Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHÙM TRUYỆN NGẮN CỦA VÂN HẢI

Vân Hải
Thứ tư ngày 5 tháng 8 năm 2009 5:56 PM
NHỮNG NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ                 
                                                        
  Để tưởng nhớ hương hồn Phù Sình Phat- Bạn tôi 
và niềm đau, nỗi nhớ những nạn kiều 
   Kính tặng anh Lý Bảo Xương.

                         Những người muôn năm cũ
                                       Hồn ở đâu bây giờ ?
                                                                  Vũ Đình Liên
 
 
 
Phat không biết nhiều tiếng Việt, tôi cũng biết ít tiếng Hoa. Nói chuyện với nhau , chúng tôi thường phải dùng tay, dùng mắt, thay cho những từ ngữ còn đang thiếu.
Ấy vậy, mà chúng tôi hiểu nhau và thân nhau lắm. Phat và tôi có thể cùng nhau trò chuyện hàng giờ với những đề tài vô thưởng, vô phạt, nhưng đầy ắp tiếng cười.
  Bọn tôi gặp nhau vào một buổi sớm muà thu, trong phiên chợ rằm tháng bảy ở Hòn Gai. cả hai đưá cùng đi chung trên một chiếc xông nhần*, chở người từ các thuyền ra, vào phố, chợ. 
Chỉ sau vài lời xã giao ngắn ngủi, Phat đã quý mến tôi ngay. Chúng tôi trò chuyện thật rôm rả và cởi mở, như đã là bè bạn thân thiết tự thưở nào.
Phat và tôi lậu thùng- cùng tuổi . Chẳng biết vì phong tục, tập quán hay vì lời nguyền   thiêng liêng ràng buộc tự ngày xưa, mà những người dân sống trên những quần đảo ở vùng tôi, dù gốc Hoa hay gốc Việt đều coi những người đồng niên hoặc đồng họ như những người thân mến ruột thịt trong nhà.
Phát làm nghề lái thuyền ở hợp tác xã vận tải Cô Tô. Tôi cũng làm  thuỷ thủ thuyền biển trong hợp tác xã vận tải Quang Lang. Nghề nghiệp của chúng tôi là đưa những con thuyền đi  khắp các giòng sông, lạch biển, vận chuyển hàng hoá cho nhà nước.
Đời thuỷ thủ của chúng tôi thường được ví von là những cái bọt nước theo sóng gió bồng bềnh trôi nổi khắp nơi. Thỉnh thoảng  "cái bọt nước" lại mệt mỏi dạt vào các bờ sông, bãi biển tìm chỗ đậu. Bởi vậy, mỗi khi thoáng thấy bóng thuyền  tôi buông neo ở đâu là Phát lại chèo xuồng sang trò chuyện.
Chuyện cuả chúng tôi thật đa dạng, từ làm ruộng, đánh cá, giao nhận hàng hoá đến những chuyện tình….tang với các cô gái trẻ trên những chặng đường ven sông, ven biển trong lúc buông neo. Hoặc chúng tôi lên các chợ làng quê, mua bán, đổi chác những thứ cần dùng
Là những gã trai thuyền mạnh khoẻ, suốt tháng năm dài hành trình theo sóng nước, chúng tôi rất thích những phiên chợ nhà quê và những mối tình cũng rất nhà quê.
Tình yêu nam nữ luôn là một đề tài sống động và sôi nổi ở bất cứ nơi nào, lúc nào …. Cả hai thằng  mắt chữ i, mồm chữ o, tán gẫu chuyện dưới đất trên trời. Nói, cười hết cỡ.
Khi chia tay, chúng tôi lại bá vai nhau cười. Nụ cười sảng khoái, vô tư âm vang trên sóng nước.
Phat cao lớn hơn tôi, nước da nâu, tóc đen nhánh với những lượn sóng bồng bềnh trông rất điển trai.  Miệng Phat rộng, với hai hàm răng trắng và đều đặn. Mắt  Phat đen láy, thông minh, khoáng đãng với cái nhìn  ánh lên như một nụ cười, trông thật dễ thương…
Phat thường cho tôi quà, lúc thì cân mực khô hay cân cá muối. Lúc thì túi lạc luộc, rang sẵn hay túi tôm khô được gói cẩn thận trong tờ giấy báo, hoặc giấy xi măng .
- Lỵ mang về nhà piếu má. Cho ngộ gửi lời thăm.
Phát thường nói thế mỗi khi đưa quà với nụ cười hiền hậu.
Tôi thì thường chẳng có quà gì cho bạn, ngoài câu  tố chề* và cái bắt tay rất chặt.

Phát người gốc Hoa ở đảo Cô Tô. Tôi người Kinh ở đảo Quang Lang. Quần đảo Cô Tô,  cách đảo Quang Lang tôi ở khoảng chừng hai chục hải lý về phiá đông bắc.
Thưở còn đi học, vào những ngày nắng đẹp, chúng tôi thường rủ nhau leo lên núi Động Đồn đứng sừng sững ngay ở đầu làng . Từ đó chúng tôi nhìn thấy  đảo Cô Tô như chiếc phao nhỏ, nổi lềnh bềnh ở phiá chân trời với vô số những chấm đen, cái to, cái nhỏ, lúc mờ, lúc tỏ, trông thật ấn tượng, lạ lùng...
Hỏi ra mới biết, những chấm đen đó là  những cánh buồm của những đoàn thuyền đánh cá khơi xa của người Hoa sống trên quần đảo Cô Tô.
Chúng tôi nhìn ra khơi và háo hức cùng nhau mơ ước: - Lớn lên sẽ đi thăm đảo Cô Tô. Sẽ đi đến những chân trời mịt mờ  xa thẳm. Thám hiểm  thế giới như ông Cô Lông tìm ra Châu Mỹ. Như ông Ma Gien Lăng đi khắp quả đất tròn; Và…. Như anh Sa Kô cùng bạn bè, cưỡi thuyền đi tìm hạnh phúc, trong lời kể chuyện của thầy giáo Chương vào mỗi cuối tuần.…
Đối với người dân đảo Quang Lang thế hệ chúng tôi, thì quần đảo Cô Tô vẫn là nơi ít người thăm viếng.
Nó là một thế giới khác. Thế giới  cuả những người Hoa kiều, vì ở đó, gần như trăm phần trăm người Hoa sinh sống. Còn đảo tôi ở, cũng gần trăm phần trăm người Việt.
Vì ngôn ngữ bất đồng và văn hoá mang nét đặc thù Hoa, Việt khác nhau. Vả lại, mọi người dân hồi đó đều phải  sống và làm việc theo công, điểm dưới sự quản lý chặt chẽ của tập thể, tập đoàn.  Nên dân cư hai đảo tuy cùng một huyện nhưng ít có dịp đi lại và hiểu biết về nhau.  Bởi vậy, những câu chuyện kỳ thú về người, về đất Cô Tô vẫn  lạ lùng, vời vọng và gợi nhiều cảm xúc cho tính hiếu kỳ của lớp trẻ Quang Lang chúng tôi ngày đó…
Ngày đó, quê tôi cũng có mấy người lớn tuổi, hồi năm đói ( 1945) đã ở Cô Tô và được dân Cô Tô cứu giúp kể rằng:
- Người Cô Tô cực kỳ tốt. Đất Cô Tô cực kỳ đẹp.
Cô Tô có cánh đồng Tài Vàn  bát ngát, thẳng cánh cò bay. Có rừng cam trên đảo Thanh Lân bạt ngàn, đi cả ngày không hết. Cô Tô lại còn là một ngư trường lớn, cá, tôm, cua, ốc, ngọc trai, đồi mồi, cà gim, ốc cảng* thì vô số kể…
Thật là một quần đảo nhân hoà, điạ lợi, rừng vàng, bể bạc, được nhiều ưu đãi của thiên nhiên.
Nhất là, đêm đêm nghe ông già hàng xóm kể chuyện ngày xưa. Chuyện thất trận đánh Tây trên đảo Cô Tô cuả bộ đội Ký Con vào năm bốn sáu. Đó là trận chiến đấu thật dũng cảm, nhưng cũng thật bi thương. Cảnh chết chóc, đầu rơi, máu chảy rùng rợn, ly kỳ như trong chuyện chưởng Tàu :
-”Vì có nội gián, Tây đã bỏ trống đồn và phục kích bên ngoài. Đêm đó, các chiến sỹ cuả   biệt đội Ký Con bò vào trong đồn trống và không kịp trở tay vì những loạt đạn, loạt mìn đã giăng bẫy sẵn. Quân ta tổn thất nặng, kẻ chết, người chạy ra rừng. Nhưng Tây đã đặt giải thưởng : - Hễ người dân nào bắt sống hay cắt được tai Việt Minh bỏ trốn, mang nộp sẽ được ba tạ gạo.....Nên hầu như chẳng mấy ai sống sót
- Thế sao bác lại chạy thoát ?
Tôi vừa hỏi vừa tròn xoe mắt nhìn người kể chuyện, vóc dáng gầy gò, nước da đen thui và mái tóc đã lôm đôm bạc. Tay ông ta rung rung cầm chiếc điếu cầy, đang mồi thuốc.
Ông không trả lời ngay mà đánh lửa, ghé mồm vào miệng điếu, khoan khoái rít một hơi dài phun khói lên mù mịt, rồi cất giọng trầm buồn::
- Tao và mấy người nữa là dân đảo, bơi giỏi, lại tiếp tế ở vòng ngoài. Khi mặt trận vỡ, chúng  tao bơi vội ra mom núi. Ngay đêm đó trộm xuồng cuả dân bản địa, rồi bán sống, bán chết  chèo thoát về đảo cuả mình…
Lớn lên, vào những khi có dịp, tôi cũng gắng tìm trong sách vở, hoặc hỏi những ai biết về trận Cô Tô hồi xưa đó. Nhưng hầu hết, ai cũng lơ mơ. Có phải vì thất trận nên người ta chẳng muốn nhắc lại nữa không ?
Nhưng luận anh hùng, đâu phân thành bại ?

