Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Mùa Dê

Nguyễn Linh Khiếu
Thứ hai ngày 9 tháng 2 năm 2015 8:53 AM


Tùy bút

Tối chủ nhật vừa qua, lúc đó khoảng gần 7 giờ (19h) tôi nhận được một cuộc điện thoại. Người đầu dây bên kia chỏng lỏn: Mày là nhà báo Linh à. Đường đột, tôi linh tính có chuyện không hay. Một chút chần chừ tôi hỏi lại: Anh là ai. Anh ta ấp úng, chắc cũng bất ngờ: A tao Hoắc, Triệu Hoắc mà. Và nói thêm, tao ở núi Hàm dê. Rồi im lặng. Tôi nghiêm nghị: Anh gọi tôi có việc gì. Anh ta độp luôn: Mày mang dê về đi. Choáng, tôi hỏi: Dê nào. Trả lời: Ơ ơ… dê mày gửi bố Mùi mà.

Ngày xưa, cách đây đã gần 30 năm, khi đó tôi làm việc ở một tờ tạp chí khoa học. Trong một chuyến công tác lên miền núi Tây Bắc, tôi cùng đoàn khảo sát dân tộc học đến bản Cây Vải của người Dao quần trắng ở núi Hàm dê. Rừng núi hoang vu, dân cư thưa thớt, đoàn nghiên cứu ở nhờ luôn nhà trưởng bản. Ông tên là Mùi họ Triệu. Đó là một ông già dân tộc đẹp lão béo tốt đôn hậu, đi nhiều biết rộng, rất am tường văn hóa, phong tục, tập quán dân tộc mình.
Chúng tôi ở nhà ông gần một tháng. Một ngôi nhà sàn lớn, cổ kính, sừng sững ẩm hiện giữa rừng già, làm toàn bằng gỗ quý. Nhà ông như một bảo tàng văn hóa dân tộc. Trên tường, vách treo đủ các loại nhạc cụ, vũ khí, sừng thú, công cụ nghề rừng… dưới sàn lỉnh kỉnh đủ loại dao búa, chày cối, chum vại, bình hũ, chai lọ, mâm, chậu,… cứ gọi đủ thứ tân cổ hỗn độn. Đối với nhà báo đây là một dịp hiếm hoi để tham gia vào đời sống thường nhật của một gia đình người thiểu số nơi rừng núi, là dịp quan sát cách tổ chức cuộc sống và sinh hoạt của đồng bào dưới một mái nhà sàn giữa rừng rậm âm u.
Người Dao ở đây, dù các cặp vợ chồng có các phòng riêng, nhưng tất cả mọi thành viên đều sống chung một mái nhà sàn, chung một bếp lửa trong một gia đình lớn gồm ông bà, bố mẹ, con cháu. Theo chủ nhà, bọn trẻ trong mỗi nhà có thể gồm nhiều nguồn gốc khác nhau. Không hẳn là con của những người đàn ông trong nhà, nhưng người Dao ở đây không quan tâm đến điều này. Giữa rừng dày núi thẳm hoang vắng họ chỉ muốn đông con, nhiều người. Phụ nữ Dao sinh rất nhiều con và có thể kết hôn nhiền lần. Đàn ông Dao sau lễ cưới thường ở rể một vài năm, khi nào có con mới bồng bế nhau về nhà mình. Thời gian trong ngày, cả đàn ông và đàn bà người Dao chủ yếu vào rừng, lên rẫy, chỉ đến tối hoặc ngày lễ mới ở nhà. Dưới mái nhà sàn, người Dao sống rất giản đơn, hòa thuận và cùng chăm sóc lẫn nhau.
