Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGUYỄN QUANG THÂN - NGƯỜI TÔN THỜ TRÁCH NHIỆM NHÀ VĂN

Vũ Quốc Văn
Chủ nhật ngày 6 tháng 9 năm 2009 9:45 PM
Nếu chỉ nhìn dung mạo, hình vóc hoặc dựa vào linh cảm mà ức đoán dịch định tuổi tác, nghề nghiệp của con  ngườNhài này là khó lắm. Bởi năm nay ông đã bước qua tuổi bảy mươi vài khắc rồi mà nom còn vâm chắc chẳng khác một vận động viên võ thuật hay bơi lội tuổi sồn sồn đang kỳ ép cân chờ ngày đi thi thố một giải thể thao phong trào nào đó. Nhưng ngoài cái hình hài khoẻ mạnh ấy, ai đó tinh ý bỏ qua bộ vỏ bình dân hơi bùi bụi của ông thì vẫn thấy bên trong con người này dung chứa phong thái hào hoa của một nghệ sĩ  hơi kiêu kiêu nữa.
Tôi vốn là bạn lâu năm của ông xin khẳng định rằng ông chưa từng bao giờ bén mảng các môn thể thao mang tính vận hành cơ bắp nọ. Có chăng, ông chỉ là  một người ham chuộng mỗi môn đi bộ “ nhất cử lưỡng tiện” vừa  rèn luyện bồi bổ lục phủ ngũ tạng vừa là xả trét, thư giãn đầu óc sau nhiều giờ hành xác cật lực trên laptop với mê trận chữ nghĩa tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản hay những bài luận thuyết, lạm bàn thế sự nhân tình trả bài các bản báo đã đặt, thế thôi.  

Nguồn: SCL online

Vòng vo dông dài vậy là vì tôi hiện còn đang xao xuyến về một ngày đầu tháng  bảy năm Sửu vừa rồi thật tình cờ tôi gặp ông mãi tận đất trời phương Nam xa ngái. Lần tái ngộ có thể nói là hữu duyên này không phải ở Kim Giang, Hà Nội như mọi khi, mà tôi với ông ngồi đối ẩm “nổ” chuyện trên giời dưới bể ngay trong căn hộ xinh xắn toạ khu cư xá Thanh Đa bên bờ sông Sài Gòn  gió mát như quạt hầu. Có lẽ vợ chồng ông đã quyết chọn nơi này làm bến đậu cuối; xây tổ uyên ương lưu cất mối thiên tình ngoạn mục một thời của hai người.

Người đàn ông tôi vừa sắm cái mào đầu bài viết có hơi dài dòng diệu vợi là ai vậy ta? Xin được thưa ngay danh tính cũng là nghệ danh của con người nhất quyết “trẻ mãi không chịu già” này là ông nhà văn đa tài Nguyễn Quang Thân của chúng ta.

Từ trước đến nay chưa bao giờ Nguyễn Quang Thân nói với tôi về những thăng trầm nếm trải đời ông, về cái nghiệp chữ nghĩa ông mê đắm phụng sự và hiến thân như một tín đồ. Chính sự lặng thinh an nhiên hay là vô tư mặc nhiên ấy của Nguyễn Quang Thân và cả những gì tôi cảm biết về ông mấy chục năm qua khiến tôi nể trọng và muốn tìm cách giải nghĩa về ông.

Nguyễn Quang Thân là con trai đầu của một viên chức yêu nước, từ bỏ suất lương bổng lộc hậu hĩnh của chế độ cai trị Pháp đi hoạt động từ thời đầu cách mạng. Từ khi cha thoát ly, chỉ còn một mình mẹ lo liệu đảm đương cuộc sinh nhai, cuộc sống gia đình ông không tránh khỏi cảnh neo bần. Để được tiếp tục học hành, 14 tuổi Nguyễn Quang Thân đã sung vào thiếu sinh quân học trường Quân chính Liên khu 4. Thời gian ở trường bán quân sự này là một may mắn có tính định mệnh đối với cuộc đời ông. Sau này Nguyễn Quang Thân đã từng ghi những dòng tri ân trong cuốn “Nhà văn Hải Phòng - Chân dung và tác phẩm”, ông tự bạch rằng: “Ở trường quân sự này tôi thực sự bước vào đời. Tôi biết thế nào là hành quân đêm, là đói khát của đời lính, là kỷ luật nhà binh”. Cũng tại ngôi trường này Nguyễn Quang Thân còn có thêm một cái duyên kỳ ngộ là ông “được tiếp xúc với những ngưòi nổi tiếng và học những người thày quá giỏi”. Đó là vị tướng huyền thoại Nguyễn Sơn hiệu trưởng, ngoài tài ba về quân sự ông tướng này còn tinh thông kim cổ, đã từng bình giảng Truyện Kiều cả một ngày ròng. Rồi Nguyễn Quang Thân được nghe nhà văn Trương Tửu giảng Truyện Kiều, nhà thơ Xuân Diệu nói về bài thơ Tây Tiến, nhà thơ Chế Lan Viên nói về  Màu tím hoa sim…