Cô Tô trời biển mênh mông. Con người làm nên kỳ tích .
Nào là chuyện anh hùng nông nghiệp kiêm quốc hội viên Cháu Vò Mủn siêng năng, gương mẫu, cần cù và sáng tạo. Nào là Chủ nhiệm  đánh cá  Nồng Cẩm Thai thông minh, tài giỏi, năng nổ, cương nghị nên rất đỗi thành công. Hợp tác xã Nam Hải mà ông lãnh đạo là lá cờ đầu cuả nghành đánh bắt hải sản. tỉnh tôi hồi đó…
Những địa danh như Bắc Vàn Thầu , Cảu Thàu Mị, Cú Xú Chảy, Nàm Vàn, Bắc Vàn …Nghe cứ như địa danh  một ngoại quốc nào…
Lại có cả một lần, đảo Cô Tô được vinh dự đón Bác Hồ đến thăm nữa chứ. Thế có oách không?
Quê tôi mang tiếng nằm giữa thương cảng Vân Đồn lịch sử, nhưng chẳng có ông to, bà nhớn  tầm cỡ nào đến thăm viếng bao giờ. Bởi vậy, tôi khâm phục và càng mê đảo Cô Tô…
Tuy mê đảo Cô Tô, nhưng tôi chưa có dịp nào lên thăm đảo. Còn Phat thì cũng chẳng có dịp nào lên thăm đảo tôi, dù đã lái thuyền qua đảo Quang Lang rất nhiều lần.
Dẫu vậy, tôi và Phat vẫn hẹn hò, sẽ đi thăm gia đình và quê hương nhau khi có dịp.
Nhưng rồi hò hẹn, mãi mãi chỉ là trong hò hẹn.

Tôi còn nhớ,  giữa mùa xuân năm bảy tám. Hôm đó, thuyền tôi vừa buông neo được một lúc thì Phat chèo xuồng tới. Phat đã nhận ra thuyền tôi ngay từ đầu núi bên kia, lúc chúng tôi trở lái chạy vào bến đỗ.
Phát bước lên thuyền bắt tay tôi rất chặt với nụ cười rất tươi. Phat dục tôi  trục ang mắm tôm giữa lòng xuồng mà Phát vừa chở đến.
Tôi mừng rỡ gọi mấy người bạn thuyền giúp sức, kẻ trục, người giữ, hò hét rất vui.
Chả là, tháng trước, khi gặp nhau ở chợ biển Sầm Sơn, thấy tôi mua mấy cân mắm tôm mang ra quê, Phat ngạc nhiên:
-Quê lỵ. không có cái này sao ?
-Có, nhưng khó mua. Gia đình tôi lại không đi bắt được.
- Rồi...Ngộ mua cho lỵ.
- Tố chề.
Chuyện, tưởng quên đi, nhưng Phat đã mua cho tôi cả một ang mắm tôm loại tốt từ đảo Cô Tô và để sẵn trong thuyền.
Tôi biết, ngoài sự nhiệt tình cuả bạn, tiền mua ang mắm tôm này hơn cả tháng lương mà Phat được lĩnh. Tôi ngỏ lời muốn đưa lại Phat tiền.
Phat cười:
-Tiền lỵ, tiền ngộ không có khác. Ngộ mua piếu má…
.Mẹ tôi già, nhưng chưa lẫn, bà nói được khá nhiều tiếng Quảng Đông, Hắc Cá và  tiếng Hổi Nàm. Chả là khi còn trẻ, hồi Pháp thuộc, mẹ tôi hay đi buôn bán vớí người Hoa ở Ba Chẽ, Hà Cối, Móng Cái, Tiên Yên, đôi lúc sang tận Tống Hưng, Voòng Sềnh, Bắc Hổi bên Tàu
Mỗi lần tôi mang quà cuả Phat về biếu me, mẹ tôi rất cảm động và cũng mong một ngày  được gặp đứa con đồng niên chưa biết mặt.
Tôi thường  xin mẹ dạy thêm tiếng Quảng để nói chuyện với Phat được nhiều hơn. Bởi vậy sau mỗi lần về quê thăm mẹ, tôi cũng biết thêm đôi chút tiếng Hoa
Thỉnh thoảng mẹ tôi cũng mua cân xá sùng* hay cân chè Vân, bảo tôi gửi cho Phat. Nhận được quà cuả mẹ, Phat tỏ ra trân trọng và vui mừng lắm.
Tối đó, dưới ánh trăng lờ mờ, hai chúng tôi ngồi trên tài quầy* uống rượu quốc lủi với xá sùng rang. Khi đã ngà ngà say, Phát cho tôi biết chuyến này đã xin hợp tác xã cho nghỉ  vài tháng, để làm nhà:
-Ngộ phá nhà cũ …Thuê thợ, xây nhà mới to, đẹp hơn
Tôi ngạc nhiên :
-Tình hình sắp đánh nhau to. Nhiều người đã bỏ đi… Lỵ không thấy sao ?
- Người Cô Tô không đi . Người Cô Tô không bỏ Việt Nam ….
-Phải…Phải…
- Ăn tân gia, má và lỵ ra thăm nhé.
- Lỵ tân gia, nhất định má và ngộ đến.
Tôi đáp lời Phat và tự nhủ lòng : Nhất định lần này không lỗi hẹn

Rồi, tình hình Hoa,Việt  diễn biến mỗi ngày càng một xấu hơn. Tin tức về những vụ rải truyền đơn, bắt gián điệp qua đài, báo và qua vô tuyến truyền mồm, nửa thực, nửa hư, chỗ này, chỗ kia cứ rối tinh cả lên. Gây nhiều lo lắng, nghi kỵ và càng tạo thêm nhiều thù hận…
Thật, chẳng có tin tức tốt lành gì cho những người Việt gốc Hoa đang cố gắng sống hiền lành, nhẫn nhục và cam chịu, trớ trêu nằm giữa hai hoàn cảnh.
Tôi bỗng nhớ về Phat. Chẳng biết bây giờ bạn tôi ra sao ? Nhà xây nữa chăng, hay đã  bỏ đi rồi. ?
Đã có những lần chạy qua Hòn Gai, nơi bến thuyền bạn thường đỗ lại, tôi cố dõi mắt tìm, nhưng nào thấy bóng  dáng con thuyền quen thuộc cuả bạn tôi.
Mẹ tôi ở quê, cũng băn khoăn lo lắng không kém:
-Mày có tin gì về Phat ngoài Cô Tô không con ?
- Chẳng có tin gì đâu, mẹ ạ.
- Cơ giời!
Mẹ tôi cất tiếng than, rồi buồn bã cúi xuống, vừa giã trầu, vừa run run vuốt mái tóc đã trắng như tơ cước.

Bỗng, đầu muà thu năm ấy tôi nhận được tin qua một người cùng quê, có chị gái lấy chồng ở Cô Tô nhắn về:
-Phù Sình Phat dặn anh cố gắng ra chơi.  Anh ta sẽ cho tất cả những gì còn lại, vì  sắp sang Tàu.
  Nghe thế, tôi buồn thảm vô cùng.
Tôi mong gặp Phat biết bao. Nhưng Cô Tô lúc này đã là tuyến ngoài, nhạy cảm, được bảo vệ rất cẩn mật, dưới sự quản lý cuả đặc khu thuộc bộ quốc phòng. Bây giờ không có nhiệm vụ đặc biệt, chẳng ai được quyền ra đó.