Trưởng bản Mùi, cũng là thầy cúng nổi tiếng của cả vùng đồng bào dân tộc Dao. Ông không chỉ rất giàu có, tinh thông văn hóa truyền thống mà còn rất cao lớn phương phi. Nghe nói, thời trẻ ông là tay chọi dê quán quân lừng danh núi rừng Tây Bắc. Không ít lần, ông còn mang dê sang cả Châu Văn Sơn bên kia biên giới để thi thố tài năng. Món nghề chọi dê của ông được bí truyền từ xa xưa, nhưng nay tục chọi dê cũng mai một dần, ông già rồi cũng không hứng thú nữa. Nghe nói, có cả trăm cô gái vùng rừng núi Tây Bắc mênh mông trùng điệp này tốn kém không biết bao nhiều tiền bạc mời thầy lập đàn tế lễ cúng bái đuổi cái con ma Mùi nó làm cho mình ốm đau mòn mỏi. Nghe nói, trong đám hơn hai chục đứa con của ông đây đến hai phần ba là tự chúng tìm về nhận bố. Nghe nói, cũng còn nhiều đứa nữa do nhiều lý do mà nay chưa tìm về dưới mái nhà sàn của ông… Nghe nói,.. cứ nghe nói về ông Mùi thì nhiều chuyện vui lắm.
Có lần tôi hỏi ông sao nhiều vợ thế. Ông bảo không nhiều đâu, chỉ có một vợ thôi. Tôi nói, con nhiều thế mà? Ông hồn nhiên: Vì họ muốn con họ là con mình mà. Rồi ông kể, một lần trên đường chọi dê về, mình qua chợ phiên, khi ngồi uống rượu và ăn thắng cố có một phụ nữ cứ đứng nhìn mình. Mình nói mày có uống rượu không, thế là nó ngồi xuống uống. Rồi nó say, mình phải đưa về nhà. Nhà chả có ai. Mình đưa nó lên phòng và ngủ lại đó. Khi mình về thì thấy chồng nó đứng ở dưới sân và bảo, sao mày ngủ với vợ tao. Mình bảo vợ mày say rượu mày không đưa về tao phải đưa về đấy. Nói xong mình lên ngựa dắt dê về luôn. Tôi hỏi, người chồng không đánh ông à. Ông Mùi hề hề, không đánh đâu. Cười tít mắt, rồi ông kể, mấy tháng sau, chồng nó sang gặp mình và bảo: Mày phải nói với vợ tao mày không ngủ với nó nữa để nó đừng bỏ tao. Mình phải sang nhà và bảo người vợ rằng: tao không ngủ với mày nữa, mày không được bỏ nó.
Ông kể, có lần một người đàn ông đến tìm mình và bảo: Mày phải đi theo tao. Mình đi theo và đến một ngôi nhà sàn to lắm ở rất xa. Ở đó có rất nhiều người đang chờ mình. Họ nói với mình, con gái họ bị ốm chữa mãi không khỏi là do mình. Mình lên phòng gặp cô gái và mình biết đây là cô gái có cái răng vàng đẹp lắm mình thường gặp tại các phiên chợ khi mang dê đi bán. Gặp mình, cô gái nói nếu mình không làm chồng cô thì cô sẽ ăn lá ngón. Nghe thế mình sợ quá. Mình nói, mình đã có vợ con rồi, nhưng không ai nghe. Người ta mời thầy cúng lập đàn tế lễ, thầy cúng nói rằng con ma bảo mình phải ở với cô gái. Mình cũng là thầy cúng, mình phải nghe con ma thôi.
Ông kể, có lần có một người đàn bà trẻ đến tìm mình dắt theo một đứa bé trai và nói: tao mang con trả mày đây. Thằng bé, nhìn thấy mình thì gọi: Bố. Mình bảo: con tao à. Người đàn bà bảo: Con mày đấy. Mình nói con tao thì mẹ con mày cứ ở đây, nhà rộng mà. Nhưng người đàn bà chỉ ở một thời gian rồi nói còn bố mẹ già phải về chăm sóc. Mình bảo mày về đi để con đây tao nuôi, khi nào thu hoạch lúa nương xong tao sang nhà…
Chuyện ông Mùi nhiều lắm, chuyện nọ xọ kia, nhưng cuối cùng đều loanh quanh giải nghĩa vì sao giữa núi rừng hoang vu này ông lại nhiều con như thế.
