Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỮNG "BÍ ẨN THI CA" CỦA MỘT NHÀ VĂN

Vân Long
Thứ tư ngày 5 tháng 8 năm 2009 5:10 AM
Vân Long
 Nhà văn Thanh Châu (1912-2005) thuộc lớp nhà văn cùng thời với Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng phụng, Vũ Bằng…Ông không để lại được những tác phẩm nổi tiếng như mấy nhà văn vừa kể, nhưng nhờ sống lâu trong làng văn, (ông kịp dự Đại Hội VII Hội Nhà văn (2005) rồi mới ra đi, lúc đó ông đã hơn nhà văn Tô Hoài 8 tuổi) ông là chứng nhân của nhiều giai đọan lịch sử và văn học, bởi ông đã trực tiếp tham gia: Làm Chủ tịch một xã vùng  kháng chiến thuộc huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá, rồi Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hoá trước khi vào bộ đội, phụ trách báo Vệ quốc quân sư đoàn 304, một thành phần tiền thân của báo Quân Đội nhân dân VN . Sau hòa bình (1954), ông còn làm báo Văn Nghệ, báo Văn một thời gian…
 Tôi đã đọc say mê Cún số 5 của ông từ nhỏ, bên cạnh Dế mèn phiêu lưu     ký của Tô Hoài. Ông được bạn đọc nhớ đến nhiều nhất, nhờ để lại một nghi án văn chương: Ai là tác giả bài thơ Hai sắc hoa ti-gôn dưới bút danh TTKH ?
Nguyên do hồi nhà văn còn là chàng thanh niên mới viết văn 25 tuổi, đẹp trai, tên thực là Ngô Hoan đã sớm nổi tiếng nhờ in truyện ngắn Hoa ti-gôn  trên tờ Tiểu thuyết thứ bẩy (tháng 9-1937), nội dung phản ánh câu chuyện thương tâm của một cô gái đẹp nạn nhân của sự ép buộc gia đình, hôn nhân không  tình yêu: Nhân vật chính trong truyện còn là họa sĩ Lê Chất, chàng gặp gỡ và thầm yêu cô gái bên giàn hoa ti-gôn. Nhưng sau đó, cô gái  buộc phải lấy người mình không yêu. Một thời gian sau họa sĩ gặp lại cô, hai người dạo chơi trên đường núi, tình yêu càng tha thiết, họ hẹn nhau cùng trốn nhà ra đi.  Nhưng cô gái đã không vượt qua được rào cản lễ giáo.., rồi cô qua đời, gửi lại cho chàng họa sĩ những cánh ti-gôn mang hình trái tim vỡ nát…Nếu chỉ vậy, dư âm truyện không thể kéo dài đến ngày nay. Sau khi truyện Hoa tigôn in, tòa soạn Tiểu thuyết Thứ bẩy nhận được lần lượt ba bài thơ ký tên tác giả là TTKH, nội dung tâm tình TTKH y hệt cô gái trong truyện.  Khi đã in hai bài, tòa soạn đề nghị tác giả cho biết tên thật, địa chỉ để gửi báo biếu, thì nhà văn Thanh Châu nhận được một bức thư ngắn nội dung nói không muốn công khai chuyện tên tuổi làm gì vì cuộc đời riêng nhiều éo le buồn khổ (tiếc rằng lá thư này Thanh Châu không còn giữ được). Bài thứ nhất có tên Bài thơ thứ nhất (in TTTB 23-7-1937), bài thứ hai: Hai sắc hoa ti-gôn (TTTB 20-11-37), bài thứ ba: Bài thơ cuối cùng (TTTB 30-10-1938). TTKH trở thành tác giả duy nhất ẩn danh trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh- Hoài Chân, làm cả làng thơ lúc đó xôn xao, không chỉ vì nội dung câu chuyện xúc động, mà chủ yếu vì lời thơ hay, chân thực, động tâm mọi tầng lớp độc giả, điều hiếm có ở một cây bút phụ nữ (?). Có lẽ vì vậy, có người phỏng đoán TTKH là Thâm Tâm hoặc Nguyễn Bính…Nghi vấn kéo dài, cho đến năm 1995, còn có một cuốn sách gần 200 trang TTKH là ai? của Thế Nhật, phỏng đoán Thanh Châu chính là họa sĩ Lê Chất, còn TTKH là bà TTVCH hiện còn sống ở Pháp. Giả thuyết này với không ít dẫn chứng đã bị chính bà TTVCH lên tiếng bác bỏ. Thanh Châu lúc đó còn sống cũng không công nhận là truyện đời mình.