Người xưa có câu “Phúc bất trùng lai”. Cổ nhân dạy thế nhưng với riêng Nguyễn Quang Thân có lẽ là một ngoại lệ chăng? Bởi đời ông có đến hai lần may mắn hạnh phúc được đằm mình, được dung dưỡng trong một môi trường văn hoá tinh tuý. Lần thứ nhất là ở trường Thiếu Sinh Quân Liên khu 4. Ngày ngày ông được nhìn, được nghe những lời thuyết giảng mà ông  tưởng tượng là “ những vị thần linh từ trên núi xuống”. Còn lần thứ hai, ông được dự một khoá học vào đầu thập niên 60 hồi thế kỷ trước tại trường bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam ở Quảng Bá.

Những ngày học ở đây, Nguyễn Quang Thân một lần nữa được tiếp xúc với những trí thức uyên thâm, những văn nghệ sĩ lớn mà tài năng của họ như có một lực hấp dẫn cuốn hút và cảm biến một tâm hồn nhiều mơ mộng, và một trái tim dễ rung động trước những điều mới mẻ của nhà văn trẻ đang kỳ phát lộ. Những ngày dự học trường viết văn Quảng Bá, Nguyễn Quang Thân ví ông như “được dự bữa tiệc tinh thần no nê kéo dài hai năm rưỡi trời giữa thày và bạn”. Ông được nghe Giáo sư Đặng Thai Mai giảng một tháng rưỡi về văn học cổ điển Pháp mà giáo sư không cần một mảnh giấy nhỏ. Được các nhà văn Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Kim Lân, Bùi Huy Phồn, các nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, cùng với các nhạc sĩ , nghệ sĩ Nguyên Xuân Khoát, Tạ Mỹ Duật, Năm Ngũ. Trùm Thịnh … những bậc thày, những nghệ sĩ lớn có nhiều đóng góp cho lịch sử văn học nghệ thuật dân tộc trực tiếp truyền “lửa”, kinh nghiệm nghề nghiệp cho ông.

Cũng ở ngôi trường viết văn Quảng Bá, Nguyễn Quang Thân ngoài những gìơ thỉnh giáo những người thày đáng kính, ông còn được giao du với những người bạn viết có tài mà sau này rất nhiều người trong số họ là những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng.

Phải chăng môi trường và những mối quan hệ đó là chất xúc tác góp phần khơi gợi cho nhà văn trẻ ngày ấy nảy sinh ý tưởng, thai nghén rồi viết ra được nhiều văn phẩm trong buổi đầu dấn thân vào nghiệp chữ của ông? Nguyễn Quang Thân cũng nói rằng: “ Sau Quảng Bá tôi viết khá nhiều vì được không khí của thày và bạn cổ vũ”.

Điều đó còn được minh chứng: trước ngày học trường bồi dưỡng viết văn Quảng Bá năm 1960, Nguyễn Quang Thân mới chỉ có tập truyện ngắn Đêm phuơng Tây in chung cùng với một tác giả khác. Nhưng sau ngày rời Quảng Bá, Nguyễn Quang Thân về Hải Phòng, thành phố của bến cảng và nhà máy, đông đúc thợ thuyền cần lao này không phải quê hương ông, nhưng ông  đã sống và đã viết được hàng chục tác phẩm trong những năm tháng ở đây.

