Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VẪN CÓ MỘT CÂY HỒNG NHUNG NHƯ THẾ

Đoàn Nhất Trí.
Thứ tư ngày 5 tháng 8 năm 2009 5:18 AM
 
 Ngày xửa ngày xưa, có một cô bé mới lên ba tuổi cha mẹ đã chết cả vì những căn bệnh hiểm nghèo. Bà ngoại mang cô về nuôi. Bà không có ruộng đất, của nả, chỉ có túp lều lụp sụp núp dưới bóng cây đa bên con đường chạy qua làng, vừa để ở, vừa bán hàng. Trên cái trõng tre thấp lè tè cũ nát, bà thường bày những chiếc bát sành dùng cho khách uống nước chè xanh; ba, bốn chiếc lọ thủy tinh to nhỏ đựng kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo trứng chim...phục vụ lũ trẻ thò lò mũi hay tớn tác qua đây trước và sau mỗi buổi học và một chiếc lọ sành nút lá chuối khô cũng đem bóng, đựng những gói thuốc lào Vĩnh Bảo bán lẻ cho khách qua đường đói thuốc, khi năm xu, lúc một hào.
                       Cô bé càng lớn khôn, bà ngoại càng già đi vì tuổi tác. Cuộc sống của hai bà chắu dần dần chủ yếu dựa vào lòng hảo tâm của khách qua đường là chính chứ bát nước chè xanh hay điếu thuốc lào đâu còn nuôi nổi hai miệng ăn, dù chỉ là rau cháo. Trước nỗi khó khăn , cực nhọc của bà, cô bé thương lắm. Đêm đêm nằm trong lòng bà, cô chỉ ao ước một điều làm sao gặp được một ông tiên có phép nhiệm mầu chỉ cho cô cách thức làm ra tiền, dù bằng cách nào cũng được, để cô nuôi bà, báo đáp công ơn to lớn của bà đã giành cho cô bao nhiêu năm nay.
                        Hình như cầu nguyện nhiều rồi cũng thành linh nghệm. Đêm ấy, bỗng nhiên, túp lều của hai bà cháu cô vụt sáng lòa. Một Ông tiên râu tóc bạc phơ chống cây gậy trúc từ đám mây bạc trên trời cao bước xuống, nói với cô bé:
                        -  Ta chỉ có thể cho con một điều may mắn thôi, hãy chọn lấy một trong hai điều kiện sau đây. Hoặc là, con sẽ trở thành một cô gái cực kì xinh đẹp và hấp dẫn. Chàng trai nào trông thấy con cũng muốn được yêu. Hãy đáp lại mong muốn của họ nhưng đừng đánh mất cái gì là quí giá của mình rồi bắt họ phải trả tiền. Con sẽ sống như thế đến già rồi chết nhưng không có chồng, không có tình yêu chân thật. Hoặc là, con sẽ ở vào tình huống như trên nhưng khi gặp được một người yêu con thực sự và con cũng yêu anh ta hơn cả bản thân mình cũng là lúc con phải giã từ cuộc sống. Cái chết sẽ đến với con tức khắc khi con vừa chạm được vào tình yêu đích thực?      
                         Thoáng một chút suy nghĩ, cô bé trả lời Ông tiên:
                         -  Thưa, con chọn điều kiện thứ hai!
                         Ông tiên biến mất. Từ đấy trở đi, cô bé cứ ngày một lớn lên và xinh đẹp ra. Mắt cô sáng. Làn da trắng hồng. Đôi môi đỏ như son. Thân hình cô cân đối, uyển chuyển như một con rắn nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ, nhanh nhẹn của loài báo. Đến năm mười hai tuổi,ôăcs đẹp của cô nổi tiếng cả một vùng. Không ít chàng trai say mê cô. Người yêu, muốn lấy cô thật lòng. Người chỉ chàng màng muốn chiếm lĩnh cô thì bờm xơm, cợt nhả. Tất cả đều bị cô từ chối. Cô chỉ thỉnh thoảng, bí mật tặng một ai đó có chọn lọc một cái hôn lên má, lên trán hoặc là lên mắt rồi lấy của họ tiền đủ để nuôi sống hai bà cháu một cách đạm bạc. Chỉ thế thôi, đối với những người say mê cô, họ cũng có thể sẵn sàng bỏ tiền ra, có khi nhiều tiền là khác để được cô thưởng cho những cái hôn quý giá.
