho nhà văn sáng tác. Nhà văn Minh Hiệu trước khi mất, di chúc cho con trả lại một triệu đồng đầu tư cho Hội Nhà Văn, vì ông chưa viết được tác phẩm để thanh lý hợp đồng. Nhưng cũng có nhà văn trót nhận tiền, đã viết vội vàng ra tác phẩm trả nợ. Sự có vay có trả này cũng sinh ra nhiều tác phẩm dối trá, cơ hội và xu phụ. Đấy là sự "uốn cong ngòi bút", từ chối phẩm chất cao quí của nhà văn. Có một bảo hiểm nào để nhà văn giữ được phẩm chất của mình? Tôi nghĩ đã đến lúc, các nhà văn phải lập ra những hiệp hội bảo vệ quyền tác giả, dưới sự bảo trợ của Nhà nước mặc dù đấy là một tổ chức phi chính phủ. Hiệp hội này sẽ đứng ra bảo vệ quyền lợi cho hội viên của mình. Ví dụ như hiệp hội bảo hộ quyền tác giả của Nhật Bản JASRAC năm 1995 đã thu được 897 triệu USD cho hội viên của hội, tương đương với 12.000 tỷ đồng Việt Nam.

2.  Bản chất của nhà văn là hướng tới Chân-Thiện-Mỹ. Chính vì thế mà được toàn xã hội tôn vinh nhà văn bằng rất nhiều những mỹ từ cao đẹp như "thư ký thời đại", "kỹ sư tâm hồn", "nhà tiên tri", thậm chí cao hứng còn được gọi là "thiên sứ", nghĩa là sứ giả của Thượng đế. Dưới chế độ của chúng ta, nhà văn còn được mệnh danh là Nhà văn-Chiến sĩ, và thực tế họ đều là những người lính trong mấy cuộc chiến tranh vệ quốc vừa qua. Theo sự thống kê của chi hội Nhà văn Quân đội thì Hội Nhà Văn ta có khoảng 300 nhà văn hội viên đã hoặc đang mặc áo lính. Nếu kể thêm các nhà văn công an, nhà văn dân quân, nhà văn tự vệ, thì chúng ta có tới 100% là nhà-văn-chiến-sĩ. Những nhà văn chiến sĩ chúng ta không chỉ mang vác sứ mệnh văn chương, mà còn mang vác cả sứ mệnh dân tộc. Văn chương của chúng ta cùng với dân tộc hướng tới Chân-Thiện-Mỹ. Nghĩa là nhà văn phải tôn trọng sự thật, giàu tính nhân văn, và phải đẹp. Đảng cũng khích lệ nhà văn sáng tạo ra những tác phẩm lớn, ngang tầm thời đại. Nhưng thế nào là tác phẩm lớn thì chỉ có nhà văn mới làm ra được. Một thời đại có nhiều thắng lợi chưa từng thấy, nhưng đồng thời cũng có những sai lầm và thất bại. Đó là sự thật lớn. Viết về sự thật lớn đòi hỏi tài năng, tâm huyết với dân tộc-thời đại, và lòng can đảm. Bây giờ chúng ta không thể viết như Chiến tranh và Hoà bình đồ sộ của Lep Tonstoi, nhưng chúng ta, mỗi người hướng tới một mảng sự thật để khái quát thời đại của mình. Điều đó không phải là nhỏ. Và sự chấp nhận nó như thế nào để công nhận là "tác phẩm lớn" là vô cùng phức tạp, phải thận trọng khi phẩm bình, thẩm định tác phẩm. Tình hình phê bình của ta hiện nay hết sức lúng túng. Khen thì gọi là "bốc thơm", chê thì gọi là "roi ngựa". Người sáng tác hiện nay rất ái ngại các nhà phê bình, vì câu thành ngữ xưa "cả vú lấp miệng em" ngày nay đã được dán lên trán của nhiều nhà phê bình văn học.