Nhà văn, như ai đó nói “hãy sống đã rồi hãy viết”. Với Nguyễn Quang Thân cũng không là ngoại lệ, ông đã sống ở Hải Phòng  25 năm. Nguyễn Quang Thân đã  “thuộc” đất và người xứ ấy. Ông đã “kinh ngạc vì những ngõ ngách mê cung của nó, vì cái vẻ bấp bênh trong cảnh sắc và hồn người, vì cuộc sống tưng bừng, khổ cực của người lao động bên cạnh những người đục khoét mồ hôi của họ và bọn hãnh tiến, bọn trọc phú rởm”.*

Nguyễn Quang Thân đúng là đã đằm mình trong môi trường cuộc sống xã hội ở thành phố biển, ông buồn vui gắn bó cùng với những người lao động bươn trải để tồn tại ở vùng đất ấy. Ông thấu hiểu nhân tình, nhìn rõ mảng sáng, tối, ông thấu hiểu nỗi khát vọng của họ nên mới viết được những trang có nhiều chất  sống và tạc vẽ mỗi thân phận người sống động đến vậy. Và hơn thế, ông là người có tấm lòng nhân hậu, dám yêu ghét rạch ròi, dám “thật lòng” biểu lộ chính kiến, cảm xúc gửi qua các trang viết sắc sảo vị tình, đằm ngọt mà cũng thật đắng đót. Nguyễn Quang Thân dám đối mặt với cái xấu, cái ác, chỉ với một ước muốn cuộc đời và mỗi con người có một cuộc sống bình đẳng tốt đẹp hơn, nhân bản hơn.

Tôi nói vậy có thể vì quá mến yêu ông, nhưng nếu ai đã đọc những tác phẩm  ông viết và xuất bản từ giữa thập niên 60 đến cuối thập niên 90 thế kỷ  trước chắc sẽ chia sẻ được điều này. Chúng ta hãy đọc Hương đất, truyện ngắn, 1964; Cô gái Triệu Dương, truyện, 1967; Ba người bạn, truyện ngắn, 1977; Lựa chọn, tiểu thuyết, 1977;  Nếp gấp, 1978… Và những năm trước và sau đất nước đổi mới ông được biết đến với những tác phẩm gây được sự chú ý của bạn đọc cả nước như thiên truyện ngắn  Người không đi cùng chuyến tàu hay tiểu thuyết  Một thời hoa mẫu đơn, Ngoài khơi miền đất hứa rồi truyện ngắn Vũ điệu của cái bô - Giải nhì cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ và nhiều tác phẩm khác nữa đã làm nên “ thương hiệu” Nhà văn Nguyễn Quang Thân.

Công bằng mà nói, những tác phẩm của Nguyễn Quang Thân không bị giới hạn hay bị khuôn lại trong một không gian hẹp nào đó. Tác giả ít bị lệ thuộc  hoàn cảnh hay con người quanh ông chi phối.  Nhưng hình như cái hiện hữu cuộc sống thường nhật đã giúp tâm hồn người nghệ sĩ trong Nguyễn Quang Thân nhận chân rồi chưng cất ra những tác phẩm đậm chất đời sống mà nhiều khi còn mang tính dự báo và vương lại chút dư ba của thơ nữa. 

Tôi thực sự trân trọng và chia sẻ với TS Mai Hương về những ý kiến nhận định của chị về văn tài sự nghiệp của Nguyễn Quang Thân. Tôi xin phép được trích những lời chân xác và thoả đáng của chị về tác giả mà tôi yêu mến này.

“Từ đầu những năm 60, Nguyễn Quang Thân chia tay với những trang viết bằng phẳng ban đầu, đi theo hướng mổ xẻ cuộc sống, gắng thấy cho được sự vận động căng thẳng và phức tạp của nó với mục tiêu: loại trừ được cái xấu, cái ác, góp phần hoàn thiện cuộc sống và con người”. “Anh đằm lại trong cảm hứng ngợi ca sôi nổi của một thời văn chương. Anh đem đến cái vị tuy đắng, nhưng lạ, bên cạnh vị ngọt  ngào thơm thoảng như những “ hương cỏ mật” quen thuộc”. Cũng trong nhận xét của chị Mai Hương: “ Mười năm sau tiểu thuyết đầu tay Lựa chọn, Một thời hoa mẫu đơn ra đời, với một phong cách viết hoàn toàn mới. Nguyễn Quang Thân đã chạm tới những vấn đề nhức nhối của đất nước, với những so lệch xót xa giữa ý tưởng và hiện thực. Nhuần nhị hơn, Ngoài khơi miền đất hứa ra đời một năm sau đó, đã đáp ứng được mong đợi của bạn đọc và khẳng định được đóng góp của Nguyễn Quang Thân ở thể loại tiểu thuyết”. Cũng trong bài viết này chị đã biểu dương: “Nguyễn Quang Thân đã viết bằng cả lương tâm và trách nhiệm. Có thể nói, đến tiểu thuyết này,(Ngoài khơi miền đất hứa) Nguyễn Quang Thân đã có thể gửi gắm trọn vẹn ý tưởng nhân văn anh từng kiên trì phấn đấu trong cả đời cầm bút”. (**)