Hơn một tháng sau, bỗng nhiên tôi được ban quản trị điều động, phân công ra đảo Cô Tô cùng với một số người khác để nhận bàn giao những con thuyền vận tải mà người Hoa bỏ lại.
  Chúng tôi tới đảo Cô Tô vào buổi trưa một ngày cuối thu, trời trong, nắng đẹp. Đoàn thuyền chúng tôi buông neo ở bãi Nàm Vàn, nơi có khu nhà lưu niệm Bác Hồ.
Phải nói, trời biển Cô Tô thật đẹp, thật hùng vĩ với những bãi cát vàng mịn màng trải dài dưới nắng, trông thật tuyệt vời. Nhưng, thời buổi  chiến tranh, đố ai còn dám vớ vẩn ngồi đó mà mơ mộng như những tao nhân, mặc khách .
Sau khi nhận bàn giao có tính chất tượng trưng qua một ông quản trị người Hoa, đã đứng tuổi. Ông ta vì chút tình còn ở lại bàn giao và sẽ là những người cuối cùng cuả đảo Cô Tô ra đi vào hôm sau đó
Tôi thấy mắt ông vương vất buồn, nhưng lời nói và cách cư xử rất tử tế và bặt thiệp. Tôi tặng ông chiếc mũ cối của tôi, vừa thuê thợ bọc lại trông như mới để làm kỷ niệm. Ông cảm ơn tôi với nụ cười buồn.
Tôi hỏi ông về Phù Sình Phat:
- Phat đi tháng trước. Nhà đã xây xong, khá đẹp, chưa kịp mừng tân gia.
Theo lời ông chỉ dẫn, tôi một mình tìm tới nhà Phat.
Nhà Phat  cách đó khá xa, nó nằm trên một quả đồi thấp, chung quanh trồng những cây ăn quả lưu niên. Ngôi nhà gồm năm gian, cao ráo, rộng rãi được xây toàn bằng đá sa thạch* trông bề thế, vững vàng, đắc địa và thoáng đãng vì cả ba mặt đều trông ra biển. Cái sân gạch khá rộng và có lối đi uốn lượn quanh co gồm nhiều  bậc đá dẫn xuống chân đồi.
Nhìn cơ ngơi, tôi biết bạn tôi gắn bó, yêu thương và trân quý mảnh đất này như máu thịt. Bạn tôi phấn đấu, dành dụm và đã đổ ra biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt để xây lên rồi đành đoạn dứt bỏ ra đi.
Tôi không dám mở cửa bước vào nhà. Phần vì sợ rủi ro, phần vì sợ mất đi không khí trang nghiêm sầu lắng và tính minh bạch cần thiết với chính quyền, nếu có những lời thị phi không đáng có….
Trước khi ra về, tôi cúi xuống nhặt hòn đá mài dao đã mòn vẹt vứt bên bể nước. Hòn đá này đã thấm bao nhiêu mồ hôi cuả bạn tôi, nó đã chứng kiến bao cuộc tang thương dâu bể một thời .
Tôi gạt nước mắt, tay cắp hòn đá mài, chân bước bơ vơ trở về thuyền. Lòng mang nặng triũ nỗi buồn đau.

Bao năm tháng qua đi, mẹ tôi đã mất. Ông lão hay kể về đội Ký Con và trận đánh Cô Tô thời xa lơ, xa lắc, cũng đã lià đời.
Mấy cụ già thường ca ngợi về Cô Tô người tốt cực kỳ, tiền rừng, bạc bể.... cũng đã trở thành người thiên cổ…
Còn tôi, đã hai lần vượt biên và trải qua bao nhiêu chìm nổi. Từ tù đày, lao dịch, ăn trộm, ăn xin, nhặt nhạnh từng đầu khoai, dải sắn. Nhục nhằn, bệ rạc trong các xóm làng, phố chợ, qua Việt Nam và đi dọc bờ biển Trung Hoa…
Dẫu vậy, lòng tôi vẫn luôn canh cánh nuôi hy vọng gặp được Phat trong một dịp kỳ ngộ nào, nếu ơn trên dun dủi và thương xót.

Khoảng mười năm năm sau, nhân một chuyến tôi đi thăm thành phố Bắc Hổi, với mấy người Hoa trong đoàn giáo dục tỉnh Quảng Tây.
Họ cho biết: Bắc Hổi có nhiều người Hoa Kiều đang sinh sống. Nhân đó, tôi nhờ họ tìm Phù Sình Phat, người đảo Cô Tô.
Biết đâu trời cho tôi lại gặp bạn tôi, đang định cư ở vùng này.
Ngay buổi tối hôm đó, có một ông già từng là người Cô Tô đến gặp tôi. Ông dáng người quắc thước, râu tóc bạc phơ và nói tiếng Kinh  vẫn còn khá tốt. Ông cho tôi biết:
- Phù Sình Phat đã chết rồi.
Phù Sình  Phat đã chết không lâu sau khi phải sang Tàu, trong môt tai nạn giao thông thảm khốc, cách Bắc Hổi hàng trăm cây số. Người ta đã chôn Phat đâu đó ở ven rừng cách đường lộ không xa, nơi có nông trường mà gia đình Phat được phân công, khi mới đến định cư.
Tôi hỏi điạ chỉ vợ con Phat, nhưng ông cho biết:
-  Sau cái chết của Phat, vợ con anh ta cũng ly tán, chẳng biết bây giờ đang phiêu bạt ở đâu…Chim trời, cá nước… Muốn tìm được cũng mất nhiều thời gian. Vì đó là những người nghèo, không danh phận. Họ lẫn vào cuộc đời này như những giọt nước tan vào trong biển cả mất rồi.
Giọng ông đều đều, buồn buồn và mệt mỏi, như một lời tự sự hay như một lời than thở cho những kiếp người trong mờ mờ nhân ảnh và mù mịt thế thái, thân tình.
Lòng tôi bỗng rưng rưng cảm xúc khi biết ông là người trí thức sinh ra và lớn lên trên đảo Cô Tô và đã từng giữ những chức vụ quan trọng trên quần đảo ấy. Ông rất thương nhớ  Cô Tô và Việt Nam.
Từ biết bao đời, cha ông ông, họ hàng ông đã sinh ra, lớn lên và chết đi ở đó. Ở đó vẫn còn ẩn chứa bao nhiêu mồ mả, máu thịt, tim óc cuả chính ông. Nhưng hoàn cảnh thời cuộc thật trớ trêu, ông dứt  bỏ nó ra đi như dứt bỏ một phần đời.
  Ông đã đau đớn, thấm đẫm bao nhiêu biến cố, trải nghiệm nhiều nỗi vinh, nhục xót xa…
Tiễn ông ra về, tôi đứng dậy, kính cẩn cúi đầu, đưa bằng hai tay tặng ông vài trăm đô Canada trong chiếc phong bì nhỏ, gọi là chút quà hạnh ngộ.
Nhưng ông dứt khoát từ chối, dù tôi và các bạn cùng đi trong đoàn đã nằn nỉ hết lời.

Hôm nay, lại ngày rằm tháng bảy. Cách đúng ba mươi mốt năm, sau cái ngày chúng ta gặp nhau và nhận nhau là lậu thùng,  trong chiếc xông nhần, trên bến Hòn Gai.
Phat ơi, tôi thắp nén hương này.
- Hồn bạn ở đâu ?
Chao ôi!
- Những người muôn năm cũ.
Hồn ở đâu, bây giờ?
 
   Vancouver  mùa thu  2006
 
Ghi chú: *Xông nhần- Con đò  ( tiếng Tàu)
              * Lậu thùng – Cùng tuổi
             * Cà gim, ốc cảng- Con nhím biển và con bào ngư.( Tiếng địa phương)
              * Xá sùng- Một loại giun biển, sống sâu dưới cát mặn.
            * Tài quầy- Vùng trước cột buồm lớn và khoang thuyền
 
 
 
 
NET CHU THAY CHU
 
 
The la thay da chet.
Thầy giáo hiền lành, khiêm nhuờng, ưu tú và khốn khổ cùa quê hương tôi đã chết.
Những giai thoại về thầy dù thiện ý hay ác ý rồi cũng sẽ chết.
Nấm mộ thầy đây - Một nấm đất nhỏ nhoi khuất chìm trong cỏ dại. Bia mộ đơn sơ bằng hai mảnh xi măng ghép lại, đổ nghiêng. Giòng chữ viết vội bằng sơn nguệch ngoạc, nét mất, nét còn: 
- Vũ Văn Chu mất ngày….
Tôi bồi hồi đưa chân lách đám xương rồng rồi lặng lẽ qùy xuống :
  - Lạy thầy…                               
  Hơn bốn mươi năm truớc, khắp vùng vịnh rộng mênh mông gồm những quần đảo nhỏ rải rác các làng chài, xóm bến, nửa du canh, du cư, chẳng tìm thấy đâu một truờng học, mái đinh. Chỉ có làng tôi đuợc tiếng là trù phú và văn hiến. Giữa làng có ngôi đinh cổ kính, rộng rãi, uy nghi với những hàng cột lớn bằng mấy nguời ôm. Nơi đây trong ngày hội, những ông hương, ông lý cùng ban tư văn xã mũ mão, cân đai, mở cờ, gióng trống đi ruớc thần làng.
Lũ trẻ chúng tôi đầu trần, chân đất, nô nức chạy theo và trố mắt nhìn xem những nghi lễ trang nghiêm, huyền bí. Những tiếng xuớng âm xen lẫn tiếng trống, chiêng nghe dõng dạc, oai hùng.
Cách ngôi đinh không xa, làng tôi còn có ngôi chùa trăm năm rêu phủ, tuợng phật trầm tư với gác chuông ba tầng cao lừng lững nghoảnh mặt về huớng nam, đón gió.
Mỗi buổi sớm tiếng chuông chùa ngân vang cả một vùng sóng nuớc. Tiếng kinh cầu nhân ái, lắng đọng sâu xa của các bà đi lễ hội chùa, như lời nhắn nhủ yêu thương, an ủi mọi kiếp nguời.
Nằm sát phía tây đinh làng, bên cạnh cây phi lao cổ thụ và một hàng phuợng vĩ là một ngôi truờng nhỏ, thấp bé, cũ kỹ quay mặt về huớng đông. Nơi đây từ bao đời, những lớp trẻ trong làng đã khởi đầu bằng tiếng đánh vần ê, a theo nhịp thuớc.
Thầy giáo Chu đứng bên cạnh bảng đen nắn nót viết bài. Chữ của thầy rõ ràng, đẹp đẽ như bức họa, nét đậm, nét nhạt rất tài tình. Thầy đi từng bàn, nhìn từng em học sinh tập viết : 
 
      “….Kìa Trưng nữ ra tay buồm lái,
       Phận liễu bồ xoay với cuồng phong.
             Giết giặc nuớc, trả thù chồng,
        Nghìn thu tiếng nữ anh hùng còn ghi.

