Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Thầy giáo Phụng

Nguyễn Ngọc Dương
Thứ năm ngày 26 tháng 9 năm 2013 7:06 AM


Mọi người thường gọi anh là Thầy giáo Phụng, nhưng mình thì chỉ gọi là Anh. Anh hơn mình chừng chục tuổi. Trước kia anh dạy học ở Sa Pa, từ đời tám hoánh nào mình chả biết. Sau anh được chuyển công tác về huyện Bảo Thắng và được phân công dạy ở trường cấp 2 Phố Lu. Mình biết anh từ năm 1971 cũng là do tình cờ. Hồi ấy mình đang công tác ở phòng Tổ chức úy ban huyện. Hằng năm, khi tổ chức các cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân, mình thường phải làm cái việc tóm tắt tiểu sử các ứng viên do Cấp ủy chọn và Mặt trận Tổ quốc giới thiệu. Nhưng do thời gian gấp rút, để kịp thời gian công bố tiểu sử ứng viên trên loa đài theo Luật bầu cử thì phải trưng tập thêm người làm. Mình sang phòng Giáo dục đặt vấn đề, được Phòng giới thiệu thầy Thành Dương Phụng. Thế là từ đấy anh em thân nhau.

Năm mình hai sáu tuổi đã có con gái đầu lòng, anh Phụng khoảng ba tư, ba nhăm mà vẫn chưa một mảnh tình. Dáng người thấp, trán cao, hói, tóc xoăn và đặc biệt là lúc nào cũng phải mang cặp kính cận lồi như cái đít chai. Hồi ấy, mỗi cán bộ, viên chức một năm được cung cấp 4 m vải nên có muốn ăn mặc tử tế cũng chả được. Vì thế tuy là dân Hà Thành chính gốc nhưng anh Phụng lúc nào nom cũng xuềnh xoàng trong những bộ đồ nhầu nhĩ. Anh kể, một buổi tối đi chơi về, trăng sáng vằng vặc. Đang đi trên quãng đường vắng, gặp một cô gái trẻ bế con nhỏ. Cô gái nằn nì: “Cụ ơi, cụ hộ con tí...”, rồi ấn con nhỏ vào tay anh. Anh còn đang ngơ ngác chưa hiểu thế nào thì cô gái tụt vội quần, khom người ngồi xuống rệ đường ngay trước mặt anh chỉ độ hai mét. Dưới ánh trăng sáng, cả một mảng mông và cặp đùi trắng lóa trước mặt. Anh ngượng quá, hiểu ra sự việc, đành bắt chước giọng ông già nựng đứa bé: “Ờ âu...cháo ung ngoan quá nhẩy. Cháo ngoan để mẹ còn đi... chè nhá!”. Trả con cho cô gái rồi, rẽ vào con đường nhỏ, anh Phụng cứ khùng khục cười một mình. “Mẹ kiếp, một thằng con trai chưa vợ mà nó nhầm mình là Cụ nên mới tự tin tụt quần trước mặt... “cụ” như thế”.

Có lần mình mời anh ở lại ăn cơm. Thức ăn chả có gì ngoài đĩa rau dền luộc với mấy con cá rô phi, toàn bằng hai đầu ngón tay, rán giòn. Mình mang chai rượu sắn ra nhâm nhi với anh. Vợ mình ý tứ nhường đĩa cá cho hai anh em uống rượu, toàn gắp rau luộc ăn cơm. Được già nửa bữa thì trên đĩa chỉ còn mỗi con cá. Người nọ có ý nhường người kia không ai gắp. Thấy để lâu quá, anh Phụng bảo: “Thôi, để anh gắp nốt con này cho nó ...đi theo đàn!”. Tính anh là vậy, rất chân tình nhưng hóm. Không lúc nào thấy anh buồn cả.

