Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Người đàn bà mang trái tim của lửa trong mắt sóng

Mai Phương
Thứ sáu ngày 4 tháng 10 năm 2013 9:17 AM

 
(Đọc Mắt Sóng của Phạm Thị Phương Thảo)
 
Khi đọc thơ của một nữ thi sĩ, có lẽ, không phải riêng tôi mà nhiều bạn đọc thường có một tâm niệm rằng, ở đó thường là sự dịu dàng, dịu dàng đến mức “không chịu nổi” như Mùa lá rụng của Olga Berggoltz. Và thường thì cái cảm giác đó luôn thường trực trong suốt quá trình đọc. Đó âu cũng là chuyện thường tình. Bởi thiên chức của người phụ nữ đã làm nên sự dịu dàng cho đời và nó đã được đưa vào thơ. Và bởi thơ cũng là tiếng lòng của họ. Ở đây, trong tập “Mắt Sóng” chúng ta lại bắt gặp một giọng thơ nữ dịu dàng, nhưng đầy chất lửa.
Cái làm nên thơ của mỗi người, không bao giờ và sẽ không thể bao giờ có sự đồng điệu của cùng một cảm xúc. Đó là cái làm nên nét thơ riêng, điều mà chỉ có ở người đó, từ giọng điệu, ngôn ngữ, âm sắc, độ lắng, nghĩa là tất cả cái mà bạn đọc đang cầm trên tay phải là của chính người đó và làm nên sự khác biệt của họ với người khác. Điều mà bạn đọc muốn được thấy, được đọc cũng chính là sự khác lạ ấy, cái mới lạ trong cái muôn đời ấy. Hay nói cách khác đó là cái làm nên sự khác biệt của mỗi người trong muôn người. Từ đó cái hay, cái đẹp cũng sẽ được soi chiếu bắt đầu từ sự khác biệt trong bạt ngàn rừng hoa muôn sắc hương ấy. Cái làm nên sự khác biệt “không lẫn” vào đâu được chính là cái mà bạn đọc cần và bạn đọc trân trọng. Với thi ca, một người, luôn biết tìm tòi, luôn khám phá, luôn “tự làm mới” những điều “của chính mình” để tìm đến cái mới, cái khác lạ trong thơ thì người đó mới có thể đi xa hơn trên con đường thi ca. Sự khác lạ ấy đã làm nên một giọng thơ nữ Phạm Thị Phương Thảo.
Chẳng biết chị ấp ủ từ khi nào mà mới chỉ trong những năm gần đây, Phạm Thị Phương Thảo đã cho ra mắt bốn tập thơ dày dặn. Tập Dòng sông khát vọng, Nhà xuất bản Văn học 2010, rồi Hoa nắng, Nhà xuất bản Văn học 2011 đến năm 2012, Phạm Thị Phương Thảo đã cho ra mắt bạn đọc  hai tập thơ do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành là Trao em mùa hạ và Khúc ru nơi lưng núi. Và đến nay năm 2013, Phạm Thị Phương Thảo trình làng một tập thơ mới mang cái tên rất gợi là “Mắt Sóng”.
Tôi không kể tới sức viết dồi dào, khả năng sáng tạo hay sự bung phá cảm xúc của Phạm Thị Phương Thảo mà chỉ trong thời gian ngắn đã trình làng với số lượng thơ đáng nể như thế. Ở đây, tôi thấy một Phạm Thị Phương Thảo không chỉ luôn “tự làm mới mình” trong sáng tạo, mà còn làm mới cả giọng thơ. Một giọng thơ khác lạ đầy chất lửa đã làm nên một Phạm Thị Phương Thảo nữ sĩ.
Thế giới vật chất luôn vận động và phát triển. Sự vận động và phát triển làm nên một thế giới vật chất luôn biến đổi, luôn mới và luôn khác từng ngày. Với thi ca cũng thế. Nó là cảm xúc của mỗi cá nhân, trong một khoảng thời gian nhất định, trong một không gian nhất định, là tiếng lòng chỉ của một và một người mà thôi. Nó là cái tôi không trộn lẫn với bất cứ ai.