               Kìa Hưng Đạo gặp khi quốc biến,
       Vì giống nòi quyết chiến bao phen.
                Sông Bạch Đằng phá quân Nguyên, 
          Gươm reo chính khí, nuớc rền dư uy…”
 
Thầy ngừng lại, giảng bài. Tiếng thầy dịu dàng, ấm áp, từng câu, từng chữ như thấm vào lòng. Chúng tôi bập bõm đọc theo nhịp thuớc.
 
Thầy Chu là nguời làng tôi đã có thời theo Việt Minh kháng chiến. Nuớc da thầy xanh tái, lông mày rậm với đôi mắt màu nâu nhạt. Nguời thầy cao gầy, mảnh khảnh, nhưng dáng đi khoan thai, đỉnh đạc. Gương mặt thầy cân đối, giọng nói dịu dàng, truyền cảm có sức cuốn hút đam mê.
Nghe đâu thầy là cháu đích tôn của giòng họ Vũ - Một giòng họ “danh gia, vọng tộc” trên đất đảo.
Cụ nội của thầy đã từng làm quan huyện trấn ngự một vùng gồm những quần đảo xa xôi, phía đông bắc vịnh Hạ Long. Ông cha thầy tuy đã chết từ lâu, nhưng lúc sinh thời cũng từng làm bang tá và chánh tổng. Chính vì cái lý lịch chẳng hay ho gì ấy, nên sau chín năm gian lao kháng chiến trở về quê; Thầy chỉ đuợc uỷ ban xã giao cho làm chức giáo làng, dạy bọn con nít chúng tôi với số lương tuợng trưng, ít ỏi.
Dẫu vậy, thầy chăm chỉ lắm, mà lũ học trò chúng tôi cũng suớng mê nguời.
Đã qua rồi cái thời bị xách tai, kéo má, hoặc qùy gối, khom lung trên những vỏ hến, vỏ sò. Những lúc không thuộc bài, phải đứng khoanh tay truớc cửa ra vào để nhận những cái tát tê nguời của bạn bè cùng lớp.  Những ngọn roi tre vun vút muốn bật máu tươi. Những lúc luồn trôn bọn nữ sinh khốn kiếp. Nhất là những cái tát nảy đom đóm mắt cuả những ông thầy giáo cũ - Những ông thầy “ Hay chữ- Dữ đòn” hoặc “ Vô ác- Bất nghiêm”
Buổi học đầu tiên, thầy Chu bảo chúng tôi xếp thành ba hàng thẳng. Mỗi hàng bầu ra tổ truởng, tổ phó. Ngoài lớp truởng và hai lớp phó, thầy Chu còn đặt ra các ban trật tự, ban học tập, ban vệ sinh và ban thi đua công tác…Ban nào cũng có một truởng, hai phó để giúp đỡ nhau học tập.
Cuộc nhận chức xem chừng sôi nổi và vui vẻ lắm. Lớp tôi có tất cả hai mươi bốn đứa. Đứa nào cũng thành “cán bộ lớp”. Có chức. Có quyền.
Phần tôi,” con nhà giai cấp bóc lột”, thuở ấy bị bạn bè ghẻ lạnh cũng đuợc chức phó ban vệ sinh của lớp. Nhận cái chức vụ đầu tiên trong đời ngày ấy cũng làm tôi hồ hởi lắm, vì thấy mình không bị lẻ loi. Dẫu chức phó ban vệ sinh là đuợc quyền quyét truờng, lau bảng thay những nguời đến phiên trực nhật bị ốm đau hay đi trễ.
Tuy vậy, nhiệm vụ cuả tôi cũng to lớn lắm.
Này nhé: Nếu không giữ vệ sinh tốt thì lớp học sẽ bẩn thỉu, sinh ra vi trùng gây bệnh. Vi trùng gây bệnh làm học sinh ốm yếu, không đến truờng học đuợc và sẽ bị ngu dốt, ảnh huởng đến tương lai đất nuớc
Không chỉ ban vệ sinh chúng tôi mà các ban khác hết thảy đều có những nhiệm vụ không kém phần quan trọng.
Thầy Chu dạy :
- Này nhé, ban trật tự làm việc không tốt thì lớp học sẽ ồn ào không nghe đuợc thầy giáo giảng. Không nghe đuợc thầy giảng thì không hiểu bài và làm bài không tốt. Cả nuớc sẽ ảnh huởng không tốt, nếu chúng ta ngu dốt. Bác Hồ đã dạy rằng :
- Non sông Việt Nam có trở lên tươi đẹp hay không ? Dân tộc Việt Nam có đuợc vẻ vang sánh vai với các nuớc cuờng quốc, năm châu đuợc hay không ? Chính một phần lớn nhờ công lao học tập của các cháu…

Thầy Chu đứng nghiêm trang giảng giải cho lũ học sinh chúng tôi biết phương pháp học tập và rèn luyện đạo đức. Sau đó, thầy huớng dẫn chúng tôi hát bài chào cờ truớc khi vào lớp học :
- “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc, buớc chân dồn vang trên đuờng gập ghềnh xa….”
Tôi đứng thẳng, mắt nhìn lá cờ bay phất phới. Lòng miên man nghĩ tới một con đuờng gập ghềnh, xa tắp…Thầy Chu dẫn chúng tôi đi buớc thấp, buớc cao trên những chặng đuờng dài.
Thầy luôn động viên khuyến khích hoặc an ủi lúc chúng tôi bi quan, sa ngã. Thầy dạy chúng tôi nhiều bài hát mang ý chí mạnh mẽ, mà tôi vẫn nhớ tới bây giờ :
-“ Trên đuờng ta đi qua bao chông gai. Qua suối mây rừng vuợt đèo, trèo ngàn. Tay cầm tay nhau, ta quên gian nan. Ôi đời tươi sáng…”
Với cái bằng trung học đệ nhất cấp; Với kinh nghiệm kháng chiến chín năm; Với suy tư và lòng trắc ẩn lúc bấy giờ mà thầy thu luợm…Thầy đã truyền thụ lại cho bọn học sinh chúng tôi bằng tất cả tấm lòng.
Thầy dặn chúng tôi làm việc gì cũng phải có kỷ luật, cẩn thận, suy xét và cố gắng. Đầu tóc, quần áo phải sạch sẽ, gọn gàng. Vở học phải bọc và giữ gìn ngay ngắn. Nhất là chữ viết. Nét chữ luôn thể hiện tính cách con nguời, nó còn nói lên sự tôn trọng những nguời đọc nó. Bởi vậy, chữ viết phải luôn đều đặn, rõ ràng và sạch sẽ. Đừng quen thói viết vội, bỏ nét hoặc để mực bôi bẩn vào sách vở.
Thầy dạy chúng tôi biết yêu thương, tin tuởng. Biết lễ phép, kính trọng và giúp đỡ nguời già cả  An ủi kẻ đau yếu, tật nguyền. Nhuờng cơm, xẻ áo cho nguời nghèo khó khi gặp buớc không may. Hãy có tinh thần thi đua học tập, tương trợ, giúp đỡ nhau, dũng cảm vươn lên truớc khó khăn, gian khổ.
Thầy thường kể cho chúng tôi nghe chuyện cổ tích xa xưa : Những con sếu, con cò chăm chỉ giúp đỡ nhau học tập. Những con sói, con beo tàn ác, bị lũ thỏ, lũ dê đoàn kết, giết chết. Câu chuyện nào cũng mang hàm ý khích lệ, khuyên răn, làm chúng tôi thích thú vô cùng.
Thuở đó, sau hoà bình* Những cung cách dạy học như vậy, thật là mới mẻ. Chúng tôi vui suớng, tự tin nhìn vào chân trời hạnh phúc qua lời hát của thầy :
- ” Tôi mơ thấy ngày mai tươi sáng huy hoàng.
Tôi mơ thấy cuộc đời mai đẹp lắm thay.
Tôi mơ thấy đàn bồ câu trắng tung bay….”