Người đáng tin nhất là nhà văn Thanh Châu, vì chính ông đã nhận thư và thơ của TTKH. Nhưng nhân danh là tác giả truyện ngắn nguồn gốc mà TTKH dùng làm nội dung bài thơ, ông phản đối những người phỏng đoán và muốn chứng minh ai là TTKH, với lập luận ông tuyên ngôn từ  năm 1939, và vẫn giữ  nguyên đến trước khi ông qua  đời “ Không cần phải biết con người thật của TTKH, tôi chỉ biết rằng đó là người đàn bà đã viết được những vần thơ đẹp. Còn muốn gì hơn? Sao người ta cứ muốn làm nhơ bẩn những gì gọi là trong sạch ở cõi đời này!”( Những cánh hoa tím , Tiểu thuyết thư bảy, 1939)    
 Nhưng ai là nguyên mẫu của truyện ngắn Hoa ti gôn, thì chỉ đến hôm từ thành phố Hồ Chí Minh ra dự Đại hội VII Hội nhà văn ông mới bật mí giữa những người bạn lâu năm: Các họa sĩ  Phạm Viết Song, Phan Kế An, nhà thơ Ngô Quân Miện…và tôi: họa sĩ Lê Chất nguyên mẫu là hoạ sĩ Lê Phổ, Lê Phổ là một trong 10 sinh viên tốt nghiệp khoá đầu tiên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925-1930), Lê Phổ nổi tiếng ở Paris và châu Âu, nơi ông sinh sống trước khi qua đời, còn TTKH mãi mãi là một ẩn số để mãi mãi là một giai thoại hi hữu trong làng văn thời 1932- 45 mà Thanh Châu muốn giữ kín hoặc chính ông cũng không biết là ai!.. 
           Trước và sau năm 2000, tôi hay đến căn gác nhỏ của ông ở phố Trần Quốc Toản (Hà Nội), lúc nào cũng thấy ông hí húi viết, nhưng không thấy ông công bố tác phẩm, hoá ra ông viết hồi ký. Tôi rất mừng! Đó là một hành động hữu ích với 
nhà văn cao tuổi và với thế hệ trẻ…
           Tuy nhiên cho đến nay, là người yêu sách mà tôi chưa thấy Tuyển tập Thanh Châu cũng như hồi ký của ông mà ông luôn để mở trên bàn để viết tiếp, bổ xung… Không phải là hiếm nhà văn có những hồi ký dở dang như vậy, lúc nào cũng ngỡ mình chưa đến lúc…để không kịp “đóng gói” khi cái chết không báo trước xịch đến!
 Cũng từ những buổi “đột kích”  như vậy mà tôi biết trước đây Thanh Châu   đã làm thơ !  “Cậu tưởng bây giờ mình mới làm thơ à? “Ông đưa tôi xem trang báo Phong Hoá in bài thơ đầu tiên của ông “Một cậu ở Viện Văn học vừa tìm cho mình đấy!”  Tôi giật mình nhìn cái “đát” 29 tháng 9- 1933 , từ khi mình chưa ra đời! “ Mình có gửi thơ cho báo này bao giờ đâu! Sau mới biết ông Phạm Huy Thông hay gửi bài cho báo đó, nhân có bản thảo của mình trong tay, ông gửi luôn”
Quả nhiên trang thơ có 3 bài thì hai bài của Phạm Huy Thông kẹp bài của Thanh  Châu vào giữa. “Mi” báo thời đó thật lạ đời!
 Đọc bài thơ Lá rụng của ông, thấy một nội dung xã hội đáng quý:
 Có ai thấy đầu cành chiếc lá run lẩy bẩy/ Trước trận gió chiều đông lạnh     lẽo phẩy qua / Có ai thấy khi hạt sương đêm gieo nặng đài hoa/ Chiếc lá bỗng rùng mình run rẩy/ Nhưng có một vật giống như lá ấy…/Là tấm thân tàn của kẻ nghèo xác xơ/ Vì đói, rét nên run lẩy bẩy.
