Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nguyễn Bính, một thi sĩ suốt đời mắc bệnh tương tư

Vũ Bằng
Thứ bẩy ngày 1 tháng 6 năm 2013 5:12 AM

Hình như đa số các nhà văn đều theo một công lệ đã được vạch sẵn từ bao giờ không biết : là mỗi khi nhắc nhở đến một bạn đồng nghiệp nào khuất bóng thì hết lời ca ngợi và không quên nhắc đi nhắc lại là mình có cảm tình hết sức nồng hậu với nhà văn, nhà thơ đó .

Tôi muốn ăn ngay, nói thẳng hơn một chút. Về NGUYỄN BÍNH, tôi phải thú thực liền : tôi không có cảm tình với anh ta trong những buổi đầu gặp gỡ. Tôi nhớ rõ như mới ngày hôm qua : chúng tôi gặp nhau  lần đầu vào một ngày mưa dầm, tháng bảy. Mưa suốt đêm ngày, tôi ru rú ngồi sửa bài trên một căn gác nhỏ. Thâm Tâm, Trần Huyền Trân và Ngọc Giao đưa Nguyễn Bính đến thăm tôi , cả ba đều ướt, gặp ngày mưa lòng mình đã chán chường, lại thấy ba ông bạn đến thăm vào chính lúc mình không chờ đợi, tôi không thú mấy. Trần Huyền Trân, Ngọc Giao và Thâm Tâm là bạn quen biết trước, đến bất ngờ như thế không sao, nhưng Nguyễn Bính đối với tôi “nhất kiến vi kiến” tôi cảm thấy hơi khó chịu.

Đã thế, tôi lại thấy Nguyễn Bính không có cái duyên đối với riêng tôi, ngay từ câu xưng hô đầu tiên mà tôi cho là lố lỉnh. Bính nói :” Bính còn có vài bài thơ chưa được đăng đâu, để hôm nào rảnh, gửi anh đăng lên “Tiểu thuyết thứ bảy” hay “Phổ thông bán nguyệt san” tùy ý ! Lúc đó tôi còn trẻ, tôi hơi khó tính , thấy một người đàn ông con trai tự xưng tên mình lên với người quen như thế , tôi cho là không được. Ngay các cô thiếu nữ tự xưng tên mình như thế , tôi cũng đã không “thương” được rồi. Có lẽ chính tôi lố lỉnh vì có thành kiến về cách xưng hô như thế, nhưng đó là sự thực tôi cảm giác về Nguyễn Bính .

Sau đó ít lâu, tôi tìm đọc một vài bài thơ của Nguyễn Bính đăng trên “Hà nội báo” xem ra thế nào thì tôi vẫn duy trì ý kiến của tôi : không có cảm tình với Bính cả về người lẫn thơ. Tôi phải thú thực tôi là một người xem thơ không sành. Qua mấy bài thơ của Nguyễn Bính tôi được đọc, tôi thấy anh làm vè chứ không phải là thơ. Thơ, theo tôi quan niệm : phải kết tinh ý nghĩ trong ít lời, ít chữ, nhưng những chữ, những lời ấy mỗi mỗi phải là hình ảnh, đọc lên phải là nhạc gợi lên nhiều ý nghĩa sâu xa, lắng đọng . Nói một cách khác, tôi chỉ chịu những bài thơ khó khăn một chút , chớ làm dễ dàng , đọc dễ dàng thì tôi không tán thưởng. Đem ý kiến nầy ra bàn với Thanh Châu, Ngô Hoan các anh cũng tán thành ý kiến nầy, do đó tôi lại càng coi thường Nguyễn Bính ……

Cho đến một ngày kia, dự một cuộc hội thảo về thơ mới, thơ tự do ở “ngoài kia” tôi mới thấy hơi nao núng về quan niệm thơ của mình và bắt đầu ngờ Nguyễn Bính là một nhà thơ có tài thật, chớ không phải là một anh soạn vè .

