Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

QUA NHỮNG ĐỐI THOẠI XUNG QUANH HÌNH TƯỢNG RÒNG

Phạm Quốc Trung
Thứ sáu ngày 7 tháng 8 năm 2009 8:06 AM
  
  Triển lãm Các phương pháp nghiên cứu mỹ thuật diễn ra tại VietArt Centre, Hà Nội (từ ngày 3-12.4.2009) đặt ra mối liên hệ của  việc nghiên cứu liên ngành các bộ môn khoa học xã hội nhân văn trong việc nghiên cứu di sản mỹ thuật cổ. Từ những góc nhìn khoa học khác nhau, những giá trị mỹ thuật cổ của cha ông được đánh giá lại trân trọng, nhằm mục đích bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá một cách khách quan, bài bản nhất. Đặc biệt trong thời kỳ toàn cầu hoá hiện nay, với những hạn chế nhất định trong công tác nghiên cứu mỹ thuật cổ cũng như việc bảo tồn, trùng tu các di tích mỹ thuật cổ thời gian dài vừa qua, lại càng cho thấy tầm quan trọng của việc có được những kết quả nghiên cứu liên ngành một cách chân xác, cụ thể nhất về mặt khoa học. Những kết quả nghiên cứu khoa học chính xác, chân thực sẽ là cơ sở để bảo tồn và giáo dục, phát huy di sản văn hoá của tiền nhân, để thực sự văn hoá nghệ thuật chúng ta có được tầm mức “hoà nhập” với thế giới mà không “hoà tan”.
Tham vọng của triển lãm Các phương pháp nghiên cứu mỹ thuật là  gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu và đào tạo, thông qua những công việc “bếp núc” của nghiên cứu mỹ thuật cổ, hướng đến đối tượng sinh viên mỹ thuật, để nhấn mạnh sự cần thiết của việc giáo dục nghệ thuật cho công chúng, từ những khám phá về nghệ thuật, sử học, dân tộc học, tôn giáo…dần dần cái đẹp của văn hoá truyền thống sẽ tiềm nhập vào trong ý thức của mỗi người chúng ta.  Thế nhưng, mục đích tốt đẹp của công việc đòi hỏi trách nhiệm nghề nghiệp rất lớn của những nhà chuyên môn: những hoạ sĩ, những nhà nghiên cứu mỹ thuật.
      Qua  nghiên cứu cụ thể là cụm di tích đền vua Đinh, vua Lê ở Hoa Lư, Ninh Bình, triển lãm đã trình bày các phương pháp nghiên cứu từ bài viết cho đến các bản vẽ, bản rập và cả hệ thống ảnh chụp, (có nhiều bản ảnh cổ của thế hệ những nhà nghiên cứu Viện Mỹ thuật đi trước). Với một khối lượng tư liệu khá phong phú, trưng bày kín phòng triển lãm, cho thấy sự công phu và nhiệt tình của các nhà nghiên cứu trong việc giới thiệu khá chi tiết những nét đặc sắc của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, trang trí, cụm di tích đền vua Đinh, vua Lê cho người xem.
    Từ những chuyến khảo sát thực địa, những tư liệu, ảnh chụp, bản rập thu thập được, nhiều phát hiện mới được nảy sinh, tạo nên những cuộc bàn luận, trao đổi bên lề triển lãm. Đây là một điều thú vị, bởi ít ra nó cho thấy di sản mỹ thuật cổ của cha ông vẫn còn được thế hệ trẻ quan tâm. Điều đó tạo nên hy vọng về việc bảo tồn, phát huy trong tương lai.
     Sau triển lãm Các phương pháp nghiên cứu mỹ thuật, xuất hiện loạt bài đối thoại xung quanh Hình tượng rồng ở hai sập đá đền vua Đinh trên báo Tiền Phong và mạng Internet, của tác giả Trang Thanh Hiền (TTH) và Thiền phong Phạm Tuấn (TPPT). Qua cuộc đối thoại vì khoa học này, có những thông tin khá thú vị có thể giúp cho những người làm nghề nghiên cứu mỹ thuật cổ nói riêng và giới mỹ thuật nói chung, rút ra được kinh nghiệm riêng về nghề nghiệp, phục vụ công tác của mình. Do những số báo của Tiền Phong cuối tuần đăng các bài đối thoại  cách xa nhau về thời gian, cần thiết có người xâu chuỗi lại để những người quan tâm tới mỹ thuật nhưng chưa có điều kiện theo dõi, có được cái nhìn toàn cảnh, nên tôi xin được lược thuật lại những nét chính của loạt bài đối thoại. Việc lược thuật lại các bài viết dù có cân nhắc cẩn thận thì cũng là sự phiến diện đối với nguyên tác, do đó xin được thông tin về nguồn tư liệu một cách đầy đủ để bạn đọc quan tâm đến nghiên cứu mỹ thuật  cổ có thể tiện tra cứu hoặc truy cập trên Internet, đồng thời cũng thể tất cho những khiếm khuyết trong quá trình lược thuật của người viết.
