Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VỀ BÀI TỔNG KẾT CỦA ÔNG PHẠM QUỐC TRUNG

Nguyễn Xuân Diện
Thứ năm ngày 6 tháng 8 năm 2009 2:09 PM
Tôi không phải là một nhà nghiên cứu về mỹ thuật. Nhưng tôi có quan tâm đặc biệt về mỹ thuật, nhất là mỹ thuật cổ. Điều này không chỉ thể hiện ở số lượng hàng chục cuốn sách, các hồ sơ về mỹ thuật có trong tủ sách gia đình mà tôi còn thường xuyên cập nhật về các tư liệu và vấn đề mới; sử dụng mỹ thuật học trong nghiên cứu của mình. Đó là lý do tôi trở thành bạn đọc thường xuyên của các tờ tạp chí Nghiên cứu mỹ thuật (của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), tạp chí Mỹ thuật (của Hội Mỹ thuật Việt Nam) và mạo muội viết này.
Vừa qua tạp chí Nghiên cứu Mỹ thuật số 2 (tháng 6) năm 2009 có đăng bài của Phạm Quốc Trung “Qua những đối thoại xung quanh hình tượng Rồng”. Vừa nhận được tờ tạp chí trong tay, tôi đọc nó với sự hào hứng và chờ đợi một bài tổng quan giàu giá trị học thuật về một vấn đề mang tính thời sự, thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu trẻ. Người viết là một nhà nghiên cứu công tác tại Viện Mỹ thuật thuộc trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, bài in trên tờ tạp chí chuyên ngành lại càng khiến chúng tôi quan tâm đọc nó với tinh thần học hỏi cầu thị. Đáng tiếc là chúng tôi đã phải thất vọng.
Bài viết dài của Phạm Quốc Trung từ trang 84 đến trang 90, được chia làm 3 phần (phần cuối là Vĩ thanh). Suốt các phần đầu, Phạm Quốc Trung chỉ đơn thuần trích lại các ý kiến của ba nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, Trang Thanh Hiền và Thiền Phong Phạm Tuấn. Phần điểm lại các luận điểm nghiên cứu này, không những Phạm Quốc Trung không nêu bật được những đóng góp của họ về cách nhìn nhận đối với các vấn đề văn hóa và mỹ thuật của hình tượng rồng ở đền Vua Đinh mà còn không nắm được những điều cốt yếu của các quan điểm này. Tác giả bài viết cũng không đưa ra được bình luận, hay nêu ra được ý kiến riêng của mình để tán thành hay phê phán các quan điểm của từng người.
Xưa nay, những bài có tính chất tổng thuật mang tính tổng kết một vấn đề nghiên cứu bao giờ cũng thường do một nhà nghiên cứu có uy tín học thuật và chuyên môn, có bề dày nghiên cứu và ít nhất cũng đã có những tác phẩm nghiên cứu xa gần với vấn đề đang được tổng kết. Người tổng kết sẽ phải nắm được toàn cảnh của vấn đề học thuật, chỉ ra những ưu điểm, những đóng góp dù nhỏ của những người tham gia vào quá trình nghiên cứu về tư liệu, về phương pháp nghiên cứu và về những đề xuất học thuật. Nói như vậy không có nghĩa là khen một tý, chê một tý như cách làm quen biết của một số người mà việc khen chê này trước hết phải xuất phát từ tinh thần học thuật và với một tinh thần nhân văn; khuyến khích và khêu gợi những người có liên quan tiếp tục đi sâu nghiên cứu hơn nữa về vấn đề đang được đề cập. Những người viết bài tổng thuật thường hết sức tránh đứng trên theo kiểu bề trên để lên lớp, phán bảo và áp đặt của tinh thần học phiệt.
Trở lại cuộc tranh luận về rồng, chúng ta thấy đây đúng là một vấn đề lý thú, lại đang được những nhà chuyên môn bàn luận sôi nổi cả trên báo chí truyền thông lẫn ở hành lang bên lề các cuộc triển lãm, hội họp. Cũng đã rất lâu, giới nghiên cứu về mỹ thuật cổ mới có một cuộc tranh luận như vậy. Đây là một điều đáng mừng, nhất là những người tham gia tranh luận là những nhà nghiên cứu trẻ, đang công tác tại các cơ sở nghiên cứu và giảng dạy hàn lâm.