Hôm ấy cuộc hội thảo gồm nhiều tay tiểu tư sản trong hàng ngũ kêu là “trí thức”. Nguyễn Đình Thi đưa vấn đề  Thơ mới ra hỏi anh em … vì Nguyễn Đình Thi  là một nhà thơ bênh vực thơ tự do, thơ mới đến kỳ cùng. Một số lớn anh em nói huỵch toẹt là “không thể thương được loại thơ kỳ cục đó”. Tôi còn nhớ Phan Khôi lửng khả, lửng khửng có nói sỗ như sau :”Tôi không có ý kiến khen chê gì hết, nhưng tôi chủ trương nên đổi tên thơ tự do ra làm : Thơ văn xuôi xuống dòng thì hơn . Một anh khác nói : Thơ mà không có nhạc, nói lăng nhăng, lít nhít thì gọi là thơ làm gì cho nhục chữ thơ đi, tôi thấy rằng muốn làm thơ gì cũng được, nhưng phải ngâm nga mới được, đọc lên một vài lần, tôi phải thấy réo rắc, uyển chuyển và làm cho tôi nhớ, để khi nào buồn tôi ngâm ngợi cho tôi nghe hay người khác nghe, thì mới có thể gọi là thơ. Nguyễn Đình Thi uất quá, xin một ý kiến của ông cụ.

Ông cụ bảo : Thế tôi hỏi chú câu nầy nhé ! Chú đã nghe thấy ăn mày họ kêu đường chưa ?

Mọi người ngạc nhiên, không biết ông cụ nói gì. Mãi sau mới biết : Ăn mày muốn lôi kéo người ta, làm cho người ta rung động, để cho tiền cũng phải làm thơ. Thơ của họ như thế nầy :” Lạy ông đi qua, lạy bà đi lại … cho tôi xin đồng tiền, bát gạo … con cá nó sống nhờ nước, con sống nhờ ơn của ông bà …..”

Chê Nguyễn Bính, người ta vẫn thuộc thơ Nguyễn Bính.

Cuộc hội thảo hôm ấy làm cho nhiều anh em buồn cười. Riêng tôi, còn nhớ rất lâu mỗi khi chợt nhớ đến thơ của Xuân Sanh, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Đình Thi … Ờ ! thơ như thế, có lẽ không là thơ thực , nhưng là một cái gì kỳ cục lạ thế, sao vè của Nguyễn Bính lại không thể là thơ được ? Mà thơ của Nguyễn Bính người ta đọc, người ta nhớ, người ta ngâm sao lại không bảo là thơ hay được ?

Bàn về nghệ thuật viết tiểu thuyết, ông Hàn Georges Duhamel đã viết :”Ôi chao, viết tiểu thuyết, ông muốn dùng ngôi thứ 1, ngôi thứ 2, thứ 3 tùy ý, ông viết theo kỹ thuật mới hay cũ, tùy ý luôn, độc giả chỉ cần có mỗi một điều là tiểu thuyết của ông cám dỗ tôi, làm cho tôi thích thú, thế là được, ngoài ra họ không cần gì cả, ngay cả sự ích lợi hay triết lý cao siêu mà ông muốn gói ghém trong tiểu thuyết “.

Có lẽ về thơ cũng thế. Từ đó để ý thêm một chút nữa, tôi thấy rằng trong các bạn bè tôi, một số rất đông vẫn chê thơ Nguyễn Bính là vè, là thơ dễ dãi, thơ “rẽ tiền”, tự nhiên , có hôm không biết lòng nao nao buồn, vì cơn cớ gì buộc miệng ngâm vang thơ Nguyễn Bính, mà chính vào những lúc ngâm nga như thế thì họ quên khuấy mất họ là những người chê bai Nguyễn Bính hăng say nhất. Tôi có thể nói rằng sau truyện Kiều, sau thơ Tản Đà có lẽ thơ Nguyễn Bính được nhiều người tìm đọc và ngâm nga nhất .