Hãy đọc bài thơ mang tên “Vẫn” của chị để hiểu thêm một góc nhìn đầy triết lý về cuộc sống:
Những ánh mắt nhìn
Thẳm sâu đáy giếng
Những đóa môi cười
Vẫn ngút bờ xa
Những khúc tình ca
Lay trầm ngâm chiều
Những vần thơ kiêu
Đêm xanh run rẩy
Những nỗi cô liêu
Chợt vùng  cựa quẫy
Những dòng sông yêu
Vẫn xoáy bờ quay”.
Còn ở bài “Sen tháng Mười” thì cái lạ, cái mới ở Phạm Thị Phương Thảo bắt đầu từ cái nhìn. Mà đã là cái nhìn ban đầu để có cảm xúc bao giờ và khi nào cũng đều là cảm tính. Khi thời gian lùi lại, xa một chút, lắng một chút, cộng với sự trải nghiệm của người đó, nó sẽ mang sắc thái của lý tính và tạo nên một cái tôi từ ngôn ngữ.
Võng cuống thời gian như muôn vàn dấu hỏi
Sen cuối mùa hay sen đã thu
(Sen tháng Mười)
Cái lối hỏi mà không hỏi bởi bản thân ngôn ngữ đã tự trả lời. Sen đã tháng mười, đã cuối mùa, các cuống sen một thời nâng lá, nâng hoa, nay qua thời gian, héo lại, khô đi chỉ còn là những cái cuống cong cong như dấu hỏi còn đọng lại trên mặt hồ. Bản thân sự vật đã nói rằng, bây giờ trời đã cuối thu. Biết là thế, nhưng biết gọi tên sự vật ấy là đã cuối mùa sen hay là sen đã thu. Có thể, cũng hình ảnh ấy đã đủ nói lên sự vật hiện tượng theo sự luân chuyển của thời gian. Nhưng nếu gọi sự vật hiện tượng ấy là sen cuối mùa hoặc sen đã thu thì lại đã là một sự khác nhau rất lớn, không chỉ cách gọi mà cách cảm, cách nghĩ, sự liên tưởng đến một sự vật hiện tượng khác. Sen phận người có đủ bốn mùa cùng mưa nắng nhân gian.
Sự trầm lắng luôn là yếu tố để thơ trải vào trong tâm tư, trong tâm tưởng của bạn đọc. Ngôn tại ý ngoại là vậy. Sự trầm lắng của thơ như con sóng dưới lòng sâu, ai biết được con sóng ấy thế nào? Hay có thể nói, chất chứa trong cái tĩnh là một cái động, cái động đến khôn cùng, dữ dội đến khôn cùng. Và, trong cái động lại có cái tĩnh. Đó chính là thế giới mà chúng ta đang sống.
Mùa chạm nhẹ đủ làm những ánh mắt say tình. Mùa chạm nhẹ bóng năm tháng nghiêng trên những vầng trán bớt đăm chiêu
(Khúc tháng Giêng)
Hay những câu thơ mang đầy chất lửa còn ăm ắp nhựa sống và ngút ngàn hoang dã màu Tây Nguyên.
Anh
Giữa mùa đàn ông
Bờ vai Tây Nguyên ắp gió
Ngút xanh rộn rã lá cành
Em
Dã Quỳ náo nức hoa vàng
Ngẩn ngơ Thạch Thảo
Hồn nhiên non mướt xâm thực bãi hoang
Giấc khuya vùi mình
Lấp loáng...
(Tây Nguyên mùa anh )
Không chỉ mới với cách nhìn, lối cảm mà “Mắt Sóng” luôn chất chứa trong nó một nỗi niềm của lửa, một trái tim Đan - kô muốn dâng hiến cho người. Nếu xét theo chuẩn mực của “xã hội” lâu nay chúng ta vẫn coi nó như một thứ “bất biến” thì tình yêu của “Mắt Sóng” cũng rất khác, rất lạ và cũng rất mới. Một quan niệm khác hay một góc nhìn khác của cuộc sống, tạo nên sự đa thanh, đa sắc trong tình yêu. Một cái khác để làm nên một Mắt Sóng dữ dội, làm lửa cháy. Dữ dội lắm nhưng cũng nồng nàn lắm. Cái nồng nàn làm nên sự dịu dàng của niềm khao khát vô bờ.