Từ “phát hiện” ban đầu…
     Có lẽ cần kể đến những thông tin ban đầu dẫn đến cuộc đối thoại trên báo Tiền Phong cuối tuần, bắt nguồn từ ý kiến của hoạ sĩ Trần Hậu Yên Thế. Theo như sự tự giới thiệu trong bài Rồng năm móng và những cánh tay mềm,1 khi tiến hành biên soạn bộ sách ba tập Đồ án trang trí đền vua Đinh - vua Lê, (tác giả Đức Hòa - Trần Hậu Yên Thế, Nxb Thế giới dự định xuất bản đầu năm 2008), hoạ sĩ  Trần Hậu Yên Thế (THYT) đã phát hiện ra vấn đề Rồng có những cánh tay mềm?. Bài báo viết: “ Đồ án rồng liệu còn có gì mới được nữa không? Người viết muốn dành được sự chú ý của độc giả về vấn đề tương đối nhàm chán nên có ngay một tiêu đề có phần li kỳ…” và sau khi đề cập đến Phương pháp tiếp cận hệ thống đồ án trang trí cổ truyền, bài viết đã nêu về hiện tượng đồ án rồng trên sập đá trước nghi môn ngoại ở đền vua Đinh “…Điểm đặc sắc nhất của đồ án rồng trên sập đá trước nghi môn ngoại đền vua Đinh là con rồng đầy đủ râu tóc, râu ria, sừng hươu, vẩy cá lại có những cánh tay mềm như cánh tay của mỹ nhân. Đây là hiện tượng chưa từng gặp không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Trung Quốc…” Nguyên nhân của hiện tượng này, theo THYT có hai giả thuyết trong đó “…Giả thiết thứ nhất là đồ án rồng với những cánh tay đầy nữ tính này phản ánh cục diện hôn nhân và sự chi phối quyền lực thông qua hôn nhân của thời vua Lê chúa Trịnh. Giả thuyết thứ hai là Trịnh Tùng cho đặt các sập đá hình rồng dạng “Tiềm long’’nhằm triệt cái khí đế vương của cố đô Hoa Lư- nơi khởi nghiệp của cả nhà Đinh và Tiền Lê...’’     Cũng tiếp tục đề cập về tay rồng, trên Báo Thể thao và Văn hoá (số thứ Sáu, 03/04/2009), THYT có bài Từ con rồng có đôi tay…Vũ nữ2 , ở bài báo này hoạ sĩ THYT đã nhắc đến hình tượng rồng trên sập đá đền Đinh như một sản phẩm minh chứng cho sự giao thoa văn hoá Việt- Champa “…Một đặc điểm dễ thấy trong mỹ thuật Hoa Lư là giao thoa văn hóa Chàm. Dấu ấn Chăm Pa ở Hoa Lư đậm nét tới mức người thợ đá khắc hình rồng trên chiếc sập đá trước Nghi Môn ngoại đền vua Đinh đã dám thay những móng vuốt chim ưng sắc nhọt theo kiểu thức Trung Hoa trong mỹ thuật đời Lê bằng những cánh tay thon mềm uyển chuyển như thường thấy trong các điệu múa các vũ nữ Chăm Pa..”
     Từ những bài báo kể trên và các bản rập, ảnh, đặc biệt là hình vẽ đồ lại theo bản rập hình chạm khắc rồng đã gây sự tò mò, bàn tán cho những công chúng xem triển lãm. Và có lẽ điều đó dẫn đến bài viết của tác giả Trang Thanh Hiền.
Giải mã hình Rồng có đôi tay phụ nữ ở đền Vua Đinh 3
     Là tên bài viết của TTH trên Tiền phong cuối tuần. Trên trang, báo Tiền phong cũng có nhắc lại việc “Gần đây, hoạ sĩ THYT có phát hiện ra hình tượng rồng có đôi tay vũ nữ trên hai chiếc sập đá đền thờ vua Đinh ở cố đô Hoa Lư, Gia Viễn, Ninh Bình…” và nhà Nghiên cứu mỹ thuật TTH tiếp tục kiến giải biểu tượng rồng có đôi tay phụ nữ này. Từ những cảm nhận, giả thuyết ban đầu còn mơ hồ của THYT “…phản ánh cục diện hôn nhân và sự chi phối quyền lực thông qua hôn nhân của thời vua Lê chúa Trịnh” , tác giả TTH đã phát triển theo một hướng khác, đề cập đến vai trò của Thái hậu Dương Vân Nga trong triều đình nhà Đinh- Tiền Lê . “…   Đây cũng là triều đại hiếm hoi trong lịch sử Việt Nam mà một bà hoàng đã làm hậu hai ông vua, Đinh Tiên Hoàng và Lê Hoàn..’’.