Việc trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam chủ trương tiến hành sưu tập để đưa đến cho công chúng yêu nghệ thuật cổ một triển lãm về mỹ thuật Đền Vua Đinh và Vua Lê trong bối cảnh cả nước đang hướng tới đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long là một việc làm có ý nghĩa rất tốt đẹp, thể hiện trách nhiệm và sự đóng góp của các nhà nghiên cứu mỹ thuật đối với đại lễ. Những bản rập, những bức ảnh được tiến hành sưu tập và in rập một cách công phu, đúng bài bản trong triển lãm cho thấy tay nghề và cả sự trân trọng của họ đối với di sản của cha ông (được biết Trần Hậu Yên Thế là người đề xướng ý tưởng, cùng sự tham gia của các cán bộ nghiên cứu Ban Mỹ thuật Cổ, Viện Mỹ thuật thuộc trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam).
Là một người theo đuổi đề tài mỹ thuật đền Đinh-Lê từ nhiều năm, Trần Hậu Yên Thế (THYT) đã phát hiện những đôi tay mềm mại của vũ nữ trên sập đá đặt ở tam quan ngoại của khu đền vua Đinh. Ngay lập tức, đồng thời với cuộc triển lãm đang diễn ra, nhà nghiên cứu này đã chia sẻ niềm vui này với công chúng bằng bài giới thiệu trên Thể thao & Văn hóa. Tuy vậy, THYT với sự thận trọng chỉ nêu ra một liên hệ về ảnh hưởng và giao thoa Việt – Champa trong những “cánh tay vũ nữ mềm mại”. THYT không đưa ra những đồ án Champa để so sánh, có lẽ vì vẫn chưa xác quyết lắm!
THYT đưa ra ba giả thiết về những cánh tay rồng mềm mại, hai giả thiết được đưa ra trên tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 1- 2008, giả thiết thứ ba đưa ra trong bài viết trên Thể thao & Văn hóa số ra ngày 3/4/2009. Điều này cho thấy nhà nghiên cứu này luôn luôn trăn trở với những cánh tay mềm mại của rồng.
Trang Thanh Hiền (TTH) có lẽ đã rất tán thưởng với phát hiện này của THYT. TTH đã suy nghĩ lý giải theo hướng tìm mối liên hệ giữa đồ án trang trí rồng với bối cảnh tín ngưỡng và việc thờ các nhân vật trong khu đền. TTH không tìm được những bằng chứng trực tiếp nào trong sử liệu, thư tịch cổ để có thể kết luận rốt ráo rằng ba cánh tay mềm mại đó chính là để nói lên hiện tượng một bà hoàng hậu lấy hai/ba ông vua. TTH chỉ có một bàng chứng (chứng cứ bên lề) rằng việc người ta đã đưa bà Dương Thái hậu ra khỏi điện thờ đền Đinh sang đền thờ vua Lê vào thời Hậu Lê. Ngoài ra có một sự thực khác là trên các cấu kiện, thành phần kiến trúc khi trùng tu đền Đinh vào thế kỷ XIX khi tượng bà Dương Thái hậu không còn ở đây thì cũng không còn hình con Phượng xuất hiện mà chỉ có Long, Ly, Quy mà thôi. Mặc dù rất tâm đắc với lý giải của mình, nhưng với sự thận trọng của một nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ có kinh nghiệm và nghiêm túc, TTH vẫn không dám kết luận mà chỉ coi đó là một cách lý giải, giải mã như một giả thiết mà thôi.
Điểm mạnh của TTH là sau nhiều năm giảng dạy và công tác tại khoa Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật của Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã phát hiện ra những yếu tố phi Hoa, giải Hoa trong mỹ thuật cổ, rút ra được những nét hồn nhiên thuần Việt trong kho tàng mỹ thuật cổ. Từ đó TTH tìm ra được những nét riêng và đặc sắc thuần Việt của mỹ thuật Đại Việt vào thời Lê - Trịnh.
Thiền Phong Phạm Tuấn (TPPT), cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã tranh luận lại với TTH, và cơ sở lý luận của tác giả này là dựa vào những ghi chép về rồng trong sách Nhĩ nhã - một cuốn tự điển cổ của Trung Quốc. Đây là thao tác quen thuộc của các nhà nghiên cứu Việt Nam, khi đứng trước một hiện tượng văn hóa, thường viện dẫn và lấy tài liệu Trung Hoa ra để bình luận. Các nhà nghiên cứu gọi đó là thao tác “Hoa tâm” lấy Trung Hoa là trung tâm, và coi đó là hệ quy chiếu đối với mọi vấn đề. Thao tác này đến nay đã lỗi thời và không còn được ưa chuộng. Việc nghiên cứu so sánh biểu tượng Rồng trong văn hóa Việt Nam với rồng Trung Hoa đã từng là một chuyên khảo đăng trên tạp chí Tri Tân từ trước năm 1945.
