Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGÔ QUÂN MIỆN ĐẤT NÚI - LÀNG VĂN

Vân Long
Thứ ba ngày 1 tháng 9 năm 2009 7:31 PM
TNc: Nhân kỷ niệm một năm ngày mất nhà thơ Ngô Quân Miện (tháng 8/2008 – tháng 8/ 2009), nguyên thư ký tòa soạn, tổng biên tập Báo Độc Lập, chúng tôi giới thiệu bài viết của nhà thơ Vân Long in trên Tạp chí Thơ tháng 8/ 2009. Nhà thơ Ngô Quân Miện suốt gần 4 thập kỷ gắn bó với tờ báo, từng làm “bà đỡ” mát tay cho hàng trăm nhà văn, nhà thơ xuất hiện từ năm 1954, thế hệ nhà thơ chống Mỹ cho đến năm 1988 (năm đình bản và ngưng hoạt động của Đảng Dân Chủ VN, thành viên của Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trước và sau Cách mạng tháng Tám), báo Độc Lập từng in lần đầu tiên bài hát Tiến Quân ca do chính tác giả Văn Cao, lúc đó là người thợ  thủ công của báo đã kỳ khu vê từng nốt đen, nốt trắng tâm huyết của mình trên phiến đá.   
 
 LỜI ĐẦU SÁCH
Ở làng Khê Thượng, huyện Ba Vì , một làng nổi tiếng văn vật, như cái nôi nằm giữa núi Tản sông Đà, cách đây hơn bẩy thập kỷ, khi nhà thơ Tản Đà 47 tuổi mỏi gối phiêu du về nghỉ ở làng quê, cất gịong ngâm câu thơ trong cảm thức cô đơn và cao ngạo:

 Trông ra núi lớn sông dài                                               
Ngó quanh lại chỉ một người là ta
 (Xuân hứng –Văn học tạp chí 1936)

Có một chú bé 11 tuổi từ vườn nhà bên bỏ đánh đáo nhìn sang chiêm ngưỡng nhà thơ. Cụ Tản Đà lúc ấy không thể nghĩ cậu bé hàng xóm nhem nhếch này sau cũng trở thành một nhà thơ, cùng với Quang Dũng và những nhà thơ khác sẽ nối tiếp sự nghiệp thơ của mình như dòng sông Đà này bao năm vẫn không ngừng chảy...             
Nhà thơ Ngô Quân Miện mỗi lúc nghĩ đến dòng sông quê hương không khỏi nhớ lại kỷ niệm về người hàng xóm lớn ấy: Cháu từng thấy bác   bơi vùng vẫy sóng sông Đà (Trò chuyện với bác Tản Đà).
Không biết cảnh sắc kỳ thú của quê hương có góp phần tạo ra hai hồn thơ ấy ? Nhưng chắc chắn cái vùng đất đầy ắp truyền thuyết đã toả bóng lên trang thơ, trang truyện viết cho thiếu nhi của Ngô Quân Miện sau  này.  Nào Ghềnh Bợ (sông Đà) nơi ẩn náu các thuỷ quái của Thuỷ Tinh rình lật thuyền bè, nào Ngòi Lạt, nơi quân Sơn Tinh chẻ tre thành lạt, thả xuống để cho mọc lên những rặng tre dầy, chống sức nước của Thuỷ Tinh... 
Ngô Quân Miện sinh ngày 27 tháng 9 năm 1925, con một ông đồ nho dự khoa thi hương cuối cùng. Chính vì vậy chú bé Miện dù thuộc lòng Chinh phụ ngâm bằng âm Hán vẫn không đọc được chữ Hán vì phải học chữ Tây. Có thể nói chú học chữ Tây vẫn mang nặng tâm hồn Nho học.