     Một thông tin cần lưu ý trong bài viết của TTH là “…Theo những điều ghi nhận trên các bia còn được lưu giữ ở đền vua Đinh thì năm Hoằng Định 9 (1608), Bình An Vương Trịnh Tùng cho trùng tu lại đền vua Lê, sau đó năm Hoằng Định 12 (1611), sửa lại tượng và rước hoàng hậu và Lê Hoàn về đền vua Lê cùng với Lê Ngọa triều. Năm Chính Hòa 17 (1689) trùng tu đền vua Đinh.
Sau khi đưa ra những nhận định về  sự giống nhau giữa kiểu thức bố cục của hai kiến trúc đền vua Đinh và đền vua Lê, bài viết cũng chỉ ra rằng, ở đền vua Đinh có hai sập đá có chạm hình rồng, một được đặt trước tam quan ngoại và một được đặt trước bái đường. Vị trí này cũng được lặp lại y hệt ở đền vua Lê nhưng với hai chiếc sập không có chạm. Tuy nhiên, ở đền vua Đinh:“...Con rồng ở sập ngoài có ba tay đầy chất nữ tính và một chân. Có thể chiếc sập này có niên đại sớm hơn bởi các nét chạm khắc ít nhiều mềm mại uyển chuyển hơn.
Con rồng ở sập trong cũng có ba tay và một chân nhưng những cái tay lại có phần nhỏ nhắn hơn chiếc sập kể trên. Một vài hình ảnh rồng, thú, chạm ở mặt tiền cảnh của sập này cũng cho thấy phong cách thuộc niên đại muộn hơn...’’
Tác giả bài viết cho rằng, hình tượng Rồng ở Việt Nam có rất nhiều nhưng trường hợp những con rồng có bàn tay phụ nữ  lại là trường hợp hy hữu, đặc biệt chỉ có ở đền vua Đinh. Lý giải về điều này ngoài việc ghi nhận ý kiến một số nhà nghiên cứu ? cho rằng đây là do sự ảnh hưởng của văn hóa Chăm trong việc nhân cách hóa hình tượng nghệ thuật. TTH còn phát triển theo hướng khác: “...Và cách giải thích đơn giản nhất đồng thời cũng tương đồng với việc phối thờ chung hai ông vua và một bà hoàng vào cùng một khu đền, thì những đôi tay rất nữ tính này của con rồng chính là ẩn ngữ để nói về một bà vương hậu lấy hai đời vua, mà giữ yên xã tắc...’’ và đôi tay ở phía thân rồng được đặt song song nhau, một tay nắm sừng, một tay nắm xoắn hai búi bờm rồng lại với nhau, được cho là ẩn ý sự hậu thuẫn của bà Thái Hậu sau lưng hai ông vua .Ngoài ra trên cả hai bộ sập đền vua Đinh, còn nhìn thấy một bàn tay nữa đang vuốt râu và cùng đôi với nó là một cái chân với đầy đủ năm móng vuốt theo đúng qui cách tượng trưng cho quyền lực của vua “...Phải chăng chiếc tay vuốt râu rồng được đặt ở một vị trí rất khiêm tốn trên hai chiếc sập này còn mang một ẩn ý khác ứng với truyền thuyết về việc bà hoàng hậu Dương Vân Nga đã từng lấy Ngô Xương Văn (con trai của Ngô Quyền) và sinh ra Ngô Nhật Khánh trước khi làm vợ của Đinh Tiên Hoàng…”
Để kết luận TTH viết “… Mặc dù xung quanh câu chuyện này còn có rất nhiều nghi vấn, nhưng khi làm hai chiếc sập đá này, dân gian có thể đã cố tình đưa chúng vào như thể một sự ngẫu nhiên nhưng lại mang những hàm nghĩa rất rõ ràng về lịch sử.”
Vẫn chỉ là chân Rồng 4
     Sau khi có bài viết  Giải mã hình rồng có đôi tay phụ nữ ở đền vua Đinh của Nhà nghiên cứu TTH đưa ra một cách lý giải về hình chạm khắc tại Đền thờ vua Đinh, đã gây tranh luận trong giới nghiên cứu. Thiền Phong Phạm Tuấn (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) đưa ra một cách nhìn khác về vấn đề này.