                           Cho đến một ngày, cô bé gặp được một chàng thư sinh nghèo. Họ yêu nhau say đắm  chưa được bao lâu thì Ông tiên lại xuất hiện báo cho cô biết ngày ra đi của cô đã cận kề. Cô bé tha thiết xin được chậm lại một thờ gian ngắn, đủ để nhìn thấy kết quả của bao nhiêu năm đèn sách mà người mình yêu theo đuổi rồi cô có chết cũng cam lòng. Ông tiên đã chấp nhận lời thỉnh cầu của cô.
                            Về phía chàng trai, sau nhiều tháng lặn lội  tới Kinh thi thố, chàng đã đỗ Trạng và đang trên đường vinh quy. Cô bé nghe được tin này liền nhẹ nhàng ra đi trong tư thế của một cô gái ngủ muộn. Cô chết mà sắc diện hồng hào, trẻ trung xinh đẹp như người  đang ngủ. Ai cũng thương tiếc cô. Bà ngoại cùng những người hàng xóm tốt bụng đã lo cho cô mồ yên mả đẹp. Chàng trai bây giờ là ông Trạng về đến nhà thì nấm mồ của cô gái đã xanh cỏ. Đặc biệt chỉ có một đêm, sau khi chàng thăm mộ, phía trước nấm mồ của cô đã mọc lên một cây hoa hồng nhung xanh tốt với rất nhiều bông hoa đỏ thắm, hương hoa bay thơm ngát một vùng. Tỏ lòng yêu thương và chung thủy với người yêu, chàng trai xin từ quan, ở lại quê nhà nuôi dưỡng và chăm sóc mẹ cô gái cùng với việc vun xới tưới tắm cho cây hoa hồng trước mộ cô gái. Những bông hoa hồng nở ra từ cây hoa này có một đặc tính đặc biệt ở chỗ, sắc hoa thì đỏ thắm như màu máu, cánh hoa mịn màng như nhung. Hương hoa thơm quyến rũ lạ lùng , không ai cưỡng được ý muốn gần hoa,  muốn thơm lên cánh hoa hay muốn hít thở cái hương thơm man mát mà nồng nàn, sâu đậm của nó. Mỗi bông hoa cứ như một đốm lửa, rừng rực, mời gọi. Thế nhưng , lạ lùng thay, bất kỳ người đàn ông nào, nếu không phải là chàng trai của cô, có ý muốn ngắt hoa hay ghé vào gần hoa để được ngủi hương thơm của nó, đều ngay lập tức bị những cái gai sắc nhọn như những chiếc móng vuốt dài ra, cứng như sắt đâm vào tay hay châm vào miệng người ấy, làm họ phải từ bỏ ý định của mình. Còn đối với các cô gái, bất kỳ ai cũng có thể xin những cánh hoa đỏ thắm về làm chất mằu thay son. Người xin hoa chỉ việc tách một cánh hoa, để vào giữa hai bờ môi của mình rồi ngậm chặt lại, lập tức màu son đỏ sẽ tô hồng đôi môi. Và hình như, từ cánh hoa, còn lan truyền sang họ một sức sống mới, trẻ trung, mạnh mẽ. Gương mặt họ rạng ngời xinh đẹp hơn, tấm lòng họ bao dung yêu   thương và nồng hậu hơn với đời. Sẽ có nhiều người tử tế yêu và muốn lấy họ làm vợ. Cuộc sống lứa đôi của họ ấm no, hạnh phúc bách niên giai lão .                    