 Học ở trường làng, trường huyện rồi học trung học ở thị xã Sơn Tây, về nhà thì được “bơi” trong đám sách báo quốc ngữ và chữ Pháp do ông chú học trường Bưởi mang về, Ngô Quân Miện h ọc trường Canh nông (Tuyên Quang) ra, đi làm ở Sở Canh Nông Bắc Kỳ tại Hà nội đúng ngày 18-8-1945, ngày cuối cùng của chế độ cũ như chỉ để nếm trải một ngày duy nhất làm viên chức thời nô lệ. Và anh tham gia Cách mạng tháng Tám tại đây.  Đi kháng chiến, anh làm phó Ban Canh nông huyện Bất Bạt rồi lên Nha Nông chính thuộc Bộ Canh Nông (Việt Bắc).
Đến 1951, anh chuyển sang làm báo Độc Lập, tờ báo của Đảng Dân Chủ Việt Nam xuất bản bí mật từ trước Cách mạng Tháng Tám. Có lẽ hiếm ai có cuộc đời làm báo lâu dài, chỉ gắn với một tờ báo như anh ( gần bốn thập kỷ) cho đến khi tờ báo ngừng hoạt động.
Phần văn hoá văn nghệ của tờ báo bao giờ cũng do anh đặc trách, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp. Có giai đoạn nhà thơ Hoàng Tố Nguyên, có giai đoạn là tôi, trợ lý phần này cho anh. Chính vì vậy, những nhà thơ xuất hiện trước sau những năm 60 đều là “khách hàng” trang văn nghệ của anh, đều có nhiều kỷ niệm với anh, ở thời kỳ số đầu báo có thể đếm trên đầu ngón tay. Lớp nhà thơ lứa tuổi 60- 70 hôm nay, khá nhiều người đã được in bài thơ đầu tiên của mình trên báo Độc Lập. Bài thơ Chờ con má nhé! của nhà thơ Thúc Hà đã được giải khuyến khích của báo trước khi được giải thưởng ở Liên hoan thanh niên sinh viên thế giới Vacsôvi ( năm 1956).Ngô Quân Miện trở thành người anh, thành một Mạnh Thường Quân của anh chị em viết trẻ lúc đó, nếu có thể gọi như thế về sự giúp đỡ tinh thần. Trong quan hệ, anh có bạn thân, bạn chưa thân , nhưng việc sử dụng bài thì đừng ai mong thân hơn sẽ được in bài nhiều hơn.
Thời “gạo châu, củi quế” của các trang văn nghệ trên báo, in một bài thơ cả nước biết, được một người chủ trì công bằng, thuỷ chung suốt bao năm như vậy làm chúng tôi rất cảm kích.
Trong quan hệ bạn bè văn nghệ, thường diễn ra một hiện tượng: Lúc đầu vì tài mà tìm đến nhau, sau đó là chữ tâm không chỉ bằng ba, mà gần như phủ sóng lên toàn bộ mối quan hệ bạn bè.Hoặc là vì khác tâm mà đẩy nhau, hoặc sẽ hút lấy nhau như tình ruột thịt. Trường hợp thứ hai thật đúng với nhà thơ Ngô Quân Miện cùng một số bạn đủ các lứa tuổi đến với anh. Những bạn ở gần thì quý mến anh ở tính tình giản dị chân thành, hóm hỉnh. Gia đình ai có chuyện vui buồn đều thấy anh nhiều lần chăm lo,chia xẻ. Các chuyến đi thực tế trước đây mà có bộ ba Quang Dũng, Trần Lê Văn, Ngô Quân Miện thì vui như tết. Khác với Trần Lê Văn, chuyện vui dù người nghe biết rồi cũng phải kể cho có đầu có cuối, Ngô Quân Miện thì chỉ cần xen vào một tiếng đế dí dỏm là đủ nổ ra một trận cười. Nhà thơ Lưu Quang Thuận thấy ông bạn khoe bộ răng giả vừa được làm “theo tiêu chuẩn” cấp bậc, ông bật ra vế đối Miệng cười lấp lánh răng... nhà nước. Tưởng đã hiểm, ai ngờ Ngô Quân Miện không cần nghĩ ngợi, đối luôn Mắt liếc mơ màng kính ...quốc doanh .  Đôi câu đối hoàn chỉnh mang dấu ấn thời đại ...bao cấp.
