Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỮNG NGÀY LỊCH SỬ ẤY

Nguyễn Vĩnh
Thứ năm ngày 6 tháng 8 năm 2009 8:36 AM

Nhân ngày tròn 45 năm vụ vịnh Bắc Bộ (5/8/1964 – 5/8/2009). Ngày đó Washington đã làm rùm beng về chuyện tiền thủy đĩnh Bắc Việt “tấn công” vào khu trục hạm Maddox (KTH) của Mỹ ở vịnh Bắc Bộ. Thực ra Mỹ muốn ném bom ra Bắc thì bịa cớ như vậy, còn chúng ta khi đó cần tuyên truyền là Mỹ hiếu chiến, nên có một số phản ứng vô tình phụ họa thêm cho việc bịa đặt này. Kết cục là chính quyền Wasington hưởng lợi. Ông Johnson - người của Dân chủ đảng nhưng khá hiếu chiến, thích dùng võ lực – lại thắng cử với số phiếu cao. Song lịch sử là lịch sử. Vụ Maddox (có người viết Maddock), vụ vịnh Bắc Bộ này thực sự thế nào, người trong cuộc đến nay vẫn còn nhiều, đủ minh mẫn để nói lên sự thật. Đến lúc nào đó, không còn những vướng mắc, quyền lợi nhiều ít gì nữa, cả ở hai ba phía khi ấy, tôi tin rằng mọi chuyện sẽ tỏ lộ tất cả.
Trở lại chuyện trên, với cớ đã nói, không quân Mỹ đã vượt vào không phận miền Bắc, trút xuống những quả bom chết chóc đầu tiên xuống vùng cửa biển Quảng Bình, rồi Lạch Trường - Thanh Hóa, Hòn Gai - Quảng Ninh và một số điểm khác. Cuộc chiến tranh phá hoại gay go khốc liệt ít lâu sau đó (từ 1965 – 1968, và ác liệt nhất cuối năm 1972) do Mỹ gây ra với miền Bắc chúng ta đã bắt đầu như thế đó. Bằng một cớ lãng xẹt. Giả dụ Mỹ không đạt được lúc đó thì lúc khác họ lại tạo cớ khác. Để ném bom mở rộng ra đất hậu phương của chúng ta. Để làm suy yếu cuộc kháng chiến chống xâm lược quyết liệt của nhân dân ta đang thu được những kết quả nhất định ở miền Nam.
Biết bao nhiêu chuyện về ngày đó đến với mình, cậu sinh viên 20 tuổi, và nói chung, đến với các bạn cùng trang lứa vào lúc ấy – cái giai đoạn bước ngoặt, và cũng nói được là giai đoạn có tính lịch sử.
Nói đúng ra Mỹ đã gây hấn từ trước đó, suốt từ đầu năm 1964. Là bởi ông Johnson đang trong giai đoạn chạy đua vào Nhà Trắng. Ông cần một cú hích về quân sự ở nước ngoài, tức ông muốn chuyển sự chú ý của dư luận Mỹ sang cuộc chiến tranh Việt Nam. Khi sự kiện xảy ra, lứa chúng tôi sắp bước vào năm thứ 2 đại học. Khoa Ngữ Văn trường Tổng hợp của chúng tôi vừa rời khu chùa Láng về Mễ Trì. Học ở chỗ mới vừa được một niên khóa, dù chưa có lệnh sơ tán trường, nhưng trước tình hình căng thẳng, ngay từ tháng 6/1965 đoàn thanh niên nhà trường đã tổ chức một mùa hè “xây dựng cơ sở sơ tán” ở Đại Từ, Thái Nguyên. Như một cách đón đầu chuyện sơ tán trường thật sự sau này.
Cùng các bạn khác, tôi xung phong đi công tác hè. Nhớ khi ấy cả lớp tôi quãng 60 người, có một đợt dăm ba người đi đầu. Tôi nhớ Nguyễn Trương Đàn (sau này vào Nam, làm đài PTTH Bình Trị Thiên), Hoàng Sĩ Ngọc (một con người “đại nhiệt tình”, luôn luôn như có lửa trong con người, là bí thư chi đoàn của chúng tôi khi đó, tốt nghiệp vào Nam chiến đấu, làm báo, sau này là giám đốc đài Huế), và tôi... là những người đầu tiên của lớp có mặt trên xã Văn Yên, Đại Từ hồi tháng 6/1965.  