 
Nhà nghiên cứu TTH và THYT thực ra không phải không biết đến điều này. THYT đã tốt nghiệp học vị Thạc sĩ tại Học viện Mỹ thuật Bắc Kinh, và cũng là người dịch và xuất bản một cuốn sách chuyên về rồng phương Trung Quốc. THYT viết: “Dấu ấn Chăm Pa ở Hoa Lư đậm nét tới mức người thợ đã khắc hình rồng trên chiếc sập đá trước Nghi môn ngoại đền vua Đinh đã dám thay những móng vuốt chim ưng sắc nhọn theo kiểu thức Trung Hoa trong mỹ thuật đời Lê bằng những cánh tay thon mềm uyển chuyển như thường thấy trong các điệu múa các vũ nữ Cham Pa”. Cách nghiên cứu của TPPT là đúng, nhưng chưa đủ, vì nếu chỉ lấy Trung Hoa làm trung tâm thì sẽ không thấy được hết sự đa dạng và những nét khác biệt của văn hóa Việt Nam, nhất là nghệ thuật Lê – Trịnh một thời đại đã có ý đồ xây dựng một nền văn hóa Đại Việt độc lập, trong thế phi Hoa, giải Hoa, và đối thoại với Trung Hoa. Ý đồ gây dựng nền văn hóa thuần Việt được thể hiện từ triều đình, phủ chúa đến nhân dân, từ trong Kinh ra ngoài trấn, từ quan lại đến bách tính.
Việc TPPT cho rằng “vẫn chỉ là chân rồng” vì theo điển tịch cổ Trung Hoa thì rồng không có tay. Lối tư duy cụ thể và “thật thà” của TPPT sẽ không thể nào lý giải nổi các hiện tượng kỳ thú trong mỹ thuật dân gian nhất là mỹ thuật thời Mạc và Lê Trung hưng.
Phần Vĩ thanh trong bài viết của Phạm Quốc Trung là một phần viết đáng lưu ý. Ở đó bộc lộ những thiếu hụt về kiến thức cũng như sự lịch duyệt của một nhà nghiên cứu. Tác giả Phạm Quốc Trung không đưa ra được một lời tạm kết nào về một vấn đề học thuật cụ thể, ngoài việc bày tỏ tán đồng với quan điểm TPPT. Quan điểm này có lẽ đã mâu thuẫn với chính lời ông Trung viết ở bên dưới, rằng: “Nghiên cứu phê bình mỹ thuật là một công việc đặc thù, đòi hỏi một trực giác nghề nghiệp sắc sảo, sự nhạy cảm của tâm hồn và một khiếu thẩm mỹ tinh tế, tiến bộ. Điều này là trời cho, không ai dạy dỗ hoặc cần cù mà thành được!”(?).
Như một người đang lên lớp, Phạm Quốc Trung phán rằng: “Qua các trao đổi, nhận định, tư liệu đã đề cập trong bài viết của các tác giả THYT, TTH, TPPT có thể thấy rằng họ rất tự tin, mặc dù chưa đi được nhiều, chưa biết được nhiều về các di tích, hiện vật mỹ thuật cổ Việt Nam ở các địa phương, thậm chí cũng chưa tiếp xúc được nhiều những ấn bản, những tư liệu ảnh về mỹ thuật cổ Việt Nam, cho nên nhiều nhận định còn chưa chắc chắn, không thuyết phục là điều dễ hiểu”(tr.89). Không hiểu tác giả dựa vào đâu để kết luận như vậy về THYT, TTH, TPPT. Phạm Quốc Trung dựa vào đâu để cho rằng họ chưa đi nhiều, chưa biết nhiều và chưa đọc được mấy sách vở, tranh ảnh về mỹ thuật cổ Việt Nam. Trong suốt bài viết, tác giả Phạm Quốc Trung cũng không hề phân tích được những chỗ nào “chưa chắc chắn”, là “không thuyết phục”.
Phạm Quốc Trung cũng cho biết bản rập sập rồng đền vua Đinh đã được bồi biểu đẹp và trang trọng treo trên phòng khách của Viện Mỹ thuật từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước. Nó đã được các thế hệ nhà nghiên cứu bình luận, tán tụng vẻ đẹp tạo hình của hình tượng rồng và cũng trầm trồ trước những đường lượn mềm mại của chân rồng. Ông Trung cũng cho biết, cố PGS Nguyễn Du Chi đã từng nói với lớp hậu sinh “trông có giống tay người không”. Hồi đó, nếu ông Phạm Quốc Trung đáp “có” hoặc “không” rồi tranh thủ học hỏi các nhà nghiên cứu đi trước, tra cứu và lý giải đến kỳ cùng thì chắc ông đã có được những kết quả nghiên cứu khả quan. Và biết đâu, mỹ thuật cổ đã giữ chân được ông đến hôm nay (ông chuyển sang Ban Mỹ thuật Hiện đại đã lâu).
Hà Nội, 1.8.2009