Sự thật lịch sử và quyền lợi dân tộc
Theo Tia Sáng
Thứ ba ngày 1 tháng 10 năm 2013 5:52 AM
Theo Tia Sáng
Cho tới nay, sách giáo khoa môn Lịch sử của Việt Nam chỉ có không đến 10 dòng viết về cuộc chiến tranh biên giới, mà theo GS Vũ Dương Ninh (người tham gia biên soạn bộ sách giáo khoa lịch sử hiện hành) thì cách nay 7-8 năm, “đưa được chừng ấy dòng vào sách giáo khoa cũng là một sự quyết tâm của các tác giả” (xem Tuổi Trẻ, 20.2.2013).
Công việc nghiên cứu lịch sử trước sau vẫn đòi hỏi tính trung thực, vì thế với tầm nhìn xa về lợi ích lâu dài, ngay cả khi cần viện dẫn đến quyền lợi dân tộc, cách viết lịch sử nói chung chỉ cần trình bày đúng các sự kiện như chúng đã diễn ra mà không nhất thiết phải chêm thêm vào những lời bình luận chủ quan theo hướng tuyên truyền.
Năm 2007, trong khi tình hình quan hệ Việt-Trung vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, được biết có một quyển sách do NXB Lao Động tập hợp những bài viết của một tác giả chuyên khảo về sử địa-văn hóa Việt Nam và khu vực Đông Á-Đông Nam Á vừa ấn hành xong thì có lệnh thu hồi chỉ vì có một bài viết liên quan đến cuộc đăng quang năm 2000 của Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Trần Thủy Biển vốn bị Trung Quốc công kích kịch liệt vì chủ trương “Đài Loan độc lập” của ông này. Việc thu hồi quyển sách như vậy đã được thực hiện vội vã bởi một lý do khá mong manh, có lẽ xuất phát từ những chuyện nhạy cảm về ngoại giao giữa hai bên tranh chấp.
Trước đó một năm, khi chủ biên-hiệu đính quyển Từ điển Lịch sử Trung Hoa (NXB Thanh Niên, 2006) vốn được biên soạn căn cứ chủ yếu vào một sách chữ Hán có đề tài tương tự do Thượng Hải Từ Thư Xuất Bản Xã ấn hành năm 1996, đến mục từ “Cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979”, chúng tôi đã tự động bỏ bớt trước khi qua khâu biên tập chính thức của NXB, vì biết đây thuộc vấn đề nhạy cảm, tuy có thể viết lại mục từ này theo một cách trình bày khác, trung thực hơn.
Thật ra, chúng tôi đơn giản chỉ biên dịch thôi chứ chưa hẳn viết sử, nhưng trong một quyển lịch sử Trung Quốc mà bỏ qua giai đoạn chiến tranh biên giới Việt-Trung (các năm 1979, 1988…) thì rõ ràng là thiếu, và những người biên soạn như vậy coi như cũng không làm tròn trách nhiệm đối với độc giả.
Nhắc lại vài câu chuyện nho nhỏ trên đây để bây giờ chúng ta cũng có phần nào thông cảm với những người biên soạn sách giáo khoa về môn Lịch sử, khi họ, vì những lý do tế nhị tương tự, cũng đã bỏ qua một nội dung quan trọng khiến cho thế hệ trẻ ngày nay, hầu như không ai biết gì về cuộc chiến tranh đó cả, hoặc chỉ biết một cách rất lờ mờ khi có ai tò mò tìm đọc những bài viết không chính thức trên mạng Internet.
Thời gian mấy tháng gần đây, do tình hình diễn biến ngày một khác đi trong mối bang giao Trung-Việt cuộc chiến tranh Việt-Trung khởi từ tháng 2. 1979 mới được khơi lại một cách công khai trên một số phương tiện truyền thông, đi cùng với việc một số bậc thức giả đặt vấn đề cần phải đưa đầy đủ vào sử sách những nội dung liên quan đến cuộc chiến đấu dũng cảm bảo vệ biên giới năm 1979 của nhân dân Việt Nam.
Ở đây có một vấn đề chung hết sức phức tạp đối với mọi người làm sử trong bối cảnh lịch sử cụ thể hiện tại, đó là mối quan hệ giữa sự thật lịch sử và quyền lợi dân tộc. Nếu việc nói lên sự thật như một đòi hỏi tất yếu của khoa học lịch sử mà có phương hại cụ thể đến quyền lợi quốc gia, trong điều kiện mối quan hệ đặc thù giữa hai nước như trong trường hợp Trung Quốc với Việt Nam thì người viết sử có thể làm được những gì?
Nói chung, về cơ bản cũng phải tôn trọng sự thật lịch sử.