     Sau khi dẫn giải một số đặc điểm về hình tượng Rồng gắn liền với lịch sử các dân tộc Á Đông, cơ bản ở các nước như Trung Quốc, Mông Cổ, Triều Tiên, Hàn Quốc, Việt Nam, Nhật Bản cho đến nay, TPPT viết : “…Thứ nhất: Đền vua Lê ở Ninh Bình được xây dựng trong khoảng năm 1608 đến 1611 và đền vua Đinh xây dựng muộn hơn năm 1689,(?) nên ảnh hưởng mỹ thuật tạo hình của hai đền còn khá rõ nét...’’ đồng thời, TPPT cũng chỉ ra rằng việc xây dựng hai đền Vua Đinh và vua Lê thực chất là là xác lập vương quyền và thần quyền của đất nước dưới tư tưởng Nho giáo của vua Lê chúa Trịnh chứ không hoàn toàn mang tính ca ngợi tiền triều. Mặt khác hình tượng Rồng là biểu hiện của Vua, Chúa, của quyền lực cao nhất, cũng như bàn chân Rồng với 5 ngón là một biểu tượng của ngôi “cửu ngũ” chỉ bậc đế vương. Việc xây dựng hai cái sập Rồng nằm trong sự giám sát chỉ đạo bởi hệ thống quan lại tập quyền nên khó có thể mang màu sắc dân gian trong kiến trúc cung đình.
Về hình tượng Rồng chạm trên hai sập đá, TPPT viết: “... Đường viền song song và chân Rồng được người thợ khắc trông giống như bàn tay người chúng ta gặp nhiều ở các đồ án Rồng trong hệ thống văn khắc Việt Nam.
Cũng như một dấu hiệu mang tính “nội chứng” là cái chân còn lại bên phải đồ án Rồng trên sập này rõ ràng là một chân Rồng với 5 ngón, ngón chân có vuốt. Điều này cho thấy các chân còn lại cũng có móng vuốt và là chân Rồng mà chẳng qua được người thợ khắc cách điệu cho mềm mại hơn mà thôi...’’
Cho tới nay, các tài liệu chính sử mà chúng ta đọc được, chưa có bản nào nói rằng “bà Hoàng hậu Dương Vân Nga đã từng lấy Ngô Xương Văn”. Bởi các thư tịch viết về bà Thái hậu này đến nay gần như không còn gì, ngoài các truyền thuyết mà các nhà nghiên cứu sưu tầm được công bố, không mang tính chuẩn xác sử học. Do vậy, TPPT cho rằng nhận định về hình ảnh bà Dương Vân Nga  với những lập luận giả thuyết được TTH nêu là chưa xác đáng.
TPPT tạm kết, về sự cần thiết phải có cái nhìn khách quan, biện chứng và minh xác trong nghiên cứu khoa học. Đặc biệt là với đối tượng văn hoá, mỹ thuật cổ bởi vì qua thời gian, với nhiều thăng trầm lịch sử nên những di vật, thư tịch, tư liệu gốc không còn nhiều...và:“... Rồng là Rồng trong chủng tộc loài Rồng ở trong quan niệm của người Á đông; chân Rồng là chân Rồng chứ không thể là tay người trong một cách lý giải phi khoa học trong xã hội hiện đại ngày nay.’’
Không chỉ tay phụ nữ, mà còn có chim chuột5
     “Nhiều chuyện đã xảy ra không bao giờ được ghi vào chính sử, mà luôn luôn chỉ ghi vào “bia miệng” mà thôi. Lịch sử có phải chỉ toàn là những cứ liệu, ghi chép thành văn?..”Báo Tiền phong đã có mấy dòng giới thiệu như trên trong bài trả lời TPPT của nhà nghiên cứu mỹ thuật TTH.
     TTH viết rằng trong nghệ thuật tạo hình truyền thống Việt Nam, mô típ chân rồng được chạm khắc như những bàn tay được thể hiện nhiều trên các chạm khắc của người Việt từ sau thế kỷ XVI “...Tuy nhiên hình ảnh là bàn tay phụ nữ lại là một trường hợp hy hữu. Có lẽ sẽ không cần phải tranh cãi nhiều nếu nhìn vào các bản vẽ đồ họa, bản dập và cả bản khắc đá hai chiếc sập này người ta có thể nhìn thấy rất rõ ràng những ngón tay thon dài, và cả những móng tay rất xinh xắn. Điều đó có thể chưa thuyết phục nếu không có những chiếc vòng được tạo ra ở cổ tay, để khẳng định đó là những đôi tay phụ nữ...’’
TTH cho rằng trong bài viết của mình, TPPT đã dẫn những chuẩn tắc về hình ảnh con rồng theo điển chương Trung Hoa và dùng nó để áp dụng đối với việc nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam. Về phương pháp luận thì việc này  có vẻ khách quan, nhưng trên thực tế, hình tượng con rồng Việt Nam còn ít nhiều chịu ảnh hưởng từ văn hóa Chămpa để tạo nên sự tiếp biến hình tượng và những giá trị khác biệt, không hoàn toàn lấy mẫu thức Trung Hoa làm chuẩn tắc. Mặt khác, về ý nghĩa, rồng Trung Hoa chỉ tượng trưng cho vương quyền và chịu những qui cách ngặt nghèo “... nên không thể mang những ý nghĩa về thiên nhiên hay xuất hiện trong kiến trúc Phật giáo như rồng Lý - Trần của Việt Nam...’’