  Đúng thời điểm nhà văn đang viết truyện lãng mạn Hoa ti-gôn, Bó hoa quá đẹp, 
thì khi làm thơ, ông lại hiện thực với lòng trắc ẩn cảm thương lớp người nghèo       đến vậy!
 Nhà văn Thanh Châu đưa tầm mắt ra khoảng sân lốm đốm nắng dưới giàn     mướp hương, hẳn ông đang nhìn về quá khứ:
 - Hồi đi học, chúng tôi cứ làm thơ viết văn ào ào, chưa biết mình là ai, là cái gì! Ông Tô Hoài cũng làm nhiều thơ độ ấy!
Nếu như bài thơ trên còn bị hạn chế của văn phong thời ấy, phảng phất giọng biền ngẫu, thì bài thơ Cây đào về nhà cũ (tặng Q.D.) ông làm năm 1958 sau đây có đủ phẩm cách một bài thơ hay với phong vị bâng khuâng man mác, láy câu, láy chữ, sử dụng yêu vận tài tình…khiến những câu thơ , ý thơ cứ quyến vào nhau, tạo nhạc tính như bài thơ đã được phổ nhạc rồi vậy!
             Về nhà không có ai                                   Thành chim bay về
             Chín năm cây đào phai                              Đậu bên song cửa                                   
             Bên buồng cũ                                            Ta ước chị ta
             Lại một lần nở rộ                                      Lại bên thềm cũ
                                                                                Như xưa
             Đào hỡi!                                                   
             Đầy sân cánh đỏ…                                    May lại cho ta
                                                                                Áo nhỏ
             Biết chăng hoa nở không người                Chiếc áo ngày xưa
             Ta ước mẹ ta                                              Áo đỏ
             Thành hương bay về                                  Hoa đào…
             Vấn vương cành cũ
             Ta ước em ta
Bài thơ tôi động tâm nhất là bài Di chúc. Nhà văn lúc ấy đang ở tuổi 87 rất minh    mẫn, nhưng ông không chủ quan về sức khoẻ của mình. Hãy cứ viết sẵn Di chúc, ung dung chuẩn bị lúc ra đi (giá cuốn Hồi ký ông cũng sẵn sàng được như vậy!) . Ông chỉ viết có 3 câu, nhưng  ngắt ra làm 6 dòng :
                                           Mong cỏ nội
                                           Xóa đi ngàn chuyện dở
                                           Để trên mồ
                                           Con dế đẫm sương kia
                                           Vẫn thay mình
                                           Kể đẹp chuyện đêm khuya
                                                       (Đề bia mộ người viết truyện)
                                                                                                      T.C.
Con người không phải là ông thánh để tránh khỏi mọi chuyện sai lầm. Ông mong   cỏ nội (hay thời gian) hãy xoá đi mọi điều không đẹp với nhau khi còn sống. Ông chẳng cần ai tưởng nhớ đến mình mà chỉ nghĩ đến sứ mệnh cao đẹp của nhà văn. Phải có ai đó dù là một con dế đẫm sương khuya, thay mình kể chuyện!...
 Mong ước của một nhà văn sống âm thầm quá lâu, không thể hiện diện thường xuyên bằng tác phẩm, làm sao có thể được người đời hồi đáp nhanh chóng như văn chương trên mạng ngày nay!
 Thế mà! Một sự kỳ lạ đã xẩy ra:  Nhà văn được chôn cất ở một nghĩa trang   thành phố Hồ Chí Minh. Tôi không rõ gia đình có khắc được những câu thơ trên lên tấm mộ bia, nhưng ở một bữa tiệc cuới sau lễ tang ông ít lâu, tôi được chị Quỳnh Châu đạo diễn âm nhạc Đài truyền hình, con gái nhà văn báo tin:
“Anh ạ! Trên mộ ông cụ, không biết ai đó đã kỳ công chạm khắc một con dế bằng đá trắng đặt bên trên mộ…” Rồi chị bật màn hình chiếc điện thoại di động có hình con dế, theo chị thân dế dài khoảng bốn năm mươi phân…
 Tôi xin chân thành cảm ơn vị độc giả nào đó đã đáp ứng bài thơ bằng một biểu tượng, như lời nhắn gửi nhà văn ở bên kia thế giới: “Chúng tôi không bao giờ quên những gì cụ đã viết ra, để lại cho đời!”      
            
                                                  (nguồn: Văn Nghệ Công an số 109 ngày 3/8/2009)