Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MỐI LIÊN HỆ BIỆN CHỨNG GIỮA VĂN HÓA VÀ LỊCH SỬ

Nguyễn Trần Bạt
Thứ tư ngày 2 tháng 9 năm 2009 11:35 AM
                      

Văn hoá và quá khứ
 
Theo định nghĩa của chúng ta, văn hoá là những gì còn lại sau những chu trình của lịch sử. Như thế, văn hoá là sản phẩm của quá khứ. Nhưng không phải bất cứ điều gì xảy ra trong quá khứ, bất cứ cái gì từng xuất hiện trong quá khứ đều thuộc về văn hoá, mà chỉ có những gì mang tính kế thừa một cách có hệ thống mới trở thành văn hoá. Quá khứ càng dài, càng phong phú thì vốn văn hoá càng lớn, càng đa dạng. Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều khi người ta nhầm lẫn nền văn hoá của một dân tộc với lịch sử của dân tộc ấy. Cũng không phải ngẫu nhiên mà người ta thường nhầm lẫn văn hoá với văn minh, cái mà theo chúng tôi, là một trình độ phát triển nhất định của văn hoá. Thực ra văn hoá với lịch sử, hoặc văn hoá với quá khứ là những phạm trù khác nhau. Chúng chỉ có những mối liên hệ, cho dù rất mật thiết, mà thôi.
Lịch sử là toàn bộ những sự kiện liên tiếp diễn ra trong toàn bộ thời gian tồn tại của một cộng đồng người. Những sự kiện ấy có thể mâu thuẫn nhau, có thể tuân theo những qui luật nhất định đã biết hoặc chưa biết, cũng có thể hoàn toàn ngẫu nhiên. Chúng có thể có những tác động vào xã hội theo những hướng khác nhau, và cũng có thể được đánh giá theo những quan điểm khác nhau.
Văn hoá không phải là những sự kiện, cũng không phải là toàn bộ những sự kiện. Văn hoá nói cho cùng là những xu hướng, những đặc điểm, những tính chất được hình thành một cách tự nhiên như những giá trị tinh thần của chung xã hội, mặc dù nó luôn luôn được mang tải thông qua những phương tiện vật chất. Văn hoá do những hạt phù sa của quá khứ tạo ra. Chúng lệ thuộc vào quá khứ. Tất cả mọi thành tố của văn hoá, cũng tức là mọi khía cạnh của cuộc sống nhân loại, mọi trạng thái hiện đại của nó, đều lệ thuộc vào quá khứ.
Cuộc sống là một chuỗi liên tục, ngày hôm nay phụ thuộc vào ngày hôm qua - đó là một chân lý.
Việc hình thành lối sống, chẳng hạn, chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi truyền thống văn hóa và ngược lại lối sống của con người, của cá nhân cũng như cộng đồng, góp phần tạo thành truyền thống và di sản văn hoá. Trong thời điểm của những thay đổi chưa từng có trên thế giới hiện nay, có những lực lượng, những cá nhân có quyền lực nào đó tỏ ra không tin thế hệ trẻ. Họ lo lắng cho tương lai của thế hệ trẻ.
Nhưng đó là sự lo lắng dựa vào tiêu chuẩn của quá khứ mà họ vẫn còn xem là chân lý. Ở nước nào mà người già không tin vào người trẻ, cha không tin vào con thì đất nước ấy không có tương lai. Riêng tôi, tôi luôn tin vào thế hệ trẻ và tôi tin rằng có rất nhiều người đồng ý với tôi. Lý do thật là đơn giản: cuộc sống của chúng ta sẽ hoàn toàn vô nghĩa, nếu ngày mai không đẹp hơn hôm nay? Nếu tương lai của con cháu chúng ta không đẹp hơn hiện tại của chúng ta? Nếu những người kế nghiệp của chúng ta không thông thái hơn chúng ta?
Mỗi một thế hệ cần phải phấn đấu để cho thế hệ sau mình trở nên vĩ đại hơn mình- Đấy là dạo đức quan trọng nhất của đời sống con người.
 