Có cô con gái ở vườn lên làm công cho người ta, lãnh tiền, lấy việc mua một tập “Lỡ bước sang ngang” của Nguyễn Bính là công việc “cần phải làm đầu tiên”. Buổi trưa oi bức, mẹ đưa võng ru con bằng thơ Nguyễn Bính, đi kháng chiến, đeo ba lô đi trong rừng ngâm thơ Nguyễn Bính luôn. Hai anh chị cán bộ đêm trăng ngồi ngoài sân thơm ngát mùi hoa bưởi trao tình cho nhau bằng thơ Nguyễn Bính, chị lái đò, cô hàng xén, bà bán rau cải, cô nữ sinh được ngày nghĩ về thăm nhà bên kia cầu Bến Lức, mấy ả phong lưu  những đêm thiếu bạn … chẳng vẫn thường ngâm một mình :

                              Lạ quá làm sao tôi cứ buồn.
                              Làm sao tôi cứ khổ luôn luôn.
                              Làm sao tôi cứ tương tư mãi.
                              Người đã cùng tôi lạt ước nguyền.

                                      Chị từ lỡ bước sang ngang,
                               Trời giông bão, giữa tràng giang lật thuyền.
                                       Xuôi dòng nước chảy liên miên.
                               Đưa thân thế chị đến miền đau thương,
                                       Mười năm gối hận bên giường.
                               Mười năm nước mắt, bữa thường chan canh.
                                       Mười năm đưa đón một mình.
                               Đào sâu chôn chặt mối tình đầu tiên.
                                       Mười năm lòng lạnh như tiền.
                               Tim đi hết máu, cái duyên không về .

                                 Tương tư thức mấy đêm rồi.
                            Biết ai cho biết, ai người biết cho.
                                 Bao giờ bến mới gặp đò.
                            Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau ?

Có thể nói rằng hầu hết các nhà văn, nhà thơ dù chê, dù không ưa Nguyễn Bính, cũng đều nhờ đại khái mấy câu thơ sau này của Bính, nó làm cho người ta không muốn nhớ mà phải nhớ, cũng như ta nhớ tục ngữ, ca dao vậy
                       
                                        Nhà em có một vườn trầu.
                                  Nhà anh có một hàng cau liên phòng,
                                        
                                         Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
                                         Một người chín nhớ mười trông một người.

                                   Trời mưa ở Huế sao buồn thế ?
                                   Cứ kéo dài ra đến mấy ngày.
                                   Xa xôi ai nhớ mà thương nhớ,
                                   Mà nhớ, mà thương đến thế nầy !

                                              Gió mưa là bệnh của trời.
                                              Tương tư là bệnh của tôi thương nàng .

Bệnh tương tư của NGUYỄN BÍNH .

Có lúc ngồi suy nghĩ về thơ Nguyễn Bính, tôi cố tìm hiểu tại sao Nguyễn Bính lại được ưa chuộng thế. Anh “ăn” vì hai đặc điểm :

1)- Anh đã nói lên tiếng nói chân thật của lòng với lời lẽ bình thường của dân gian, không cầu kỳ, không kênh kiệu.

2)- Anh đã nhắm chung vào cái bệnh của loài người là cái bệnh tương tư : trai gái tương tư nhau, người dân mất nước tương tư quê hương, người con gái lấy chông tương tư dòng sông cũ, người đàn ông không được yêu tương tư người yêu lý tưởng, người bị tình phụ tương tư người đã phụ mình … Có thể nói tất cả văn, thơ thời tiền chiến của Bính đều nhắm vào BỆNH đó. Sở dĩ được như thế, chính vì anh là người mắc bệnh đó thật, vì ai đã biết  Nguyễn Bính đều không chối cãi  được điều nầy : bắt gặp ai anh cũng mê, mê người thương mình, mê người có thể yêu thương được mà luôn cả những người mà mình không có quyền yêu thương. Yêu quá lố. mê quá xá, rốt cuộc không làm gì được thì tương tư. Người đàn bà trong “Lỡ bước sang ngang” mà Bính gọi là chị Trúc Đường là một người anh con chú, con bác với Bính. Trên con đường tản cư về khu Tư với tôi, xác nhận rằng chính “chị TRÚC” mà Bính nói đó là vợ, tức chị Trúc Đường, nhưng vì danh giáo không thể yêu như thế, nên Bính tủi hờn sầu khổ mà tạo nên bài thơ “Lỡ bước sang ngang”.