Tôi thấy sự đối xử với nhà văn trong phê bình hiện nay là thiếu công bằng. Cuốn sách "Một hiện tượng phê bình", của mấy chục tác giả nói lại với một cuốn sách của một tác giả khác, đã bị đình chỉ. Chỉ "nói lại" thôi mà cũng bị đình chỉ, thì hóa ra văn học ta chỉ có "nói đi" mà không được phép "nói lại" sao?! Tôi cho đây là những hành xử bất ổn. Lại có những nhà văn phải trả giá bằng cả sự đầy ải mới viết ra được tác phẩm tâm huyết, tác phẩm vừa được in ra đã bị "đình chỉ, thu hồi, và tiêu huỷ" mà không được luận bàn như trường hợp tiểu thuyết hai tập "Chuyện kể năm 200" của nhà văn Bùi Ngọc Tấn là một bài học nhỡn tiền. Vậy liệu nhà văn chúng ta khi viết những tác phẩm tâm huyết với nhân dân, dân tộc của mình, muốn nói lên sự thật quá khứ hay sự thật hiện tại để làm tấm gương cho thời đại soi lại mình, soi lại dân tộc mình thì có phải đi tìm kiếm trước một công ty bảo hiểm cho chính bản thân mình hay không? Và công ty bảo hiểm ấy ở đâu?

Tôi nghĩ là có: 23 thế kỷ trước, Tần Thủy Hoàng lệnh đốt sách Kinh Thi và Kinh Thư, nhưng Kinh Thi và Kinh Thư vẫn còn lại đến ngày nay, lệnh chôn nho, 460 nho sĩ bị chôn sống, nhưng trí thức Trung Quốc vẫn sinh sôi nảy nở. Nhà văn Ba Kim (nguyên là chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc) có một câu nói thật chí lý: "Khổng Minh mắng mà Vương Lãng chết. Nhưng từ cổ chí kim, từ đông sang tây, chưa từng thấy quyển sách nào bị mắng mà chết cả". Tất nhiên, đấy là đối với những tác phẩm thuộc về sự thật, thuộc về nhân dân, thuộc về nhân loại.

Chế độ ta luôn lớn tiếng khuyến khích tự do sáng tác của văn nghệ sĩ. Nếu làm đúng được như thế là ưu việt. Nhà văn ta đồng hành với nhân dân và chế độ đúng nghĩa là tốt đẹp thì cũng là nhà văn ưu việt. Chính chúng tôi cũng là những người lính bảo vệ chế độ, trung thành với dân. Nhưng nhà văn cũng là một con người, có sai và có đúng. Trong thực tế lịch sử, thì sự bảo hiểm đối với các quan điểm chính thống đều xuất phát từ Nhà nước. "Nhà nước có thể áp đặt một thị kiến với thế giới, rồi ngăn cản những thị kiến khác trỗi dậy, và tiêu diệt những thứ nào che khuất thị kiến của mình" - Nhà văn Octavio Paz đã từng chỉ ra: "Nhà nước có thể khuyến khích nghệ thuật mà không làm đồi truỵ nó, nhưng ngay khi Nhà nước tìm cách lợi dụng nó, thì chính Nhà nước làm nó biến dạng, ngợp thở, hoặc cải hóa nó thành một mặt nạ". Từ những bài học của lịch sử, tôi cho rằng Nhà nước của chúng ta, nếu thực sự là một nhà nước ưu việt thì sẽ phải có sự ứng xử công minh đối với các giá trị văn học, các quan điểm khác nhau tạo nên tư tưởng lớn trong nền văn học mới của xã hội ta.
Trong những biến thiên nảy lửa để xây đắp một xã hội mới, việc tiếp nhận các giá trị văn học mới là vô cùng phức tạp và thú vị. Nhà văn cũng có thể ra toà như những công dân khác. Nhưng tôi tin vào những nhà-văn-chiến-sĩ của chúng ta, như Đảng và nhân dân đã từng tin vào họ. Và tôi tin các nhà văn vì dân vì nước nếu có tác phẩm phải ra toà thì họ cũng sẽ trắng án. Bởi chính tác phẩm là sự bảo hiểm cuối cùng cho nhà văn. Xin cám ơn những nhà văn như thế./.

Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VI, 4/2000
Blog Nguyễn Trọng Tạo