                        Tương truyền rằng, từ cây hoa ấy, mỗi đời chỉ cho thế hệ sau một cây kế tiếp. Không người nào có thể gép cành hay triết nhánh để có thể nhân ra nhiều cây khác được. Cây hồng nhung quí hiếm ấy vẫn còn sống mạnh mẽ ở một nơi nào đó trong nhân gian. Rất nhiều người phụ nữ vẫn bí mật đi tìm những bông hoa của nó.
                                           
                                              Người tìm được.
                                              Người thì không.
                                    Nhưng không ai nản lòng cả!
 
  Hà Nội, tết Mậu Tý.
 
 

                                    CON BÉ THOA
                                                   
                          Bố mẹ chết cả vì căn bệnh AID lúc con bé mới chưa đầy năm tuổi đầu. Ông bác thương tình đem  nó về nuôi. Cũng tiếng là nuôi cháu nhưng chẳng khác nào ông bác nó nuôi thêm một con chó trong nhà bởi cái cách thức bác nó đối xử với nó. Này nhé, đến bữa ăn, bác nó xúc cho một bát cơm đầy rồi đổ mọi thứ vào đó như rau, nước canh, một chút cá hoặc thịt nếu có...rồi để gần cái giường, giống cái cũi nó thường nằm.  Từ cái gọi là giường ấy, nó chỉ việc với tay ra lấy mà ăn. Bác nó không đưa tận tay cho nó, cũng không cho nó ngồi chung mâm với mọi người trong nhà bao giờ. Cái bát của con chó đen cũng vậy, cũng để cố định một chỗ ngoài cửa, tới bữa, con chó chỉ việc tìm đến mà ăn. Chỉ khác một điều, con chó không biết rửa bát của nó, còn con bé thì ăn xong phải tự mình mang chiếc bát và cái thìa ra con suối cạnh nhà tự rửa rồi mang về để lại vào chỗ cũ. Con suối cách nhà đến hơn ba chục mét. Đấy cũng là con đường duy nhất mà ngày ngày nó đi đi về về. Tắm hay giặt, dù trời nắng hay trời mưa, dù mùa đông hay mùa hạ, tự nó phải lo lấy, không ai đỡ đần gì. Nó  cũng chưa từng được nghe một lời dịu dàng, yêu thương từ bác trai, bác gái hay các anh chị nó trong nhà, ngoài những câu mệnh lệnh như: ăn đi, đi ngủ đi, rửa bát đi, đi tắm đi... Bác ruột đối xử với nó là thế, còn người ngoài? Người trong xóm, bất kể là ai, từ già đến trẻ gặp nó đều phải tránh, không ai dám đến gần. Trẻ con thì: con bé Thoa "ết " đấy, chạy đi chúng mày! thế là lũ trẻ chạy toán loạn. Người già thì bảo: tội nghiệp con bé, bố mẹ chết cả vì "ết ", chắc nó cũng mang căn bệnh quái quỷ ấy! Con bé biết mình đang có một cái gì đó làm mọi người sợ hãi hay đúng hơn là căm gét. Nó chẳng biết là cái gì. Còn nó, nó non dại, bé bỏng và mỏng manh như một quả trứng dễ vỡ thế này, nên chẳng biết gì, cũng chẳng làm gì được ai. Nó chỉ biết cam chịu và thu mình lại, cố tránh gặp mọi người bằng cách gần như suốt ngày ngồi ru rú trong cái cũi của mình. Những lần ra suối, gặp lúc đông người nó lại quay về, chui vào cũi, vào cái thế giới riêng của nó. Người ta đi hết , nó mới giám ra.