Các sử gia Trung Quốc, vì những lý do thuộc về chính trị, có lẽ họ cũng vấp phải những trục trặc ngoài ý muốn khi bắt buộc phải xuyên tạc lịch sử theo ý đồ chính trị. Vài quyển lịch sử Việt Nam do người Trung Quốc gần đây viết bằng chữ Hán, như Việt Nam thông sử của Quách Chấn Đạc-Trương Tiếu Mai xuất bản năm 2001 đã cố ý giải thích sai một số sự kiện lịch sử, như cho Việt Nam đã trở thành đất đai của các vương triều Trung Quốc dưới thời Bắc thuộc, nên những cuộc nổi dậy của Trưng Trắc, Lý Bí, Khúc Thừa Dụ… đều bất hợp pháp, là hành động phản loạn nhằm thiết lập chính quyền phong kiến cát cứ, tách khỏi đại gia đình đa dân tộc thống nhất Hoa Hạ (xem bài viết của Trần Nghĩa, Tạp chí Hán Nôm, 2(63), 2004, tr. 64). Riêng trong cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung, các sách giáo khoa môn Sử cũng như các phương tiện thông tin tuyên truyền khác đều dạy cho học sinh và mọi người Trung Quốc rằng “đường lưỡi bò” chín đoạn trên biển Đông thuộc chủ quyền Trung Quốc, còn Việt Nam là nước chủ động xâm lăng Trung Quốc nên Trung Quốc cần phải tự vệ và “dạy cho chúng bài học”…
Ở đây, rõ ràng, vì quyền lợi dân tộc hẹp hòi mà đã cố ý bóp méo sự thật lịch sử, bất chấp việc làm như thế sẽ có tác hại lâu dài, là dần dần làm biến dạng những đức tính tốt đẹp cố hữu của nhân dân Trung Quốc, thứ vốn xã hội cần thiết để dân tộc Trung Quốc có thể xây dựng tương lai cho mình một cách bền vững mà vẫn không cần xâm hại đến những dân tộc khác.
Phải thành thật nhận rằng, trong quá khứ, khi hai nước còn thân thiện với nhau, đường lối chính trị hóa triệt để học đường theo kiểu Trung Quốc cũng có ảnh hưởng nhất định tới cách hành xử của Việt Nam trong một số vấn đề thuộc phạm vi giáo dục. Nhớ lại hồi năm 1979, sau cuộc đụng độ ở biên giới Việt-Trung, Bộ Giáo dục Việt Nam đã có văn bản chỉ thị xóa bỏ trong sách giáo khoa văn học tất cả những bài học liên quan đến văn học, văn hóa, đời sống Trung Quốc, như bài “Vịt Bắc Kinh” ở bậc tiểu học, các bài về Kinh Thi, Tây du ký… ở bậc trung học. Đến sau, khi hòa hoãn trở lại, những bài học này mới được phục hồi. Việc làm có vẻ ấu trĩ của một thời người ta hầu như không phân biệt sự khác nhau cơ bản giữa văn hóa-giáo dục với chính trị, và giữa những giá trị phổ biến nhân loại với những lợi ích dân tộc nhất thời.
Công việc nghiên cứu lịch sử vì vậy trước sau vẫn đòi hỏi tính trung thực, để giáo dục công dân trong nước trước hết sự lương thiện rồi mới đến những phẩm chất khác như yêu nước, yêu lao động… Vì thế với tầm nhìn xa về lợi ích lâu dài, ngay cả khi cần viện dẫn đến quyền lợi dân tộc, cách viết lịch sử nói chung chỉ cần trình bày đúng các sự kiện như chúng đã diễn ra trong quá khứ rồi kết nối lại thành một trình tự dễ theo dõi mà không nhất thiết phải chêm thêm vào những lời bình luận chủ quan theo hướng tuyên truyền.
Năm ngoái, Hội Sử học Việt Nam có đặt vấn đề lập kế hoạch biên soạn lại một bộ thông sử Việt Nam theo hướng trung thực hơn, vượt ra ngoài những giới hạn của vấn đề ý thức hệ. Thiết tưởng đây là chiều hướng tích cực đáng được thúc đẩy, và có thể nhân cơ hội soạn lại này, chỉnh sửa ngay một số những sự kiện lịch sử sai lạc (như nói Mai Thúc Loan khởi nghĩa năm 722 vì uất ức trong chuyện phải tham gia đoàn người gánh trái vải nộp cống cho nhà Đường…, nói trong Lịch sử lớp 6, tr. 64; hay một số nhận định chưa chính xác về triều Nguyễn, về Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh…), đồng thời đưa thêm những nội dung mới lâu nay kiêng kỵ vì những lý do chính trị này khác, như cuộc hải chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974, cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung những năm 1979, 1988…
Nếu đã có chính nghĩa đàng hoàng, thì sự thật lịch sử và quyền lợi dân tộc, xét theo hướng lợi ích lâu dài, chẳng những không hề trái nghịch mà còn thống nhất, dung hợp được với nhau một cách hài hòa, biện chứng.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả
Cóp từ Quechoa