Do có những tiếp biến văn hoá từ Champa nên có hình tượng rồng có những đôi tay và cả đôi  chân  trên các đồ án chạm khắc. Theo TTH, qui cách tạo hình tay rồng (giống với bàn tay người) và chân rồng(giống dạng móng vuốt chim ưng) là hoàn toàn khác nhau, và TPPT không phân biệt được đâu là chân, đâu là tay dẫn đến việc đánh tráo khái niệm.
Trong việc xây dựng, trùng tu hay tạo tác những công trình cấp “quốc gia’’ như đền vua Đinh , vua Lê thì dù có sự giám sát chỉ đạo của hệ thống quan lại tập quyền, những nghệ nhân dân gian vẫn có thể lồng ghép các ý đồ cũng như cách suy nghĩ dân gian vào tác phẩm tạo tác. Họ vẫn có những điểm lùi nhất định để bộc lộ tư tưởng. …Viện dẫn đến trong triển lãm “Các phương pháp nghiên cứu mỹ thuật” hoạ sĩ THYT đã phát hiện ra nhiều biểu tượng độc đáo: tôm, cá, chim, chuột được chạm chung với hình tượng rồng, ngoài ý nghĩa về vương quyền, hoặc như một “vũ trụ thu nhỏ’’, tác giả TTH suy luận:
“...Nhưng trên một khía cạnh khác biểu tượng chim chuột, theo quan niệm dân gian lại có những hàm ý không được nhã nhặn lắm. Và cũng theo dân gian, thì câu chuyện tình giữa bà hậu họ Dương và Lê Hoàn có khá nhiều uẩn khúc liên quan đến việc đổi ngôi giữa hai ông vua. Đương nhiên những chuyện như thế này không bao giờ được ghi vào chính sử, mà luôn luôn chỉ ghi vào “bia miệng” mà thôi. Cái ẩn ngữ này của dân gian càng gia cố thêm cho những lý giải về hình tượng các đôi tay phụ nữ kia...’’
Để kết thúc, TTH cho rằng: 
“...Người ta không thể giải thích rành rẽ một tác phẩm nghệ thuật như giải một bài toán chỉ có một đáp số duy nhất. Nếu Thiền Phong Phạm Tuấn chỉ nhìn vào bề nổi của ý nghĩa duy nhất trên thì không thể đọc ra những giá trị ẩn tàng. Điều thú vị để làm nên nghệ thuật chính là trên cùng một hình tượng, trong cùng một bối cảnh lịch sử, nhưng người ta vẫn có thể đọc ra được những đáp án khác nhau, những tầng lớp nghĩa khác nhau.
Và không chỉ trong mỹ thuật mà văn học cũng vậy nên mới có chuyện Trạng Quỳnh lỡm chúa Trịnh được tục truyền hàng thế kỷ sau’’.
Đừng nhìn rồng như chim chuột6.
     Là bài viết của TPPT không hiểu vì lý do gì  không đăng tiếp trên báo Tiền Phong cuối tuần? mà lại công bố trên trang mạng Trannhuong.com. TPPT viết  “…Trước hết, nếu dựa vào ngấn vạch ngăn mà Trang Thanh Hiền cho là vòng mà “khẳng định” là đôi tay thì con rồng này thành bốn tay vì cái chân với vuốt không mềm mại cũng có ngấn vạch. Vậy con rồng này 4 tay? Với lập luận như vậy cho thấy nhận định của Trang Thanh Hiền là tiền hậu bất nhất, là không chính xác.
Đồ án chân rồng có ngấn vạch tách biệt phần bàn chân và khuỷu chân chúng ta gặp nhiều trong các điêu khắc cổ Việt Nam trên các đồ án gỗ, hoặc đá…. như trán bia chùa Bút Tháp (dựng năm 1647 thời Lê), trán bia chùa Bạch Hào – Thanh Hà – Hải Dương (thời Lê)..’’.
Trong bài, TPPT cũng nêu ra nhiều kiểu thức Rồng của Trung Hoa với những biến đổi đa dạng, để chứng minh là TTH nhận định chủ quan, không chính xác khi cho rằng Rồng Trung Hoa “... không thể mang những ý nghĩa về thiên nhiên hay xuất hiện trong kiến trúc Phật giáo như rồng Lý - Trần của Việt Nam...’’