Văn hoá và hiện tại
 
Toàn bộ đời sống tinh thần của chúng ta hiện nay là gì, nếu không phải là sản phẩm của văn hoá?
Chúng ta đang sống với chính những thước đo hình thành trong quá khứ. Những thước đo thể hiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, từ thẩm mỹ đến pháp luật, từ phong tục đến lối sống, từ đạo đức đến nghệ thuật...Văn hoá chính là phương tiện, là môi trường và cũng là cách thức để quá khứ tác động đến hôm nay. Tuy nhiên, quá khứ không phải bao giờ cũng tốt lành. Trước sự phát triển như vũ bão của thế giới gần đây, một số học giả bi quan cho rằng con người cũng chẳng sung sướng hơn mấy, rằng ngày nay, thời gian mà chúng ta có thể chủ động tham gia vào cuộc sống giảm đi nhanh chóng. Họ đi đến kết luận rằng chúng ta đang sống theo những giá trị mà quá khứ quy định, tức là sống theo định kiến, trong khi cuộc sống đã thay đổi về cơ bản. Tôi cho rằng tương lai của cuộc sống được quyết định bởi trí tưởng tượng của con người, còn quá khứ là gông xiềng đối với bất kỳ ai. Để thoát ra khỏi sự trói buộc đó, tôi nghĩ rằng con người phải nhận thức được những tiêu chuẩn chất lượng, hay đòi hỏi tự nhiên, của cuộc sống hiện tại. Con người phải tập thói quen tìm hạnh phúc trong mỗi hoàn cảnh và nhịp điệu của cuộc sống hiện tại. Không có niềm vui lâu dài. Không có buổi dạ hội nào kẻo dài suốt cuộc đời. Nếu có một ai đó chỉ mơ tưởng đến cảm giác vui vẻ hạnh phúc, bay nhảy thì đó là một người phi thực tế, hay thậm chí là một người ngu ngốc. Cuộc sống con người buổi gồm các pha khác nhau, các trạng thái khác nhau.
Người Trung Hoa là điển hình cho một loại người quá mơ tưởng và sùng bái quá khứ. Cho đến nay ở Trung Quốc người ta vẫn xem thời đại Nghiêu, Thuấn là thời đại hoàng kim của đời sống tinh thần. Không Tử giỏi mấy đi nữa, phân tích mãi đi nữa, cuối cùng vẫn quay về giá trị của Nghiêu, Thuấn. Những người truy tìm hạnh phúc của mình trong quá khứ để khai thác kinh nghiệm quá khứ và để tìm những thông điệp hay những cái có lý của cuộc sống là những người không có trí tưởng tượng.
Con người phải tập làm quen với cuộc sống hiện đại, không còn lối thoát nào khác. Đừng hy vọng có một giải pháp trung dung nào cho đời sống của con người nếu không tìm ra được bí quyết để sống với hiện tại. Con người có tầm nhìn phải tưởng tượng ra, phải truy tìm những yếu tố tương lai của cuộc sống để không bị động với cuộc sống. Con người tiên tiến chính là người tìm ra chất lượng của tương lai đểilàm quen với nó từ trong hiện tại.
Mà hiện tại của chúng ta thì thật nhiều biến động. Nó liên quan đến những thay đổi căn bản trong thế kỷ XX. Ngày nay, quá trình lưu chuyển hàng hoá và thông tin trở nên sôi động trên toàn thế giới, nhất là khi thông tin đã trở thành tầng điện ly thứ hai của quả địa cầu, thì cộng đồng cần phải được mở rộng hơn nữa. Tầng ozon bị chọc thủng đã buộc nhân loại nhận thức ra rằng mình không thể sống tách rời nhau được. Khi con người nhận thấy trữ lượng của mọi nguồn tài nguyên đều hữu hạn thì cuộc sống cũng có thể hữu hạn, cuộc sống hữu hạn thì con người phải biết rằng nếu chúng ta tiêu dùng nhiều trong thế hệ này thì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của thế hệ sau. Con người ngày càng nhận ra sự xuất hiện của nhiều vấn đề mang tính toàn cầu cho nên cộng đồng bây giờ trở thành cộng đồng toàn cầu Hiện tại của chúng ta là một thứ hiện tại toàn cầu.
Ngay cả khái niệm văn hoá cũng được hiểu ngày một rộng hơn và cũng sâu sắc hơn, vai trò của nó cũng ngày càng được đề cao, nhưng đặc tính của văn hoá thì không thay đổi. Và thật ra thì sự mở rộng khái niệm như thế cũng chỉ là những thay đổi do nhận thức chứ không phải là thay đổi của bản thân văn hoá. Văn hoá có tính bền vững của nó. Tính bền vững tương đối của văn hoá được quy định trước hết bởi chính bản chất của văn hoá. Chính nhờ tính bền vững tương đối ấy mà văn hoá có thể được truyền lại, có thể được tiếp nhận.
 