Có lúc tôi đã hỏi Trúc Đường :
-Thế Bính có biết rằng anh biết rõ là Bính yêu chị ấy không ?

Trúc Đường trả lời tôi :
-    Biết chứ, chính nó nói thực với tôi là khác. Nhưng tôi mặc kệ, bởi vì cái tính nó si mê như vậy, ngăn cấm nó có khi nó đi tự tử, mà tôi mặc kệ cũng không phải là không có cớ, vì tôi biết chắc rằng Bính cũng chỉ tiến tới cái mức mê vớ, mê vẫn thế thôi.

Câu chuyện mê chị Trúc chỉ là một điển hình.

Yêu những người mà đa số người cho là không đáng gởi tình yêu , Bính cũng si mê như thế. Bây giờ còn có những người bạn giao du với Bính lúc anh dời Bắc vào Nam và từng chung sống với anh thuật chuyện rằng có hôm Bính dành trọn ngày để làm một cái khung kính lồng một cái hình của một người kỹ nữ một đêm mà anh quen biết  và chính anh cũng biết sẽ không có còn có cơ hội gặp lại nữa. Rồi làm thơ thương nhớ, tương tư, y thể như bạn gái cố tri, ăn đời ở kiếp, có khi lại tủi thân khóc một mình hỏi người yêu sao không đến với mình, để ban cho mình một lời thương, một nụ cười :

                                     Xé bao nhiêu lụa rồi,
                                     Em không cười nửa tiếng.
                                     Đốt bao nhiêu lửa trời.
                                     Em không cười nửa tiếng.

Bảo là gàn thì Nguyễn Bính quả là một thi sĩ gàn : đầu thì bù, ăn mặc xốc xa, xốc xếch, đi thì nhìn lên trời mà nhìn ngang, ăn nói bướng không chịu được, nhưng khó chịu nhất là bập vào cô nào cũng mê và tưởng tượng người ta cũng yêu anh lắm. Cái mối tình “Tú Uyên” cũng là một thứ tình vẫn vơ như thế . Nguyên hồi ấy Nguyễn Bính ở chung gác trọ với Thâm Tâm và Trần Huyền Trân. Cả ba cùng là tay mơ, có tiền đi hát. Vớ vẩn Bính quen với một cô đầu đội đèn, tên là Ngọ. Thi vị hóa cô ả, Bính đặt tên là Tú Uyên, bịa là nàng theo đạo Thiên Chúa và làm thơ xin Chúa cho được lấy nhau :

                                Lậy Chúa con xin Chúa một giờ.
                                Mười hai giờ Ngọ của tình xưa.
                                Hai đứa con đây : Uyên và Bính.
                                Thường hẹn hò những buổi ban trưa.
                                 . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
                                Chuông ngọ từng hồi chuông ngọ đổ.
                                Từng hồi chuông ngọ đổ chơi vơi.
                                Con nghe chuông đổ rồi con khóc.
                                Cứu rỗi linh hồn con ! Chúa ơi !

Theo chỗ biết của riêng tôi thì chính Thâm Tâm và Trần Huyền Trân đã xếp đặt và thần thánh hóa cô Ngọ để Bính say mê làm một trò cười, nhưng chính Bính , có lẽ đến lúc chết cũng vẫn không biết thế và vẫn cứ yêu người đẹp Tú Uyên.

Về cái bệnh tương tư vơ vẫn của Bính, thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã có lần nói lên những ý nghĩ tương tự tôi vừa nói trên kia. Nhưng dù sao, ta cũng phải nhận rằng chính cái bệnh ấy đã góp cho phần lớn sự phát triển thi tài của Bính, để giúp cho Bính nói ra được một khía cạnh của lòng u uẩn muôn đời của con người.