Một buổi chiều, trở trời âm u, rồi sấm chợp đùng đùng. Tôi và ông Mùi đang ngồi bệt trên sàn uống trà chuyện vãn. Bỗng từ đâu ào ào kéo về hàng trăm con dê núi to nhỏ khác nhau. Chúng chạy nhảy, kêu be be làm náo loạn sân vườn. Ông Mùi mặt mày hớn hở thủng thẳng nói rằng dê bỏ rừng về tránh mưa là sắp mưa dông lớn rồi đấy. Ông kể loài dê tinh quái lắm, mấy năm trước trời đang đẹp tự dưng dê ở rừng náo loạn kéo nhau về quây quanh gầm sàn nhà ông con nào cũng hoảng hốt sợ sệt và kêu la thảm thiết. Ông không hiểu chuyện gì, đồ rằng trong rừng có chuyện chẳng lành. Chắc là lại có một con hổ con báo nào đó xuất hiện rồi. Nghĩ thế, ông đành nhốt bầy dê vào chuồng. Mấy hôm sau thì nghe đồn có động đất ở Mương Thanh, Mường Lò. Người không biết động đất nhưng dê rừng thì biết trước đấy, dê có tài tình không.
Đến bây giờ tôi mới để ý ngoài vườn nhà ông có những dãy lán lợp lá cọ để không, hóa ra đó là những chuồng dê. Trời chưa mưa, đàn dê đông đảo tung tăng đùa dỡn dưới sân vườn. Những chú dê đực râu dài vẫn tranh thủ nhoay nhoáy nhảy cái và kêu he he rất chi là khoái chí. Thấy tôi hứng thú với những chú dê đực, ông Mùi nói rằng đang mùa dê đấy. Ông giải thích, mùa dê là mùa dê cái động đực. Mỗi năm dê cái động dục hai lần và đẻ hai lứa, mỗi lứa từ hai đến ba con. Bây giờ đang là mùa dê cái động đực. Mỗi con dê đực thường phụ trách gần trăm dê cái. Dê đực có râu làm chủ đàn thường người ta gọi là “dê cụ”. Các “cụ” quanh năm suốt tháng cứ gọi là quần quật vất vả lắm nhưng cũng may mỗi năm dê cái chỉ động đực 2 mùa và mỗi mùa chỉ kéo dài khoảng một tuần. Sau tuần ấy dê cái không cho dê đực nhảy nữa.
Vào mùa động đực, dê ngoài rừng tản mát thành từng nhóm lại cạnh tranh nhau nên không sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của các dê đực, nhưng khi đàn dê tập trung nếu không cách ly thì dê đực có khi nhảy cái liên tục cả ngày cả đêm. Cứ nhoay nhoáy triền miên như thế thì nguy hiểm lắm. Rồi ông kể, có lần do động trời đột ngột đàn dê kéo nhau về chuồng lại đúng mùa động dục. Hôm đó chẳng hiểu sao rượu chè thế nào mà ông quên không cách ly dê đực ra khỏi dê cái. Sáng ra có hai “cụ” do suốt ngày nhảy cái rồi lại suốt đêm nhảy cái nên quá sức mà vĩnh viễn không dậy được nữa, he he. Nuôi dê phải thật công phu để mắt đến dê đực nêu không tuổi thọ của “các cụ” đoản lắm.
