Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Người thày 70 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người

Nguyễn Huy Thông
Thứ năm ngày 3 tháng 10 năm 2013 3:27 PM

 

Trái tim người thầy đã sống gần trọn một thế kỷ, trong đó có 70 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” (1943-2013) ngừng đập chiều ngày 27-9-2013. Người thầy kính yêu đó là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai (1919-2013). Trước cái tang đau đớn này, lớp lớp thế hệ sinh viên, học sinh ở cả hai miền Nam - Bắc được thầy dìu dắt, dạy dỗ đều bàng hoàng, nhớ mãi hình ảnh và nhân cách cao đẹp của thầy. Mới gần đây thôi, sáng chủ nhật, 22-9-2013, lớp Văn khóa 8, Khoa Ngữ - Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội chúng tôi đã họp mặt kỷ niệm 50 năm tựu trường (1963-2013). Chúng tôi tuổi tác đã trên, dưới 70 đều hồ hởi nhắc đến những kỷ niệm đẹp đẽ, sâu sắc về tình nghĩa thầy, trò; tình bạn bè trong suốt bốn năm ngồi trên ghế nhà trường đại học. Một trong những giáo sư đã để lại cho chúng tôi tấm gương sáng ngời về cốt cách, bản lĩnh người thầy; truyền cho chúng tôi ngọn lửa nhiệt tình và tình yêu văn học, nghệ thuật để hướng tới chân, thiện, mỹ là thầy giáo Hoàng Như Mai. Những giờ lên lớp của thầy thật sinh động và hấp dẫn vô cùng. Thầy hoàn toàn làm chủ bài giảng, tuy có mang theo giáo án và tài liệu minh họa, nhưng thầy hầu như không sử dụng.  Thầy giảng rõ ràng, mạch lạc, đầy sức truyền cảm, thuyết phục. Giọng thầy rất ấm và vang nên càng làm cho bài giảng có sức cuốn hút sinh viên một cách kỳ lạ. Thầy có biệt tài cảm thụ tinh tế và phát hiện được nhiều cái hay, cái đẹp do văn học mang lại cho con người và cuộc đời. Chúng tôi không thể nào quên được hình ảnh thầy ung dung, với giọng nói hết sức tự nhiên như rót vào tai sinh viên khi thầy phân tích, diễn giải có lý có tình về những bài thơ tuyệt vời mà có thời kỳ bị coi là “có vấn đề”, vì giọng điệu “bi quan, tiểu tư sản”. Đó là các bài Tây tiến của Quang Dũng, Không nói của Nguyễn Đình Thi, Màu tím hoa sim của Hữu Loan...Tôi nhớ đến bài giảng của thầy về chuyên đề thơ ca đấu tranh thống nhất nước nhà. Tôi rất ngạc nhiên về trí nhớ đặc biệt của thầy. Thầy thuộc lòng khá nhiều bài thơ, đoạn thơ hay của Tố Hữu, Tế Hanh, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Trinh Đường, Lưu Trọng Lư, Trần Nguyên...Thầy nhấn mạnh: Bên cạnh những bài thơ đặc sắc, cảm động về tình cảm Bắc - Nam, về ý chí thống nhất Tổ quốc, gương đấu tranh anh dũng của đồng bào, đồng chí miền Nam... , có một số bài thơ buồn bã, bi quan quá. Người đọc cảm thấy tác giả có sự đau điếng, tê tái, vì 2 năm đã qua (1954-1956) mà đất nước vẫn chưa được thống nhất. Do tâm trạng đó nên nhiều bài thơ khiến cho người đọc chán nản, không thấy rõ tương lai tươi sáng ngày mai. Có nhà thơ viết: “Em chờ anh không nghĩ đến thời gian”. Viết như thế là không thực, không đúng với tâm trạng của người vợ miền Nam đang ngày đêm mòn mỏi, trông ngóng người chồng tập kết ở miền Bắc trở về... Chỉ có nhà thơ lớn Tố Hữu vẫn giữ được tiếng thơ tràn đầy sự tin tưởng về ngày mai bừng sáng, tuy  hôm nay cả nước đang đau xót, căm hờn quân xâm lược và bè lũ bán nước.