Khi đọc câu thơ này ở Mắt Sóng, tôi cứ lẩn thẩn nghĩ: Trên thế gian có mấy người phụ nữ yêu như thế này? Có bao người đàn ông không thể “chìm” trong bể yêu như thế. Khi thơ là thế, hãy đi đến tận cùng của cuộc sống, lúc đó thi ca sẽ tự cất lên lời.
Mong con tim
Có một ngày xích đạo
Biển mây cháy rực
Thăng hoa đến tận cùng hư ảo

Em
Bức tranh lửa dịu dàng
Bay lên
Gom tình
Thiêu cháy nhân gian.
(Tranh lửa)
Và tôi tin điều đó bởi với một tình yêu như thế thì “Mắt Sóng” đã nhấn chìm tất cả trong vòng tay yêu khi mà những ngọt ngào đã được trao gửi. Cái nhấn chìm ấy có lẽ bởi:
“Cây sấu già khắc khổ
Vắt kiệt mình cho hoa”
(Nỗi buồn năm nhuận)
Một sự khẳng định không chỉ còn là ngôn ngữ nữa mà nó đã thành sự khát khao trong mong nhớ của dâng hiến. Đây cũng là một niềm tin vào tình yêu, một sự khác biệt trong cách nhìn của nữ sĩ về tình yêu.
Anh không thể rời xa em ngay cả khi cận kề bên cái chết
Bởi vì Sôcôla không thể ngọt bằng em...
(Valentine)
Với một Phạm Thị Phương Thảo cùng “Mắt Sóng” bạn đọc không chỉ dễ gặp những câu thơ của lửa mà ở đó cũng có sự đậm đặc những nét muôn mặt của cuộc sống với dòng chảy không ngừng nghỉ của tình yêu:
Dịu dàng dải lụa quấn quýt em
Dòng sông Anh
Món quà số phận
Thượng đế chọn em trao ai đoán được bao giờ
(Dòng sông anh)
Ở đâu đó ta còn bắt gặp một sự thương cảm sâu sắc của người phụ nữ từng trải với một người đàn bà khác, một người mẹ liệt sỹ mất con:
Tóc đêm mơ     Phủ trắng sợi thời gian?Đêm đau đáu Cõng nỗi đauĐêm oằn lưng đặc quánh nhiệm màu.
(Bài viết cho người mẹ liệt sỹ)
Dẫu ở bất cứ  nơi nào, với Phạm Thị Phương Thảo có lẽ, trên tất cả vẫn là tình yêu. Tình yêu là nền tảng tinh thần cho cuộc sống, là sức sống mãnh liệt của con người.
Ngăn ngắt trời, ngăn ngắt đảo thần tiên
Vạm vỡ núi, gió lạc giọng ưu phiền
Đã bao ngày núi trầm ngâm nhìn biển
Sâu tận đáy, biển thăm thẳm cuồng điên.
(Núi và biển)
Tình yêu ấy có khi chỉ là tiếng lá nhẹ nhàng rơi, rơi rất khẽ. Tiếng lá rơi hay tiếng tự tình của thiên nhiên với con người. Sự tinh tế, sự nhẹ nhàng trong thơ của Phạm Thị Phương Thảo khi viết về tình yêu không kém phần cháy bỏng nhưng bạn đọc sẽ có những cảm nhận rất riêng, rất Phương Thảo. Đó có phải là sự đa tình đến tận cùng của đa tình? Và cũng có phải cũng chính từ sự đa tình đến thế để câu thơ làm nên lửa cháy?
Đa tình bỗng rụng vào thơ
Ánh trăng rụng chín cả bờ vai đêm...