Tôi hỏi, nghe nói khả năng giao cấu của các dê đực kỳ diệu đó là do các “dê cụ” có bí quyết về thức ăn. Thấy ông cười cười, tôi kể, có một người chồng kia khả năng đàn ông yếu lắm, cứ gọi là liệt dương, người vợ xót xa tủi phận xui anh, nên bắt chước “dê cụ” ăn gì mình nên ăn nấy, vì “dê cụ” khỏe lắm. Thế là cả tháng trời, sáng nào, anh cũng đi theo “dê cụ”, “cụ” ăn gì anh đều thu lượn mang về vợ chồng chuyên cần chế biến thành món ăn, nước uống, thắc thỏm hy vọng. Vừa làm vừa mong mỏi cải thiện được tình hình chiến sự. Thế nhưng sau mấy tháng trời ròng rã, tình hình sức khỏe giường chiếu lại tồi tệ thê thảm. Chán nản, anh gặp “dê cụ” và trách “cụ” đã lừa anh. Dê cụ cười he he thủng thẳng phán rằng, tao khỏe quá nên phải ăn những thứ đó cho nó yếu bớt đi đấy, mày không biết à.
Nghe chuyện, Triệu Mùi he he, cười khoái chí lắm. Rồi ông thủng thẳng chân tình, dê là loài ăn tạp, nhưng lại ăn theo mùa và theo thời. Bình thường chỉ ăn lá cây. Nhưng vào mùa dê - mùa sinh sản, dê cái thường ăn thêm các loại lá và quả có nhiều nhựa như mít, sung, sắn, cỏ, nấm và những loài hoa có mật, dây leo cho củ chứa nhiều đường. Dê đực vào mùa sinh sản cũng ăn nhiều các loại lá, quả cây có nhựa, cây chát, cây cỏ có nhiều đường, nhiều muối, nhiều sắt… đại loại như dâm dương hoắc, chi chuôn chua, cua chừ ma, vương bất lưu hành, nhục thung dung, tứn khửn, mật nhân, mật gấu, nấm ngọc cẩu, nấm linh chi, địa y, dương xỉ, tầm gửi nghiến,... Trong đó có 6 loại chi chuôn chua, cua chừ ma, tứn khửn, mật nhân, ngọc cẩu, nhục thung dung và dâm dương hoắc vào mùa sinh sản không thể thiếu trong thực đơn của dê đực.
Tôi hỏi, thế còn chuyện hai vợ chồng kia thì sao. Ông Mùi thong thả nâng ấm rót trà cho tôi và cười khùng khục. Chuyện là thế này, dê ăn thức ăn theo mùa, không phải mùa sinh sản thì dê cái không cho nhảy đâu, khi đó, dê đực phải ăn những thứ lá giảm bớt khả năng “cụ” của mình đi. Chuyện của vợ chồng kia thì thế này mới đúng: buổi sáng, thường dê đực ăn các loại thức ăn ngon nhiều ngọt béo ngậy để bồi bổ sức khỏe, giảm thích thú con cái, nghĩa là thức ăn làm cho nó “yếu” đi, nhưng cuối chiều lại phải ăn những loại thức ăn mạnh mẽ cái giống “đực” của mình để sáng hôm sau còn làm cái thiên chức của dê cụ là nhảy cái. Cái anh chồng kia chỉ theo dõi “cụ” buổi sáng thì đúng là hỏng hẳn rồi, he he. Cái thứ ăn để vợ anh nó thích là cái thứ dê cụ ăn buổi chiều mà.
Tôi hỏi sao nhà mình nuôi nhiều dê thế, ông nói dê là loài ăn tạp rất dễ nuôi. Dê ăn đủ loại lá cây, lá cỏ, lá dây leo, ăn cả củ quả mà rừng của mình quanh năm tươi tốt nên chả khi nào chúng thiếu thức ăn. Dê nuôi nhưng chủ yếu chúng sống ở trong rừng, rất ít khi về nhà. Chỉ khi nào mình gọi hoặc thời tiết thay đổi bất thường, nhất là mưa bão thì dê mới kéo nhau về chuổng để trú mưa gió. Nuôi dê thả rừng mình cũng có cách cho chúng ăn những thứ mà rừng không có, khi thiếu chất đó chúng mới kéo nhau tìm về nhà. Thường chúng tuân theo chú dê cụ đầu đàn. Mình quản được con đầu đàn là cả đàn phải theo. Ông nói, rừng núi rộng thế này nhưng dê các gia đình chăn thả chẳng khi nào lẫn của nhau đâu. Dê nhà ai đều về nhá nấy, dê chưa về nhầm nhà bao giờ.