Hồi ấy, những cán bộ viên chức quê ở miền xuôi nếu được chuyển vùng về quê thì phải có thành tích đặc biệt hay một đặc ân nào đó. Một hôm anh Phụng thổ lộ: “Dương ạ, mẹ tớ năm nay tám mươi tuổi, hai mắt mù chả nhìn thấy gì. Ở nhà chỉ có mỗi thằng em hoàn cảnh nó lại rất neo. Cậu xem có xin được cho tớ chuyển vùng không?”. Mình đang là cán bộ tổ chức của huyện nên mách anh làm thủ tục và có ý kiến với lãnh đạo huyện và Ban tổ chức chính quyền tỉnh để anh được chuyển về Hà Nội công tác, trông nom mẹ già. Sống ở miền núi lâu năm nên về Thủ đô, đôi khi anh vẫn mang phong cách của những “bố bản” vùng cao. Nhà anh ở trong một con hẻm phố Bạch Mai. Một hôm đi bộ ra phố, lên bách hóa Tràng Tiền về, buồn đi tiểu quá, anh ghé ngay vào chân cột điện... Đang tè thì nghe tiếng còi tuýt ngay sau lưng. Anh giật nẩy mình vãi cả nước ra quần. Quay lại thấy viên cảnh sát mặc áo vàng, anh từ tốn: “Xin lỗi đồng chí, tôi...tôi buồn... quá mà mãi không tìm thấy cái nhà vệ sinh công cộng nào. Mong đồng chí thông cảm”. Viên cảnh sát giơ tay chào theo lối nhà binh rồi yêu cầu: “Xin bố cho xem giấy tờ”. Anh Phụng nắn nắn túi ngực, rồi bỗng nhớ ra quài tay lại túi quần sau móc ra cái ví. Anh mở ví đưa cho viên cảnh sát mảnh giấy rất cũ hình chữ nhật bằng bàn tay gấp đôi. Người cảnh sát mở ra đọc: “Giấy chứng nhận kiện tướng làm phân xanh...”. “Không phải giấy này” – cảnh sát trả lại và yêu cầu giấy tờ tùy thân. Anh lại lặng lẽ bỏ vào ví, lấy tờ khác, rồi nói: “Chỉ còn mỗi giấy này thôi”. Lần này viên cảnh sát phì cười, bảo: “ Đây là Giấy chứng nhận thoát nạn mù chữ, cấp từ năm 1957. Lẽ ra phải phạt vi cảnh vì bố đã tự tiện phóng uế ra đường phố. Nhưng thôi, lần này tha cho bố”... Đối với anh Phụng, nhiều khi một mảnh giấy không quan trọng lắm nhưng anh vẫn giữ trong ví của mình dễ đến hai mươi năm.

Từ ngày nghỉ hưu anh sưu tầm các đồ dùng gia đình chạy điện như radio, đài quay băng, quạt máy, ắc quy hỏng... về sửa chữa để mang ra Chợ Giời bán nhằm bổ sung cho đồng lương hưu còm cõi. Nhưng thực ra có bán chác gì được. Tất cả cũng chỉ để thỏa mãn cái trò nghịch ngợm máy móc điện đóm cho đỡ buồn thôi. Từ nhỏ, anh là người ham tri thức, nhưng cả thời kỳ thanh xuân đã vùi mình nơi biên viễn để mang cái chữ đến cho con em đồng bào dân tộc. Không có điều kiện để học hành nên trong quá trình công tác anh thường sưu tầm và đọc khá nhiểu sách kim, cổ đông, tây, nhưng không có hệ thống. Từ ngày về Hà Nội, anh rất thích quan hệ với những người có học thức, là tiến sĩ, giáo sư, nhà nghiên cứu này nọ. Cũng chỉ để thỉnh thoảng đến chơi, tán dóc cho vui. Anh biết, bây giờ tuổi đã cao, không còn thời gian làm được gì nữa.

Vào khoảng những năm cuối của thế kỷ trước, một hôm, mình và Đỗ Đăng Định, những người bạn chí cốt của anh Phụng ở Lào Cai về chơi thăm anh chị và các cháu . Anh bảo tối nay hai chú đi với tớ, đến chơi một nhà nghiên cứu tiềm năng con người nổi tiếng và mấy anh tiến sĩ vô tuyến điện. Mình bảo: “Ngại lắm anh ạ, mình học hàm, học vị chả có, lại là dân miền núi, vào những chỗ ấy chúng em cảm thấy cứ ngô ngố thế nào ấy...Anh bảo: “Cứ yên tâm, họ là nhà khoa học nên rất dễ hòa đồng. Đến uống cafe, tán chuyện trên giời dưới bể. Nếu ngại, các chú đừng nói gì, cứ để anh nói”. Thế là cơm tối rồi, hai thằng theo anh. Hai cái xe máy, ba anh em lượn ngoắt ngoéo mãi mới đến một căn hộ, bây giờ không còn nhớ ở phố nào. Trong một gian phòng nhỏ, có khoảng năm, sáu người đàn ông độ tuổi khoảng từ 35 đến 60. Anh bắt tay mọi người rồi giới thiệu: “Đây là hai thằng em tôi. Tiến sĩ Triết học Nguyễn Ngọc Dương mới du học ở Đức về. Còn đây là Kỹ sư vô tuyến điện Đỗ Đăng Định, Phó giám đốc Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Lào Cai”. Mình với Định hai thằng nhìn nhau, không dám mở mồm, ai hỏi câu gì thì cứ à à  ừ ừ cho xong chuyện và chỉ muốn đứng lên về sớm... Lúc về, mình trách: “Anh giới thiệu thế chết chúng em. Họ mà lôi học thuật ra hay xổ một tràng tiếng Đức thì toi...vì chả thằng nào biết ngoại ngữ”.

Anh Phụng cười tủm tỉm: Ở Hà Nội cứ phải thế họ mới nể.