Cánh “trẻ” chúng tôi chứng kiến tình bạn của ba vị đàn anh đó, mỗi người một cá tính, nhưng đều có sự đôn hậu, giản dị, đôi lúc ngây thơ. Chúng tôi thường nói với nhau “ Những con người trung hậu, trong sáng kiểu này hình như thế hệ sau không thấy nữa!”  Thật thú vị nhớ lại lúc Quang Dũng rủ rỉ ghé tai Ngô quân: “Ông Miện ơi! Ông đi giải trí với tôi một củ khoai lang đi!” Một củ khoai lang, bát nước chè xanh đủ đượm hương tri kỷ! Thế là hai ông lại  nhấp nhô trên đường Bà Triệu như một đôi đũa ...lệch. Quang Dũng thì cao to như ông hộ pháp. Ngô quân vóc dáng nhỏ thó (ra nước ngoài, ông chỉ hay vào mua quần áo ở cửa hàng may sẵn dành cho thiếu nhi, mặc vừa như in). Dù  ngoại hình hai ông không tương xứng, tôi biết hai ông có tâm hồn không so le, luôn tìm đến với nhau.
Ngô quân còn được bạn thân đồng lứa gọi là Miện nháy , anh có tật hay nháy mắt. Anh hơi loạn thị, nhưng nhìn người thật chuẩn xác, nhìn màu sắc thiên nhiên vẫn tinh: Mảnh trăng vừa thoáng hiện—Màu mây đã nhạt nhoà (Không đề).
Anh làm thơ từ bao giờ không quan trọng bằng bài thơ gây được sự chú ý của công luận năm 1960: Bài Tặng anh công nhân xây dựng được Giải Ba tạp chí Văn Nghệ :Anh đi xây dựng những công trình – Ngày lại qua ngày ngủ lán tranh - Những lúc tường cao lên ngói đỏ - Là lúc ba lô lại khởi hành. Bài thơ đóng một dấu son tiêu biểu cho thời kỳ xây dựng XHCN ở miền Bắc. Nhung anh chỉ “nhô” ra bề nổi có bài ấy. Còn cả đời thơ anh là một sự toả hương lặng lẽ. Sự lặng lẽ này xuất phát từ một tâm hồn luôn lấy sự hướng nội làm trọng.
Văn là người, chân lý ấy đúng với người và thơ Ngô Quân Miện hơn ai hết. Thế giới thơ Ngô Quân Miện là một thế giới man mác buồn, một điệu buồn không da díết, không se thắt ruột gan mà bâng khuâng, tinh nhẹ. Nếu là họa sĩ, hẳn anh chỉ chọn gam màu tím nhạt. Nếu ví với loài hoa, thơ anh là bông cúc tím với một màu buồn dân dã mà cao sang.