Tôi hỏi ông có biết mình có bao nhiêu con dê không. Ông nói cũng áng chừng thôi, vì dê tự đẻ trong núi mà, có khi cũng bị trăn, thú ăn thịt. Ông nói đàn dê nhà ông đây còn của nhiều người nữa. Rồi ông kể dê của chủ tịch xã, của chủ nhiệm hợp tác xã, của hội phụ nữa, của cán bộ nông trường, của giáo viên,... Ấy là họ mua dê của ông và gửi lại nhà ông để ông thả vào rừng. Tết nhất, hay khi nào cần họ đến bắt về dăm ba con để làm cỗ. Ông nói, họ gửi cũng tốt mà dê nó vào rừng tự kiếm ăn thôi mình có vất vả gì đâu. Tiện thể, tôi đùa ông cho tôi gửi ông mấy con dê cái khi nào cưới vợ sẽ lên xin về làm cỗ cưới. Ông cười he he có vẻ hứng thú lắm.
Gần một tháng ở nhà Triệu Mùi có biết bao điều thú vị. Chuyến điền dã dân tộc học của chúng tôi thành công ngoài mong muốn. Tôi nói với trưởng đoàn, riêng chuyện nhà Triệu Mùi hoàn toàn có thể viết thành một cuốn sách du khảo dân tộc học. Là một nhà dân tộc học già, nhiều trải nghiệm, ông có vẻ tâm đắc lắm.
Khi chia tay, tôi thấy Triệu Mùi có điều gì đó lăn tăn khó nói. Thấy chúng tôi xách ba lô, sau một hồi loanh quanh nấn ná ông đặt vấn đề với tôi: Mày để cho tao cái đài. Thấy tôi bất ngờ ông giải thích, mày về Hà Nội mua cái đài khác, cái này mày để cho tao dùng. Thấy tôi chưa hiểu, ông giải thích: Ở đây núi rừng vắng lắm có cái đài nó nói cho có tiếng người. À hóa ra thế. Cái đài là cái máy ghi âm sony. Nó cũng có chức năng của cái radio nữa. Tối nào ông cũng bảo tôi mở thật to để cả nhà, cả núi rừng cùng nghe.
Máy ghi âm là cái vật bất ly thân của nhà báo khi tác nghiệp. Nhưng ông nói thế thì giời ạ, mình còn biết làm thế nào. Đến giờ tôi mới chợt hiểu ông ngắm nghía, mê mẩn cái máy ghi âm của tôi từ hôm tôi đến. Rồi ông mở cái hộp gỗ đưa tiền cho tôi. Ông không lấy tiền ăn ở của đoàn, làm sao tôi lấy tiền của ông, nhưng ông không chịu. Nói đi nói lại mãi, cuối cùng ông đưa ra “giải pháp”: Tao đổi cho mày 6 con dê cái để lấy cái đài của mày. Khi nào mày cưới vợ thì lên mang về làm cỗ cưới. Cả đoàn cười ồ lên nhất trí. Một cái Sony Walkman đổi lấy 6 con dê cái giữa thời buổi thóc cao gạo kém hẳn cũng là ngang giá.