Nhưng mề đay nào mà chẳng có hai mặt ? Vì cứ yêu vớ vẩn, bạ ai cũng tương tư như thế nên Nguyễn Bính nhiều phen đã thành ra chính nạn nhân bịnh tương tư của mình. Đó là trường hợp lúc Bính dời Bắc vào Nam, sống nhờ vào nhà một ông công chức ở Rạch Giá, có lẽ Bính thực thà tin rằng “mình có trái tim thì không ai có quyền cấm mình yêu, ngăn mình nhớ … “, nên ông công chức nọ ghen với Bính… Thêm nữa bà vợ ông công chức  cả ngày ru con, rửa chén, rửa đủa lại cứ ngâm xa xả thơ của Bính, nên ông công chức nọ chịu không được, phải mời Bính ra khỏi nhà.

Đây là cái đoạn đời cực khổ nhất của Bính : anh phải ra ở đình Nguyễn Trung Trực, ngủ ở sân gạch, không có một cái sơ mi lành lặn để mặc, mặc quần cụt, đi guốc lê la ở Rạch Giá, điếu thuốc không có mà hút, chén cơm nhiều khi không có mà ăn. Tất cả gia tài của Bính thu vào mấy cuốn sách và một hai cái áo gói vào tấm giấy nhật trình. Cả tháng không tắm, Bính mỗi buổi sáng thức dậy lại ra một cái cầu tre ở trước đình Nguyễn Trung Trực vục tay xuống sông rửa mặt và lấy năm đầu ngón tay làm lược chài đầu.

Đoạn đời nầy, thi sĩ Kiên Giang hiểu rõ Bính hơn ai hết vì chính anh đã sống với Bính và “cưu mang” Bính. Chính Kiên Giang đã viết về Bính trong thời kỳ ấy như sau :

“ Sau khi biết tình cảnh của Bính, tôi bàn cùng Bính nên tìm một nơi nào khác mà ở để còn viết lách. Cả hai đồng ý thuê một ngôi nhà của ông giữ sân banh Rạch Giá. Ngôi nhà nầy chỉ hơn được cái nóp một chút thôi, nghĩa là siêu vẹo, tiều tụy như một ngôi nhà hoang . Người ta phải dùng một cây đòn lớn để chống đỡ hàng cột giữa, hàng ba, hàng nhì. Chỉ có ba hàng cột mà hàng nào cũng siêu cả thì không hiểu có nên gọi cái nhà nầy là cái nhà không ? Thôi cứ tạm gọi là Lều Thơ cũng được. “

Đặc biệt nhất là Nguyễn Bính khổ cách mấy cũng không phàn nàn. Hình như anh thành thực quan niệm rằng cái kiếp nhà thơ là phải nghèo, phải khổ, đó là một định luật không nên oán thán. Anh chỉ oán lòng người bạc ác, cam đành hưởng thụ vinh hoa phú quý ở bên cạnh những đồng bào cực khổ, nghèo nàn hoặc những người bạn ngày nào bây giờ sung sướng đã quên mất người bạn thuở hàn vi, đói rách với nhau :

                                   Từ độ về đây sống rất nghèo.
                                   Bạn bè chỉ có gió trăng theo.
                                   Những thằng bất nghĩa xin đừng đến.
                                   Hãy để thềm ta xanh sắc rêu !
                                   . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
                                   Trọc phú tí toe bàn thế sự,
                                   Đĩ già tập tểnh nói văn chương .
                                   Đã coi đồng bạc to hơn núi.
                                   Còn học đòi theo thói Mạnh Thường .
                                    . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
                                   Chao ôi, giả dối, ôi mai mỉa.
                                   Sống chật phồn hoa, một lũ Mường.
                                   Chị ơi ! tất cả là vô nghĩa.
                                   Chả nhiễu điều nào phủ giá gương.
                                    . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
                                   Tay trắng bạn bè đều tránh mặt,
                                   Sa cơ, thân thích cũng khinh thường,
                                   Sông lạnh, thấy đâu người gọi gió.
                                   Trăng tà … tìm mãi kẻ mài gươm .