Mỗi tuần thầy lại cho chúng tôi kiểm điểm, bình bầu…Ai có ưu điểm nhất, sau những đợt thi đua sẽ đuợc thầy khen thuởng.
Phần thuởng thật giản dị, nhưng lễ trao thuởng lại long trọng vô cùng. Cả lớp đứng nghiêm trang hát bài quốc ca, rồi đồng ca hành khúc:
-” Học sinh! Học sinh Việt Nam tiến lên. Đoàn ta đi đắp xây tương lai…."
Thầy Chu trịnh trọng buớc lên diễn đàn là bậc đá sân truờng đã nhiều năm vẹt mòn, chỗ lồi, chỗ lõm. Thầy đưa tay chào chúng tôi một cách nghiêm trang. Thầy nói về gương học tập và phấn đấu dũng cảm của các anh hùng. Thầy động viên thành tích của những cá nhân xuất sắc, đã nêu gương sáng cho mọi nguời trong lớp. Thầy bảo chúng tôi vỗ tay thật to để chào mừng những nguời lập đuợc thành tích và đã đuợc những phần thuởng danh dự xứng đáng - Đấy là những bức ảnh của các anh hùng đuợc cắt ra từ mặt báo, dán khéo léo trên tờ giấy xanh đỏ, có giòng chữ đề tặng nắn nót của thầy.
Hồi đó, sách báo về làng tôi hiếm lắm. Những phần thuởng như thế thuờng gây xúc động lớn lao cho cả lớp.  Có một lần tôi đạt thành tích giữ vệ sinh, nên đuợc phần thuởng là tấm chân dung cụ Hoàng Hanh, anh hùng nông nghiệp. Tôi mừng lắm, mang về nhà khoe mẹ và treo lên tuờng đến cả năm sau.
Thấm thoắt đã bốn tháng học thầy, lớp chúng tôi tiến bộ nhanh lắm. Khí thế thi đua học tập, lao động và giữ gìn kỷ luật đã đuợc nâng cao. Cả lớp ai cũng viết chữ đẹp đẽ, ngay ngắn, ít mắc lỗi chính tả, làm toán và đọc cửu chương thông thạo. Những nguời yếu kém thày không đánh mắng, mà chỉ phê bình, giúp đỡ.
Trong lớp không còn tệ nạn đấm đá nhau. Ai cũng ăn nói lễ phép, biết chào hỏi, biết tương thân, tương ái và thi đua học tập. Nhất là cả lớp tôi, ai cũng lấy lại đuợc niềm tin của mình vào một tương lai tươi sáng.
Bọn học sinh chúng tôi qúy mến và gắn bó với thầy. Mỗi lời nói và cử chỉ của thầy đều là hình tuợng gương mẫu để chúng tôi hãnh diện noi theo. Ngay cả các bậc phụ huynh cũng vui mừng và tin tuởng ở thầy, vì thấy con mình chăm ngoan, tiến bộ.
  Một ngày đầu xuân. Bầu trời ảm đạm. Gió đông bắc tràn về mang theo cái rét tái tê. Cả lớp tôi đang sinh hoạt tự quản truớc giờ vào lớp thì thầy Chu và một nguời thanh niên lạ  đi tới. Nguời thanh niên có dáng dấp cán bộ thấp béo, vẻ mặt lanh lợi, thông minh, nhưng lãnh đạm. Đầu đội mũ lá, chân đi giày bát kết. Mình mặc áo đại cán xanh với chiếc khăn phu la choàng cổ mầu mận chín. Sau khi cả lớp đã đứng dậy chào thầy theo tiếng hô dõng dạc của thằng Lan - lớp truởng. Thầy Chu đứng lên bục giảng dịu dàng bảo chúng tôi ngồi xuống, rôi trịnh trọng giới thiệu nguời mới tới :
- “ Thầy Lê Bá Chương là giáo viên của nhà nuớc đuợc ty giáo dục cử về tiếp thu lớp học. Từ hôm nay thầy Chương sẽ dạy các em. Thầy thành thật mừng cho các em có thầy giáo mới và đuợc học chương trình mới. Chúc các em đạt nhiều kết quả. “
Thế rồi, thầy xách túi và lặng lẽ ra đi.
Chúng tôi bồi hồi nhìn theo bóng thầy khuất dần sau rặng tre gai đầu bến…
 
Tôi còn có dịp gặp lại thầy Chu thời gian sau đó. Vẫn dáng đi đĩnh đạc, khoan thai; Vẫn gương mặt hiền lành, khả ái, nụ cuời luôn nở trên môi, thầy hỏi thăm tôi về tình hình học tập và luôn có lời khuyên cố gắng. Còn thầy, giờ đây đuợc ủy ban xã cho dạy lớp vỡ lòng ở phiá sau đinh.
Xưa kia, đó là chỗ nghỉ ngơi cho những phu đòn hoặc các cha bòi, bố đĩ, truớc khi làm tạp dịch. Lớp học tuy đơn sơ, thiếu thốn, nhưng năm nào thầy Chu cũng là một giáo viên dạy giỏi, vì học sinh của thầy luôn ngoan ngoãn và học tập đạt kết quả cao.

Nhiều năm sau đó, thỉnh thoảng về làng tôi có dịp hỏi thăm, thì đuợc biết thầy vẫn dạy vỡ lòng, nhưng đã đuợc huởng lương biên chế. Vì là giáo viên dạy giỏi và hàng ngày phải đi dạy ở những vùng xa. Thầy lại còn nhận dạy miễn phí những lớp ban đêm hoặc cuối tuần cho đám dân nghèo mù chữ. Bởi những thành tích ấy, thầy đuợc ty giáo dục thuởng cho một chiếc xe đạp. Thầy đã tặng món quà qúy ấy cho ủy ban xã bán lấy tiền gây qũy giúp đỡ các em học sinh ngheò.
Nghiã khí của thầy làm nhiều nguời cảm động. Nó cũng hợp với tính cách của thầy.
Thời đó, chiếc xe đạp là niềm mơ uớc lớn lao; là tài sản quá tầm tay của những nguời dân làm ruộng, đánh cá và những công chức nhỏ.
Tôi biết, gia đình thầy nghèo lắm. Thầy còn một bà nội già và một nguời mẹ kế. Cả hai đều góa bụa từ lâu, hiện đã già yếu mà thầy phải có trách nhiệm chăm nuôi. Vợ thầy tính khí dữ dằn, vả lại đông con, nên gia đinh thuờng có nhiều bi kịch.
Thầy Chu im lặng chịu đựng.
Lương giáo viên, nhất là giáo viên vỡ lòng chỉ đủ mua vài chục cân gạo” tem phiếu tiêu chuẩn” lại không có thời gian làm nghề phụ nào khác, nên thầy Chu sống lay lắt như một chiếc bóng, ngày một già đi và tiều tụy hơn. Đôi mắt thâm quầng, trũng sâu hơn, nuớc da thầy càng nhợt nhạt hơn. Tuy quần áo của thầy lúc nào cũng sạch sẽ, gọn gàng, nhưng nay đã sờn rách và càng ngày càng nhiều chỗ vá. Dẫu vậy, truớc mặt mọi nguời, nhất là truớc mặt học trò, thầy vẫn nghiêm trang , đĩnh đạc, giữ gìn phong cách” Đói cho sạch - Rách cho thơm” 
 
Rồi, bẵng đi nhiều năm nữa, tôi bỗng đuợc nghe những giai thoại về thầy :
- Nào là thầy đi bộ hàng trăm cây số tới những thị tứ xa xôi để bán lạc rang, hoặc xin ăn trên hè phố. Mỗi khi thoáng thấy bóng nguời quen, thầy vội vàng cúi mặt lủi nhanh vào ngõ vắng. Trong những ngày mùa, thầy mặc quần áo rách, đội nón mê che mặt, tới những làng xóm heo hút để mót lúa, mót khoai. Thỉnh thoảng, lại có nguời nhìn thấy thầy luợn lờ quanh thùng rác. Khi không thấy ai nhìn, thầy vội vã cúi xuống, nhặt những mẩu sắn, mẩu khoai... dúi nhanh vào túi xách….Nào là vợ con thầy đã tống khứ thầy ra khỏi nhà, vì mắc bệnh ho lao…
Sau khi nghỉ hưu và bị vợ con hắt hủi, thầy ra đầu bãi dựng chòi để sống.
Cái chòi nhỏ bé, xơ xác, chênh vênh trên một vùng hoang vắng ở góc rừng. Mái chòi lợp bằng những tấm tranh nứa đan xệch xạc. Cột dựng bằng hai hàng que buộc chéo lại với nhau. Không vách. Không tuờng. Không giuờng. Không chiếu…Chỉ  có một ổ rơm để gọn ghẽ giữa chòi…
Những giai thoại về thầy vừa nhỏ nhặt, hèn kém, lại vừa cay đắng bi ai. Nhưng giọng nguời kể cho tôi nghe lại có vẻ châm biếm, diễu cợt, mang hàm ý chê bai và hài lòng đến tàn ác.
Tôi vừa đau xót, vừa ngạc nhiên vì biết rằng , nguời kể có họ hàng và đã có thời từng là học sinh ruột của thầy.
Nhưng sự việc lại chẳng dừng chỗ đó. Làng tôi vốn cách xa thị tứ, lại sống bình lặng đã quen. Những chuyện động trời như thế thường là đầu đề cho những câu đàm tiếu của lắm kẻ vô tâm lúc thư nhàn. Nhất là thầy Chu; Dẫu chẳng gì cũng là một giáo chức. Ông cha thầy đã một thuở vàng son, sở hữu những dinh cơ đồ sộ với đồng đất bạt ngàn.
Bởi vậy, giai thoại về thầy cứ đuợc thêm thắt mãi. Lâu dần, chuyện thầy Chu đã đi vào” lịch sử và ngôn ngữ “ vùng tôi. Những khi gặp nhau, họ thuờng lấy thầy Chu làm đầu câu chuyện để mà cuời cợt.
Lâu dần, những câu thành ngữ như : Tính nết thầy Chu; Dáng dấp thầy Chu;  Nhà cửa thầy Chu; Quần áo thầy Chu…Đuợc kể như một cái gì khốn khổ, thấp hèn hoặc ngớ ngẩn, tội nghiệp nhất, trong muời hai con giáp….
Tôi chợt thấy buồn.
Buồn như chính tôi là kẻ đồng minh khốn nạn. Nhưng,  tôi biết chắc chắn một điều:
- Nét chữ thầy Chu không hèn hạ bao giờ !
Hãy nhìn xem sau hơn ba mươi năm dạy học, bao nhiêu nguời đã đuợc thầy Chu cầm tay dạy viết những nét chữ đầu đời ?
Bao nhiêu người đã đuợc thầy kể cho nghe chuyện cổ tích xa xưa, các anh hùng trong truyền thuyết đã đi vào tính cách và đời sống của mình?
Còn nét chữ thầy Chu vẫn hàng ngày chạy trên trang sách. Cha dạy cho con. Anh cầm tay em, nắn nót…Ai cũng dễ dàng nhận ra nhau qua nét chữ thầy Chu:
- Nét chữ chân phương, ngay ngắn và chững chạc như tính cách của thầy.
Thầy luôn yêu thương và tin tuởng. Mặc dầu, sự yêu thương và tin tuởng đến ngây thơ cho một xã hội ngày mai nhân ái, công bằng.
Thầy vẫn nhẫn nhục chịu đựng những lời bêu rếu của nguời đời. Của vợ con và đôi khi …cả của lũ học trò cũ.
  Biết làm sao đuợc khi trời đã định cho thầy một số kiếp nghèo hèn, giưã thời buổi nhiễu nhương, đen bạc. Với đồng lương hưu chết đói; Với tuổi già ngày một đau yếu, bệnh tật hơn, thầy sống lặng lẽ như chiếc bóng mờ mờ, để rồi tan đi theo năm tháng.
Thói đời, những người khi đã thành công, đôi lúc muốn khoe chữ nghĩa, thường nhắc về những ông thầy và những người bạn học tiếng tăm lừng lẫy, có tầm cỡ quốc tế, quốc gia. Hoặc ít hơn, cũng nổi tiếng ở các thành, các tỉnh, các truờng đại học hay trung học…
Đã mấy ai nhắc đến tên những người thầy giáo vỡ lòng và những người bạn vô danh ? Nhất là những thầy bạn ấy đói rách, ốm o, tật nguyền, khổ ải.
Cũng đã mấy ai theo đòi lễ nghiã, trân trọng những lời dạy dỗ của các bậc thánh hiền “ Nhất tự vi sư- Bán tự vi sư” hay “ Nhất sư-Nhì phụ“
 