     Về vấn đề Chăm Pa,TPPT cho rằng, ảnh hưởng Mỹ thuật Chăm đến thế kỉ XVII từ Thanh Hoá trở ra Bắc đã tuyệt diệt, hoặc chăng còn rơi rớt. Cho nên ý kiến của TTH và THYT là không xác đáng và trái với sự phát triển của hình ảnh rồng trong lịch sử phát triển Mỹ thuật Việt Nam, do kiểu thức rồng vuốt râu là đề tài phổ biến trong thời Lê cũng như chân rồng dần dần vuốt không sắc nhọn là sự chuyển biến theo thời gian từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn.
     Từ vấn đề xây dựng, thờ tự, tư liệu thực địa và bản đồ hoạ vẽ lại (đã cắt nét cho phẳng, nhẵn ngụi như tay người..)6 dựa trên ảnh thác bản của đồ án rồng ở đền vua Đinh*, TPPT kết luận: “ …TTH đã hư cấu nội dung tấm bia đền vua Đinh dựng năm 1608 về việc chuyển dời Dương hậu từ đền vua Đinh sang đền vua Lê nhằm mục đích hợp thức hoá có hình ảnh bà hậu này ở đền vua Đinh để nói được cái ý chủ quan về con rồng “3 tay và 1 chân” mà tay “đeo vòng” rất dị dạng làm nên ẩn ngữ “chim chuột” trong điêu khắc đồ án sập rồng..
... Do đó, chúng tôi mong rằng qua bài viết vấn đề đặt ra sẽ thêm sáng tỏ hơn, ngõ hầu mỗi người dân Việt Nam về tham quan đền vua Đinh sẽ nhìn rồng thành Rồng mà không chỉ trỏ vào chân rồng mà bảo: “Đây là tay bà Dương Vân Nga” trong hình ảnh con rồng dị dạng với ba tay đeo vòng và một chân đeo vòng như trong nhận định về bàn tay mềm mại, phụ nữ của các nhà nghiên cứu Mỹ thuật Trang Thanh Hiền và Trần Hậu Yên Thế…
Vĩ thanh
     Có lẽ những ý kiến trao đổi, và giữ phần đúng về mình sẽ được các nhà nghiên cứu trẻ bảo lưu. Cuộc đối thoại như vậy có thể chưa có phần kết, do đó trước những thông tin được đưa ra (cũng như các thông tin, đánh giá, phát hiện, nhận định…xuất hiện tràn ngập trong đời sống mỹ thuật ngày hôm nay) công chúng buộc phải trở thành những “khách hàng thông thái” trong việc lựa chọn món ăn tinh thần, bằng việc tự nâng cao kiến thức văn hoá bản thân.  Tuy nhiên, đối với người nghiên cứu, tôi chia sẻ quan điểm của TPTP là “Trong lịch sử nghìn năm qua, có quá nhiều vấn đề mà đến nay chúng ta không đủ tri thức để chứng thực, điều này dẫn đến cách lập luận và phương pháp cho nghiên cứu lịch sử văn hóa nước nhà nói chung nên có cái nhìn biện chứng, minh xác và lập luận khoa học chứ không phải mang tính chất cảm tính, suy lí và lí giải mang màu sắc huyền bí hoá lịch sử để xây dựng những lâu đài tri thức hoa lệ trên hương khói của tiền nhân..’’4
     Đã xuất hiện một thế hệ mới trong nghiên cứu mỹ thuật cổ, thế hệ này không nhất thiết ở trong đội ngũ của Viện Mỹ thuật, xưa nay vốn là nơi “chính danh” về nghiên cứu mỹ thuật cổ. Đây là điều có thể hy vọng ở những bước phát triển mới mẻ trong tương lai ở đội ngũ, và chất lượng nghiên cứu mỹ thuật cổ.
     Tuy nhiên, qua các trao đổi, nhận định, tư liệu đã đề cập trong bài viết của các tác giả THYT,TTH, TPPT có thể thấy rằng họ rất tự tin, mặc dù chưa đi được nhiều, chưa biết được nhiều về các di tích, hiện vật mỹ thuật cổ Việt Nam ở các địa phương, thậm chí cũng chưa tiếp xúc được nhiều những ấn bản, những tư liệu ảnh về mỹ thuật cổ Việt Nam, cho nên nhiều nhận định còn chưa chắc chắn, không thuyết phục là điều dễ hiểu. Khoa học là phải thực chứng, với nghiên cứu mỹ thuật cổ lại càng rất cần có nhiều cơ hội tiếp xúc, khảo sát di tích tại thực địa, bên cạnh việc tra cứu, đọc sách chuyên môn. Thế hệ đi trước của ngành nghiên cứu mỹ thuật cổ, chính nhờ những kinh nghiệm điền dã liên tục hàng chục năm mà đã trở thành các tác giả, những chuyên gia về mỹ thuật cổ Việt Nam với những đóng góp không thể phủ nhận được.