Có thể lấy chính thơ anh để vẽ lên tâm hồn anh :
                                       Cái màu tím hoa cỏ may lấm tấm
                                   Con đê làng khi hội mới qua giêng
                                   Cái màu tím hoa xoan tơi tả rụng
                                   Xuống một chiều trở gió nhớ về em
                                                                         (Cảm nhận)
Không lúc nào anh đi quá xa độ “chuẩn tâm hồn” của mình. nếu chỉ Hoa xoan tơi tả rụng xuống một chiều trở gió thì buồn quá! Nhưng rụng trong thời điểm Hội mới qua giêng thì cái buồn được níu lại lưng chừng dốc. Cũng vậy, khi chót đụng đến một màu chói gắt , anh lập tức điều tiết lại, không cho con diều bay quá cao :Thắm bông gạo nở giữa ngày âm u (Đi chùa Thày). Con người này không hề mang nỗi buồn thường trực, anh chỉ dành những phút u hoài cho thơ. Những u hoài ấy không phải nỗi buồn thân phận, mà là cái buồn nhân thế, là sản phẩm tất nhiên của tuổi trời, của sự cô đơn : Em thì vắng , tôi thì hoài cổ - Biết làm sao, năm tháng quá xa xôi! (Đi tìm gương mặt). Đọc hệ thống thơ anh qua Tuyển tập Ngô Quân Miện (nxb Hội nhà văn- 2003) mới nhận ra cái gốc, cái hồn của thơ anh : Mùi rơm rạ, cây hăng và đất ải – Đã ngấm sâu xương thịt một đời...Đập trong tôi từng tiếng đập của làng (Làng). Từ cái gốc quê hương ấy mà nhà thơ Đắng ngọt của làng, đắng ngọt của tôi!
Dấu tích một quê hương  ngọn nguồn dân tộc, lại vừa là của riêng anh: vùng núi Tản sông Đà thơ mộng, được những người thợ đá tài hoa xưa đã chạm khắc lên từng bức chạm gỗ, mái đao đình, chạm khắc cả lên tâm hồn thơ Ngô Quân Miện: Bao nét hoa văn của những thời xa cũ – Trái tim tôi ghi khắc đến bây giờ- Xương thịt tôi còn hằn bao thớ gỗ- Làm nền cho đậm nhạt những câu thơ.
                                                                                 (Nét hoa văn)
Còn bài thơ này, phải chăng là tiêu biểu nhất cho cả tâm hồn và cách sống của nhà thơ:
                                  Mây vừa qua, trăng đã thu
                              Tận cùng xa thẳm của hư vô
                              Cánh chim vội thế không hay biết
                              Trái đất sau lưng đã trở mùa
Bài thơ đạt tới cõi phiêu diêu của phong vị thơ Đường. Anh sống thiền  lặng để liên thông với cõi vĩ mô, với sự trở mùa của trời đất. Bằng cách sống ấy, tôi ngỡ như anh đang phê phán nhẹ nhàng sự tất bật sống, nôn nóng sống của chúng tôi, những cánh chim đang bay vội vào ...hư vô.
Ngô Quân Miện Đường thi mà không cổ, nhờ tiếp xúc sớm với Tây học. Ảnh hưởng của hai nền văn hoá đã trung hòa tâm hồn anh.Nhịp điệu thơ với nhịp điệu sống trong anh là một . Ung dung sống mà thẩm định cuộc đời,nhẩn nha mà viết, chả đi đâu mà vội! Chả vì cái gì ngoài nội tâm mình. Bốn mươi năm làm thơ mới in  tập thơ riêng đầu tiên Bóng núi(1993).                             
Đến 1999 mới xuất bản thêm Nét hoa văn. Ngót 80 tuổi mới ra Tuyển tập lại dồn đủ mọi thể loại, chỉ có hơn 100 trang thơ, nhiều trang chỉ có 4 câu. Thơ ông (xin chuyển cách xưng hô) ngày càng ngắn lại nhưng tinh hơn, trong hơn...Đến lúc này mới có người giật mình: Cứ lặng lẽ như vậy mà ông đạt Đạo! trong khi bao người ồn ào lộ diện từng thời kỳ, nay đã tan vào quên lãng!
Ông có 6 tập truyện viết cho thiếu nhi, là một đóng góp khá đậm. định vị ông như một cây bút sáng giá trong lĩnh vực này. Đánh dấu những chuyến đi chơi với bạn, ông có tập bút ký đầy chất thơ Gương mặt hồ Tây đứng chung với hai bạn tâm giao Quang Dũng, Trần Lê Văn. Ông còn dịch tiểu thuyết và thơ từ văn học Pháp...