Tôi đuợc biết thầy đã chết trong túp lều rách nát ở tận góc rừng hoang vắng vào một đêm đông lạnh lẽo.  Không vợ con. Không họ hàng thân thích. Không cả những người học trò mà một thuở tin yêu. Trong số đó, nhiều nguời đã thành danh. Nhiều nguời là tiến sỹ, kỹ sư, bác sỹ, công chức và giáo chức…Có bao giờ ai tự hỏi:
  -Trong tất cả những thành công đó, có chút gì của thầy Chu truyền lại hay không ?

  Tôi lặng lẽ đốt hương lên nấm mộ, rồi đưa dao gạt những nhánh xương rồng mọc quanh tấm bia đổ. Từ những nhánh xương rồng gãy xuống, đứt lìà.  Những dòng nhựa ứa ra, chậm chạp rơi xuống đất như những giọt nuớc mắt bi thương .Giọt nước mắt muộn màng của nguời học trò xa xứ cũ…
Thầy ơi !
Trong thế giới điên loạn này, những văn minh vật chất như cơn hồng thủy ngày nào thầy kể, đã muốn nhận chìm tất cả.... Lương tâm. Đạo đức. Hy vọng ở đời.
Chỉ có thầy vẫn sắt son, chung thủy.Vẫn tin vào một ngày mai tươi sáng đẹp đẽ hơn, cho đến lúc lìa đời.
Không than van. Không một lời oán trách. Không cả những lời trăng trối sau cùng.
  Trời không gió. Khói hương theo hàng thẳng bốc lên cao rồi tan đi, như chưa từng tồn tại bao giờ.
  Thời gian tôi học thầy bốn tháng.
Bốn tháng đã để lại trong tôi những ký ức đẹp đẽ biết bao.
Bốn tháng thật ngắn ngủi so với đời nguời, nhưng rất dài cho một kỷ niệm…
Thầy ơi !
 
 
 
CỐ HƯƠNG

( Cử đầu khán minh nguyệt.
Đê đầu tư cố hương.)
                   ( Lý Bạch)
 