(Rụng)
Tháng Giêng bầu ngực căng tròn
Níu men rượu ủ bồn chồn bước ai
(Câu thơ vớt hôm rằm)
 
Khô cằn
khát hứng mướt xanh
Thuyền kia hứng sóng tròng trành... đêm ơi
(Hứng)
Với người làm thơ, độ lắng của người viết trải qua thời gian đúc kết nên con chữ là thước đo giá trị của sức nặng ngôn từ. Chị có một lối gieo vần rất lạ và đa thanh, đa nghĩa:
Ven sông hoa dại gài then gió
Trên trời mây trắng nắng lung liêng
Tóc rối xuân tươi người quên tuổi
Dưới thềm hoa đỏ cỏ hao gầy...
(Bâng quơ)
Chị coi thi ca là một thánh địa của những thứ sang trọng và tuyệt diệu nhất để thăng hoa cùng với nàng thơ:
Khát vọng trào dâng xoáy cong cong vòng ốc
Tận hiến mình cho xác chữ bừng hương.
Hay những câu như:
Em lung linh trong vũ điệu gió
Khởi nguyên ngôn từ
Những khát vọng thăng hoa
Một khi câu thơ không được đúc kết từ những sự trải nghiệm, ngôn ngữ có to tát đến đâu, cũng khó làm nên sức nặng trong tâm trí người đọc. Nếu không có sự trải nghiệm, nếu không vắt kiệt mình, không có độ lắng của tâm hồn, ngôn ngữ ấy cũng chỉ là con số không tròn trĩnh.
Cánh đồng thơ
Miệt mài cày ải tự tinh mơ
Nơi đốt lên ngọn lửa
Bông lúa cong mềm thời thiếu nữ
Được nuôi lớn bằng lời ru của mẹ
Câu ca dao ngọt ngào cất lên từ khói thuốc của cha.
(Cánh đồng thơ)
Cũng như thế, trong tình yêu, trong cuộc sống, nếu chưa thật sự sống đến tận cùng, sống hết mình, không tự cháy lên thì thơ sẽ chỉ nhàn nhạt dù có cố gắng thi vị nó qua ngôn từ đến đâu.Thơ tình của chị là mơ ước, những trải nghiệm đầy khát khao và luôn dạt dào như sóng:
Sóng
    Vai núi
             Ngất ngây
Gió
    Phập phồng
             Đêm say
Ngực biển dâng
                          Tròn đầy ...
( Ngực Sóng)
Vì thế, ở “Mắt Sóng” ta thấy tình yêu trong thơ chị ngay cả nỗi buồn cũng lung linh ngời lên vẻ đẹp:
“Nở đi những nụ sầu
Mặc ai nhen đa mang ngun ngún lửa
Gói niềm đau
Ta bỗng trầm mình hóa sóng”.
Ta có thể cảm nhận được đến tận cùng của sự da diết, tận cùng của nhớ thương, tận cùng của sự khắc khoải, tận cùng của sự đam mê.
Khắc khoải rằm
Trăng rơi bên kia con dốc
Nghe tí tách
Da thịt từng hạt mầm rơi...
(Mắt Sóng)
Với ngôn ngữ mới mẻ và giàu sự biểu cảm, cùng sự trải nghiệm được chắt lọc qua thời gian, thơ Phạm Thị Phương Thảo nhẹ mà lắng, tinh tế mà cũng rất đời, gần mà cũng rất xa, rất khác lạ trong nhiều giọng thơ của ngày hôm nay. Đã có lúc, tôi muốn gọi tên tập “Mắt Sóng” của Phạm Thị Phương Thảo với cái tên là: “Người đàn bà đa tình mang trái tim của lửa” bởi ngôn từ của thơ chị cứ ngùn ngụt cháy, như cuốn người đọc vào niềm khao khát rất người. Và tôi, xin được mượn lời của nhà thơ Hữu Thỉnh bàn về thơ để thay cho lời kết của bài viết này về “Mắt Sóng” của Phạm Thị Phương Thảo: “Hiện đại - theo tôi là một vốn từ tối thiểu mà đạt được hiệu quả tối đa. Nó đa tầng, đa thanh, mở ra nhiều vùng liên tưởng. Và nó, phải là tâm trạng của ta, cách nhìn, chỗ đứng của ta, ngày hôm nay, không thể trộn lẫn”.
Đó cũng chính là một Phạm Thị Phương Thảo với giọng thơ như thế.
 
Mai Phương