Chúng tôi ghép lớp với nhau, miễn là có tính chất gần gũi về học tập và nghiên cứu, như hai khoa văn-sử nhóm họp lại thành một tốp, tự nấu ăn lấy nhưng đều ở nhờ nhà dân. Các khoa khác, toán - lý, hóa - sinh thì phân sang các tốp khác, chuyển sâu hơn vào phía núi cuối xã Văn Yên. Lại có khoa sang hẳn một xã khác, xã Ký Phú, gần sát một xí nghiệp phân lân, cũng cận kề chợ phiên mà hằng tuần anh em chúng tôi cứ đụng nhau chan chát. Là khi phải mua rau mua hành, cân khoai cân sắn để ăn thêm vào khẩu phần nghèo, lèo tèo kiểu canh “toàn quốc” – tức là món canh toàn những nước. Một kiểu cải thiện cho đỡ đói với sức vóc thanh niên đang độ lớn mau.
Hằng ngày chúng tôi đi lao động. Vào rừng sâu, rừng khuất mãi sau những ngọn núi khá cao. Để tìm kiếm những bụi nứa, đẵn nó vác về làm lán ở, lán học. Tối đến thì vui văn nghệ, đóng kịch, hát hò đàn sáo rộn vang mấy xóm quê rừng. Bà con ở đó thương lắm đám học trò, nó còn thư sinh yểu điệu nữa. Cũng quả ổi quả khế trong vườn người dân hái cho đám sinh viên chống cơn đói giữa hai bữa. Trong đám lại có những cô gái Hà Nội, hoặc các tỉnh thành, tuổi đang đẹp - lứa tuổi “hoa niên” (tuổi hoa mà), đám này lên đây lao động rất tuân thủ kỷ luật trường, kiến thiết trường học tre nứa - là gái nữa chắc phải học giỏi lắm mới vào lọt đại học – bà con nghĩ thế, càng thương hơn.
Sau này, khi sơ tán “thật” lên Đại Từ, lãnh đạo trường Tổng hợp đã tổ chức phân bố lại. Các khoa văn – sử chúng tôi về một xã khác, xã Tràng Dương. Nên lại làm lán trại, làm lớp học lại, tất cả từ đầu. Làm cả tháng trời, rồi vừa học vừa làm (vì niên khóa phải bắt đầu từ tháng 9 năm đó).
Những ngày học hành ở Tràng Dương có thể ghi lại cả ngàn trang giấy. Không biết có bạn nào trong cái lớp học của tôi ghi lại không. Bao nhiêu chuyện hay, những ...“Sông Công diễn nghĩa”, “Sơ tán diễn nghĩa” kể vui trào nước mắt. Mỗi khi nghe lại, lại hiển hiện cảnh xưa người cũ. Nhất là được các bậc hề đại tài như Thảo mù, Huyến hoắng mà tô vẽ thêm vào thì phải biết, cười bằng chết...
Ngày ấy cũng như bây giờ, cứ nhắc đến Tràng Dương, Ký Phú, Đại Từ là vẫn cảm giác đó dội lên trong lòng, khó tả lại bằng lời. Thế mới lạ. Mà lạ thật. Hay chỉ có ở lứa chúng tôi, lứa của chúng ta, nay đã da mồi tóc bạc cả, những người mà bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở vào tuổi thanh xuân. Nên gần đây đọc được các đoạn nhật ký thời đó, trong một số cuốn sách nổi tiếng, lứa chúng tôi không ai nói với ai, đều thấy thấm, thấy thật. Đơn giản vì nó đúng là như thế.
Thôi tạm dừng, vì đó lại là một “dây” chuyện khác, một tuyến chuyện khác. Có dịp sẽ kể lại trên Blog chơi. Còn về sự kiện 5/8 – như đầu đề gợi lên – khi hội đủ tư liệu cứ liệu tin cậy, sẽ thể hiện ở một đề tài khác.