Như linh cảm cuộc sống của mình không thể kéo dài thêm, ông cho    
xuất  bản liền hai tập : Đàn bốn dây (thơ bốn câu) và Từ đất núi đến làng      
văn (2007), ghi lại chân dung những người bạn ông quý mến, gần như           những người bạn suốt đời.
   Sau khi nhà thơ Trần Lê Văn qua đời, tôi được coi như người bạn vong niên gần gũi nhất của ông.  Thế mà tôi  không biết ông vẫn lặng lẽ viết tự truyện, mà đã viết xong giai đoạn từ thơ ấu đến khi trưởng thành, tham gia Cách mạng và làm báo Độc Lập. Không rõ ông có định viết tiếp những giai   đoạn sau không, nhưng căn cứ cách đặt tên chương ( 19 - Chương cuối: Nền nhà cũ) và kết thúc năm 2006 mà không thấy thêm chữ nào, tôi đồ chừng ông chỉ muốn ghi lại dấu ấn những cảm xúc sâu nặng nhất của ông với quê hương, như những dòng cuối cùng của thiên tự truyện này:
“…Bóng núi Tản xanh lam và tiếng sóng sông Đà róc rách vẫn in đậm và ru vỗ tâm hồn tôi mãi mãi. Đất quê cũng đã xoa dịu và hàn gắn những vết thương của tôi và chào đón tôi vào lòng mỗi khi tôi trở về:
                                  Ôi! món nợ suốt đời ta có phải!
                                  Tôi hình hài trong nhào nặn của đất đai
                                   Máu của đất đã dồn lên hoa trái,
                                   Đắng ngọt của làng, đắng ngọt của tôi…)
                                                                              (Làng)
 Một ngày nào đó, tôi cũng sẽ trở về nằm vĩnh viễn ở đất làng, đầu kê   vào núi Tản và mắt nhìn ra sông Đà, bên cạnh ông, bà, cha mẹ tôi!
                                                                                   Hà nội 2005-2006 “
Với tôi, đọc thiên ký sự Hoa Niên, tôi đã có cảm giác hoàn chỉnh, đã thấy được cái nền nhân văn và mọi yếu tố để hình thành một nhà thơ và một nhà văn viết truyện rất hay cho các em. Xin các bạn đọc đoạn trích dẫn này sẽ thấy:
 “Ngồi trên gác nhìn vào núi, tôi cứ đoán mò chỗ nào là nơi, chỉ trong một đêm, Thánh Tản về bắt cả một hiệp thợ mộc giỏi nhất ở làng Chàng lên xây xong đền Thượng? Chỗ nào là nơi tiên ông ở trên trời cho chàng trai Nguyễn Tuấn (tức Tản Viên sau này) chiếc gậy “đầu sinh đầu tử”. Chỗ nào là nơi công chúa Ngọc Hoa ngồi nhìn về nơi đất Tổ Nghĩa Lĩnh nhớ vua cha Hùng Vương?
 Những ngày giông lớn, nhìn về phía đỉnh núi, thấy mây đen cứ đùn lên cuồn cuộn, chớp giật toé lửa, sấm sét, mưa gió từ núi toả ra khắp vùng,    người gìa bảo rằng Đức Thánh nổi giận!
 Ngồi ở gác nhìn ra, tôi phát hiện ra được nhiều điều khác lạ ở phong cảnh làng quê. Cả cánh đồng mùa lúa non không phải chỉ có một màu xanh mà gồm nhiều mảng xanh đậm nhạt khác nhau tùy theo cấy sớm hay muộn, và đó là giống lúa gì. Đến mùa gặt, màu vàng cũng gồm nhiều mảng có sắc độ khác nhau. Sóng lúa cũng khác nhau tùy theo cây cứng, cây mềm . Hương từ cánh đồng cũng mỗi mùa một khác. Mùa xuân là mùi thơm mát, hơi hăng hắc của các loại hoa màu và cỏ dại. Mùa cày bừa là mùi bùn tanh tanh lẫn mùi bã bừa, cỏ ải. Mùa lúa làm đòng là mùi thơm ngầy ngậy như sữa. Mùa gặt là mùi hương khô se của hạt thóc và rơm, rạ.  Cũng tùy theo mùa, nhưng con ve sầu, cồ cộ, cào cào , muồm muỗm và cà cuống theo gió sà vào căn gác. Đặc biệt, ngồi trên gác nghe được các thứ tiếng hót của rất nhiều loài chim. Có những con chim nhỏ, nhất là chim khuyên, trông xa tưởng chúng đậu yên lặng, nhưng thật ra chúng đang hót rất sẽ bằng những tiếng ríu ran trong cổ họng…
 Tất cả những sắc màu, mùi hương, và hình, tiếng thấm vào thịt da, chân tóc tôi.”