                  Cái ngày bác nó đón nó về, trong tay chỉ có bọc quần áo rách cỏn con cùng con búp bê nhồi bông nhỏ là tài sản quý giá nhất của nó. Con búp bê mẹ nó mua khi nó mới được tám tháng tuổi. Đấy cũng là thứ đồ chơi đắt tiền duy nhất mà mẹ nó có thể và phải mất tiền mua gọi là cố gắng để kỉ niệm một tình yêu đã ra hoa kết trái giữa mẹ nó và bố nó. Nó chẳng biết tình yêu của mẹ nó và bố nó nồng thắm đến mức độ nào, chỉ biết con búp bê là quý giá nhất đối với nó. Búp bê không chỉ là đồ chơi , còn là người bạn tri kỉ của nó. Nó vui, buồn đều được búp bê chia sẻ. Trước kia đã thế, bây giờ càng thế hơn. Bây giờ mọi người đều xa lánh nó cả, có ai ngó ngàng hay chơi bời với nó đâu. Con búp bê bây giờ là cha, là mẹ, là ông tiên tốt bụng, là cô tấm dịu hiền... là tất cả đối với nó. Khi nó đói , nó cầu xin ông tiên tốt bụng hiện lên,cho nó xin một bát cơm đầy, nó và búp bê ngồi ăn tưởng tượng cũng thấy cái đói dịu đi một phần nào. Khi nó rét, nó cầu xin cô tấm hiện ra cho nó một tấm áo. Một tấm áo thôi, màu đỏ tươi, trong lót lông màu trắng. Màu trắng của tấm lông dầy và đẹp hiện ra ở đường viền cổ áo nà gấu áo. Rồi nó tưởng tượng ra đang khoác trên mình tấm áo dầy có lót lông trắng thật êm và ấm. Cái rét chỉ có thể lởn vởn bên ngoài, còn nó và búp bê đang sung sướng tận hưởng cái ấm đang lan tỏa khắp cơ thể bé bỏng của nó bên trong.
                   Một lần, không biết vì lẽ gì, nó cứ lùi lũi đi theo một toán học sinh chỉ nhỉnh hơn nó một hai tuổi thôi, tới một ngôi trường. Ơ đấy, rất đông các em nhỏ khác  đang học tập và vui chơi thỏa thích. Đến giờ học, sân trường vắng teo. Con bé chui qua bờ rào tiến đến cửa sổ và cứ thế lặng lẽ ngắm nhìn các bạn học. Ai ai cũng cắm cúi viết rồi lại nhìn lên bảng. Kì lạ nhất là có những anh hay chị đứng lên, tay cầm quyển sách, chăm chú nhìn vào những trang chữ viết dầy đặc, chỉ thế thôi mà  anh, chị ấy nói được bao nhiêu điều kỳ lạ như là nói về ông ,bà, cha, mẹ, nói về các mùa , về mặt trăng, mặt trời về cây cỏ và hoa lá...Nó muốn được như các anh các chị trong lớp lắm nhưng nghĩ đến thái độ của họ, nó lại không dám. Đang chăm chú xem, bỗng nhiên nó thấy có ai vỗ nhẹ vào vai. Nó quay nhìn lại. Một bạn trai cũng dạng tuổi như nó đang toét cái miệng rộng ra cười với nó rồi hỏi:
                   -   Bạn cũng đến đây à? Nó đang sững người chưa kịp nói gì thì bạn kia lại liến thoắng:
                   -   Tớ cũng chui qua hàng rào đấy, ở chỗ kia kìa. Thằng con trai chỉ tay về phía sau. Phải bí mật đấy không thì bon trong lớp chúng đuổi và đánh cho nữa! Nói rồi, hai đứa dắt tay nhau chui qua bờ rào, tụt xuống một cái hố nông ngay bên cạnh chơi với nhau. Cứ như là chúng đã quen thân nhau từ lâu lắm rồi. Chúng hết chơi bán hàng, lại chơi nấu ăn, gói báng tết, chơi đi chợ, đi bán hàng rong, bác sĩ khám bệnh ...và cuối cùng, bao giờ cũng đến tiết mục tổ chức đám cưới  mà hai đứa là vợ chồng. Chúng tưởng tượng ra có một cô tiên đã may cho cô dâu một bộ áo váy cưới thật đẹp  và chú rể một bộ quần áo màu hồng. Con búp bê của con bé bao giờ cũng   được làm cha mẹ của chúng để cô dâu chú rể cúi vái như trong phim Trung Quốc từng có nhất vái, nhị vái. Người đi đường trông thấy chúng chơi với nhau thì ngậm ngùi: thật khổ, cả hai đứa cùng mồ côi cả cha lẫn mẹ vì bệnh AID, chẳng có ai chơi, giờ chúng chơi với nhau. Có người còn thể hiện niềm thương cảm của họ bằng việc cho hai đứa trẻ khi thì củ khoai luộc, khi củ sắn vùi, khi miếng xôi,  lúc cái kẹo, cái bánh... Được miếng ăn bố thí, lắm hôm, chúng chơi một mạch từ sáng đến chiều mới về nhà. Việc con bé vắng mặt trong bữa cơm trưa, bác nó cũng chẳng bận tâm. Hình như lại còn chỉ mong có thế. Bát cơm trưa của con bé, bác nó chỉ việc đổ sang chiếc bát của con  chó vào bữa cơm chiều là được.                