Văn hoá và tương lai
 
Báo chí khắp thế giới gần đây nói rất nhiều về thế kỷ XXI như là thế kỷ của văn hoá. Những quan điểm như vậy là không thật đúng. Con người, trên đường đi tìm kiếm chân lý, bỗng nhiên phát hiện ra những khía cạnh khác nhau của sự vật và tuyệt đối hoá nó. Đó thường là khuyết điểm của tính không chuyên nghiệp về mặt tư tưởng. Tôi cho rằng tương lai không phải là của văn hoá, tương lai là của con người với tư cách là một thực thể văn hoá. Trình độ nhận thức của con người đã đạt đến mức con người nhận thấy văn hoá trở thành quan trọng. Đấy chỉ là một trạng thái nhận thức mới của con người về các thành tố tham gia vào quá trình cấu tạo ra cuộc sống của mình.
Nói văn hoá là quyền lực hay tương lai của chúng ta đều không đúng. Văn hoá có tính bền vững của nó. Chúng ta vừa mới bàn về điều này. Văn hoá luôn luôn tồn tại trong đời sống của con người, luôn luôn chiếm giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của con người, bởi vì nó chính là con người. Văn hoá là yếu tố để thể hiện một cách đầy đủ nhất, một cách trọn vẹn nhất, một cách tổng hợp nhất các giá trị con người.
Hệ giá trị là những cấu trúc phổ biến, những cấu trúc không có quốc tịch mặc dù bao giờ cũng có bản sắc riêng của nói đối với từng cộng đồng khác nhau. Chúng ta nghiên cứu cấu trúc của văn hoá là nghiên cứu cái phổ quát, còn văn hoá của ai thì không được quy định bằng hệ giá trị. Trước đây, khi trí tuệ con người còn thấp, chúng ta phấn đấu vì một hệ lý tưởng nào đó được chỉ ra bởi một hệ tư tưởng. Nhưng cuộc sống diễn biến nhanh hơn nhiều so với những gì con người dự kiến. Con người phấn đấu không phải chỉ vì tương lai mà cần phải và cần có quyền sống, quyền hạnh phúc ngay trong hiện tại.
Thực ra, cần phải nói rằng không thể có thứ hạnh phúc tương lai. Hạnh phúc tương lai là thứ hạnh phúc tưởng tượng, còn hạnh phúc có thật là hạnh phúc diễn ra ngày hôm nay. Hệ giá trị là những tiêu chuẩn để cho con người tìm kiếm hạnh phúc đích thực của nó chứ không phải hạnh phúc trong trí tưởng tượng, hay trong sự tiên lượng về hạnh phúc.
Hệ giá trị là một biểu hiện rất thực tế của văn hoá. Nó dễ bị, hay được, xoá bỏ để thay đổi tạo ra sự phát triển. Đó vừa là phương tiện để con người tự đo mình và vừa có giá trị như một công cụ để có thể đối thoại. Hệ giá trị có thể coi như ngôn ngữ chung để con người chung sống, để con người đi tìm kiếm sự dung hoà, sự cân bằng, sự hoà bình. Hệ giá trị ấy mang tính phổ biến và độc lập tương đối với các giá trị kinh tế.