Di sản văn hoá của tiền nhân để lại là một kho báu chung của cả dân tộc, chẳng của riêng ai, của riêng ngành nào. Việc ngày càng có nhiều người thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau quan tâm sưu tầm, nghiên cứu về mỹ thuật cổ là một điều đáng mừng, chứng tỏ ý thức về sự cần thiết của một đời sống văn hoá tinh thần phong phú đang là nỗ lực hướng đến của nhiều người. Trước tình hình phát triển của các dạng nghiên cứu và xuất bản phẩm mỹ thuật đang có xu hướng dần nhiễu loạn thông tin như hiện nay, lại rất cần có những ý kiến, nghiên cứu, đánh giá khoa học “chuẩn mực’’ nghiêm túc từ phía Viện Mỹ thuật. Đây cần thiết là những nghiên cứu, ý kiến có tính“chính thống’’về khoa học, có độ tin cậy cao về mặt thông tin giúp cho sinh viên, công chúng yêu mỹ thuật có được chỗ dựa trung thực về mặt khoa học để thẩm định, sàng lọc lại những thông tin bên ngoài. (Tương tự, bên âm nhạc đang có chiến lược chấn hưng khí nhạc, âm nhạc bác học để âm nhạc bác học  thực sự  là tiếng nói đại diện, học thuật của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại thay vì chỉ có sự tràn ngập của nhạc thị trường, nhạc “sến’’ não tình.). Để Viện Mỹ thuật thực sự là địa chỉ tin cậy về chất lượng nghiên cứu khoa học thì rất cần phải có sự tự ý thức, nâng cấp năng lực trình độ chuyên môn, ngoại ngữ của các nhà nghiên cứu trong Viện đồng thời liên kết, tận dụng mọi kết quả nghiên cứu liên ngành của các nhà khoa học trong nước và quốc tế.
     Viện Mỹ thuật với những thế hệ nghiên cứu mỹ thuật cổ lớp trước đã có đóng góp không nhỏ trong việc phát hiện , phân định niên đại, phong cách nghệ thuật của từng thời đại lịch sử của Việt Nam. Đây cũng là nơi có “truyền thống” và “thế mạnh” tư biện trước những di vật lịch sử mỹ thuật mà không có tài liệu thư tịch đối chiếu. Nhưng không vì thế mà những liên tưởng khoa học của họ lại bay bổng , đặt giả thuyết “ đột khởi”như phát hiện hiện tượng những cánh tay đàn bà trên con rồng bệ đá đền Đinh. Hay các nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ hiện tại do tiếp xúc quá nhiều với các di tích nên đã nhàm, trơ lỳ cảm xúc, không còn có những phát hiện gì mới, đành lòng “nhai lại” những kết quả của thế hệ trước.
     Bản rập Hình Rồng trên sập đá đền vua Đinh ở Hoa Lư, Ninh Bình đã được các nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, Nguyễn Du Chi…bồi biểu đẹp và trang trọng treo trên phòng khách của Viện Mỹ thuật từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước. Những nhà nghiên cứu, sử học mỹ thuật và khách của Viện Mỹ thuật như Từ Chi, Cao xuân Phổ, Trần Quốc Vượng, Đào Hùng, Đỗ Trọng Quang, Thái Bá Vân, Nguyễn Bích, Trần lâm Biền, Nguyễn Đỗ Bảo, Nguyễn Du Chi, Chu Quang Trứ, Nguyễn Tiến Cảnh…đã từng tiếp xúc, nhìn ngắm bản rập thường xuyên. Trong những lúc trà dư tửu hậu thì họ cũng bình luận , tán tụng vẻ đẹp tạo hình của hình tượng rồng và cũng trầm trồ trước những đường lượn mềm mại của chân rồng, (trông có giống tay người không… PGS Nguyễn Du Chi cũng từng nói với lớp hậu sinh chúng tôi như vậy). Chẳng có “phát hiện” về sự bất thường của hình tượng rồng được các chuyên gia đầu ngành sử học, mỹ thuật cổ nêu ra. Phải chăng các chuyên gia không giỏi chuyên môn và không có trực giác tinh nhạy?