Có thể nói thời gian học đại học 2 năm cuối ở nơi sơ tán: thôn Tràng Dương, xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên là dịp chúng tôi được học tập, gần gũi thêm với các thầy giáo, cô giáo. Nhà thầy Hoàng Như Mai chỉ là hai gian tranh tre, nứa lá, dựng tạm bên con suối Đôi thơ mộng. Mùa mưa bão, nhà thầy bị gió mạnh thổi tốc mái, siêu vẹo, nước tràn vào sân. Mấy sinh viên chúng tôi lại gọi nhau ra sửa giúp nhà cho thầy. Lúc giải lao, thầy, cô mời chúng tôi ăn mấy miếng sắn bở, ngon và tươi mới nhổ ở vạt đất vườn. Tôi tranh thủ giở xem mấy cuốn sổ tay đặt trên bàn thầy. Thầy giáo thấy tôi chăm chú xem, bèn bảo: “Em mang về xem rồi trả cho thầy sau nhé”.  Đêm hôm ấy (20-3-1966), bên ngọn đèn dầu của nhà bác chủ Nguyễn Đình Chung, tôi đã miệt mài chép những tư liệu quý của thầy. Đó là truyện ngắn Nỗi buồn của thày Mạnh của Minh Đạo, đăng trên báo Tự trị của Tổng hội sinh viên số 10, 22-6-1945; các bài thơ Độc hành ca 2 của Thâm Tâm, Hẹn về cố đô của Đinh Hùng, Giản dị của Lê Khắc Thiền... Tôi thầm cảm phục thầy, vì mặc dù cảm thụ rất sâu, thuộc rất nhiều áng văn, thơ nhưng thầy vẫn chịu khó ghi chép và suy ngẫm, bình luận văn chương.
Thầy giáo Hoàng Như Mai đến với con đường văn học, nghệ thuật và giáo dục như một lẽ tự nhiên. Trong lá thư tay dài 4 trang giấy, khổ A4, viết từ thành phố Hồ Chí Minh gửi cho tôi, đề ngày 25-11-2003, thầy đã cắt nghĩa lý do thầy gắn bó với sự nghiệp “trồng người”: “Vì học sinh, sinh viên làm cho tôi yêu mến nghề thầy giáo. Nghề thầy giáo luôn cho tôi được sống với tuổi thanh xuân”.
Quả thật vậy, cho đến tận những năm cuối đời, khi sức khỏe đã giảm sút nhiều, thầy vẫn giữ được phong độ và tâm hồn thanh xuân ấy. Thương tiếc thầy đi xa, tôi lại nhớ những lời dạy quý báu của thầy năm xưa. Trong sổ tay, tôi đã ghi hầu như nguyên văn bài nói chuyện của giáo sư Hoàng Như Mai về thơ Bác, tại Câu lạc bộ Hội nhà báo Việt Nam, tối ngày 29-4-1968. Trong hai giờ đồng hồ liền, giáo sư đã nói “vo”, dẫn chứng chính xác cả thơ chữ Việt lẫn thơ chữ Hán của Bác, cuốn hút sự chú ý của hàng trăm nhà báo, trong đó có nhiều người là học trò của thầy giáo. Bây giờ đọc lại sổ tay, tôi cảm thấy những ý kiến chí lý của thầy vẫn giữ nguyên ý nghĩa thời sự, hấp dẫn. Thầy nói: “Trong tập thơ Nhật ký trong tù, Bác không đối lập thơ xưa với thơ nay, không phê phán thơ xưa yêu cảnh “mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông” . Bác chỉ muốn bổ sung một ý: Thơ bây giờ phải có thêm chất “thép” và nhà thơ phải biết “xung phong”... “Dân tộc ta rất yêu thiên nhiên. Bác là người tiêu biểu cho dân tộc ta.  Bác đi đúng dòng thơ lớn của dân tộc. Trong thơ, Bác yêu thiên nhiên vô cùng. Thơ Bác chan hòa sức sống...” và “Bác rất yêu đất nước nên trong thơ Bác, phong cảnh được hiện lên rất đẹp tươi, hùng vĩ, mênh mông bát ngát và thanh tú...”.
Tôi xin dành bài viết này như một nén tâm nhang thành kính dâng lên Giáo sư Hoàng Như Mai - người thầy đức độ, tài hoa đã cùng với bao thầy, cô khác ở Khoa Ngữ - Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tận tâm, tận lực chăm sóc, đào tạo lớp lớp học trò trờ thành những người làm công tác văn hóa, văn nghệ, những nhà báo, nhà văn, nhà hoạt động xã hội v.v.. tâm huyết của đất nước.
Hà Nội, đêm 27-9-2013.