- Chú ơi. Em cháu chết rồi !
Tiếng gọi run run, buồn buồn quện vào nước mắt qua điện thoại viễn liên giữa trời mưa gió, như tiếng nấc, nghẹn ngào:
- Chú ơi, em cháu chết rồi. Ở quê nhà, vừa đưa nó hôm qua....
Tôi đứng lặng. Hai chân buốt nhói. Bàn tay cầm điện thoại chợt như mỏi rã rời. Tôi run run tưạ lưng vào khung cửa.
Có cái gì như một lưỡi dao cứa mạnh vào thân thể, đau đớn đến tê mê. Tai tôi ù lên những âm thanh hỗn độn.
Tôi hình dung thấy anh chị tôi gìa yếu, gầy guộc, đang ôm lấy chiếc quan tài của đưá con yêu dấu, vật vã khóc trong tiếng trống thập thùng.Trong tiếng kèn đám ma ảo não. Giữa một ngày thu ảm đạm.
Thế là lại một đưá cháu nữa qua đời. Lại một giòng máu nữa trong tôi, đã chết. Lai một hy vọng mong manh vào tương lai hiu hắt nữa, lụi tàn...
Biết nói gì khi lần thứ năm trong mấy tháng qua, tôi nhận được tin những đứa cháu gần, xa, còn rất trẻ, rất yêu đời trên quê hương tôi, đã giã từ cuộc sống ?
- Các cháu ơi ! Xin vĩnh biệt. Cũng xin tha thứ cho sự vô trách nhiệm, của các bậc cha, chú, hôm nay.
Làng tôi nghèo. Cái nghèo như định mệnh từ thuở xa xưa. Khoảng năm chục năm trước, cả làng tôi chỉ có vài ngôi nhà xây bằng đá và lợp ngói tàu. Đó là nhà của những người giàu có, khả dĩ trong làng. Còn lại, toàn là nhà tranh, vách nưá, núp mình dưới những vườn ổi, vườn na.
Cả làng không một cái mả xây. Loi thoi, lóp thóp dưới những bụi, bụi cỏ cây hay những bụi gai tiên, xương rồng, là những nấm mộ nhỏ nhoi vun bằng cát trắng. Bên cạnh đó có những con đường cát ngoằn ngoèo cháy bỏng trong oi ả trưa hè. In dấu chân  bao đời cuả những người dân đảo hiền lành, lam lũ. Những người dân chất phác, thật thà vừa làm ruộng, đánh cá vừa chung tay xây dựng những đình chùa, miếu mạo, tạo nên nét văn hoá đặc thù, giữa mảnh đất tiên tiêu.
Vì xa đất liền, nên vùng tôi cá tôm, cua, ốc nhiều vô kể. Nhưng dân đảo đã có thói quen tự cung, tự cấp, nên chẳng có chợ búa gì. Mà cũng chẳng biết bán cho ai ? Muốn mang vào đất liền thì xa  xôi diệu vợi.
Hồi đó, phương tiện giao thông là những chiếc thuyền buồm với những  mái chèo, mái lụ. Việc đi lại khó khăn vì phải phụ thuộc vào thời tiết và con nước thủy triều. Hoặc thảng, năm bữa, nửa tháng dân đảo mới có dịp vào đất liền để mua bán, đổi chác những thứ sinh hoạt hàng ngày. Nhiều người, nhất là phái nữ, từ lúc sinh ra đến khi nhắm mắt cũng chưa một lần rời đảo.
Bởi vậy, sản vật đầy biển, đầy đồng. Rừng núi bạt ngàn gỗ quý.
Người dân đảo sống hoà nhập với thiên nhiên trong gió biển, mưa rừng.
Trong cảnh mênh mông trời đất ấy, lũ trẻ nhỏ chúng tôi lớn lên khoẻ mạnh, vui tươi.  Người dân đảo ví như những chàng thuỷ thuỷ, nước da xạm nắng trời, gió biển. Mạnh mẽ và dũng cảm, hào phóng và khoáng đạt. Họ hòa tâm hồn vào biển, núi, trời mây, mênh mông, ngút ngát ….
Tuy nghèo nàn, lạc hậu, cách biệt với thế giới văn minh phường phố. Nhưng, dân đảo tôi sống thanh bình, an lạc. Họ thương yêu nhau, cụm vào nhau trong cơn sóng gió, hay mỗi khi ốm đau, họan nạn.
Cả làng, ai cũng có dây mơ, rễ má với nhau, nên cái quy ước  tôn ty, trật tự trong làng, trong xã đã ăn sâu vào ý thức mọi người dân tự bao đời.
Họ sống với nhau như bát nước đầy. Ai cũng khoan dung, thật thà, nhân hậu.
Trẻ con lễ phép, vâng lời. Người lớn dù có học hay ít học, dù giầu, dù nghèo, đều khuyên bảo nhau giữ lấy nếp nhà. Khuyên nhau giữ thủy chung, nhân nghiã.
Dân làng tôi luôn hãnh diện về truyền thống ông cha. Về thương cảng Vân Đồn  lịch sử với trận thủy chiến Vân Đồn, đánh quân Nguyên xơ xác.
Miếu thờ ghi mãi chiến công, bốn mùa nghi nghút khói hương.
Hồi đó, làng tôi gần như không có trộm cắp. Ai cũng coi gian dối là cái nhục cho cả gia đình, làng mạc.  Coi  bất nhân, bất tín, bất nghiã là một thứ ma qủy gớm ghếc, cần phải lánh xa.
Bởi vậy,  dân làng tôi ngày cũng như đêm, dẫu vắng nhà cũng không ai khoá cửa. Khoai luá ngoài nương rẫy, thu gặt xong họ quây chòi để ngay tại đó. Họ chỉ sợ mưa gió hay chuột bọ làm hư hại. Chẳng ai sợ người làng trộm cắp của nhau. Dẫu rằng cả làng cũng hai bữa cơm độn sắn, độn khoai, tần tảo tháng ngày.
Thế nhưng từ ngày hoà bình, cải cách; Nhất là hơn chục năm đổi mới lại đây. Sản vật trong vùng đội nón mà đi hết.
Trước tiên, những khu rừng gỗ qúy được khai thác triệt để bán sang Tàu. Phương tiện đi lại bây giờ là máy móc, nhanh chóng, cơ động gấp bội  ngày xưa. Nên tốc độ tàn phá thật kinh hoàng.
Chỉ mấy năm đổi mới, những khu rừng sến, rừng lim…Chỉ thấy một màu lau lách. Những đàn khỉ hàng trăm con nhảy nhót truyền cành. Những đàn hươu nai, chim chóc đông đúc thuở nào…Đã biến đi như một phép lạ trên đời.
Sản vật biển cũng suy tàn nhanh chóng. Những con tàu cao tốc gắn hai, ba máy, thu mua hải sản bán sang Bắc Hải, bên Tàu, chỉ một sớm, một chiều.
Những đoàn thuyền đánh cá của người Việt, người Hoa đông đúc, trang bị lưới vét, đèn chùm, ngày đêm tận tình khai thác….Có những con tàu con mang theo bình kích điện hay thuốc nổ để đánh bắt nhanh hơn, nhiều hơn….
Chẳng bao lâu, rừng vàng bể bạc quê tôi trở thành cạn kiệt.
Cạn kiệt từ cây tre, cây nứa, đến con ốc, con nghêu.
Còn nhớ lần về thăm quê, trên chuyến tàu đêm chở khách. Tôi vừa bồi hồi  nghe sóng vỗ mạn thuyền, vừa bâng khuâng nhớ những kỷ niệm ngày xưa.
Đây là quê hương tôi…..Quê hương tôi, với những đồi cát vàng trải dài ven biển. Những rừng phi lao vi vút gió, như khúc nhạc tâm tình. Ngày xưa, trong những dịp ôn thi, tôi và các bạn trong nhóm thường rủ nhau ra bãi biển. Chúng tôi vừa đọc sách, vừa hát những bài ca cách mạng. Những bài hát âm vang, sôi động. Đầy niềm tin, hy vọng cho lớp trẻ lên đường…
Bỗng trong bóng đêm, tôi nhìn thấy hàng trăm ánh đuốc chập chờn mờ ảo bên bờ đá.
Ngạc nhiên, tôi hỏi người thuyền trưởng. Ông ta cho biết, người ta soi đuốc, bắt cá giống bán sang Tàu.
Ông còn cho biết, những con ốc, con nghêu còn nhỏ, cũng được chở sang Tàu. Bán cho các vựa nuôi ngoài bãi biển.
Tôi ngạc nhiên:
-Thế  ngày mai họ sẽ sống ra sao? Nếu hôm nay cứ bán đi những thứ chưa kịp lớn ?
Người thuyền trưởng nhìn tôi như người đến từ hành tinh xa lạ khác, rồi cất giọng buồn buồn:
-Ho không biết sống ra sao ngày mai. Nhưng họ biết phải sống hôm nay.
- Phải sống hôm nay !
Tôi vô tình nhắc lại với giọng buồn hơn.
Vâng ! Cái hôm nay đang có thật nhiều biến đổi.
Trên thế giới, khối cộng sản Đông Âu tan rã. Liên Xô, thành trì cách mạng, chỗ dựa cho niềm tin, hy vọng đang lung lay. Có nguy cơ đổ sụp.
Trong hoang mang giao động. Người ta đã làm tất cả những gì, để tự cứu mình.
- Đổi mới hay là chết !
Câu nói của một nhân vật quan trọng đại diện chính quyền thuở ấy , như một mệnh lệnh cấp kỳ.
Nhà nước chủ trương cởi trói văn nghệ. Đổi mới tư duy. Xoá bỏ bao cấp   mạnh mẽ, để sống còn.
Bao nhiêu công trường, xí nghiệp, công ty, tập đoàn lần lượt giải thể.
Mọi người chẳng còn lương bổng. Chẳng ai có công việc làm. Nhưng, một điều vô lý là mọi người vẫn cứ phải ăn.
Thế là mạnh ai, nấy sống.
Rừng, biển vùng tôi có tình trạng như cả nước hồi đó, bị tàn phá một cách vô tư, không định hướng. Những lớp trẻ quê tôi, chập chững đi vào đời cũng sống vô tư, không định hướng…
Nhưng lũ trẻ, nào đã biết gì ?
Sản vật của rừng, của biển được bán đi vô tội vạ. Số tiền kiếm được cũng tiêu xài vô tội vạ. Vài năm sau đó tệ nạn hút chích tràn lan, trộm cắp, đĩ điếm cũng tràn lan,
Trong nhà, ngoài đường, chẳng còn ai nói đến luân thường, đạo lý. Chẳng ai nói đến chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đấu tranh giai cấp, bóc lột giàu nghèo, làm thuê, ở đợ. Hãnh diện được ở thành phần cố nông, bần nông.như xưa nữa.
Bây giờ ai cũng nói đến buôn bán, mánh khoé, móc ngoặc để chóng giàu. Họ thi đua nhau vinh thân, phì gia, phát tài, phát tướng…
Những điều cấm kỵ ngày xưa, bỗng trở thành ấn tượng văn minh.
Những người khả kính trước kia luôn mồm  cán bộ vô tư, vô sản, bỗng trở thành quan chức đại gia, giàu có. Sự phân hoá giai cấp đã trở thành tất yếu trong kinh tế thị trường, dù cạnh tranh lành mạnh, hay không lành mạnh…
Chỉ vài năm sau, những ngôi nhà hai, ba tầng xây bằng gạch đá, lợp ngói đỏ tươi, chen chúc, ngạo nghễ bên bờ nước.
Trong ánh điện lung linh, tiếng nhạc sập xình. Tiếng Kara Ok ầm ĩ…
Mọi người cuồng lên trong cơn đổi thịt, thay da.
Con đường cát cháy bỏng ngày xưa, đã trở thành xa lộ với hai bên hàng quán. Phố xá đông đúc, ồn ào. Bãi đá thuở nào tôi thường mò cua, bắt ốc, đã được xây thành cảng đỗ tàu bè. Tiếng máy chạy ầm ĩ, những chiếc ô tô, xe máy lao đi vun vút ngược xuôi….
Tôi đứng bơ vơ trên chính quê hương tôi như một người xa lạ.
Hàng quán, chợ buá và người đi lại mườn mượt trên đường. Tôi không thể nào nhận ra con đường hẻm dẫn vào ngôi nhà thân yêu đầy ký ức tuổi thơ. Nếu không có đứa em ra đón.
Sau phút nghỉ ngơi và dăm ba câu chuyện hàn huyên. Em dẫn tôi đi thăm bà con, cô bác trong làng. Những khuôn mặt thân thiết thuở xưa, nay chỉ còn lác đác. Phần nhiều đã qua đời vì tuổi tác. Phần nữa đã theo con cháu chuyển đi nơi khác làm ăn, thời kinh tế thị trường.
Qua những câu chuyện buồn chán lê thê, tôi thấy họ xơ xác, cỗi cằn hơn, trong cái vẻ ngoài, nhà cao, cửa rộng.
Những thanh, thiếu niên mà tôi gặp vẫn lễ phép thưa gửi. Nhưng, sao mà chúng gầy yếu, cõi còm. Nhiều cháu nước da xanh dớt hoặc vàng bủng. Trông có vẻ bệnh hoạn, ít sức sống, tương phản với lứa tuổi hai mươi mạnh mẽ những ngày xưa.
Tôi chợt thấy lòng bâng khuâng buồn. Nỗi buồn của một kẻ đi biển lâu ngày, tìm thấy một hoang đảo. Không cây cối, cũng không giòng nước ngọt.
Tối đó, tôi thắp hương rồi qùy dưới bàn thờ, trong nỗi nhớ xa xôi, mờ ảo. Kỷ niệm xưa tràn về như những đợt sóng cồn.
Căn nhà này là nơi ông bà, cha mẹ tôi đã sống và đã nhắm mắt lià đời.
Ngay cả cái sập gụ, nơi tôi đang quỳ đây, cũng gợi nhớ về cha tôi se sắt.
Người đã qùy rất lâu. Im lìm như bức tượng đá, giữa đêm khuya, trên chiếc sập gụ này. Mắt nhìn lên bàn thờ nghi ngút khói hương, trước ngày “Được nhà nước cho đi cải tạo” mút mùa.
Đầu hè kia là nơi chôn những núm rau của tôi và anh em tôi. Những hòn đá đè rau đã không còn ở nơi đó nữa.
Cái sân gạch trước nhà lấp loáng dưới bóng trăng kia, là nơi anh em tôi thường vui đùa nô rỡn. Những đêm thu mát mẻ. Mẹ tôi giải chiếu giữa sân. Năm anh em tôi nằm ngửa, rồi thi nhau đếm những vì sao nhấp nháy trên bầu trời xa thẳm.
Gốc nhãn lão trước nhà kia, là một chốn thiên đường lý tưởng. Nơi anh em tôi thường leo trèo, nghịch ngợm, hoặc ngồi dưới bóng cây. Đón gió nam lồng lộng thổi, vào những buổi trưa hè.
Muốn tìm lại ký ức ngày xưa. Tôi bảo em tôi giải chiếu giữa sân. Tôi sẽ ngủ đêm nay tại đó. Tôi sẽ ngắm trăng sao. Tôi sẽ tìm những vì sao linh hồn của ông bà, bố mẹ, anh chị tôi - Những người đã mất. Nay, đang đưa ánh mắt từ bầu trời cao rộng, nhìn xuống tôi. Chuyện trò, tâm sự cùng tôi.
Em tôi cười, lắc đầu:
Không thể được đâu, anh ơi ! Bây giờ người ta phải đóng cửa cả đêm,  ngày. Con lợn, con gà, con mèo, con chó, nuôi trong nhà phải cảnh giác cao độ. Loáng một cái, mất như chơi. Trộm cắp bây giờ đầy làng, đầy xóm.
Em kể tôi nghe những cảnh nghiện ngập, hút chích. Những tệ nạn trộm cắp trên bến, dưới thuyền, đầu làng, cuối ngõ, cuả lớp trai trẻ làng tôi.
Một cái làng chỉ có mấy ngàn dân, mà cả trăm trai làng nghiện ngập.
Em còn kể tôi nghe, những lừa lọc, kiện cáo. Những trận ẩu đả về cờ bạc, rượu chè, hay tranh giành khách mua, khách bán.
Em tôi thở dài, nói trong nuối tiếc:
-Đâu còn như xưa nữa, anh ơi !
Đêm đó, tôi không sao ngủ được. Phần bị nóng bức ngột ngạt vì cửa đóng, then cài. Phần vì cảm thấy hụt hẫng như người tha hương, bỗng dưng đánh mất một mảnh đất cuối cùng. Mảnh đất mà cả đời lưu lạc, người tha hương vẫn khát khao, giữ trong tâm tưởng.
Hôm sau, tôi theo em đi thăm mộ ông cha ngoài nghiã điạ. Qua bờ đê tới bãi tha ma. Tôi thấy trùng trùng, điệp điệp những những mồ mả và lăng tẩm được xây lên, cái cao, cái thấp.
Lăng mộ của giòng họ này, thi đua với lăng mộ cuả giòng họ khác. San sát liền nhau như một thành phố chết với những nét sơn nhòe nhoẹt. Những câu đối dị hợm nửa Việt, nửa nho. Có những câu đối kệch cỡm, vô nghiã đến tức cười.
Làng tôi vốn xưa là làng văn hiến. Nếu các cụ thâm nho còn linh hiển trở lại một lần. Đọc những câu đối của lũ hậu sinh, chắc các cụ buồn lòng biết mấy.
Tôi thắp hương trước mộ tổ tiên, lòng ngậm ngùi, đau xót.
Tôi thầm nghĩ, các cụ không muốn xếp hàng ngay ngắn, thứ tự như một đạo binh, trong vuông đất hẹp, có tường cao, hào sâu như thế này đâu.
Làm người, dù đang sống hay đã chết, ai chẳng muốn có được khoảng không gian phóng khoáng, tự do giữa đất, giữa trời.
Nhưng biết làm thế nào, khi con cháu các cụ, thi đua cho các cụ được ở chung cư, cao ốc, nhà lầu, phù phiếm như dương thế.
Chiều nhạt nắng. Tôi một mình lang thang đi về phiá trường xưa. Ngôi trường cũ kỹ nhỏ bé và thương yêu cuả tôi đã không còn nữa.
Cây phi lao cổ thụ và rặng bàng trăm năm mà ngày nào chúng tôi thường hóng mát, sau những giờ ra chơi, cũng đã mất rồi.Thay vào đó là một dãy phố nhỏ với mấy sạp hang tạp hoá, lơ thơ người qua lại.
Chỉ còn chông chênh một ngôi đền mà phiá trước người ta đã sửa sang làm trụ sở ủy ban xã. Ngôi chùa bên cạnh có vẻ khá hơn. Gác chuông ba tầng hồi nào bọn trẻ chúng tôi thường kiệu nhau bắt chim làm tổ trên mái ngói: Hoặc chụm đầu trên gác hai, đánh cờ chân chó, đã được sơn quét lại. Những nét sơn thô kệch, cẩu thả, làm xấu đi nét trang nhã cổ xưa.
Ngôi đình cổ kính, to lớn và uy nghi thuở nào cũng vẫn còn đứng đó. Nhưng trông thật xác xơ, tiều tụy đến não lòng. Mái ngói chỗ còn, chỗ mất. Tường vôi loang lổ vết rêu phong.
Tôi lặng lẽ ngồi xuống bậc thềm, nhìn những phiến đá quen thuộc thuở ngày xưa. Trước kia, trong giờ ra chơi. Tôi thường ngồi một mình,vẽ lên đó những cảnh thuyền, cảnh biển, bằng miếng gạch non hay viên phấn gẫy
Tôi cũng muốn tìm một miếng gạch non như thuở ấy và sẽ vẽ lên đó, một chiếc lá phong. Chiếc lá phong biểu tượng cho một đất nước xa xôi. Nét vẽ của một người tóc đã bạc đầu, quá nửa đời sau, sống bên xứ lạnh, vẫn âm thầm nhớ về đây với bao buồn thương, nuối tiếc.
Nhưng quanh tôi chỉ thấy những bụi cỏ uá vàng. Đó đây vài mảnh ni non rơi rớt…
Trong linh cảm, tôi biết những hòn đá này đã nhận ra tôi và trò chuyện cùng tôi, trong một thứ ngôn ngữ âm thầm, huyền bí.
Tôi nhắm mắt ngồi lặng giờ lâu trên thềm đá của ngôi đình cũ.
-Đá ơi, đá có đau không ?
Trải qua bao nhiêu biến cố. Từ chốn đình đài linh thiêng - Nơi giao lưu thần thánh, bỗng chốc thành chỗ tụ họp của qủy ác, ma manh. Mấy lần tưởng không thoát khỏi tan tành thời tiêu thổ. Rồi sau này thành lớp học, nhà kho, cho đến lúc điêu tàn hoang phế. ....
Đá vẫn còn đây trơ gan cùng tuế nguyệt, làm nhân chứng hữu hình, đẫm bao máu lệ ?
Dấu chân nào của các bậc tiền bối, trưởng thượng của quê hương tôi ?
Của ông cha tôi và  cả tuổi thơ tôi đã hằn vết nơi đây ?
Tôi như chìm vào quá khứ, lật cuốn phim đời trong nỗi mê đau ngút ngát...
Trước khi đứng dậy ra về, tôi đưa hai tay áp vào mặt thềm đá, rồi từ từ đưa hai tay áp vào mặt mình.
Hơi đá như hôn tôi lành lạnh.
Mắt tôi nhoà đi. Tôi khóc tự bao giờ.
Tôi cũng rời quê từ buổi ấy.
 