MÀI GƯƠM vẫn không hết tương tư .

Phân tích Nguyễn Bính, nhiều người bạn còn sống bây giờ quan niệm Nguyễn Bính chỉ là một người có tinh thần cách mạng chứ không phải là một người hành động. Tinh thần cách mạng ấy bắt nguồn từ chổ mới ra đời anh đã thấy cảnh giàu nghèo bất công và người ta có thể nói rằng cái tinh thần ấy đã bàng bạc trong vở kịch đầu tiên của anh viết với Yến Lan, một thi sĩ miền Trung, nhan đề là : BÓNG GIAI NHÂN.
                               
Chính Nguyễn Bính đã trình diễn vở kịch nầy lần đầu tiên ở Hải Phòng cùng với Thâm Tâm, Trần Huyền Trân và Vũ Hoàng Chương. Trần Huyền Trân thủ vai đạo sĩ, Vũ Hoàng Chương vai tráng sĩ, còn Nguyễn Bính thủ vai mài gươm trong kịch.

Đến cái người mài gươm, tượng trưng cho tinh thần cách mạng, Nguyễn Bính vẫn không được cái bệnh tương tư cổ truyền, thỉnh thoảng trong kịch lại có một “bóng giai nhân” hiện lên không nói năng gì, nhưng ai cũng biết cái anh mài gươm kia nung nấu chí báo thù chỉ là vì hình bóng giai nhân đó .

Tôi không hiểu trong đời sống thực, Nguyễn Bính sau thời kỳ ở Rạch Giá ra bưng theo kháng chiến là vì lòng yêu nước hay là vì bóng giai nhân nào, nhưng anh em đều nhận thức rằng : đến giai đoạn nầy thì thơ Nguyễn Bính chuyển hướng.

Không phải chuyển hướng về từ, nhưng về ý .

Thơ Nguyễn Bính vẫn dài dòng như cũ, từ vẫn đẹp như cũ, nhưng ý thì khác trước, thay vì những vần nhớ nhung, than khóc, bắt đầu từ thời kỳ ra bưng kháng chiến chống Pháp năm 1947 – 1948, Nguyễn Bính bắt đầu làm những bài thơ hùng mạnh như : “Xuân vẫn tha hương”, “Hành phương Nam”, “Đồng Tháp Mười”, nhưng thực ra trong đời sống thực, Nguyễn Bính không có mấy lúc được vui vẽ, thảnh thơi vì anh không chịu sống trong khuôn nếp, sống theo qui luật, há chẳng phải Bính vẫn thường nói với các bạn bè thân ở ngoài bưng rằng : lề lối chỉ đạo văn nghệ ở “ngoài nầy” đã bóp méo hứng cảm của thi sĩ ?

Sau hiệp định Geneve, Nguyễn Bính để lại một người vợ miền Nam ở lại Sài gòn trở ra Bắc cùng với một số cán bộ văn nghệ tập kết, nhưng vốn là người “sống ở trên mây”, “có nhiều chất thơ hơn người”. Nguyễn Bính vẫn cứ bất mãn như thường. Điển hình cho lòng bất mãn nầy có người thường đọc lại mấy câu thơ sau đây của Nguyễn Bính trích trong bài “Tiếng sáo diều” :

                              Kịp ngày cải cách quê tôi,
                          Nỗi oan cha muốn kêu trời, trời cao .
                              Đêm dài mờ mịt trăng sao .
                          Cánh đồng quê, tiếng sáo diều bật tăm.
                              Bụi đầy, miệng sáo nín câm.
                           Dây treo, chuột cắn, khung nằm, mối xông .

