Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐÓ LÀ SƠN NAM

Lê Phú Khải
Thứ ba ngày 11 tháng 8 năm 2009 8:27 AM

TNc:  Ngày 13.08 sắp tới là ngày giỗ đầu nhà văn Sơn Nam. Trang web trannhuong.com nhận được cuốn Đó là Sơn Nam: của nhà báo Lê Phú Khải từ TP. HCM gửi ra. Chúng tôi xin giới thiệu cuốn sách và lời tựa của nó vào dịp này như một nén nhang tưởng nhớ nhà văn Sơn Nam nhân giỗ đầu của ông.
 

LỜI TỰA
 
Trong lịch sử văn học nước ta, các nhà văn mà chúng ta được tiếp cận với tác phẩm của họ sau này, đa số là vua quan, là thầy đồ, thầy thuốc. Cái nuôi sống được nhà văn lại không phải là tác phẩm văn chương, nhưng trở thành nhà văn, tác phẩm lưu truyền hậu thế thì lại suốt đời “ăn lương vợ” như Từ Xương! (Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng – Thơ Tú Xương viết về vợ mình). Đó là chuyện ngày xưa, viết văn chưa thành một nghề.
Trước cách mạng Tháng tám, có người viết văn để sống như Vũ Trọng Phụng, thì vì lao động quá sức mà chết ở tuổi 27. Cái nghề văn lao lực, cay nghiệt là thế. Bởi vậy, nhân loại mới bình phẩm rằng, nếu Xecvantes mà giàu có thì nước Tây Ban Nha sẽ nghèo hèn! Bởi vì ông nghèo túng mà phải viết văn để trả nợ nên mới có tác phẩm Donkihote (Đông Ki Sốt), nhân loại mới có cái mà đọc. Để rồi dựng thành kịch, quay thành phim mà cười vui, mà tự chế nhạo mình, mà ca ngợi Tây Ban Nha là một đất nước… giàu tiếng cười!
Ở nước ta, sau 1945, ở miền Bắc và cho đến ngày thống nhất, nhà văn đa số vẫn là công chức, ăn lương ở một cơ quan nào đó. Lâu lâu người ta có mở một trại sáng tác nào đó thì dù có đi dự trại, không viết được chữ nào, tháng tháng vẫn có lương để sống (!)
Nếu tôi không lầm thì Sơn Nam là một trong rất ít, rất ít những nhà văn mà hơn nữa thế kỷ qua chủ yếu sống bằng ngòi bút, lấy viết văn làm nghề kiếm sống, độ thân. (Sau năm 1975, Sơn Nam được ăn lương ở Hội Văn Nghệ TP. HCM, và tuổi 60 ông được về hưu với lương cán sự ít ỏi thời bao cấp!). Tôi nhớ có lần Sơn Nam kể: “Thấy tao lên Sài Gòn sống, bà già tao ở dưới quê lên hỏi: Lên đây làm gì để sống? Tao biểu: Viết văn! Bà già lại hỏi: Viết văn có sống được không? Tao biểu: viết một giờ bằng người ta đạp xích lô cả ngày (!). Trên hành tinh bé bỏng của chúng ta,  từ cổ chí kim, từ đông sang tây, cả thời @ ngày nay, chưa có ai đưa ra một giá biểu, một tương quan giá trị chính xác, đầy chất humour về nghề văn như  Sơn Nam. Bởi lẽ, ông đã sống cả đời chủ yếu bằng nghề viết văn.
Ông là một nhà văn lớn của nước ta. Kiệt tác “Hương rừng Cà Mau” càng đọc càng thấy hay. Nói như nhà văn Lê Văn Thảo, nó như viên ngọc quí, càng lâu càng sáng. Bình sinh con người nhỏ bé này có một đầu sách thật đồ sộ. Ông được một nhà xuất bản lớn ký kết hợp đồng tác quyền. Theo nhà báo Lam Điền thì tính đến nay, đã có 19 tựa sách của Sơn Nam ra mắt bạn đọc trong chương trình tác quyền này. Đó là:
- Bà chúa Hòn
- Biển cỏ miền Tây – hình bóng cũ