Những chuyện kể từ khi cậu bé Miện chưa ra đời, tuy chỉ nghe gián tiếp,        nhưng qua óc tưởng tượng phong phú kết hợp với cảnh quan sinh động  chung quanh, ta như được trực tiếp nhìn thấy:
 “ Theo các cô, bác tôi kể lại thì đám cưới của thày mẹ tôi gồm bốn       năm cái thuyền trải chiếu hoa đỏ, các lái đò cũng khăn áo mới, chèo từ bến làng Bợ, quê ngoại tôi ở bên bờ trái sông Đà, bơi ngược sông rồi sang bến làng Khê là quê nội tôi ở bên bờ phải, vẫn gọi là Bến Đá. Những tà áo the đen hoặc quần xồi hoặc trúc bâu trắng của đàn ông, xen lẫn những tà áo mớ ba  màu nâu non hặc màu gụ, cùng những giải yếm hồng đào, thắt lưng lá mạ và hoa lý với những chùm giây xà-tích bạc reo lích rích…tất cả phấp phới lướt trên sóng. Những chiếc nón quai thao của đàn bà và nón dứa của đàn ông lấp lánh trong nắng, làm sáng cả một quãng sông giữa hai bờ ngô và dâu mơn mởn…”
Vùng quê của nhà thơ Ngô Quân Miện, cả quê nội Ba Vì và quê ngoại Thanh Thủy (Phú Thọ) đều thuộc vùng ảnh hưởng tâm linh của Tản Viên sơn thánh, đi đến đâu cũng nghe kể về sự tích Sơn Tinh, Thủy Tinh: Bên bờ trái sông Đà có động Lăng Xương, có đền thờ Thánh Mẫu, bà Đinh Thị Điên, mẹ đẻ ra Nguyễn Tuấn (Tản Viên) “ Cứ đến tháng Giêng là mẹ tôi và các bà trong làng nô nức đi Hội đền Mẫu. .. Ở phía hữu ngạn thì có núi Chẹ và núi Chẹ Đùng là hai quả núi Sơn Tinh đắp lên để cho sông Đà lùi xa chân núi. Rồi thì Đồi Đùm, Đồi Vai do quân Sơn Tinh gánh đất “Đồi Đùm đứt quai, Đồi Vai lọt sọt”. Rồi thì Ngòi Lạt, Ngòi Tôm, Đầm Long, Đầm Đượng…đều là địa bàn của các cuộc giao tranh giữa Sơn Tinh, Thuỷ Tinh.
Truyện Sơn Tinh như không còn là huyền thoại, Sơn Tinh như một
người trần có thật, có mối quan hệ máu thịt, có di tích rải theo những bước chân của ông trong vùng, nhất là khi dân làng có cả nghi lễ chèo đò đưa công chúa Ngọc Hoa, vợ của Thánh Tản qua sông để về bên kia Nghĩa Lĩnh   ăn Tết hầu vua cha Hùng Vương.