Trong thời kỳ nầy, ở đây thỉnh thoảng do nguồn tin nầy, do nguồn tin khác, tôi nghe thấy nói Nguyễn Bính đau, rồi xuất bản tạp chí “Trăm Hoa”, rồi “tỉnh giấc chiêm bao” cuộc đời Bính như bèo trôi trên nước phù sa, nhưng tôi không lấy làm ngạc nhiên quá mức.

Một người như Bính là một thứ Tản Đà thu nhỏ lại, chỉ để ngồi uống rượu, làm thơ, hút thuốc lào vặt và nói ngông ngênh, kênh kiệu, tô điểm cho đời thêm đẹp và thỉnh thoảng lại gẩy lên trong lòng người ta một khúc nhạc đầm ấm, lâm ly thì quả không chê vào đâu được, nhưng Tản Đà mà làm báo, Nguyễn Bính lại tổ chức “Văn Hóa Cứu Quốc Rạch Giá” và làm chính trị thì chỉ có thất bại và bất mãn, thêm nữa lại mất một tên tuổi đã từng tạo được những câu thơ đẹp như là những ca dao ngày xưa để lại ;

                                   Nhà em có một giàn trầu.
                              Nhà anh có một giàn cau liên phòng.
                                   Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông.
                              Cau thôn Đoài nhớ giàn không thôn nào ?

                                    Bảo rằng cách trở đò giang.
                               Không sang là chẳng đường sang đã đành.
                                     Nhưng đây cách trở đầu đình,
                               Có xa xôi mấy, mà tình xa xôi !

                                     Thế là tàn một giấc mơ,
                               Thế là cả một bài thơ não nùng,
                                     Tuổi son, má đỏ, môi hồng.
                               Bước chân về đến nhà chồng là thôi,
                                      Đêm qua mưa gió đầy trời,
                               Trong hồn chị có một người đi qua .

Thay vì những câu thơ đẹp nõn nà như thế mà lại đi sáng tạo những câu thơ tuyên truyền như :

                                       Chim kia có cánh thì bay,
                                   Con ơi ! có nước thì mày phải thương .

                                        Thà rằng chết ở chiến trường,
                                   Còn hơn chết ở trên giường thê nhi.

                                         Hỡi ai dòng giống Lạc Hồng,
                                    Hãy hy sinh hết cho nòi giống ta,
                                          Hãy nên vì nước , quên nhà.
                                    Coi thường thân sống, mới là trượng phu.

Lang thang tìm một hướng đi, Nguyễn Bính thất vọng lại trở về thất vọng, rút lại đến những ngày cuối cùng anh lại trở lại làm người thi sĩ của thời tiền kháng chiến và lại tương tư, rồi cứ tương tư như thế cho đến chết :

                                    Trông vời viễn núi xa xanh,
                              Tưởng trông rõ mái nhà mình phương Nam.
                                    Tưởng chừng người vợ tào khang,
                              Đương nhìn lên thấy sao nàng nhớ anh.

                                     Trong mơ con bú chưa rồi.
                              Lưỡi con đưa đẩy, đôi môi còn thèm.
                                     Giật mình con bỗng thét lên,
                              Hai tay chới với quơ tìm mẹ đâu !

         Biết bao tâm sự, mấy chờ mong.
         Bến cũ, đò xưa chuyện thủy chung .(1)

Một cuộc đời rút lại còn mấy tập thơ .

Lúc Nguyễn Bính mất đi, có người thương xót anh, bàn rằng anh là một người “ra tê”, một người không may trên đường văn nghiệp, vì “cái mới đến rồi nhưng chưa ở lại hẳn, còn cái cũ vẫn còn ở lại, chưa chịu dứt ra mà đi, hơn thế Bính chưa thấy hết cái bản chất cách mạng của cái mới cho nên ông không đủ lửa thật cháy để truyền vào thơ ông “