Đối với một người dám từ bỏ mọi cơ hội mưu cầu danh lợi để rồi tự buộc đời mình vào nghề văn nghiệp chữ như Nguyễn Quang Thân, thiết nghĩ còn hạnh phúc nào hơn khi được một nhà phê bình nói về mình như thế. Phần thưởng ấy là quá đủ với đời một người viết. Vậy mà Nguyễn Quang Thân không ngồi nhấm nháp những thành quả như đã có, ông còn thử sức ở một vài lĩnh vực thể tài khác và cũng rất thành công. Ngoài mảng tác phẩm dành cho người lớn, ông còn viết rất nhiều tác phẩm cho thiếu nhi. Các thế hệ bạn đọc nhỏ tuổi những năm 80, 90 chắc còn nhớ những thiên truyện mơ mộng, ngộ nghĩnh, kỳ bí, hấp dẫn của những tác phẩm Chú bé có tài mở khoá , truyện dài (tái bản rất nhiều lần); Bức thư nhặt được; Khoảng trống trong rừng; Vương quốc những nguòi kiêu ngạo…Không chỉ viết văn, Nguyễn Quang Thân còn viết cả kịch bản phim ( và ông rất hay được nhận giải thưởng) Cây bạch đàn vô danh - Giải thưởng kịch bản phim Tuần báo Văn Nghệ; Hội thề - giải thưởng kịch bản loại A năm 2004. Nhìn lại nửa thế kỷ hành nghiệp văn chương của Nguyễn Quang Thân, đến nay ông đã chiềng làng, chiềng nước dư 20 đầu sách với hàng ngàn trang in rồi mà xem ra ông vẫn chưa chịu ngồi ngắm hoa, câu cá. Vài năm lại đây dù tuổi đã cao nhưng sức lực ông vẫn dồi dào hoành tráng lắm. Ông vẫn “ cày” hăng hơn cả tuổi đang xoan. Nhà văn Dạ Ngân bạn đời và đồng nghiệp của ông bảo rằng ông vẫn miệt mài múa tay trên laptop cả mười mấy tiếng một ngày. Nom gia tài tác phẩm chật cứng trong tủ đứng tủ ngồi nhà ông tôi nể cái sự lao động hành trí hành xác của ông vô cùng. Tiểu thuyết Con ngựa Mãn Châu hơn 700 trang chưa hết xôn xao dư luận, thì đầu năm 2009 mới rồi ông lại cho xuất bản tiểu thuyết Hội thề, với hơn 400 trang, được báo chí  trong Nam ngoài Bắc khen ngợi. Còn tác phẩm báo chí ông viết tính đến giờ dễ phải mấy ngàn bài có lẻ. Ông viết báo như một ngưòi mắn đẻ cứ “sòn sòn”. Các bài báo nào của ông thường nặng lòng trắc ẩn, sắc sảo đầy ý thức trách nhiệm công dân.

Nhớ buổi chiều Nguyễn Quang Thân và tôi tạm biệt nhau ở cư xá Thanh Đa, ông hỏi tuổi tôi. Tôi nói tuổi mình. Và ông à lên: thế ra mình hơn cậu khối tuổi ra đấy nhỉ. Rồi ông cười, vẫn nụ cười hồn hậu chân thành không cố diễn, nói: vậy mà  chẳng bao giờ mình nghĩ mình đã già. Và ông giơ thẳng cánh tay lên muốn khoe “cái thăn chuột” vẫn còn cuồn cuộn như dây chão. Ông còn khoẻ lắm - Tôi trầm trồ.

Về lại Hải Phòng, tôi muốn có đôi dòng tri ân với người đàn anh đã  “rủ” tôi bước vào nghiệp chữ. Tôi muốn chúc nhà văn khoẻ mãi tiếp tục cống hiến cho đời.                                                                            

Kiến An, ngày 14 tháng 8 năm 2009