 


MỘT DÂN TỘC OAI HÙNG ! LẠI KHÔNG CÓ ANH HÙNG!

Chuyện phiếm : Dân số Việt Nam hiện nay ước độ gấn 90 triệu, số hộ có truyền hình khoãng 80%. Từ bậc trung trở xuông mỗi nhà có 1 cái, bậc trung trở lên thì mỗi tầng, mỗi phòng 1 cái, hơn nữa mỗi người 1 cái ……

Ngoài chương trình Thời sự, có 1 số quan tâm, sau khi xem xong thời sự… phần hấp dẫn nhất là : phim truyền hinh : Khi người ta yêu, Đời sống chợ đêm, Tay trong tay, Thái Bình công chúa….. thì đây là giờ phút vô cùng hấp dẫn . Thú thật phim truyện Việt Nam rất kén người xem ( thường chỉ dành riêng cho những nhà nghiên cứu, phê bình ).

Tôi ở miền Tây : Giòng An Giang, mây xanh, nước biếc ( Anh Việt Thu), gia đình có một Tivi, sử dụng Antenna … chưa sủ dụng cáp hay kỹ thuật số và K+… vì nghĩ rằng 1 số đài địa phương : Cần Thơ (3) Vĩnh Long (2) An Giang (2) còn VTV1, VTV2….. Kiên Giang, Đồng Tháp…. Xem không hết rồi, còn thời gian cày, bừa, kiếm ăn nữa chứ …..

Các phim truyện hiện giờ 90 % là phim truyện Trung quôc và Hàn quốc.

Phim truyện hôm nay   29/9/2013 : VTV1 : anh hùng Nhạc Phi.
                                     VTV CanTho 1 : Chu Nguyên Chương-Lưu Bá Ôn.
                                      Vĩnh Long 1 : Nữ tướng Phan Lê Huê.

Buồn man mác, buồn vào tim.

Đất nước có 4000 năm văn hiến. 1000 năm nô lệ giặc Tàu, 100 năm đô hộ giặc Tây, 20 năm đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược …

Một dân tộc ngoan cường, không bị đồng hóa . Nào là Lý Nam Đế, Mai Hắc Đế, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt ….. rất nhiều anh hùng lẫy lừng….

DẠY CON TỪ THUỞ CÒN THƠ .

Các cháu nhỏ bây giờ, các cháu rất thông minh và các cháu cũng ghiền phim. Xem 1 lần là nhớ ngay, cả tên các diễn viên đóng phim khi nhắc  đến là các cháu biết ngay …. Học trò cấp 1, 2 khi hỏi (xin lỗi 1 phần nào, chứ không dám quơ đũa cả nắm) Lý Thường Kiệt là ai ? thì đáp án là Lý Liên Kiệt. Hỏi Lý Thái Tổ, Lê Thái Tổ là ai ? thì không biết, nhưng nói về vua Khang hy, Càn Long thì rất rành … hòi Huyền Trân công chúa là ai ? là Hoàn Châu công chúa chứ ai !

Ôi những Thủy Hử, Tam Quốc, Võ Tắc Thiên, Mộc Quế Anh, Hoa Mộc Lan … toàn là anh hùng Trung Quốc cả !

Quí vị thử kiểm tra xem hôm nay 100 đài truyền hình toàn quốc có bao nhiêu đài chiếu phim truyện VN nói về anh hùng nước Nam hay không ? đồng thời có bao nhiêu đài chiếu phim truyện Trung Quốc nói về các anh hùng Trung Quốc.

Năm 2010, kỹ niệm 1000 năm Thăng Long, có 3 bộ phim lớn : Huyền sử Thiên đô, Lý Công Uẩn, Thái sư Trần Thủ Độ tiêu tốn 217 tỷ đồng cũng không chiếu được, đến nay vẫn chưa đến với công chúng Việt Nam.

Có 1 bộ phim Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vai nữ là cô Đại du Lý Nhã Kỳ, thì khoe bộ ngực khủng làm bộ phim mất hết vẽ nghiêm trang.

Dạy con từ thuở còn thơ.

Ôi tại sao lại dạy mấy cháu thơ : Tần Thủy Hoàng, Võ Tắc Thiên, Ung Chính, Càn Long … những Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo cất đi đâu ?

Các Bộ Văn Hóa, Bộ Thông tin-Tuyên truyền và các nhà đài suy nghĩ như thế nào, mấy đứa trẻ khi lớn lên có nguy cơ mất gốc rồi phải không ? Ôi ! xót xa thay lại mất gốc ngay trên đất nước của mình .

Tại sao một dân tộc oai hùng nhưng lại không có những anh hùng ?

                29/9/2013   TRỊNH-KIM-THUẤN.