Suy luận về đời thơ Nguyễn Bính như thế cũng có phần nào đúng, nhưng đứng hẳn về phương diện văn nghệ thuần túy thật quả là tội cho Nguyễn Bính. Cả một đời không được hưởng thụ một chút gì, chỉ lang thang, vất vưởng đi tìm một lối đi như một người mù rồi đến chung cục thì lầm, quay lại với cái tôi của chính mình thì đã muộn. Phải chi Nguyễn Bính biết được cái mạnh và cái yếu của mình, giữ lấy cái mạnh và không chạy theo cái yếu thì đời thơ của Bính chắc còn phong phú hơn nhiều , chớ đâu cả một đời vất vả lao đao chỉ thu vào có chừng ngót một trăm bài thơ in thành vài tập mỏng , một vở kịch và một truyện dài không quá 80 trang in ?

Nói như thế không phải là trách cứ, nhưng đó là cả một sự xót xa. Nguyễn Bính một thi sĩ bình dân nhất, có nhiều thơ được truyền tụng nhất, nhưng chung thân không may mắn một lúc nào. Bây giờ các cô nội trợ, các bà, các sinh viên, nữ sinh, các anh em chiến sĩ ngâm thơ thép súng, nhưng khi buồn vẫn hát bài thơ phổ nhạc “Cô lái đò” của Bính, có lúc nào sực nhớ  rằng người đã giúp cho bạn ngâm những câu thích thú cho lòng, người đã vì nợ áo cơm phải trả đến hình hài đó, chỉ là một thứ Francois Villon sa đâu là nhà , ngã đâu là giường, chỉ ao ước có một tình yêu thành thực mà không bao giờ có, không bao giờ được ? không ai thèm ban cho ?

                                Ở chòi hẹp, nhưng hồn trùm vũ trụ.
                                Trái tim đau nhưng thương cả loài người.
                                . . . . . Mắt quần lại, đêm đêm ròng rã thức.
                                 Da xanh xao vì muỗi thật nhiều.

                                        Nầy của riêng, soát lại có bao nhiêu.
                                        Chiếc khăn tắm, bộ áo quần trong nóp.
                                        Ba năm rồi chưa xỏ chân vào guốc,
                                        Ăn cơm thiu vì ẩm ướt mưa đêm.

Có phải vì thế, muốn làm thơ kháng chiến đến chừng nào, Nguyễn Bính vẫn không thể bật lên mà cho đến bây giờ, người ta còn thương Nguyễn Bính, yêu thơ Nguyễn Bính chỉ là những câu thơ chứa chất một tấm lòng tương tư não nùng, lê thê có từ ngày xưa và sẽ còn tồn tại mãi đến ngàn sau .

                                Trăm năm đã lỡ hẹn hò,
                           Cây đa bến cũ, con đò còn không ?
                                Tình cờ gặp giữa phố Đông.
                           Em đi ríu rít, tay chồng, tay con.
                                Nét cười âu yếm, môi son.
                            Áo bay nhắc buổi trăng tròn sánh vai.
                                      Chín năm bão tối mưa ngày.
                            Nước non để có hôm nay sáng trời.
                                       Em đi hạnh phúc hồng tươi,
                            Anh nhìn tận mắt cuộc đời đẹp thay !
                                        . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
                                       Anh về viết lại thơ anh.
                             Để cho bến mắt cây xanh đôi bờ,
                                       Cho sông, cho nước tự giờ,
                             Chẳng còn lỡ chuyện con đò sang ngang (2)

                                       Sài gòn tháng Bẩy 1969  VŨ BẰNG

(1)    Mấy câu thơ nầy trích tập “Đêm sao sáng” của Nguyễn Bính do “Văn Học” xuất bản ở Hà Nội năm 1963. Ba năm sau khi xuất bản tập thơ nầy Nguyễn Bính mất ở Hà Nội (20-01-1966).

(2)    “Tỉnh giấc chiêm bao” đăng trong báo Trăm Hoa xuất bản tại Hà Nội ngày 09-12-1956.

                                       Trích tạp chí “ VĂN ‘ số 189 xuất bản tại Sài gòn.