      Trước những di vật lộ thiên mà lại ở những nơi là trung tâm văn hóa, du lịch như Hoa Lư Ninh Bình thì chắc chắn các nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ đã biết, đã nghiên cứu. Bây giờ cái gọi là “phát hiện’’ ra những hiện vật, di vật cổ chưa từng được biết thì hiếm, thậm chí là quá hiếm, nếu không đào từ dưới đất lên, hoặc tìm ở những nơi thâm sơn cùng cốc, hoặc lưu giữ như bảo bối của tư nhân trong dân gian.  Mặc dù vậy, trên cơ sở những hiện vật, tư liệu đã biết, vẫn có quyền xem xét, đánh giá lại, bởi việc nghiên cứu lật đi lật lại một vấn đề nào đó là điều nên làm, có thế mới dần tiếp cận được chân lý trong khoa học. Thế nhưng, trong việc đánh giá lại, “phát hiện’’ những vấn đề mới trong nghiên cứu thì cũng là trên cơ sở đã thâu tóm, xem xét lại toàn bộ những tri thức đã được công bố trước đó về một vấn đề nào đó.
      Thời kỳ Chính Hòa (1681-1705) trong lịch sử Việt Nam được đánh giá là thời yên bình, thịnh trị nhất thời Lê Trung Hưng. Trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, thời Chính Hòa cũng được các nhà  nghiên cứu  đánh giá cao về những phẩm chất dân gian nổi trội trong mỹ thuật thời kỳ này. Và những con vật như chim, chuột, cá, tôm, cua, ốc, khỉ, thạch sùng.... xuất hiện tràn lan trong các chạm khắc trang trí kiến trúc, diềm bia... thời kỳ này. Trường hợp chim, chuột, tôm cá, ở sập đá đền Đinh không phải là trường hợp đặc hữu.
     Nghiên cứu, phê bình mỹ thuật là một công việc đặc thù, đòi hỏi một trực giác nghề nghiệp sắc sảo, sự nhạy cảm của tâm hồn và một khiếu thẩm mỹ tinh tế, tiến bộ. Điều này là trời cho, không ai dạy dỗ hoặc cần cù chăm chỉ mà thành được! Nghiên cứu mỹ thuật cũng như các ngành khoa học xã hội khác ngoài nhiệt huyết, lòng yêu nghề đều rất cần nền tảng tri thức rộng và vững chắc, và hơn hết cần sự thận trọng, bình tâm trong công việc. Thế nhưng, ai có thể bình tâm được trong thời buổi này?
                                                                                                   P.Q.T
Tham khảo:
1. 1. Trần Hậu Yên Thế : Rồng năm móng và những cánh tay mềm Tạp chí VHNT số1-2008
- Trong bài THYT có viết: … Ở Việt Nam, có thể nói là cho tới nay, ngoại trừ đồ án rồng trên hai chiếc sập đá ở đền vua Đinh, chúng ta chưa tìm thấy ở đâu có đồ án rồng năm móng, dù đó là cặp rồng đá đời Lê ở điện Kính Thiên (Thăng Long) hay điện Lam Kinh ( Thọ Xuân, Thanh Hóa). Thông tin này chưa chính xác,  xem thêm các sách Nghệ thuật chạm khắc cổ Việt Nam (qua các bản rập) Viện Nghệ thuật (Bộ văn hoá) xb1975; sách Bản rập hoạ tiết mỹ thuật cổ Việt Nam, Trường ĐHMTHN- Viện Mỹ thuật xb 2000, cùng nhiều sách về đồ Gốm Bát Tràng, Gốm Chu Đậu, mỹ thuật thời Nguyễn…. sẽ thấy rất nhiều đồ án rồng năm móng trong Mỹ thuật Việt Nam, cũng như các đồ án chim cá, chuột, tôm, cua …xuất hiện ở nhiều di tích mỹ thuật khác nhau.
2.  Trần Hậu Yên Thế :Từ con rồng có đôi tay …Vũ nữ, báo VH&TT số 03-04-2009
3. Trang Thanh Hiền:  Giải mã hình Rồng có đôi tay phụ nữ ở đền Vua Đinh, Báo Tiền phong cuối tuần số 15 (từ 6-12/4/2009)
4.  Thiền phong Phạm Tuấn:Vẫn chỉ là chân Rồng, Báo Tiền phong cuối tuần số 17 (từ 25/4 – 1/5/2009)
5. Trang Thanh Hiền: Không chỉ tay phụ nữ, mà còn có chim chuột, Báo Tiền phong cuối tuần số 19 (từ 9 – 15/5/2009)
6. Thiền phong Phạm Tuấn: Đừng nhìn rồng như chim chuột , Trannhuong.com, ngày18/6/2009
* (Theo THYT, Bản đồ hoạ vẽ lại từ trực tiếp ảnh chụp đồ án rồng, được xử lý qua phần mềm đồ họa trên máy tính, không phải dựa trên thác bản như TPPT viết. Tuy nhiên, khách quan nhận xét vẫn thấy rằng các bản đồ hoạ vẽ lại hình rồng, hình nghê...nếu nhìn kỹ đều không bám sát chi tiết, phản ánh trung thực nhất hình ảnh nguyên mẫu. PQT)