Đời sống càng ngày càng mở rộng do các khả năng giao lưu. Các quốc gia đang phát triển mới chỉ đặt ra nhiệm vụ hội nhập về kinh tế, nhưng thực ra vấn đề quan trọng hơn cần đặt ra là phải tạo cho con người có năng lực hội nhập về mọi mặt của đời sống. Hội nhập là yêu cầu của đời sống.
Tiêu chuẩn cá nhân, tiêu chuẩn cộng đồng đều có tính độc lập tương đối. Sẽ hoàn toàn sai lầm nếu đòi hỏi phải có các tiêu chuẩn hoàn toàn độc lập cộng đồng hoặc là cộng đồng độc lập tuyệt đối với các cộng đồng khác. Tất cả những điều này đều liên quan đến văn hoá.
Nhân loại đang phát triển theo xu hướng hội nhập, từ xưa đến nay chứ không phải chỉ từ cuối thế kỷ 20. Hội nhập là yêu cầu tất yếu của sự phát triển. Và hội nhập trước hết là hội nhập về văn hoá.
Nhưng các cộng đồng đi vào tương lai bằng cách nào? Và ảnh hưởng của văn hoá đến nhận thức của con người, đến việc hình thành công nghệ tìm kiếm tương lai của mỗi một dân tộc, thể hiện như thế nào?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta lại buộc phải trả lời một câu hỏi khác: Tương lai là gì? Tương lai là cuộc sống ngày mai, chất lượng tương lai thì khác nhau nhưng khái niệm tương lai là giống nhau. Nếu người ta tự sát thì không có ngày mai, nếu người ta hạn chế trí tuệ thì chất lượng của ngày mai sẽ kém đi. Vậy làm thế nào để con người học tập được kinh nghiệm của những dân tộc, của những cộng đồng tiên tiến để đi tới một tương lai tốt đẹp hơn, cao sang hơn? Đấy chính là cái mà tất cả mọi nhà giáo dục, nhà chính trị đều mong muốn.
Đế có kiến thức thì người ta vừa lệ thuộc vào ngày mai vừa phụ thuộc vào quá khứ. Nếu không có ngày hôm qua thì không có kinh nghiệm để có ngày mai, chính vì thế các nhà chính trị thường cường điệu bản sắc dân tộc. Nó chính là chìa khoá để có những kinh nghiệm ban đầu cho hành trình từ hôm nay đi đến ngày mai. Thế nhưng, nếu chúng ta lệ thuộc quá nhiều vào sự lạc hậu và các yếu tố lạc hậu của kinh nghiệm thì chúng ta sẽ đến ngày mai chậm hơn. Lý do thật đơn giản: chúng ta sẽ không thể tự do học hỏi những cách thức tiên tiến cần thiết cho sự phát triển. Từ xưa đến nay, các dân tộc lạc hậu thường là các dân tộc cát cứ. Nước Mỹ hùng vĩ như thế, phát triển như thế, nhưng vẫn còn hai trào lưu đấu tranh gay gắt với nhau: trào lưu biệt lập chân chính cho rằng cần phải đóng cửa lại, rằng nước Mỹ cần giải quyết các vấn đề của mình, và trào lưu thứ hai cho rằng nước Mỹ phải mở rộng ảnh hưởng của mình ra toàn thế giới, lấy sức sống của thế giới làm chính sức sống phát triển của mình.
Theo tôi, chúng ta phải thu lượm, hay nói một cách thô kệch hơn, phải nhặt nhạnh tất cả các kinh nghiệm mà chúng ta có thể nhặt nhạnh được trong cuộc sống để tạo ra nhận thức, tạo ra công nghệ tương lai của mình.
 
Nguồn: Lethieunhon.com