- Dạo chơi tuổi già
- Đất Gia Định
- Bến Nghé xưa và người Sài Gòn
- Đồng bằng Sông Cửu Long: Nét sinh hoạt xưa – văn minh miệt vườn
- Đình miếu và lễ hội dân gian miền Nam
- Hương rừng Cà Mau
- Lịch sử khẩn hoang miền Nam
- Nói về miền Nam – cá tính miền Nam
- Vạch một chân trời – chim Quyên xuống đất
- Xóm bầu láng
- Gốc cây, cục đất, ngôi sao
- Danh thắng miền Nam
- Chuyện xưa tích cũ
- Hương quê
- Tây đầu đỏ và một số truyện ngắn khác
Những tựa sách trên đây tổng cộng hơn 8000 trang in, tập hợp từ 44 đầu sách của nhà văn Sơn Nam đã xuất bản từ trước đến nay. Thế nhưng, đến khi nhắm mắt xuôi tay, nhà văn Sơn Nam vẫn còn hơn 10.000 trang sách chưa in, đang được Nhà xuất bản Trẻ tập hợp, trong đó phần lớn là các bài báo và những bài khảo cứu của ông.
Nhờ lợi thế của thời đại thông tin, các nhà văn thời nay, nếu có sách hay, dù một cây bút trẻ mới xuất hiện ở địa phương, tác phẩm của họ cũng sẽ được mau chóng đến với độc giả cả nước và nước ngoài. Thế hệ nhà văn Sơn Nam không có được may mắn đó. Nhưng qui luật “viên ngọc càng lâu càng sáng” vẫn còn nguyên giá trị. Phim “Mùa len trâu” (đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh) lấy cốt truyện từ truyện ngắn cùng tên  của Sơn Nam trong tập “Hương rừng Cà Mau” đã tham dự gần 10 liên hoan phim của khu vực và Quốc tế, đã giành được nhiều giải thưởng đáng kể như: Giải đặt biệt Liên hoan phim Locarno (Thuỵ sĩ), Giải đạo diễn xuất sắc nhất ở Liên hoan phim Amiens (Pháp), Giải đạt biệt của Liên hoan phim Amazonas (Brasil)…
Mảnh đất cực nam của tổ quốc mịn màng phù sa sông Tiền sông Hậu, nắng mưa hào phóng đã sinh ra những con người nhiều nghị lực, nhiều lẽ phải, nhiều tình thương và cũng nhiều những “Cánh đồng bất tận”… Đó là đất của văn học. Sơn Nam là một trong những người đi khẩn hoang miền đất ấy bằng lưỡi cày tự đúc riêng cho mình. Sau này chắc chắn sẽ có nhiều công trình nghiên cứu về sự nghiệp văn chương độc đáo của Sơn Nam. Là người cùng thời với ông, tôi biên soạn cuốn sách nhỏ này, tập hợp các bài viết trước đó và sau ngày ông mất của các cây bút tên tuổi đã đăng tải trên báo chí cả nước, với hy vọng cung cấp một số tư liệu về Sơn Nam. (Đặt biệt là sự đánh giá của người đương thời đối với ông). Phần cuối sách, tôi có trích đăng truyện ngắn “Tình nghĩa giáo khoa toàn thư” trong tập “Hương rừng Cà Mau” của Sơn Nam để độc giả có dịp tiếp xúc với áng văn độc đáo này. Ngoài ra, còn có hai bài của tác giả do tôi đặt ông viết đã phát trên đài Tiếng nói Việt Nam. Đài phát rồi “Gió bay đi” nhưng bản thảo tôi vẫn còn giữ nên đưa vô sách này! Công việc biên soạn chỉ được thực hiện ở một người, chắc chắn sẽ có nhiều thiếu sót, mong bạn đọc lượng thứ. Cũng vì vậy tôi mong mỏi sau khi sách ra mắt, sẽ nhận được từ bạn đọc các bài viết về Sơn Nam sau ngày ông mất một cách đầy đủ hơn, để lần tái bản sau đó hoàn chỉnh hơn.
 
Tân Bình tháng 12 – 2008

KHẢI