                   Sang ngày thứ năm, con bé lại đến chơi với bạn như mọi lần. Lần này, nó chờ mãi mà thằng bé không đến. Quá trưa sang chiều vẫn vậy. Nó nghe mang máng như tiếng người lớn đi trên đường kháo nhau rằng thằng bé đã chết vì bệnh AID như bố mẹ nó vào  đêm hôm qua. Thẫn thờ, con bé định về nhà nhưng đôi chân nó cứ đi về hướng mộ mẹ nó ở bên kia đồi. Nơi ấy cách nhà bác nó chỉ năm bảy trăm mét. Nó ôm chặt con búp bê trong lòng rồi ngồi bệt xuống trước nấm mồ mẹ nó. Ngồi chán, mỏi người, nó phủ phục xuống, ôm chặt con búp bê vào lòng và nhắm mắt lại. Trời chiều ở miền núi chóng tối. Nó không biết đêm tối đang dần ngự trị cảnh vật xung quanh. Lúc này, nó không biết sợ là gì nữa. Nó chỉ mong được gặp mẹ nó. Nó đang rét. Nó mong mẹ nó, ngay lúc này, hiện ra như cô tiên thơm thảo và tốt bụng. Và rồi, hình như mẹ nó hiện lên thật, mờ mờ ảo ảo trong hơi sương lạnh. Tay mẹ nó cầm chiếc áo choàng đỏ, lót lông trắng. Cổ áo và đường viền gấu dưới là những mảng lông trắng như tuyết trông rất đẹp. Mẹ ôm nó vào lòng rồi chùm chiếc áo lên người nó. Một luồng hơi ấm bao trùm lên toàn bộ cơ thể nó. Nó sung sướng đến nghẹt thở, chỉ thốt ra được tiếng" mẹ!" rồi trôi dần vào giấc ngủ...
                 Việc con bé vắng nhà tối hôm ấy, bác nó cũng không để ý. Chỉ thấy bát cơm trưa của nó vẫn còn nguyên ở vị trí quy dịnh, rồi cơm tối cũng không phải xới.
                 Hôm sau, ngưòi trong bản đi chợ sớm thấy con bé nằm phủ phục trước nấm mồ mẹ nó, trên người phủ chiếc áo rét mới vải đỏ, lót lông trắng như tuyết. Ai đó đã thương tình cho nó chiếc áo đẹp và ấm vào những giây phút cuối cùng trong chuỗi ngày nó tồn tại trên thế gian, để nó kịp đi gặp mẹ dưới âm phủ. Chiếc áo, dù muộn mằn, chắc chắn sẽ làm bớt đi phần nào nỗi hổ thẹn của người dương thế.
 
 
     Hà Nội, ngày20 tháng, năm 2008.
           Đoàn Nhất Trí.