Chuyện ấy đã gần ba mươi năm. Tôi quên béng chả nhớ gì. Tôi cưới vợ cũng đã lâu, con cái đã lớn. Sáu con dê núi ngày ấy không hiểu sao không trong bộ nhớ của tôi. Cuộc đời nơi phố thị làm cho con người ta quên đi quá nhiều điều. Tôi không nhớ gì 6 nàng dê cái của mình trong khi các nàng mắn đẻ cứ sòn sòn mỗi năm đẻ cho tôi hai mươi mấy con dê con. Thế hệ trước đẻ, thế hệ sau đẻ, thế hệ sau nữa đẻ. Mẹ đẻ mẹ của mẹ đẻ mẹ của mẹ của mẹ của mẹ của mẹ của mẹ của mẹ… đẻ. Các nàng hết năm này năm khác cứ sinh sôi nảy nở đàn đàn lũ lũ hết thế hệ này đến thế hệ khác triền miên bất tận. Vẫn là theo cái vòng quay thường tình của tự nhiên.
Khi tôi trở lại bản Cây Vải thì mọi chuyện hầu như đã thay đổi hoàn toàn. Không như ngày xưa những nếp nhà sàn thưa thớt ẩn hiện trong rừng già, nay bản đã trở thành trung tâm quần cư sầm uất của một cộng đồng dân cư sinh động khang trang, thịnh vượng. Ngôi nhà sàn của Triệu Mùi sau gần 30 năm vẫn cổ kính sừng sững uy nghi giữa những ngôi nhà xây theo kiểu tan kỳ. Triệu Mùi cũng đã theo tổ tiên khuất núi gần mười năm rồi.
Anh Hoắc nói với tôi: Nó (ông Mùi) mong gặp mày nhiều nhưng gọi điện họ nói mày không ở đấy nữa. Nó đưa tao cái giấy có tên và điện thoại của mày bảo phải tìm bằng được mày để trả dê. Bây giờ họ chia hết rừng rồi. Mình không thả dê vào rừng của họ được, tao phải tìm mày để trả dê thôi. Mày mang về nhà mà nuôi. Tao gọi điện thoại có một bà nói chờ để bà tìm số điện thoại mới của mày. Rồi tao gọi theo số đó.
Tôi hỏi, bố anh nói tôi có bao nhiêu con dê. Hoắc nói: cả đàn đấy mày lấy bao nhiều cũng được, dê của mày nhiều lắm mà. Tôi hỏi nhiều là bao nhiêu. Hoắc ngồi thần ra một lúc, rồi nói: Mấy trăm con đấy. Sáu con cái đẻ mấy chục năm rồi. Phải thay bao lứa dê cái của mày rồi đấy. Ôi, sướng thật, tôi có rất nhiều dê. Với một đàn hàng trăm con dê, tôi đã thật sự trở thành ông chủ dê rồi. Một người tự dưng làm chủ dê thì hoang đường thật. Chỉ từ sáu con dê gửi lại mà sau gần 30 năm nay tôi đã có một đàn dê rừng béo tốt. Chiếc Sony Walkman - radio cassette-corder quả là có giá trị.
Triệu Hoắc dẫn tôi đi một vòng thăm bản. Nhiều người đon đả chào mời tôi như một người thân xa lâu mới về. Hoắc giải thích ở đây ai cũng biết nhà báo Linh có một đàn dê ở nhà trưởng bản Mùi. Vậy là, mấy chục năm qua dù không ở đây, nhưng nhờ dê mà ai cũng biết tên tôi. Dê hay thật, con vật hiền hòa xa khuất thế mà có khi cũng làm cho người ta trở lên nổi tiếng. Theo anh ta, bản đông đúc thế, nhưng đa số đều là con cháu của ông Mùi. Anh cho biết thêm, khi ông Mùi ốm yếu còn có hơn một chục trai gái kéo về xin được chăm sóc bố. Đến nay, hầu như con cái của ông Mùi muôn nẻo đều trở về sống quây quần hòa thuận nơi đây.
Ông Mùi lạ thật, đông con nhiều cháu thế mà mấy chục năm vẫn không quên một lời hẹn với tôi. Rừng hoang đã sinh ra Triệu Mùi, một con người tín nghĩa vui vầy giữa bầy dê rừng.

Hà Nội, Xuân Ất Mùi, 2015