Các cháu tôi đã chết và sẽ chết.
Không chết sao được khi dịch bệnh si đa đang hoành hành xứ sở..
Có biết bao nhiêu mưu đồ đen tối, của những thế lực đen tối, đang ẩn nấp đằng sau cái chất trắng chết người. Cái chất trắng chết người thâm độc và ma quái kia, đang bủa vây lũ trẻ nông nổi, dại khờ, đang độ tuổi hiếu kỳ, hiếu thắng trên quê hương tôi.
Những lớp trai Ngơ Ngác Niềm Tin và Bế Tắc Tương Lai, nào đã biết gì?
Vâng!
Chẳng còn lý tưởng nào cao đẹp hơn, cho những lớp trẻ nghiện ngập, bệnh tật, vật vờ như những thây ma sống. Chẳng có sức mạnh nào bạt núi, ngăn sông, vá trời, lấp bể; Chống ngoại xâm hay hy sinh tâm huyết cho đất nước mai sau, từ những người hút chích, mất hết tính người.
Nhưng than ôi !
Chúng chỉ là những nạn nhân đáng thương, của một thời  điên đảo.
 

Không thể cứu chúng bằng những giọt nước mắt !
Không thể cứu chúng bằng những bài diễn văn hùng hồn trên chót lưỡi, đầu môi !
Chúng đã chết và sẽ chết.
Nhưng mong rằng cái chết của chúng sẽ day dứt cho lớp cha chú và những người có trách nhiệm hôm nay như tội lỗi của chính mình.
Phải làm gì để dịu bớt cơn đau ?

Các cháu ơi, xin vĩnh biệt !
 
VÂN HẢI