“Đêm ấy trời ấm, một số trẻ con chúng tôi được phép theo người lớn ra bến sông sau Đình làng. Dưới bóng những cây vải um tùm , tối thẫm dứoi ánh sáng của những ngọn đuốc lập lòe, các cụ bô lão và các quan viên đứng trước một chiếc hương án khói hương nghi ngút. Đêm nay không có trống chiêng ầm ĩ mà chỉ có dàn nhạc bát âm réo rắt như bay trên không. Ông chủ tế gõ một hồi kẻng khe khẽ rồi khấn vái và xin âm dương. Mặt sông sáng mờ trong đêm yên ắng, nghe cả tiếng sóng vỗ róc rách. Trên bến có một con đò gỗ to đã cọ rửa thật sạch trải chiếc chiếu hoa. Người chèo đò là một người trai chưa vợ đã được làng chọn ra. Anh ta phải tắm rửa sạch sẽ bằng nước hạt mùi, mặc áo đỏ, đội khăn đỏ, đứng cầm sẵn mái chèo, chờ đợi. …………
Lúc này, anh ta đang hết sức lắng nghe cho thật tinh để chờ hiệu lệnh, vì lệnh đây không phải của người mà của thần. Muốn vậy phải nghe bằng “cái tâm”  “Tâm động quỷ thần tri “ mà! ….Chợt , anh lái cảm thấy mũi thuyền khẽ động, mũi thuyền chúi nhẹ. “Lạy Thánh mớ bái! Người đã xuống   thuyền”. Anh ta tự nhẩm một mình. Tự nhiên có mùi hương hoa thoang thoảng. Đúng là công chúa đã bước xuống thuyền. Người lái đò sẽ nâng tay chèo và mũi thuyền đã quay ra, tiếng nhã nhạc bay theo con đò. Tất cả các cụ đứng nhìn ra mặt sông chỉ thấy thoáng một bóng thuyền lờ mờ rồi là bóng tối  và tiếng sóng róc rách nhỏ dần. Các cụ chắp tay bái vọng sang phía bên kia. Mãi rất khuya, người lái mới chở thuyền quay lại bến, các cụ mới làm lễ tạ và trở về nhà. Con sông huyền thoại lững lờ trôi trong đêm thanh vắng và rét ngọt…
 Đó là một lễ hội kỳ lạ, không có kèn trống, cờ xí tưng bừng. Cuộc đưa tiền diễn ra trong đêm kèm không khí trang nhã, nhưng lặng lẽ, ngậm ngùi…
như ngụ ý thân phận người phụ nữ, kể cả bà công chúa không tránh khỏi cảnh lấy chồng là phải rời bỏ mọi người thân trong gia tộc để làm quen, nhiều khi là chịu đựng một hoàn cảnh mới “gánh vác giang sơn nhà chồng”. Nếu các bạn đọc cả thiên ký sự mới thấy tác giả đặc biệt thương xót, cảm thông với hai người phụ nữ trong gia đình: Một người là chị dâu Cả, cứoi kiểu tảo hôn, người chồng Tây học không chịu, đã bỏ đi biền biệt. Người vợ khác thì mong thư chồng để đón đọc niềm thương, nỗi nhớ, chị Cả thì sa xót bẽ bàng, chỉ đọc được lời hối hôn, gịuc giã chị về nhà mẹ đẻ lấy chồng khác. Người thứ hai là chính mẹ đẻ của nhà văn, với trăm mối lo toan cho gia đình nhà chồng, lại là một nỗi khổ khác triền miên như số phận bao người con dâu khác ở nông thôn ngày xưa…                
   
          Ngô Quân Miện sống và cảm nghĩ về thiên nhiên, về cuộc đời bằng  tâm hồn nhiều hơn trí tuệ. Ông mang một tâm hồn bạn với sự chân tình hồn   hậu bẩm sinh. Chính sự ung dung sống, nhẩn nha thơ, không hề bon chen, nôn nóng, cho phép tôi nghĩ: Dường như những trang viết của ông chỉ là phương tiện để ông kết giao với người lớn, trẻ em và...trời đất.